Ám ảnh của người tổ chức tang lễ về cuộc chiến ma túy Philippines
Công việc chưa bao giờ bận rộn như vậy đối với người tổ chức tang lễ Alejandro Ormeneta bởi chiến dịch truy quét ma túy ở Philippines, song Ormeneta muốn việc giết chóc ngừng lại.
Ông Alejandro Ormeneta chuẩn bị dụng cụ trước khi xử lý một thi thể. Ảnh: AFP
Ormeneta cùng các đồng nghiệp có mặt tại một buổi tang lễ ở thủ đô Manila Philippines, kể trung bình mỗi đêm, thời gian gần đây, họ phải xử lý khoảng 5 xác chết, hầu hết đến từ những khu ổ chuột. Số người chết quá nhiều buộc ông cảm thấy nghi ngờ về chiến dịch truy quét ma túy mạnh tay mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát động, theonews.com.au.
“Điều này không nên xảy ra. Họ là con người, không phải thú vật”, Ormeneta, 47 tuổi, vừa chia sẻ với hãng thông tấn AFP vừa hồi tưởng lại một cảnh tượng khiến ông ám ảnh. Cách đây không lâu, Ormeneta phải tự tay rút ba chiếc đinh đóng vào hộp sọ một đối tượng bị cáo buộc buôn bán ma túy.
“Tôi nghĩ anh ta vẫn sống khi họ đóng đinh. Họ trói anh ta rồi dán băng dính quanh đầu sau đấy mới đóng đinh… Thật đau đớn! Tôi thấy thương cảm thay cho anh ta”, Ormeneta nói.
Một đêm nọ, Ormeneta tới một khu ổ chuột tăm tối, đi vào một túp lều xộc xệch, nơi những kẻ bịt mặt vừa bắn chết một người đàn ông sống tại đây. Thi thể nạn nhân vẫn nồng mùi rượu, cho thấy ông ta có lẽ đã uống say trước lúc bị giết.
Người em gái gào khóc thảm thiết trong lúc cảnh sát lật thi thể nạn nhân, để lộ ra những vết đạn lỗ chỗ. Cảnh sát sau đó cho hay người này là Danilo Bolante, 47 tuổi, có tiền sử bán shabu, loại ma túy đá rẻ tiền ở Philippines.
Nhưng Chona Balina, em gái Bolante, khăng khăng nói anh trai mình đã ngừng buôn bán shabu, thậm chí còn tự nộp mình cho cảnh sát vì quá sợ hãi chiến dịch chống ma túy.
Nghèo khó
Theo Ormeneta, dù công việc làm ăn bận rộn hơn nhưng số tiền ông kiếm được không quá nhiều bởi đa phần người nhà các nạn nhân bị giết hại trong chiến dịch truy quét ma túy đều rất nghèo, đến nỗi không thể trả nổi chi phí tang lễ.
“Tôi không biết phải làm cách nào để trả tiền đây vì tôi không có việc làm”, Balina nói sau khi vừa chấp thuận một gói tang lễ có giá khoảng 1.250 USD.
Video đang HOT
Chona Balina, em gái Danilo Bolante, một nạn nhân bị giết trong chiến dịch truy quét ma túy ở Philippines. Ảnh: AP
Rico Teodocio, giám đốc một công ty tổ chức tang lễ, cho biết nhìn chung, giá cả dịch vụ tang lễ dao động từ 360 USD đến 8.000 USD. Song ông thường giảm giá, đặc biệt là đối với gia đình những người bị cáo buộc sử dụng ma túy. Một số người tuyệt vọng đến mức phải cầu xin các nghĩa trang cấp quan tài miễn phí.
“Tôi không biết dùng từ ‘thảm hại’ có đúng không nhưng tôi thực sự cảm thấy thương xót họ. Chúng tôi cũng bị ảnh hướng vì phải tìm cách cung cấp dịch vụ với giá thấp nhất có thể”, ông Teodocio nói.
Theo các công ty tổ chức tang lễ, thi thể những người bị giết hại trong chiến dịch truy quét ma túy thường không có ai nhận bởi thân nhân họ không hề hay biết hoặc họ không dám nhận vì lo sợ dính dáng tới tội phạm hay đơn giản chỉ vì quá nghèo. Trường hợp này, các thi thể sẽ được lưu giữ khoảng hai đến ba tháng sau đó chôn tại các nghĩa trang công.
