Ám ảnh đoạn đường 8km đi mất 6 tiếng ở TP.HCM
Muốn đi qua đoạn đường 8km xung quanh vòng xoay Mỹ Thủy, TP.HCM, tài xế xác định phải mang theo đồ ăn phòng những trận kẹt xe có thể kéo dài đến 6 tiếng.
2 tiếng đi được 500m
“Bác tài, thính giả điện thoại có 4 số cuối là xxxx, phóng viên… cho biết đường Võ Chí Công xe cộ xếp hàng dài từ cầu Phú Mỹ, cầu Bà Cua đến vòng xoay Mỹ Thủy hay đường Đồng Văn Cống đến nút giao thông…” là những thông tin thường xuyên được đài VOV Giao thông ở TP.HCM phát thanh hàng ngày vào các giờ cao điểm sáng, trưa, chiều về tình hình giao thông khu vực vòng xoay bị nhiều người đánh giá là ám ảnh nhất Sài Gòn. Với cánh tài xế xe chở container, xe tải ngày nào cũng qua cung đường này thì cảnh thường xuyên bị ùn tắc 5-6 giờ, ăn ngủ tại chỗ đã quá quen thuộc.
Với quãng đường 8km, sau 6 giờ di chuyển tài xế Lê Quang Thành mới thoát khỏi kẹt xe để vào cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Các tuyến đường tới nút giao thông Mỹ Thủy, quận 2 đều kẹt xe kéo dài nhiều thời điểm. Đồ họa: Nhân Lê.
Vào một ngày giữa tuần cuối tháng 12.2017, anh Lê Quang Thành lái xe tải chở gạo từ huyện Cai Lậy, Tiền Giang đi Đồng Nai nhập hàng. Sáng sớm, anh chạy trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương đến đường Nguyễn Văn Linh rất thuận lợi. Tuy nhiên, đến 11h30 khi xe tới giao lộ Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Lương Bằng (quận 7) để chuẩn bị lên đường dẫn cầu Phú Mỹ, anh và nhiều đồng nghiệp khác bị chôn chân tại đây gần 2 giờ đồng hồ.
Khi xe vào đường dẫn, phía trước mặt anh là hàng nghìn xe chở container, xe tải, ôtô lớn nhỏ đang khựng lại. 15h chiều xe anh mới tới chân cầu Phú Mỹ, mất 2 giờ cho quãng đường 500m. Thời gian dùng cơm trưa đã qua, lại không mang theo đồ ăn anh phải mua bánh mì kem của những người bán hàng rong lót dạ. Từ chân cầu dây văng lớn nhất TP.HCM lên đến giữa cầu, tính cả thời gian chờ, xe anh phải “bò” mất 1 giờ đồng hồ nữa.
Khi lên đến đỉnh cầu, xe tiếp tục bị di chuyển kiểu rùa bò hoặc khựng lại chờ. Tài xế quê Tiền Giang tỏ ra khá sốt ruột khi kế hoạch giao hàng xong trở về nhà vào buổi chiều dường như đã “phá sản”.
Quãng đường tới vòng xoay Mỹ Thủy rồi vào cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây để thoát khỏi kẹt xe dài khoảng 4,5km tài xế này mất thêm 1,5 giờ nữa.
Nếu tính từ khi bị khựng lại trên đường Nguyễn Văn Linh (đoạn trước Trung tâm Hội chợ triển lãm Sài Gòn) lúc 11h30 sáng, đến 17h30 xe anh Thành mới tới công trình cầu vượt, hầm chui nút giao thông Mỹ Thủy để vào cao tốc. Hai điểm này cách nhau gần 8 km nhưng anh mất tới 6 giờ để di chuyển.
Trường hợp của anh Thành là một tài xế điển hình cho hàng nghìn tài xế thường xuyên phải chạy xe qua con đường bộ độc đạo, nơi các xe tải trọng lớn lưu thông giữa các tỉnh miền Tây với các tỉnh Đông Nam bộ.
