Ám ảnh bệnh ung thư ở làng ven sông ‘khát’ nước
Sống bên bờ sông Gianh (Quảng Bình) nhưng cứ đến mùa hè là người dân nơi đây phải sống trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. Những hộ có điều kiện thì mua nước với giá cao, còn hộ nghèo phải dùng nước giếng nhiễm phèn nặng.
Cũng trong khoảng 10 năm trở lại đây, làng Thuận Bài (phường Quảng Thuận, TX.Ba Đồn, Quảng Bình) đã có khoảng 20 người chết vì bệnh ung thư khiến cho dân làng cảm thấy hoang mang.
Thiếu nước bên… bờ sông
Nằm bên bờ Bắc sông Gianh, làng Thuận Bài có hơn 350 hộ dân, với gần 1.700 nhân khẩu, gần 2 tháng nay đã phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Giếng làng khô cạn
Vì nằm ở địa hình thấp nên hầu hết nguồn nước giếng trong làng đều bị nhiễm phèn nặng, mỗi gia đình ở đây phải tự xây bể chứa hứng nước mưa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Mùa khô năm nay kéo dài, nắng nóng hoành hành nên nguồn nước dự trữ cạn dần, người dân phải chật vật sinh hoạt với lượng nước ít ỏi.
Bà Trần Thị Thảo (SN 1954) ở Xóm Nam cho biết: “Tình trạng thiếu nước diễn ra mấy chục năm nay rồi. Trước đây, khi chưa có điều kiện xây bể dự trữ nước, cứ đến mùa nắng là cả làng phải đến những hố bom (sót lại sau chiến tranh) múc nước mưa về dùng.
Giờ hố bom cũng đã cạn kiệt, chúng tôi phải mua nước với giá 70 – 100 ngàn đồng/m3. Nhà tôi ít người nên mỗi mùa nắng mua hết gần 2 triệu tiền nước. Những nhà không có điều kiện thì vẫn phải cắn răng dùng nước giếng nhiễm phèn nặng để sinh hoạt”.
Làng Thuận Bài tuy nằm cạnh sông nhưng cây cối hoang tàn, khô khốc, ruộng cũng thiếu nước tưới nên mỗi năm cũng chỉ làm được một vụ.
Trước đây, người dân trong làng cũng đã khoan giếng, nhưng giếng khoan sâu bao nhiêu lại càng mặn bấy nhiêu, tưới cây còn không được huống hồ dùng để sinh hoạt, bà Đinh Thị Hạnh cho biết.
Vì nước mưa đã hết, nước giếng bị nhiễm phèn nặng nên người làng Thuận Bài phải mua nước. Với những hộ dân sống gần bờ sông thì nước được mua từ những chiếc đò cập bờ sông Gianh sau đó bơm trực tiếp vào bể chứa với giá từ 70 – 80 ngàn đồng/m3.
Video đang HOT
Còn những gia đình nằm sâu trong làng, muốn mua nước phải gọi xe bán tải chở đến với giá đắt đỏ, lên tới 100 ngàn đồng/m3.
Ông Trần Văn Sơn (58 tuổi), một cán bộ hưu trí cho hay, từ 5 năm trước, gia đình ông đã xây 2 bể chứa nước mưa với dung tích 120m3 nhưng năm nay bể cũng cạn khô. Đành phải mua nước bình để uống, còn nấu cơm, giặt giũ phải đi mua từ thượng nguồn sông Gianh được các chuyến đò chở về bán.
Số người chết vì ung thư tăng cao
Ông Mai Văn Nhiệm, Trưởng xóm Nam cho biết, khoảng chục năm trở lại đây, trong làng đã có hơn 20 người chết vì bệnh ung thư. Chủ yếu là ung thư dạ dày.
Điều này khiến những người dân ở đây vô cùng lo lắng. Trước đây, khi chưa có điều kiện để xây những bể chứa, người làng Thuận Bài phải dùng nguồn nước giếng bị nhiễm phèn lọc qua để sử dụng.
Bà Đinh Thị Hạnh dè sẻn từng giọt nước được mua với giá 100 ngàn đồng/m3.
Những hố bom còn sót lại thời chiến tranh cũng được coi là hồ chứa “tự nhiên” dự trữ nguồn nước sinh hoạt cho người dân và nước cho gia súc uống quanh năm.
Vì không đảm bảo vệ sinh nên khi dùng nguồn nước này, người dân trong làng thường mắc những bệnh về da liễu và tiêu hóa.
Về sau, khi cuộc sống khá hơn, người dân tự xây những bể chứa nước mưa để dự trữ nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Hiện nay, người dân không còn lấy nước ở những hố bom để dùng nên các loại bệnh về da và tiêu hóa cũng giảm đi trông thấy.
Tuy nhiên, khoảng mười năm trở lại đây trong làng có nhiều người chết vì bị bệnh ung thư, có nhà đến 3 người chết. Điều này làm dấy lên một nỗi lo thường trực, ám ảnh cuộc sống của người dân.
Chưa ai khẳng định được nguyên nhân tại sao có nhiều người trong làng mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này, nhưng có nhiều lời đồn đoán là do nguồn nước “bẩn” mà bà con sử dụng trong mấy chục năm qua tích tụ lại trong cơ thể rồi sinh bệnh.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Thảo chỉ thở dài: “Mấy năm trước, cũng có nhiều đoàn về khảo sát để kéo nước sạch cho dân làng, nhưng chờ mãi, giờ chúng tôi chỉ hi vọng công trình sớm triển khai để giúp bà con bớt khó khổ trong những mùa khô sắp tới”.
