Ám ảnh căn bệnh thế kỷ nơi xã nghèo
Những người vợ mất chồng, những đứa trẻ mất cha và cả những đứa trẻ bơ vơ không nơi nương tựa. Căn bệnh thế kỷ đã len lỏi vào từng bản làng nơi xã nghèo miền sơn cước…
Xã Hồi Xuân nằm ngay cạnh thị trấn Quan Hóa, huyện vùng cao Quan Hóa, Thanh Hóa, vốn là một xã còn nhiều khó khăn. Toàn xã có chưa đến 1.000 hộ dân với 3.573 nhân khẩu. Trình độ dân trí nơi đây còn nhiều hạn chế. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tệ nạn ma túy len lỏi, đeo bám khiến bao gia đình phải chịu khổ đau, ám ảnh.
Bản Khằm, xã Hồi Xuân được coi là điểm nóng với số người nghiện và mắc căn bệnh thế kỷ cao.
Theo con số báo cáo của Trạm Y tế xã Hồi Xuân, tính đến nửa đầu tháng 4/2013, toàn xã Hồi Xuân có 93 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 17 nữ (đã tử vong 2 người); nam giới 76 người (đã tử vong 28 người).
Khi được hỏi về tình hình tệ nạn xã hội nơi đây, Phó Chủ tịch UBND xã Hồi Xuân – ông Lữ Đình Bưu – thẳng thắn thừa nhận, 5, 6 năm trở về trước, tình hình tệ nạn ở địa phương rất phức tạp. Những năm gần đây, nhờ công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương ngay tại các điểm trường mà tệ nạn đã giảm hẳn.
Ông Lữ Đình Bưu, Phó chủ tịch UBND xã Hồi Xuân trao đổi với PV.
Cả xã có 7 thôn bản, khu phố, trong đó bản Khằm và bản Cốc là hai địa bàn phức tạp nhất. Nói về nguyên nhân dẫn đến tình hình người địa phương nghiện ma túy những năm qua, ông Bưu nhận định: có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản nhất là hai khu vực này rất nhiều dân vãng lai đến. Hơn nữa đây là điểm giao lưu giữa Mai Châu (Hòa Bình) và Quan Hóa. Thanh niên ở đây ăn chơi đua đòi, ngay tại bản Khằm đã có khoảng 20 thanh niên vướng vào tệ nạn xã hội và mắc HIV/AIDS, nay đã chết.
Trước tình hình phức tạp của căn bệnh thế kỷ, để tuyên truyền, vận động người dân phòng tránh bệnh, chính quyền địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, tệ nạn xã hội cao điểm nhất là năm 2005 – 2009. Những năm trở lại đây, nhận thức của người dân về tệ nạn xã hội cũng như căn bệnh này đã ngày càng được nâng cao.
Video đang HOT
Bản Khằm, bản nằm gần trung tâm xã Hồi Xuân, cả bản có hơn 200 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu, là một trong những bản có nhiều người nghiện và mắc phải căn bệnh thế kỷ. Trưởng bản Phạm Hồng Sơn cho biết: “Đây là bản nghèo, lứa tuổi nghiện ngập chủ yếu ở 35 – 40, họ trước đây vốn là những thanh niên trai tráng của bạn, nhưng sa vào con đường ăn chơi, đua đòi. Vào khoảng những nằm từ 2000 – 2005, số người nghiện cái chết trắng ở bản tương đối nhiều”.
Cũng bởi ngày trước, thanh niên trong bản ít học, không hiểu được tác hại của ma túy, cứ tưởng tiêm, chích hút vào là khỏe. Sau đó các cấp ngành tuyên truyền nên người dân đã hiểu. Trong năm 2013, cả bản không có thêm trường hợp nghiện ngập nào phát sinh. Trưởng bản thở dài khi nhớ lại những năm 2009 – 2010, mỗi tháng trong bản có 4 – 5 người chết vì căn bệnh AIDS. Hiện trong bản chỉ còn khoảng 9 người nghiện ma túy. Những ai bị nghiện, những ai đã bị AIDS cướp đi sự sống, trưởng bản Sơn đều nhớ cả.
Ánh mắt đượm buồn, trưởng bản kể đến những gia đình cả bố mẹ đều bị nhiễm HIV rồi lây sang con. Đó là gia đình anh C.V.T và chị H.T.P. Có những trường hợp cả hai vợ chồng chết vì AIDS, bỏ lại đứa con gái đang tuổi ăn, tuổi học cũng bị lây nhiễm. Có điều, ở xã nghèo này trẻ nhiễm HIV vẫn được đến trường đều đặn, ở đây không có sự kỳ thị với người nhiễm HIV. Các thầy cô giáo rất quan tâm đến những trường hợp học sinh đặc biệt này, vừa giúp các em không bị xa lánh, vừa bảo đảm an toàn cho những học sinh khác.