Vợ chồng ông Lợi nhích từng chút một trên đường Đồng Văn Cống suốt 3 giờ đồng hồ mới di chuyển đến nút giao thông Mỹ Thủy
Cũng một ngày cuối tháng 12.2017, vợ chồng ông Nguyễn Tấn Lợi – bà Lê Thị Hiền tuy di chuyển bằng ôtô 4 chỗ nhưng luôn bị các xe lớn bao vây xung quanh không thể thoát được, kẹt cứng giữa dốc cầu Phú Mỹ. Ông Nguyễn Tấn Lợi cho biết hai vợ chồng thời gian trước hay chọn đường này để đi từ Bến Tre về Bà Rịa – Vũng Tàu bởi chỉ mất khoảng 3,5 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, hôm nay từ 15h chiều đến 18h30 họ vẫn chưa thoát khỏi cung đường này.
“Cứ tưởng di chuyển bằng xe nhỏ sẽ nhanh qua đoạn đường này như những lần trước nên chúng tôi không đi hướng qua hầm Thủ Thiêm vào cao tốc về quốc lộ 51. Ở đây đường có hai làn xe luôn trong tình trạng dừng khin khít nhau, tiến không được, lùi cũng không xong nên đành phải chịu trận”, ông Lợi bức xúc.
Riêng anh Đỗ Thành Phương chia sẻ cứ 3 ngày anh lại chở hàng qua Cát Lái, nhiều lần anh thường để tài xế đi cùng cầm lái còn mình đi bộ từ chỗ bắt đầu bị kẹt đến cảng.
“Có lần, 13h chiều xe tới giao lộ Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Lương Bằng chuẩn bị vào đường dẫn để qua cầu Phú Mỹ thì kẹt cứng, biết chắc tình trạng này sẽ kéo dài nhiều giờ, ngồi trên xe lâu chờ đợi mệt nên xuống đi bộ cho thoải mái. Khi vừa đi bộ vừa nghỉ, đến phà Cát Lái tôi ngồi uống cà phê chờ hơn 2 giờ đồng hồ xe mới tới để giao hàng lúc 18h30″, anh Phương kể.
20.000 lượt xe tải mỗi ngày
Hàng nghìn xe cộ thường phải nối đuôi nhau, xếp hàng dài trên các tuyến đường Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ để “bò” qua nút giao thông Mỹ Thủy, quận 2.
Nút giao thông Mỹ Thủy là điểm giao hai trục đường chính quan trọng của thành phố, trong đó trục đường Đồng Văn Cống – Nguyễn Thị Định là đường vào cảng Cát Lái với lượng xe vận chuyển hàng hóa rất lớn. Mỗi ngày cảng Cát Lái tiếp nhận khoảng gần 20.000 lượt xe tải ra vào. Xe cộ di chuyển theo hướng bắc – nam cũng phải xếp hàng dài nhiều cây số để qua vòng xoay này.
Dự án hầm chui, cầu vượt tại nút giao này đang được thi công với 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 xây dựng 1/2 cầu vượt chính nằm trên vành đai 2 vượt qua đường Nguyễn Thị Định và rạch Mỹ Thủy và hầm chui từ đường Võ Chí Công rẽ trái vào cảng Cát Lái. Công trình hứa hẹn sẽ giải quyết điểm đen ùn tắc kéo dài nhiều năm nay tại khu vực cửa ngõ phía đông – nam thành phố vẫn đang bị chậm tiến độ.
Video đang HOT
Trao đổi với PV, ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu quản lý Giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT TP.HCM), cho biết hạng mục hầm chui từ đường Đồng Văn Cống rẽ trái vào đường Nguyễn Thị Định tới cảng Cát Lái sẽ được thông xe trong tháng 1.2018. Phần cầu vượt dự kiến hoàn thành vào tháng 4 tới.