“Thật đáng buồn. Họ ra đi mà không có bất kỳ ai đến viếng”, Ormeneta nói, chỉ vào những thi thể chất đầy bên trong nhà xác và thêm rằng đến tận bây giờ, ông thi thoảng vẫn nhớ tới hình ảnh người đàn ông với những chiếc định găm vào hộp sọ.
Thi thể các nạn nhân không có người nhận được mang đi chôn tại một ngôi mộ tập thể ở Manila. Ảnh: AFP
Vũ Hoàng
Theo VNE
Vụ ám sát hé lộ góc tối của chiến dịch diệt trừ ma túy Philippines
Khi toán cảnh sát truy đuổi hai kẻ nổ súng giết người trên phố, họ ngỡ ngàng nhận ra đó chính là đồng nghiệp của mình.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đội mũ cho Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Ronald dela Rosa. Ảnh: Inquirer
Nửa đêm ngày 9/10, bà Zenaida Luz, 51 tuổi, sống trên đảo Mindoro, Philippines, bước ra khỏi nhà sau khi nhận được tin nhắn của một người đàn ông nói rằng ông cần giúp đỡ. Bà Luz là một nhà hoạt động chống tội phạm rất tích cực, thường xuyên đối đầu với các quan chức và cảnh sát địa phương về các vụ việc tiêu cực, theo Washington Post.
Khi bà đang đi bộ trên hè phố, bất ngờ một chiếc xe máy chở hai người bịt mặt mặc đồ đen rồ ga lao tới. Người ngồi sau nổ ba phát súng trúng vào lưng, bụng và chân bà Luz, khiến bà gục xuống và chết tại chỗ.
Một toán tuần tra của đồn cảnh sát Gloria tình cờ đang tuần tra tại đó nghe tiếng súng nổ đã lập tức tiếp cận hiện trường và truy đuổi những kẻ nổ súng. Họ đuổi theo hai tên sát thủ dọc theo nhiều tuyến đường, sau đó nhìn thấy một chiếc xe máy thứ hai chở những kẻ đồng phạm vọt đi.
Cảnh sát nổ nhiều phát súng, khiến chiếc xe máy thứ nhất lảo đảo và trượt dài trên đường. Khi các sĩ quan tiến đến gần, hai người đàn ông bị thương hét to "Quân mình! Quân mình", nhằm thông báo rằng họ cũng là cảnh sát.
Cảnh sát Gloria ban đầu nghi ngờ hai tay súng là những kẻ buôn bán ma túy có thù hằn với bà Luz, nhưng sau khi kiểm tra, họ rất ngạc nhiên khi biết hai kẻ bịt mặt này là thanh tra cấp cao Magdaleno Pimentel Jr. và thanh tra Markson Almeranez ở thị trấn gần đó.
Cả hai người đều đã tốt nghiệp Học viện Cảnh sát Quốc gia Philippines và được điều đến đảo Mindoro công tác. Trước đó một tháng, Almeranez vừa được Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Ronald dela Rosa, cánh tay phải của Tổng thống Rodrigo Duterte trong chiến dịch tiễu trừ ma túy, trao tặng huân chương.
Dư luận Philippines đã bị sốc sau khi vụ việc được công khai, khiến Pimentel và Almeranez bị truy tố. Các sĩ quan cảnh sát ở thị trấn Socorro, nơi Almeranez là đồn trưởng, cho biết cả đơn vị đã rất "ngạc nhiên" với vụ bắt giữ, nhưng từ chối bình luận về nguyên nhân nổ súng của các đồng nghiệp.
Không ai biết được vì sao bà Luz bị sát hại, nhưng nếu đêm đó không có toán tuần tra của cảnh sát Gloria, bà chắc chắn sẽ bị coi là một nghi phạm buôn bán ma túy bị bắn chết trên đường phố, giống như hàng nghìn người khác đã thiệt mạng trong cuộc chiến chống ma túy kéo dài gần 6 tháng qua ở Philippines. Trong phần lớn những vụ nổ súng bắn tội phạm ma túy đó, các tay súng thường bịt mặt, đi trên xe máy và hành sự vào ban đêm.
Cảnh sát đặc nhiệm Philippines tuần tra trên đường phố. Ảnh: Inquirer.
"Nếu hai người đó không bị bắt, mọi người sẽ cho rằng mẹ tôi có dính líu đến hoạt động ma túy", Edward, con trai của bà Luz, tuyên bố.