Khi được hỏi về những trường hợp người phụ nữ nuôi con một mình, ông Sơn nói: “Nhiều lắm, hơn 10 trường hợp, chủ yếu là chồng chết vì AIDS”. Hầu hết các trường hợp này đều được nhận trợ cấp hàng tháng nhưng cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn…
Trần Lê – Thái Bá
Theo Dantri
"Đông si đa" - tình nguyện viên "người nhà" của HIV/AIDS
48 trong số hàng vạn người mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS đã vĩnh viễn ra đi, nhưng chắc hẳn dù ở nơi chín suối, họ sẽ không thể quên người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi tận tụy bón từng thìa cơm, chén sữa, không đeo găng tay vẫn chẳng ngại tắm rửa trên những cơ thể đầy ung nhọc, lở loét. Và đến khi họ trút hơi thở cuối cùng, không ai khác lại chính người phụ nữ ấy khâm liệm để linh hồn họ ra đi thanh thản...
Bà chính là Bùi Thị Đông, người cũng mang nỗi đau quặn thắt vì có những đứa con ra đi vì căn bệnh thế kỷ.
Người phụ nữ bất hạnh
Hơn nửa thế kỷ sống trên đời, không biết bà Đông có được bao ngày vui vẻ, hạnh phúc, chỉ thấy bất hạnh nối tiếp bất hạnh. Vợ chồng bà sinh hạ được 3 quý tử thì người con trai cả sớm dính vào nghiện ngập rồi gieo trong mình virus HIV. Vì cú sốc tinh thần ấy, đang là công nhân xây dựng ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, bà Đông quyết định "về một cục", đến nay không được hưởng chế độ nào.
Những năm cuối đời, người con trai ấy vẫn khát khao một hạnh phúc gia đình với cô gái ở cùng khu cũng mang căn bệnh thế kỷ. Làm mẹ, có ai làm ngơ được trước hạnh phúc của con, bà Đông đành ngậm ngùi chấp thuận.
Một năm sau, vào năm 2001, người con dâu phát bệnh, thân mình lở loét, hôi tanh, những người anh em ruột thịt nhất cũng "bịt mũi cách xa". Trước tình cảnh ấy, bà Đông không ngần ngại lau rửa chu đáo đến khi cô nhắm mắt xuôi tay.
Ba năm sau, người con trai cả cũng vào giai đoạn cuối. Những ngày tháng ấy, cũng chính tay bà Đông chăm sóc, lau rửa và khâm liệm cho con khi anh từ giã cõi đời. Bà bảo: "Đó chính là động lực để tôi chăm sóc cho các bạn cũng bị nhiễm H (HIV). Ban đầu, nếu nói không sợ là không phải nhưng trong cái sợ đó, tôi lại nghĩ rằng, con mình cũng từng bị như vậy nên không có gì ngần ngại chăm sóc để tạo niềm tin cho các bạn. Có sợ cũng cố gắng vượt qua".
Nỗi đau mất đi con trai cả và con dâu chưa nguôi ngoai, tai họa lại ập đến khi người con trai thứ hai của bà cũng đi vào vết xe đổ của anh trai và bị nhiễm virus tử thần. Hiện tại, anh đang ở trại cai nghiện số 05 Xuân Phương và cũng trong giai đoạn cuối của bệnh AIDS, khắp người đã bắt đầu lở loét.
Những tưởng cậu con trai út sẽ là niềm hi vọng và chỗ dựa cho bà khi tuổi cao sức yếu, nhưng anh này cũng bỏ học từ năm lớp 11, theo chúng bạn ăn chơi đua đòi, không thể trang trải cuộc sống và đỡ đần người mẹ bất hạnh.
Một mình bà lại bươn chải ở khu chợ Nhật Tân. Ngày ngày cứ 4h sáng ra bán hàng nước, trưa chiều làm vệ sinh rồi lấy nước thuê cho hàng cá. Bao năm tự mình kiếm sống, nuôi con nghiện hút lại mắc bệnh xã hội, khi nhắc đến người chồng bà Đông chỉ ngậm ngùi: "Chồng tôi theo người khác đã gần chục năm nay. Tôi không biết lý do vì sao nhưng đừng đổ là do các cháu mà phải tội".
Tình nguyện viên "độc nhất vô nhị"
Đến chợ Nhật Tân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội), cứ hỏi bà Đông hay "Đông ma túy", "Đông si đa", ai ai cũng biết bởi cái lao động đặc biệt, gần như là "độc nhất vô nhị" chỉ của riêng bà là tắm rửa, khâm liệm cho người nhiễm HIV/AIDS và cả những người già cả, bệnh tật, ốm đau rồi qua đời.
Chiếc xe đạp không chuông, không phanh cùng bà trên mỗi nẻo đường đến với người có HIV/AIDS.
Với chiếc xe đạp không chuông, không phanh, 1 đôi xô, 1 chiếc gáo, 1 cái xoong và bộ dụng cụ chăm sóc cho bệnh nhân HIV/AIDS được Bộ Y tế cấp, bà Đông đạp xe đến mọi ngõ xóm, phố phường, không chỉ ở quận Tây Hồ mà cả các xã bạn, hễ biết ai cần giúp đỡ là bà sẵn sàng gác lại công việc ở chợ và lên đường, có khi là đêm hôm, gà gáy.