“Hiện một số hạng mục vẫn chưa thể khởi công được do vướng giải phóng mặt bằng. Lượng xe ra vào cảng qua vòng xoay này quá đông, nhất là vào dịp cuối năm nên ảnh hưởng đến thi công khi phải dành đường cho xe cộ qua lại, xe chở vật liệu, máy móc tới công trường cũng gặp nhiều khó khăn” ông Hùng cho biết thêm.
Xe cộ mọi hướng đổ vào vòng xoay Mỹ Thủy khiến nút giao thông này thường xuyên bị tắc nghẽn.
Chờ đèn đỏ đến 20 phút
Đường Võ Chí Công (Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Mỹ đến cầu Rạch Chiếc) kết nối với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây lượng xe container, xe tải qua nút giao Mỹ Thủy, ra vào cảng Cát Lái cũng rất lớn. Hướng từ phía nam thành phố qua cầu Phú Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Hướng ngược lại cũng không khả quan hơn.
Đường Đồng Văn Cống – Nguyễn Thị Định từ nút giao với đại lộ Mai Chí Thọ vào cảng Cát Lái cũng trong hoàn cảnh tương tự. Đoạn vào cảng lớn nhất Việt Nam, xe container thường phải xếp hàng dài chờ vào làm thủ tục giao nhận hàng.
Cả 4 hướng đổ dồn về nút giao thông này, nên cảnh lộn xộn, xe cộ mắc kẹt nhau thường xuyên xảy ra, biến nơi đây trở thành một trong những điểm đen kẹt xe nhức nhối nhất TP.HCM. Mặc dù vậy, lực lượng phân luồng xe cộ do đơn vị thi công đảm trách chính, nên không thể giảm được mức độ ùn tắc.
Vào giờ cao điểm chiều, xe cộ hướng từ cầu Phú Mỹ qua vòng xoay này phải chờ đèn tín hiệu đến 20 phút khiến nhiều tài xế bức xúc.
Vào giờ cao điểm chiều tối, tại vòng xoay Mỹ Thủy xe cộ trên đường Đồng Văn Cống hướng từ cầu Phú Mỹ tới cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và ngược lại phải dừng chờ đèn đỏ quá lâu, từ 10-15 phút, có khi bị chặn lại đến hơn 20 phút để chạy thẳng, rẽ phải vào cảng Cát Lái.
Khi tín hiệu đèn xanh bật hơn 1 phút chỉ có 5-7 chiếc kịp chạy qua vòng xoay này. Thời gian di chuyển rất ngắn đã khiến hàng nghìn xe lớn nhỏ phải xếp hàng nhiều km ở cả hai hướng. Nhiều thời điểm khác, trên đường Nguyễn Thị Định ra vào cảng Cát Lái ít xe cộ, trong khi hàng nghìn phương tiện phải dừng chờ kéo dài trên đường Võ Chí Công qua cầu Phú Mỹ nhưng lực lượng điều tiết vẫn không điều chỉnh đèn tín hiệu xả cho hướng lưu thông này.
Sự bất hợp lý này cũng là nỗi bức xúc của nhiều tài xế thường xuyên qua nút giao thông này. Một số tài xế vì quá nóng ruột xuống xe đứng ngóng, phản ứng ngay trước tín hiệu đèn đỏ vì phải dừng chờ quá lâu.
“Theo đúng lập trình, đèn tín hiệu giao thông tại vòng xoay Mỹ Thủy là 60 giây tín hiệu xanh và 60 giây tín hiệu đỏ cho 2 hướng nhưng đến thời điểm gần trưa lực lượng chức năng lại tăng số giây đèn đỏ hướng cầu Phú Mỹ tới cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây từ 2-5 phút, đến chiều tối lại tăng lên 10-15 phút, có khi phải dừng chờ hơn 20 phút. Với thời gian chờ dài, chạy ngắn như vậy thì những xe xếp thứ tự phía sau mới nổ máy nhấn ga đã bị chăn lại bởi tín hiệu đèn đỏ rồi”, một tài xế cho hay.