Theo Phelim Kine, phó giám đốc tổ chức Giám sát Nhân quyền khu vực châu Á, việc Tổng thống Philippines cho phép cảnh sát nước này tiêu diệt nghi phạm ma túy không qua xét xử sẽ tạo điều kiện cho những tay súng hoạt động như các "biệt đội tử thần" dưới sự làm ngơ của chính quyền và cảnh sát địa phương.
"Khi một chính phủ công khai hay ngầm bật đèn xanh cho các biệt đội tử thần hoạt động, sẽ rất khó khăn và nguy hiểm để kiểm soát và chế ngự nếu họ bắt đầu hành động bừa bãi", Kine nói.
Trong thời gian làm thị trưởng thành phố Davao, ông Duterte đã cho phép cảnh sát thành phố tiêu diệt tại chỗ các nghi phạm ma túy. Một cuộc điều tra năm 2009 cho thấy hàng trăm người đã bị bắn chết bởi những tay súng có liên quan đến cảnh sát và quan chức địa phương. Mô hình này sau đó được nhiều thành phố khác bắt chước, đặc biệt là ở Tagum, nơi các đội sát thủ đã tham gia vào các thương vụ giết thuê.
Sau khi đắc cử Tổng thống Philippines với lời hứa sẽ quét sạch tội phạm ma túy ở nước này trong vài tháng, ông Duterte đã nhân rộng mô hình Davao khắp toàn quốc. "Tôi sẽ tiếp tục làm như hồi còn giữ chức thị trưởng. Nếu bạn là kẻ buôn bán ma túy, cướp bóc hay vô công rồi nghề, tốt nhất là hãy ra đầu thú, vì tôi sẽ giết bạn", ông Duterte tuyên bố.
Tuy nhiên, vụ ám sát bà Luz đã làm hé lộ góc tối trong chiến dịch tiễu trừ ma túy do ông Duterte phát động, một viễn cảnh mà nhiều người dân Philippines lo sợ: Đó là những vụ giết người được dàn xếp với sự tham gia của lực lượng cảnh sát.
Hôm 16/10, vài ngày sau vụ ám sát bà Luz gây chấn động dư luận, ông Duterte thừa nhận với báo giới rằng chiến dịch bắn giết tội phạm ma túy chắc chắn sẽ để lại ảnh hưởng xấu, nhưng ông không bận tâm đến điều đó, vì mục đích cuối cùng của ông là "bảo vệ đất nước và thế hệ tiếp theo".
"Tôi sẽ giết những kẻ hủy hoại đất nước tôi. Nếu tôi khuyến khích những vụ giết người tự phát để làm điều đó cũng chẳng sao cả... Nếu hình thức giết người tự phát này phát triển, tôi không thể kiểm soát được nó. Tôi không phải Chúa trời để kiểm soát mọi thứ", Tổng thống Philippines khẳng định.
Di ảnh của bà Luz. Ảnh: WP
Những lời khuyến khích các vụ bắn giết không qua xét xử này của ông Duterte đang khiến gia đình của bà Luz cảm thấy sợ hãi, dù họ đang sống dưới sự bảo vệ của cảnh sát. Họ lo sợ rằng khi Tổng thống cam kết bảo vệ cho các cảnh sát giết người, những kẻ đã ra tay sát hại bà Luz sẽ không phải gánh chịu hậu quả.
Ruel Lito Fronda, đồn trưởng đồn Gloria, thừa nhận việc truy tố hai cảnh sát bắn chết bà Luz ra tòa có thể sẽ rất khó khăn. Hai nghi phạm "không chịu hợp tác", và cho đến nay vẫn chưa chịu giao nộp những chứng cứ trọng yếu, trong đó có điện thoại di động của họ.
Trong khi đó, những vụ giết người trên đảo Mindoro vẫn tiếp diễn. Cuối tháng 11, ông Wilson Viray, cựu ủy viên hội đồng thị trấn Naujan, bị bắn tới 13 phát đạn và tử vong. Những kẻ giết ông cưỡi trên một chiếc xe máy, sau đó rồ ga tẩu thoát.
Trí Dũng
Theo VNE
Mỹ ngừng viện trợ hàng triệu USD cho cảnh sát Philippines Mỹ ngừng viện trợ hàng triệu USD cho cảnh sát Philippines, liên quan đến chiến dịch trấn áp ma túy, và chuyển số tiền này cho các lực lượng hành pháp khác ở quốc đảo. Thành viên Đơn vị Phản ứng Đặc biệt, cảnh sát quốc gia Philippines. Ảnh:Reuters. Sau khi Philippines triển khai chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy, hỗ...