Ám ảnh Chiến tranh Lạnh trở về với New York vì tên lửa Triều Tiên
Những người dân New York lớn tuổi phấp phỏng vì mối đe dọa rình rập từ tên lửa Triều Tiên.
Tên lửa Triều Tiên được phóng đi trong cuộc thử nghiệm tối 28/7. Ảnh: AFP.
Triều Tiên tối 28/7 phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ( ICBM) lần thứ hai. Tên lửa bay khoảng 45 phút và rơi xuống khu vực cách một đảo nhỏ ngoài khơi Nhật Bản 150 km. Chuyên gia tính toán nó có thể “bắn tới thành phố New York” nếu phóng với góc chuẩn.
Mối đe dọa rình rập mang tên Triều Tiên đang khiến nỗi ám ảnh Chiến tranh Lạnh trở về với không ít người dân New York, đặc biệt là những người ở thế hệ trước, theo AFP.
Steven Kovalenko, thợ cơ khí 71 tuổi, cho biết kho vũ khí hạt nhân cũng như sự phát triển của chương trình tên lửa Triều Tiên khiến ông vô cùng lo âu. “Chúng ngày càng mở rộng. Chẳng ai đề cập gì đến nó và nay họ nắm chúng trong tay”, ông Kovalenko nói. “Mọi người đều lo lắng, rất lo lắng, nhưng không ai hành động”.
Kovalenko cũng thêm rằng ông không chỉ lo âu về lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà còn e ngại trước chính Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo Kovalenko, sự khó đoán và tính khí hung hăng của ông chủ Nhà Trắng không thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Video đang HOT
David Arthur, 62 tuổi, cho hay những sự việc xảy ra thời gian qua đã mang ông quay trở về với thời điểm cách đây hàng thập kỷ. Lúc bấy giờ, ông chỉ là một cậu bé 10 tuổi nhưng đã phải làm quen với những cuộc tập dượt tránh bom.
“Cứ mỗi lần có tiếng còi báo động hú lên là tôi lại lo lắng”, ông Arthur nói. “Chúng ta đã trở thành mục tiêu”.
Cựu thống đốc New York Nelson Rockefeller từng rất quan tâm tới việc tạo dựng cho người dân những nơi trú ẩn an toàn. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã ra lệnh xây hàng nghìn hầm trú ẩn kiên cố. Năm 1963, khoảng 17.448 tòa nhà được quân đội xác định làm nơi trú ẩn hạt nhân.
Người ta dễ nhận biết chúng bởi những dấu hiệu đặc trưng với biểu tượng chất phóng xạ màu đen in trên nền vàng. Hiện vẫn còn hàng chục cơ sở như vậy nhưng rất nhiều người dân ngày nay không hiểu về tầm quan trọng của chúng.
Arthur kể tầng hầm tòa nhà nơi ông ở từng là một hầm trú ẩn nhưng nay bị biến thành phòng giặt đồ. Nó hiện được lắp cửa sổ nhìn ra phố nên không thể đảm bảo an toàn như trước.
“Chương trình xây hầm trú ẩn đã đóng băng vài thập kỷ nên chúng không còn đáng tin nữa”, ông Jeffrey Schlegelmilch, phó giám đốc Trung tâm Quốc gia về Ứng phó Thảm họa thuộc Viện Trái Đất, Đại học Columbia, nhận xét.
Những năm gần đây, New York cũng tập trung vào nhiệm vụ xây dựng năng lực ứng phó thảm họa, song những bài tập mô phỏng này chưa chuẩn bị cho người dân khả năng phản ứng trước ICBM, chuyên gia đánh giá.
Theo ông Schlegelmilch, không thành phố hay khu vực nào ở Mỹ hiện tại được chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với một cuộc tấn công hạt nhân. Schlegelmilch cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là nâng cao nhận thức cho người dân về mối hiểm họa.
Tại khu phố Hàn Quốc thuộc trung tâm Manhattan, New York, 2 người phụ nữ Hàn Quốc trẻ tuổi đang làm việc tại Mỹ chia sẻ họ lo lắng cho gia đình mình ở quê nhà hơn.
Theo họ, nếu xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện, Hàn Quốc mới là bên chịu thiệt hại nặng nề hơn cả, không phải Mỹ. “Chúng tôi không muốn chiến tranh tái diễn nữa”, một người nói.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Báo Triều Tiên đòi bắt người Mỹ quỳ gối
Báo Triều Tiên tuyên bố nước này sẽ bắt Mỹ quy phục nếu chiến tranh xảy ra, sau vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ hai.
Ông Kim cùng các tướng lĩnh chỉ huy vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tối 28/7. Ảnh: KCNA.
"Hãy tiến lên phía trước mạnh mẽ hơn, nhanh chóng hơn, cho tới ngày Mỹ hoàn toàn quỳ gối trước chúng ta với lá cờ trắng giương lên", bài xã luận trên báo nhà nước Rodong Sinmun hôm 29/7 đăng tải. "Đây là lời thề của quân đội, nhân dân chúng ta trong ngày chiến thắng chiến tranh".
"Những người con trai, con gái dũng cảm, tháo vát của đất nước Triều Tiên vĩ đại, năng nổ hơn nữa, tiến lên vì chiến thắng cuối cùng", báo viết.
Bài xã luận được đăng ra sau khi Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ hai hôm 28/7. Nước này kỷ niệm 64 năm ngày kết thúc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên hôm 27/7.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết lần phóng thử tên lửa ICBM thứ hai nhằm gửi thông điệp cảnh báo với việc Mỹ tăng cường đe dọa và trừng phạt nước này. Đây chính là lý do khiến Bình Nhưỡng cần có vũ khí hạt nhân. Triều Tiên phóng thử ICBM Hwasong-14 lần đầu hôm 4/7.
Trọng Giáp
Theo VNE
Đại sứ Mỹ tại LHQ kêu gọi Trung Quốc hành động với Triều Tiên Đại sứ Mỹ tại LHQ hôm qua kêu gọi Trung Quốc có hành động với Triều Tiên bởi Washington "không còn gì để nói" về Bình Nhưỡng. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley. Ảnh: Reuters. "Không còn gì để nói về Triều Tiên. Trung Quốc nên nhận thức được rằng họ cần phải hành động", ABC News dẫn lời Đại...