Ám ảnh cuộc gọi: “Cậu ơi cậu về đi. Cả nhà cậu chết hết rồi!”
Đang làm việc, Mười bàng hoàng khi nhận cuộc gọi của người cháu: “”Cậu ơi, cậu về đi. Cả nhà cậu chết hết rồi!”. Cuống cuồng vượt qua con đường bị lũ chia cắt, về đến nhà, Mười đã thấy bố và chị dâu mỗi người nằm trong một cái quan tài, chuẩn bị được mang đi hỏa thiêu…
Về đến nhà, bố đã nằm trong quan tài
Bản Hát 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất của trận lũ quét rạng sáng 11/10. Trong đó, gia đình Lò Văn Mười chịu thiệt hại nặng nhất khi lũ cuốn phăng ngôi nhà cùng 5 người thân của Mười.
Đến giờ, trong đầu Mười vẫn nhớ như in cuộc gọi ám ảnh của người cháu, con của chị gái Mười. Sáng 11/10, Mười đang làm việc ở Hà Nội thì người cháu gọi báo: “Cậu ơi, cậu về đi. Cả nhà cậu chết hết rồi!”.
Căn nhà sàn 5 gian của gia đình Mười giờ chỉ còn là bãi đất trống.
Mười chưa kịp nói gì thì đầu dây bên kia tắt máy. Gọi lại cho tất cả anh em họ hàng ở quê không ai nghe máy, Mười càng hoảng hốt, lo lắng.
Vơ vội bộ quần áo, Mười gọi điện cho giám đốc công ty nơi mình làm việc xin phép nghỉ để về quê.
“Nghe giọng hốt hoảng của Mười, tôi chỉ nghĩ là bố Mười say rượu, bị tai nạn. Vừa lo, vừa thương, không yên tâm để em Mười một mình về trong tâm trạng ấy, tôi lái ô tô đưa Mười về.” – anh Đỗ Văn Bình, Giám đốc công ty nơi Mười làm việc, kể lại.
Khung cảnh yên bình đẹp như tranh với hình ảnh căn nhà của gia đình Mười (trái) và nhà của anh Lò Văn Lợp được anh Đỗ Văn Bình ghi lại hơn 1 tháng trước.
Theo lời kể của Mười và anh Bình, hai người về đến thị xã Nghĩa Lộ thì trời đã tối. Mọi người nói đường bị chia cắt vì mưa lũ, sạt lở nên hai anh em ngủ lại thị xã Nghĩa Lộ một đêm.
Sáng hôm sau, hai người tìm cách bắt xe về huyện Trạm Tấu nhưng không xe nào nhận, kể cả xe ôm vì đường sạt lở nghiêm trọng. Lòng nóng như lửa đốt, Mười cùng anh Bình cuốc bộ đi. May mắn, dọc đường hai anh em gặp một số người cùng làng đi làm xa đang về lo hậu quả trận lũ và được cho đi nhờ xe máy một đoạn.
Mười thẫn thờ trước những gì còn sót lại sau lũ.
“Đường sạt lở kinh hoàng. Chúng tôi vừa đi vừa dò đường, nhiều đoạn sạt gần hết đường, rất nguy hiểm. Mấy lần chúng tôi phải khiêng xe máy, trèo qua cây cối, đất đá. Còn cách huyện khoảng 10 km thì không thể đi nổi, tôi và em Mười buộc phải cuốc bộ tiếp.” – anh Bình kể và cho biết, chưa bao giờ anh lội bùn, leo trèo qua đường sạt lở nguy hiểm như thế.
“Về đến nhà, em đã thấy bố và chị dâu mỗi người nằm trong một cái quan tài, chuẩn bị đem đi thiêu.” – Mười kể, môi mắm chặt.
Video đang HOT
Lúc này, Mười mới biết cơn lũ quét kinh hoàng đã cuốn phăng ngôi nhà và 5 người trong gia đình Mười. Thi thể của bố và chị dâu được tìm thấy, còn anh trai và hai cháu vẫn mất tích.