Lo âu khi qua cầu
Hiện nay, các xe chở container, ôtô tải trọng lớn từ các tỉnh miền Tây muốn đi các tỉnh Đông Nam Bộ, miền Trung có hai lựa chọn khi không được đi qua trung tâm thành phố. Một là đi theo quốc lộ 1A từ cầu vượt nút giao Bình Thuận (huyện Bình Chánh) đến cầu Đồng Nai và tuyến thứ 2 từ nút giao này tới cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Nhiều tài xế lựa chọn tuyến đường thứ 2 với quãng đường ngắn từ giao lộ quốc lộ 1Atới cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây dài 30km để ra phía bắc.
Ngoài ra, lượng phương tiện ra vào cảng, khu công nghiệp Cát Lái theo hướng này cùng hàng chục bãi đỗ xe, bãi chứa container quanh khu vực khiến cho đoạn đường từ quận 7 qua quận 2 luôn trong tình trạng đông đúc, đặc biệt đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến đường dẫn lên cầu Phú Mỹ.
Ngoài phải xếp hàng dài nhiều km, xe cộ đi từ cầu Phú Mỹ tới vòng xoay Mỹ Thủy thường bị xung đột với hàng trăm xe container ra vào khu công nghiệp Cát Lái.
Cầu Phú Mỹ là cây cầu dây văng lớn nhất TP.HCM, bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 2, quận 7 và quận 9. Cầu dài hơn 2.000m, rộng 27,5m, có 6 làn xe cơ giới, hai làn xe thô sơ, cho phép 100.000 lượt xe lưu thông mỗi ngày.
Tuy nhiên, lâu nay cây cầu dây văng biểu tượng của thành phố hàng ngày luôn phải gánh hàng trăm xe có tải trọng lớn dừng chờ san sát nhau ngay giữa cầu hướng từ quận 2 qua quận 7. Nhiều tài xế lo ngại việc xe đồng loạt nổ máy làm rung cộng hưởng rất lớn, cùng với độ tĩnh không cầu lớn, dốc cao, thường xuyên xảy ra tai nạn, đe dọa độ an toàn.
Cây cầu dây văng lớn nhất TP.HCM hàng ngày luôn phải gánh hàng trăm xe tải trọng lớn dừng chờ.
Vào thời điểm gần trưa hàng ngày, đặc biệt những ngày cuối tuần, cuối tháng xe cộ hướng từ miền Tây, khu vực quận 7 chen chúc nhau lên đường dẫn ngay dưới dốc để “bò” lên cầu. Trên đường dẫn hàng nghìn xe tải trọng lớn bị chết đứng, dừng chờ san sán nhau nhiều giờ, có thời điểm kéo dài hơn 8 km từ nút giao thông Mỹ Thủy đến đường Nguyễn Văn Linh, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7.
Đường dẫn lên cầu Phú Mỹ và đường Nguyễn Văn Linh qua Khu đô thị Phú Mỹ Hưng nhiều thời điểm container, xe tải phải xếp hàng dài chờ đợi nhiều giờ để qua cầu.
Sự việc xảy ra hàng ngày không chỉ khiến các tài xế xe chở container, xe tải bó tay chịu trận mà cả xe máy cũng gặp nhiều khó khăn. Có tài xế quá sốt ruột bất chấp vi phạm chạy vào làn đường dành cho xe máy. Vào giờ cao điểm, người đi xe máy hướng từ quận 7 qua quận 2 luôn gặp khó khăn khi phải len lỏi, chôn chân giữa các xe tải trọng lớn đang di chuyển lộn xộn.
Tình trạng kẹt xe không chỉ diễn ra vào ban ngày mà còn kéo dài đến tối, đặc biệt là dịp cuối tuần. Trên đường Vành đai 2, xe cộ vẫn phải xếp hàng hướng từ cầu Phú Mỹ đến vòng xoay Mỹ Thủy trong đó có đường Đồng Văn Cống.
