Ám ảnh nguồn nước dùng ở làng 41 người chết vì ung thư
Trong gân 10 năm, từ năm 2008 đến tháng 4.2017, làng Vân Hòa, xã Triệu Hòa (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) có tới 41 người chết vì bệnh ung thư. Con số và căn bệnh này đang khiến người dân ở Vân Hòa vô cùng hoang mang.
Ngôi làng buồn
Sáng 24.4, phóng viên Báo NTNN đặt chân tới ngôi làng mà người ta thường đồn đại là “làng ung thư”. Làng có 420 hộ dân với 2.000 khẩu, đường làng đa số đường đất, ổ trâu, ổ voi chằng chịt. Ngôi làng nằm trải dài hơn 3km ven con sông Vĩnh Định có màu nước đục ngầu, bốc mùi hôi thối. Trên mặt sông xuất hiện rác, xác động vật thối sình. Vân Hòa có không ít những ngôi nhà lụp xụp, hàng quán thưa thớt, lộ rõ vùng quê nghèo khó.
Bể nước bơm lên từ giếng khoan của người dân thôn Vân Hóa bị cáu bẩn, hôi thối nồng nặc. Ảnh: N.V
Ông Phan Quang Giải – Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết, đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, đề xuất các giải pháp lâu dài giúp nhân dân thôn Vân Hòa ổn định cuộc sống.
Ngôi làng này có giếng khoan kỳ lạ của gia đình ông Trương Xuân Hiến (57 tuổi) bốc cháy đã 10 năm nay. Giếng khoan ông Hiến đào năm 2007, sâu 40m. Khi mồi lửa thì miệng giếng sẽ bốc cháy, ngọn lửa xanh rờn. Chuyện lạ có thật xuất hiện ở làng nhưng chẳng ai lấy làm vui, trái lại họ càng thêm lo lắng.
“Cả làng này có đến 80% hộ dân dùng nước giếng khoan nhưng đều bị ô nhiễm nặng nề. Vì dùng nguồn nước ô nhiễm nên số người chết do ung thư rất nhiều. Dân chúng hoang mang lắm” – ông Trương Quốc Dũng (đội 4, thôn Vân Hòa, Triệu Hòa) buồn rầu.
Ngôi nhà cấp bốn cũ nát của bà Nguyễn Thị Trì (65 tuổi, ở đội 4) chẳng có gì đáng giá. Thứ quý giá nhất của bà là đứa cháu nội đang học lớp 5. Bà chỉ có duy nhất một người con trai tên Trương Đình Diện. Thế nhưng, cuối năm 2009 bà đưa con lên bệnh viện khám và đau đớn nghe bác sĩ thông báo anh Diện bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Thương con, bà vay mượn khắp làng trên xóm dưới, bán tất cả mọi thứ trong nhà lo chạy chữa cho con. Thế nhưng, đầu năm 2010 anh Diện trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 33, để lại con trai lúc đó mới 4 tuổi.
Mong muốn của người dân thôn Vân Hòa là được đầu tư nguồn nước sạch sử dụng. Ảnh: N.V
“Ba nó mất đi, hai bà cháu tôi rau cháo qua ngày. Nhưng, tôi sợ cứ sử dụng nước bẩn này hoài thì đứa cháu tôi cũng sẽ mắc bệnh. Tôi già rồi, chết chẳng sao. Nhưng nó còn trẻ dại, tương lai phía trước, lỡ mắc bệnh chỉ vì dùng nước bẩn thì quá oan uổng” – bà Trì đau đớn nói.
Ông Lương Chí Hòa – Trưởng thôn Vân Hòa cho biết, thống kê từ năm 2008 đến tháng 4.2017 thôn có 103 người chết, trong đó 41 người chết do bệnh ung thư. Hiện có 4 người cũng bị ung thư, bệnh viện trả về chờ chết. Người chết do ung thư ở làng tuổi từ 30 đến 50 chiếm đa số. Có những gia đình cả hai cha con đều chết vì ung thư. Họ ra đi bỏ lại vợ con khốn khó trăm bề.
Video đang HOT
“Làng này đám ma nhiều hơn đám cưới. Chỉ trong vòng 17 ngày từ 12 đến 29 tháng 3.2017 có đến 3 người chết vì ung thư. Nhân dân ở đây hoang mang tột độ” – ông Hòa nói.