Tan hoang khu cảnh nên thơ ngày nào
Mở chiếc điện thoại của mình ra, anh Đỗ Văn Bình cho chúng tôi xem những hình ảnh nên thơ ở khu vực này. Chỉ hơn 1 tháng trước, anh Bình cùng Mười về thăm gia đình, thăm bố Mười cùng anh chị, các cháu.
Cây cầu nhỏ bắc qua con suối hiền hòa (ảnh trên) và lòng suối sau khi lũ đi qua.
Nhìn những hình ảnh anh Bình ghi lại, không ai có thể tưởng tượng được con suối bé nhỏ, hiền hòa lại có thể tàn phá một khung cảnh thơ mộng trở nên tan hoang. Căn nhà sàn 5 gian giờ chỉ còn nền nhà. Khu bếp bị cuốn bay gần hết. Vài vật dụng gia đình vương lại cùng ít khung gỗ nhà sàn.
“Cái xe đạp này hàng ngày hai đứa vẫn chở nhau đi học, bây giờ không biết hai đứa đâu.” – Mười chỉ vào chiếc xe đạp bị lũ làm hư hỏng mà nước mắt muốn trào ra.
Ngay dưới nhà của Mười, căn nhà của gia đình anh Lò Văn Lợp cũng không còn dấu tích. Hai vợ chồng anh Lợp bị lũ cuốn nhưng may mắn thoát chết, đang phải điều trị tại bệnh viện. Xót xa nhất, đứa con gái 3 tuổi của anh chị tuột khỏi vòng tay mẹ, trôi theo dòng lũ.
Đứng bên bờ suối, anh Lò Văn Chêm (anh cả của Mười) vẫn chưa hiểu tại sao con suối bé nhỏ lại trở nên hung dữ như vậy. Chỉ vào lòng suối đầy đá tảng, anh Chêm kể: “Trước nó bé lắm, chỉ bắc cái cầu nhỏ đi qua thôi. Nhà bố tôi ở mãi trên cao này không hiểu sao mà lũ vẫn tràn qua được.”.
Chiếc xe đạp hai đứa cháu của Mười vẫn chở nhau đi học hàng ngày.
Chốc chốc lại nhìn về khoảng không lạnh lẽo nơi từng là căn nhà ấm cúng của gia đình, Mười kể, sau khi học xong cấp 3, Mười đi xuất khẩu lao động. Ăn uống, chi tiêu chắt bóp, làm được bao nhiêu, Mười gửi hết tiền về cho bố dựng nhà.
“Giờ thì chẳng còn gì nữa.” – Mười gục đầu, ngồi dưới nền nhà cũ.
Về Việt Nam hơn 2 năm nay, Mười chăm chỉ làm ăn ở Hà Nội, tích cóp tiền của cho cuộc sống tương lai. Hiền lành, thật thà – đó là nhận xét của anh Đỗ Văn Bình về cậu nhân viên 26 tuổi của mình.
“Thương em lắm, không biết làm thế nào. Tôi chỉ biết đồng hành, an ủi em nó vượt qua nỗi đau này.” – anh Bình chia sẻ.
Chưa vội nghĩ đến tương lai, giờ đây, chàng trai 26 tuổi dân tộc Thái chỉ mong làm sao sớm tìm được thi thể những người thân còn mất tích…
Theo Tiến Nguyên – Trần Thanh (Dân trí)
Xót xa nhìn cảnh người dân chống chọi lũ lụt, sống chơi vơi trên nóc nhà
Nước lũ đổ về khiến nhiều ngôi nhà bị nhấn chìm, người dân phải sống vắt vẻo trên những mái nhà, thiếu đồ ăn, nước uống...
Những ngày qua, do mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về lớn nên nhiều địa phương ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ bị ngập lụt nặng. Nhiều ngôi nhà bị nước lũ nhấn chìm khiến người dân phải sinh sống trên các nóc nhà, rơi vào cảnh thiếu đồ ăn, nước uống.