Ông Nguyễn Tiến Hùng, Chủ tịch phường Quảng Thuận cho biết: “Tình trạng thiếu nước đã diễn ra hàng chục năm nay, việc những năm trở lại đây có nhiều người chết là do họ có bệnh tật từ trước đó. Hiện nay, công ty cấp thoát nước Quảng Bình cũng đang khảo sát để tiến hành lắp đặt nước sạch cho bà con”.
Hải Sâm
Theo_VietNamNet
Hất anh trai lên nắp ca pô 'diễu phố' gần 10km
Sau khi vượt lên trước xe tải, bà Lan tiếp tục chạy tốc độ nhanh, lạng lách, phanh gấp, đánh võng để anh trai rơi khỏi nắp ca pô...
Bị cáo tại tòa.
Mâu thuẫn gia đình
Ngày 26/11, TAND Thành phố Hà Nội đưa bị cáo Lương Thị Kim Lan (46 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) ra xét xử tội Giết người.
Theo cáo trạng, khoảng 11h30 ngày 15/11/2012, anh Nguyễn Văn Soạn (34 tuổi, ở huyện Từ Liêm, Hà Nội) là lái xe thuê cho bà Lan chạy ô tô chở ông Lương Đình Tiến (58 tuổi, anh ruột bà Lan) đến nhà ông Nguyễn Tiến Hưng (50 tuổi, trưởng thôn Ngọc Mạch, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm) để xin làm thủ tục chuyển mộ của bố đẻ từ nghĩa trang thôn Ngọc Mạch về nghĩa trang Vạn Phúc (quận Hà Đông).
Khi đến bốt điện trước cửa nhà văn hóa thôn Hòa Thị, xã Xuân Phương thì gặp ông Lương Đình Tuấn (anh ruột bà Lan) và Lương Đình Lâm (36 tuổi, em trai bà Lan) đi hai xe máy đến.
Do trước đó, giữa anh chị em nhà bà Lan không thống nhất về việc chuyển mộ bố đẻ là ông Lương Đình Hoán (cụ thể, ông Tuấn, ông Lâm không đồng ý về việc chuyển mộ), dẫn đến xô xát với em gái.
Ông Tuấn và ông Lâm định lao vào đánh bà Lan vì cho rằng người phụ nữ này khởi xướng việc chuyển mộ.
Trong lúc đang cãi nhau, bà Lan bảo anh Soạn đưa chìa khóa ô tô để bà ta tự lái. Khi lùi xe, quay đầu ra UBND xã Xuân Phương, ô tô của bà này va vào xe máy của người anh và em trai mình làm đổ ra đường.
Hất anh trai lên nắp ca pô "diễu phố"
Ông Tuấn chạy ra ngăn không cho em gái lái xe đi. Lúc đó, bà Lan không dừng mà đâm thẳng ô tô vào anh trai, buộc ông Tuấn phải nhảy lên nắp ca pô, hai tay bám vào cần gạt nước, nằm úp bụng vào nắp ca pô.
Mặc kệ người anh trai nằm trên nắp ca pô, bà Lan tiếp tục lái xe chạy nhanh ra đường lớn. Trên đường, ô tô do bà Lan điều khiển va vào xe máy của một phụ nữ dựng ven đường, rồi tạt qua đầu xe máy của một thanh niên trên đường làm anh này lao vào hàng rào.
Bà Lan tiếp tục chạy xe với tốc độ 50-60 km/h, hướng về Đại lộ Thăng Long. Lúc này, một thanh niên chạy xe máy cùng chiều thấy chiếc ô tô lao đi với tốc độ lớn, cho rằng người cầm lái vừa gây tai nạn bỏ trốn nên đã đuổi theo.
Anh này vừa đuổi vừa bấm còi xin vượt nhưng bà Lan không dừng xe, cố chèn ép không cho xe máy vượt. Bà này tiếp tục chạy tốc độ nhanh, lạng lách, phanh gấp, đánh võng để anh trai rơi khỏi nắp ca pô.
Nạn nhân cố bám chặt vào cần gạt nước ô tô để không bị văng xuống đường. Nhiều người dân đã chặn đường buộc nữ tài xế phải dừng lại. Những người dân này đã chèn gạch, xì hơi 4 lốp xe và điện báo cho công an đến hiện trường.
Cơ quan điều tra xác định, bà Lan có hành vi cố sát hại anh trai. Người phụ nữ này đã phóng tốc độ lớn, trên đoạn đường khoảng 9km để hất ông Tuấn xuống đường.
Tại tòa, bà Lan cho rằng, vì bị anh trai cầm mũ bảo hiểm tấn công nên bà ta đã hoảng sợ, phải lên ô tô bỏ đi. "Anh ấy tự nhảy lên nắp ca pô của bị cáo", bà Lan khai trước tòa. Theo lời bị cáo, bà ta chỉ lái xe chạy khoảng 30-40km/h...
Trả lời thẩm vấn của HĐXX về việc, tại sao bị cáo không dừng xe để ông Tuấn xuống, bà Lan cho rằng, anh trai có thái độ hung hãn và từng tuyên bố: "Hôm nay tao phải giết" nên bị cáo lo sợ cho tính mạng mình.
Ngay cả khi bị nhiều người chặn xe, bà ta ngồi im trong ô tô để xe công an cẩu về tận trụ sở mới dám ra ngoài.
Về phía nạn nhân, ông Tuấn phủ nhận lời khai của em gái, cho rằng bà Lan chủ tâm đâm vào mình và không có việc ông này dùng mũ bảo hiểm đánh em gái.
Có mặt tại tòa, một số nhân chứng cũng khẳng định có việc ông Tuấn đánh em gái, song một số người khác lại phủ nhận.
Đại diện VKS giữ nguyên quan điểm truy tố bà Lan tội Giết người và đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo 12-13 năm tù tội Giết người.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ, điều tra bổ sung một số tình tiết trong vụ án.
Theo Xahoi