Dân tính bỏ làng
Con trai qua đời vì bệnh ung thư, bà Nguyễn Thị Trì (thôn Vân Hòa) phải nuôi đứa cháu ăn học. Ảnh: N.V
Người dân và chính quyền nơi đây cho rằng, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến người dân bị bệnh ung thư. Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, nguồn nước bơm lên từ giếng khoan độ sâu 15-20m có mùi hôi thối nồng nặc. Khi vừa bơm lên, nhìn trực quan nước khá trong, nhưng để một lúc nước chuyển đục, đóng váng rồi dần chuyển thành màu đen đặc như nhựa đường. Khi đun nước sôi, để lắng thì quanh thành xoong bị đóng một lớp màu trắng, để lâu sẽ cứng lại như vôi. Ở các bể chứa tại nhà người dân, nước đục ngầu, bên dưới lắng cặn bùn đất rất bẩn. Dùng nguồn nước này giặt áo trắng sẽ thành áo đỏ, nên trừ học sinh thì người trong làng hiếm khi mặc áo trắng.
Ông Dũng nhận định, sông Vĩnh Định có con đập khiến dòng sông bị chặn lại như chiếc ao tù. Người dân thiếu ý thức vứt xác động vật, rác thải xuống sông gây ô nhiễm. Giếng khoan nằm gần sông nên thẩm thấu nước sông gây ô nhiễm.Ông Nguyễn Đình Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Hòa cho biết, hai năm nay, vì quá sợ hãi nên người dân phải mua nước lọc về dùng, rất tốn kém. “Chúng tôi xác định người dân sử dụng nguồn nước ô nhiễm từ giếng khoan nhiều năm mới dẫn đến bệnh ung thư. Người dân đang rất hoang mang, nhiều lần kiến nghị cấp trên quan tâm đầu tư cho nguồn nước sạch, nếu không sẽ bỏ làng” – ông Dũng nói.
Cuối tháng 3.2017 người dân thôn Vân Hòa đồng loạt ký đơn cầu cứu gửi các cấp chính quyền. Ngày 11.4, UBND tỉnh Quảng Trị đã hồi âm chỉ đạo UBND huyện Triệu Phong phối hợp các ngành chức năng kiểm tra, báo cáo sự việc.
Theo Danviet
Sau 2 năm, ngôi làng gần 70% trẻ em nhiễm độc chì giờ ra sao?
Sau đợt công bố gần 70% trẻ trong làng nhiễm độc chì gây hoang mang, các xưởng tái chế chì đã được đưa ra khỏi khu dân cư. Gần 2 năm sau trở lại làng tái chế chì, vẫn còn nhiều nỗi lo, đặc biệt là sự chủ quan của người làng.
Ô nhiễm đã được giải quyết?
Tháng 5/2015, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường đã về khám bệnh cho dân làng tái chế chì Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Hồi đó, Viện Sức khỏe công bố con số gần 70% trẻ em ở Đông Mai nhiễm độc chì khiến dư luận sửng sốt.
Kết quả lấy mẫu xét nghiệm nồng độ chì máu của Viện cho 618 người, (283 người lớn và 335 trẻ em). Trong đó có tới 207 (chiếm 66,7%) trẻ bị ngộ độc chì ở mức độ nhẹ. Đối với người lớn, thì có tới 99,1% người lao động có nồng độ chì máu vượt mức cho phép.
Nghề tái chế chì ở Đông Mai. Ảnh: TL
Chúng tôi trở lại làng Đông Mai, không còn các cơ sở tái chế trong khu dân cư như một vài năm trước đây. Xưởng tái chế chì đã được di chuyển ra cụm công nghiệp làng nghề Đông Mai cách khu dân cư vài km.
Tuy nhiên, kể từ ngày đó đến nay để loại trừ chì ra khỏi môi trường sinh sống hàng ngày của người dân hiện nay chưa có một đánh giá cụ thể nào.
Rác, xác chết động vật bao vây người dân Đông Mai. Ảnh: HP
Không còn mùi a xít, không còn những cột khói len lỏi trong khu nhà dân, nhưng đất đai làng Đông Mai vẫn một màu đen thẫm.
Trước mặt nhà văn hóa Đông Mai là một hồ nước lớn. Điều đáng nói là nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rác, xác động vật chết dạt về một góc hồ. Ở vị trí khác, người dân vẫn vô tư rửa rau, giặt quần áo.