Mưa lũ khiến nhiều khu vực trên địa bàn huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) bị ngập nghiêm trọng. (Ảnh: Hội lái xe Ninh Bình)
Theo thống kê, tại huyện Nho Quan có gần 7.000 ngôi nhà bị ngập, nhiều ngôi nhà bị nhấn chìm. (Ảnh: Hường Black)
Một đoạn lớn thuộc tuyến đê Bùi 2 của huyện Chương Mỹ (Tp Hà Nội) bị vỡ khiến hơn 200 nhà dân chìm trong biển nước
Giáo viên trường Hoàng Văn Thụ (Chương Mỹ, Hà Nội) phải lội nước di chuyển về nhà. Ảnh Ngân Dương
Xe ô tô nằm ngổn ngang dưới lòng suối trên con đường từ Nghĩa Lộ lên huyện Trạm Tấu (Yên Bái)
Cầu Thia (Yên Bái) bị sập nhịp cầu ở giữa
Nước lũ lớn khiến người dân phải di tản gia súc tới nơi an toàn. (Ảnh: Đ.P)
Do nước lũ cao 3-4 mét nên nhiều người dân phải sống trên nóc nhà hoặc ở trên tầng cao
Nhiều thôn ở xã Gia Thủy bị nước lũ cô lập khiến người dân rơi vào cảnh thiếu đồ ăn, nước uống.
Chiều 12.10, nhiều nhà hảo tâm đã vào tận xã Gia Thủy phát mì tôm, đồ ăn cho người dân
Do nước lũ ngập dâng cao, nhiều hộ dân phải để gia súc, gia cầm sống trên thuyền hoặc nóc nhà. (Ảnh: Hường Black)
Thuyền trở thành phương tiện di chuyển của người dân vùng lũ
Một người dân xã Gia Thủy vui mừng nhận cứu trợ từ những người làm từ thiện. (Ảnh: Hội lái xe Ninh Bình)
Rạng sáng 12.10, tại xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình xảy ra vụ sạt lở đất khiến 19 người trong 4 gia đình bị vùi lấp trong đất đá. Lực lượng chức năng Hòa Bình vẫn đang cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân.
Ngày 11.10, một người dân ở Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) bị thương do đất đá sạt lở. Sau đó, người dân địa phương và lực lượng chức năng vừa bơi, vừa đẩy tấm bè chở nạn nhân vượt qua dòng nước lũ, chuyển tới bệnh viện cấp cứu.
Trận lũ đột ngột đổ về khiến trang trại 4.000 con lợn ở Nông trường Thống Nhất (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) bị nhấn chìm, lợn chết đuối nổi trắng chuồng
Sáng 13/10, báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cho biết: Tính đến 22 giờ tối 12/10, mưa lũ, sạt lở đất đã làm chết 54 người. Trong đó Sơn La: 6 người, Yên Bái: 6 người, Hòa Bình: 17 người, Thanh Hóa: 14 người, Nghệ An: 9 người, Hà Nội 2 người.Mưa lũ cũng làm 39 người mất tích và 31 người khác bị thương.Không chỉ gây thiệt hệ rất nặng nề về người, mưa lũ ở miền Bắc và miền Trung còn khiến gần 31.000 nhà dân bị ngập, hư hỏng và 1.948 hộ phải di dời khẩn cấp; hơn 50.000 ha lúa, hoa màu bị ngập; hơn 180.000 gia súc, gia cầm chết và bị cuốn trôi.
Theo Danviet
Chùm ảnh: Lợp lại nhà, dọn dẹp sình lầy sau mưa lũ Trận lũ lịch sử rạng sáng 11.10 đã càn quét qua một số địa bàn của tỉnh Yên Bái, để lại hậu quả vô cùng nặng về người và tài sản. Mặc dù, những mất mát đối với Yên Bái do cơn lũ để lại quá lớn nhưng ngay sau khi cơn lũ đi qua, tỉnh Yên Bái đã bắt tay ngay vào...