Mối "duyên" với "nghề" đến với bà từ trước khi trở thành một tình nguyện viên Câu lạc bộ "Hãy đến bên nhau". Bà kể, trường hợp đầu tiên bị HIV được bà chăm sóc và khâm liệm vào năm 2000, sau đó mới tới vợ chồng người con cả của bà.
Năm 2005, Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS thực hiện chương trình phổ biến kiến thức ở phường. Với tình thương và tâm huyết dành cho những người nhiễm HIV, bà Đông được tham dự lớp tập huấn 15 ngày. Bằng kinh nghiệm của bản thân và tích lũy kiến thức qua lớp học, bà Đông là tình nguyện viên rất tích cực, hai năm liền được tặng thưởng giấy khen.
Công việc hàng ngày của bà là chăm sóc, chia sẻ với các bệnh nhân nhiễm H và đang sống chung với H, vận động các bạn tham gia Câu lạc bộ của phường. Ban đầu, CLB mới có 11 thành viên, đến nay đã phát triển lên con số 85 thành viên, trong đó có tới 21 người đang mang trong mình virus HIV.
Bà Đông chia sẻ: "Các bạn nhiễm H cũng là 1 con người, mình cũng là con người không nên kỳ thị, xa lánh các bạn mà phải là đòn bẩy để các bạn dựa vào. Các bạn nhiễm H đi vào con đường lầm lỡ, trở thành gánh nặng cho gia đình, mình phải có lời nói và động viên để các bạn hiểu rằng dù họ lầm lỡ nhưng bên cạnh vẫn có người sống chung với họ để giúp họ vượt qua mặc cảm".
Bà kể, những ngày đầu đến làm tình nguyện, có khi bị người trong gia đình và chính người bệnh chửi bới, nhưng càng chửi bà càng đến và khi người đó qua đời, gia đình lại đến nhờ bà tắm rửa và khâm liệm cho họ.
Người tình nguyện viên đặc biệt nhớ nhất kỷ niệm với một bệnh nhân sinh năm 1978. Bố mẹ ly hôn, người mẹ giờ vẫn ngồi tù vì buôn bán ma túy còn người bố đã đi bước nữa. Khi người đó ở vào giai đoạn cuối, người bố và mẹ kế không dám chăm sóc, chỉ bịt khẩu trang đứng nhìn.
Bà Đông lại ân cần đến với người bệnh như đang chăm sóc đứa con của mình. Người ấy tâm sự với bà rằng: "Cháu ân hận, cháu và con bác lâm vào ma túy hại gia đình. Cháu cám ơn bác chăm sóc, tắm rửa cho cháu. Cháu ra đi là số phận, cháu sẽ phù hộ cho bác khỏe mạnh". Và rồi 9h sáng hôm sau, người ấy lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng.
Có người bệnh tìm đến bà như một nơi để gửi gắm khi biết ngày lìa xa cuộc đời của mình sắp đến. Đó là trường hợp một người đàn ông có HIV ở Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội. Qua thông tin trên mạng, anh biết đến người tình nguyện viên với công việc độc nhất vô nhị giữa lòng thủ đô và nhờ gia đình đến tìm. Những ngày cuối, anh thỏa ước nguyện được bà chăm sóc và khâm liệm khi nhắm mắt xuôi tay.
Tận tâm tận lực với công việc là điều dễ nhận thấy ở người tình nguyện viên này. Chị Hà, một người hàng xóm gần gũi với bà Đông chia sẻ: "Mình là người may mắn trong gia đình không có người nhiễm HIV. Nhưng gia đình bà có 2 con nhiễm H nên bà rất hiểu và sẵn sàng giúp đỡ không tính toán, không vì tiền, mà chỉ làm vì tâm huyết của mình".
Với người phụ nữ bất hạnh nhưng giàu lòng bao dung và chất chứa tình thương ấy, niềm an ủi duy nhất của bà lúc này là có cô con dâu vợ người con trai thứ hai rất thảo hiền, đặc biệt là hai cháu nội chăm ngoan và học giỏi. Đó là nguồn động lực lớn lao, là chỗ dựa tinh thần để bà tiếp tục đến với những gia đình, những người đang sống chung với căn bệnh thế kỷ và trở thành chỗ dựa cho họ những ngày cuối cùng của cuộc đời.
Theo Laodong
Nhiễm HIV ở nam giới đồng tính vẫn tăng cao Tính đến cuối năm 2012, ước tính tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam tiêm chích ma túy ở Việt Nam là 11%. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới cũng đang có xu hướng tiếp tục tăng lên. Vào ngày Thế giới phòng, chống AIDS lần thứ 25 hôm nay (1/12), Liên Hợp Quốc chúc mừng...