Người đi xe máy phải len lỏi giữa các xe có tải trọng lớn, không còn đường họ phải chạy xuống đường ao khi qua khu vực này.
Theo nhiều tài xế thường xuyên lái xe qua khu vực này, mấy năm nay vào các dịp nghỉ lễ, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán tình trạng kẹt xe diễn ra càng trầm trọng hơn. Có thời điểm xe cộ dừng chờ, nhích từng chút một từ sáng đến quá trưa, có khi kéo dài đến chiều tối.
Hình ảnh đại lộ Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Vành đai 2 vào cảng Cát Lái vào một ngày cuối tuần tháng 12.2017.
Tài xế ăn ngủ dọc đường
Tình trạng này diễn ra hầu như hàng ngày khiến các tài xế tỏ ra mệt mỏi, ngán ngẩm. Có người sốt ruột rời bỏ vô lăng xuống đường hóng về phía trước. Thời gian chờ đợi để di chuyển quá lâu một số tài xế tranh thủ kiểm tra hàng hóa, lau xe. Số khác giết thời gian bằng điện thoại, đọc báo, xuống ngồi lan can hóng mát…
“Anh em chúng tôi mỗi lần qua khu vực này dính phải kẹt xe đều ám ảnh lắm. Chỉ còn nước kiên nhẫn dừng chờ”, tài xế xe container Phan Huy Cường chia sẻ.
Bác tài này cho biết thêm, mất 5-6 tiếng để di chuyển quãng đường chưa đến chục cây số là bình thường. Nhiều lần rơi vào hoàn cảnh này công ty cũng đã tính toán, trừ thời gian, giảm số chuyến trong ngày cho anh em.
Ngồi chơi game trên cabin xe tải đang tắt máy dừng chờ, ông Lê Hoàng Nhân, cho hay ông và các đồng nghiệp đã quá quen với tình cảnh này và dường như không còn quan tâm đến nữa. “Cứ nghỉ ngơi, có gì giải trí thì mang ra giết thời gian, không thì ngồi buôn chuyện khi nào nhóm xe phía trước di chuyển thì mình theo chứ sốt ruột cũng chẳng làm được gì”, bác tài tóc hoa râm cười trừ.
Nhiều tài xế cho biết vào buổi sáng đi sớm để đến trưa có thể dùng cơm trưa thoải mái ở nơi giao nhận hàng nhưng họ thường bị lỡ bữa ăn. Trong hoàn cảnh này nhiều người nhờ đoán trước tình hình đã mang theo cơm ăn luôn tại chỗ, số khác đành phải nhịn hoặc mua bánh mì, bánh chưng… của những người bán hàng rong dùng tạm.
Tài xế Nguyễn Văn Chừng và tài phụ luôn phải mua cơm sẵn mỗi khi di chuyển vào đường Võ Chí Công. Trong khi nhiều đồng nghiệp của anh phải mua đồ ăn tạm bợ của những người bán hàng rong dọc đường.
Anh Lê Tấn Dũng, tài xế xe container, chuyên chở thép từ Khu công nghiệp Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu về quận 7 cho hay thường xuyên phải ăn tạm bợ đồ bán rong trên đường vì từ đường dẫn lên cầu đến vòng xoay Mỹ Thủy không có nổi một quán ăn.
Không chỉ ăn ngủ, nhiều sinh hoạt cá nhân hàng ngày các tài xế cũng thực hiện ngay bên xe của mình.
Các bác tài ngủ ngon lành trong cabin là hình ảnh rất dễ thấy khi lưu thông qua các tuyến đường xung quanh nút giao Mỹ Thủy.