Người dân sử dụng nguồn nước đen kịp này để rửa rau. Ảnh:HP
Ông Đinh Bá Thúc 65 tuổi ở Đông Mai cho biết: "Nước hồ màu đen không biết có phải do trước đây chì ngấm xuống đất hay không nhưng không ít ống xả vệ sinh của một số gia đình gần đây xả thẳng vào hồ".
Chủ quan
Ông Thúc cho biết, người làng làm nghề tái chế chì đã vài chục năm trước, có những thời điểm gần 2000 người làng tham gia việc này. "Chẳng có ai đi khám gì cả. Mấy lần có đoàn bác sỹ nghe nói ở bệnh viện Bạch Mai về kiểm tra thì bà con mới đi kiểm tra. Xong đợt đó lại thôi, không ai tự đến bệnh viện để kiểm tra mình hết độc hay chưa. Mọi người vẫn sống, khỏe mạnh, làm việc bình thường".
Sau khi phát hiện nhiều người làng bị nhiễm độc chì, ông Thúc cho biết có nghe thông tin cơ quan chức năng sẽ tiến hay thau rửa đất đai của làng. "Chỉ nghe nói, nhưng từ ngày ấy đến giờ chưa thấy làm", ông Thúc nói.
Một cuộc kiểm tra sức khỏe tháng 5/2015 cho thấy gần 70% trẻ em làng Đông Mai bị nhiễm độc chì. Ảnh:HP
Cũng theo ông Thúc, trước đây người dân chủ yếu dùng nước giếng. Bây giờ, người dân Đông Mai đã có nước máy. Tuy nhiên, "nước máy chủ yếu để ăn, còn rửa tắm giặt vẫn dùng nước giếng", ông Thúc nói.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, 50 tuổi ở Đông Mai cho biết: "Hồi đó, khi y tế trung ương về làng, các cháu nhà tôi đều được kiểm tra. Kết quả cả mấy đứa đều bị nhiễm độc chì. Họ đã phát thuốc uống trong 2 tháng. Sau đó có một lần kiểm tra lại. Độ nhiễm độc đã giảm. Từ đó, gia đình tôi cũng chưa cho các cháu đi kiểm tra sức khỏe thêm lần nào nữa".
Bà Hạnh cho biết, trước đây các con trai của bà đều tham gia làm trong các cở sở tái chế chì. Sau lần công bố nhiễm độc chì của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, các con của bà đều bỏ nghề này để đi làm công nhân.
Bà Hạnh cho biết, các cháu của bà cũng bị nhiễm độc từ kết luận của đoàn kiểm tra và được cấp miễn phí thuốc giải độc. Từ đó, cũng chưa một lần gia đình cho các cháu đi kiểm tra lại. Ảnh:HP
Hiện nay, nguồn tiền chính của người Đông Mai vẫn từ nghề tái chế chì từ ắc quy cũ. Ông Thúc nhẩm tính có vài trăm người kiếm sống bằng nghề này. Công việc tái chế chì tuy không còn diễn ra ngay trong khu dân cư, nhưng với việc một thời gian dài trước đây, người làng phá dỡ bình ắc quy đã xả thải ra môi trường một lượng lớn a xít ngấm vào lòng đất và nước ngầm qua nhiều năm.
Đặc biệt, hoạt động nấu các lá chì cũ để tái chế đã phát thải khói bụi độc hại làm ô nhiễm nặng nguồn không khí, đất và nước ngầm của cả thôn
Chúng tôi rời làng Đông Mai, cụ bà Nguyễn Thị Hiền vô tư bảo: "Tôi năm nay đã 80 tuổi, vẫn khỏe mạnh đây. Có làm sao đâu. Vả lại, bây giờ người ta gom lại thành một khu tập trung cách xa làng rồi. Yên tâm rồi. Không vấn đề gì nữa đâu".
Theo Hà Phương
Gia đình & Xã hội
Tranh cãi nghi vấn "làng ung thư" Nhiều chuyên gia cho rằng chưa đủ căn cứ kết luận 10 "làng ung thư" với nguyên nhân có thể do nguồn nước bị ô nhiễm nặng nhất được công bố bởi Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung - Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tại kết quả công bố mới đây của Cục Quản lý môi...