Tại buổi tiếp xúc, đối thoại với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn TP.HCM tổ chức cuối tháng 12.2017, nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra ở các tuyến đường xung quanh cảng Cát Lái (quận 2), đường Nguyễn Văn Linh (quận 7)… đã làm mất thời gian, tăng chi phí vận tải… do đó dù họ đã đóng các loại phí theo quy định nhưng đường kẹt khiến xe không thể lưu thông.
Lãnh đạo một doanh nghiệp cho hay phương tiện của họ lâu nay đi qua vòng xoay Mỹ Thủy phải mất đến nửa ngày. Xe không chạy được nhưng vẫn phải nổ máy nên không chỉ phát sinh chi phí về xăng dầu, ảnh hưởng sức khỏe tài xế mà còn làm ô nhiễm môi trường. Chưa kể, nạn kẹt xe còn khiến doanh nghiệp giao hàng trễ hẹn, mất uy tín với khách.
Theo Lê Quân (Zing)
Đâm xe kinh hoàng tại dốc cầu "ma ám", 3 người tử vong
Cú tông xe kinh hoàng tại dốc cầu Phú Mỹ khiến đầu xe cứu hộ bẹp dúm, 3 nạn nhân tử vong vào rạng sáng 11.1.
Va chạm khủng khiếp với xe container, đầu xe cứu hộ bẹp dúm biến dạng
Khoảng 1h sáng nay, xe cứu hộ BKS: 57L:8202 kéo theo máy bơm bê tông lưu thông trên cầu Phú Mỹ hướng từ quận 7 về quận 2 (TP.HCM), khi vừa đổ dốc cầu (phía quận 2) thì đâm cực mạnh vào đuôi xe container chạy cùng chiều phía trước.
Cú tông kinh hoàng khiến đầu xe cứu hộ bẹp dúm, biến dạng hoàn toàn, 3 người bị mắc kẹt trong cabin.
Nhận tin báo, lực lượng cứu hộ cứu nạn quận 2 dùng nhiều thiết bị chuyên dụng khoan cắt đầu xe đưa 3 nạn nhân ra ngoài, tuy nhiên 2 người đã tử vong. Người còn lại được đưa đi cấp cứu nhưng cũng đã tử vong sau đó.
Lực lượng cứu hộ dùng nhiều thiết bị khoan cắt đầu xe gặp nạn, đưa 3 nạn nhân ra ngoài, cả 3 nạn nhân đã tử vong
Đến gần 9h sáng nay, hiện trường vụ tai nạn mới được giải quyết xong, giao thông qua khu vực trở lại bình thường.
Dốc cầu Phú Mỹ hướng quận 7 qua quận 2 được coi là "điểm đen" về tai nạn giao thông, đã có rất nhiều ô tô biến dạng và nhiều người mất mạng tại đây.
Sở GTVT TP cũng đã có nhiều biện pháp để xử lý tại vị trí điểm đen này nhưng tai nạn vẫn xảy ra "như cơm bữa". Vì đã có nhiều người tử vong và hàng loạt phương tiện gặp nạn nên nhiều tài xế ví khu vực này là dốc cầu "ma ám".
Nhiều tài xế ví dốc cầu Phú Mỹ phía quận 2 là dốc cầu "ma ám" vì đã có nhiều người mất mạng, nhiều phương tiện biến dạng ở đây
Sở GTVT TP cũng đã có nhiều biện pháp để xử lý vị trí điểm đen này nhưng tai nạn vẫn xảy ra "như cơm bữa".
Theo Danviet
Xe cứu hộ bẹp dúm trên dốc cầu "tử thần", 3 người chết kẹt trong cabin Tài xế và 2 người đi cùng trên xe cứu hộ đã gặp tai nạn kinh hoàng khi đổ dốc cầu Phú Mỹ khiến tất cả các nạn nhân đều tử vong. Lực lượng cứu hộ phải mất nhiều giờ mới đưa được các thi thể ra ngoài. Đến gần 9h sáng nay (11/1), lực lượng cảnh sát cứu hộ thuộc Cảnh sát...