Ám ảnh 8 câu thoại ở Tòa Án Vị Thành Niên: Cháu nghe nói trẻ em dưới 14 tuổi, dù giết người cũng không phải đi tù
Một trong những điều làm nên sức hút cho Tòa Án Vị Thành Niên chính là những câu thoại phản ánh nỗi đau trong phim.
Bài viết tiết lộ nội dung phim.
Toà Án Vị Thành Niên (Juvenile Justice) là bộ phim truyền hình dài tập của Hàn Quốc mang đề tài luật pháp và hình sự, xoay quanh những vụ án mà thủ phạm là những đứa trẻ đang ở độ tuổi vị thành niên. Mở đầu loạt phim là sự phẫn nộ của công chúng, yêu cầu bãi bỏ đạo luật vị thành niên, nghiêm trị hung thủ, tăng mức hình phạt đối với tội phạm vị thành niên.
Bộ phim gây tò mò cho người xem bởi đoạn teaser với lời thẩm phán Shim Eun Seok (Kim Hye Soo thủ vai) nói trong một cuộc phỏng vấn: “Trong số 3000 thẩm phán ở Hàn Quốc, chỉ có 0,6% làm việc tại các tòa án vị thành niên”. Bên cạnh nội dung hấp dẫn, những câu thoại phản ánh những nỗi đau cũng như nỗi bất hạnh trong phim cũng là lý do tạo nên sức hút của Toà Án Vị Thành Niên.
1. “Phải cho chúng thấy pháp luật đáng sợ. Dạy chúng rằng nếu làm hại người khác thì sẽ phải trả giá” – Shim Eun Seok
Shim Eun Seok là một thẩm phán có gương mặt nghiêm nghị, được biết đến là một người phụ nữ thông minh, có những biện pháp trừng trị nghiêm khắc. Ngay ở tập phim đầu tiên, Kim Eun Seok đã tỏ rõ quan điểm của mình: “Tôi không có thiện cảm với tội phạm vị thành niên”. Câu nói này cũng là đầu mối, lí giải cho tính cách nghiêm nghị, không khoan nhượng của Eun Seok. Khi đồng nghiệp của cô – Cha Tae Joo ( Kim Mu Yeol) liên tục thắc mắc tại sao Eun Seok liên tục có ác cảm với trẻ vị thành niên, cô cho rằng sai lầm là sai lầm, dù cho thủ phạm có ở bất kỳ độ tuổi nào. Không nên nới lỏng hình phạt chỉ vì bị cáo là trẻ vị thành niên.
2. “Cháu nghe nói trẻ em dưới 14 tuổi, dù giết người cũng không phải đi tù” – Seong U
Đây là câu nói khiến người nghe cảm thấy ghê rợn nhất ở ngay tập đầu tiên của phim. Ở tập 1, người xem đã phải sốc trước một vụ án dựa trên một sự kiện có thật ở Hàn Quốc. Cụ thể, cậu bé 9 tuổi Ji Hu đã bị nữ sinh 16 tuổi Han Ye Eun và nam sinh 13 tuổi Seong U bắt cóc, sát hại và phân xác. Vì biết mình dưới tuổi vào tù và còn mắc bệnh tâm thần phân liệt, thế nên khi được tra hỏi về việc ra tay sát hại Ji Hu, Seong U không có chút sợ sệt thú nhận tội ác của mình, còn đưa ra lời bào chữa không thể máu lạnh hơn.
Đứng trước sự tra hỏi của thẩm phán Kim Eun Seok, thái độ dửng dưng của tên tội phạm 13 tuổi – Seong U đã khiến mẹ của nạn nhân không kìm nén nỗi đau thương, chạy ra khỏi tòa án và bật khóc.
3. “Con người thường lộ bản chất thật khi bị dồn vào đường cùng. Vì thế nên loài người mới độc ác” – Shim Eun Seok
Khi nghe mọi người liên tục bàn luận về nhân phẩm và nhân quyền của những tội phạm vị thành niên, Kim Eun Seok đã nêu rõ quan điểm của mình. Cô cho rằng cách mà bọn trẻ chia sẻ câu chuyện của chúng với người lớn và cách hành xử của những đứa trẻ là hai việc hoàn toàn khác nhau.
Khi con của mình bị phán xử tội giết người, mẹ của Seong U không những không nhận ra sai phạm của con mình, ngược lại còn muốn bao che, ngụy biện cho những lỗi lầm đó. Mẹ Seong U vẫn nghĩ con mình mới là một đứa bé 13 tuổi, vẫn chưa tin được những việc mà con mình gây ra. Thế nhưng trẻ con suy cho cùng cũng là con người, và theo lời của Kim Eun Seok: “Con người thường lộ bản chất thật khi bị dồn vào đường cùng”.
4. “Người bị đánh là em mà. Tại sao lần nào em cũng phải bỏ trốn?” – Seo Yu Ri
Không chỉ đề cập đến những cái ác tiềm ẩn trong mỗi người, bộ phim cũng đưa ra những vấn đề, những nguyên nhân gây nên tổn thương cho trẻ em. Ở tập 3 của bộ phim, khán giả phải rùng mình với cảnh bố đẻ dùng gậy bóng chày đánh đập con gái của mình. Điều bất hạnh ở đây chính là mặc dù cô con gái có bà nội ở bên cạnh, chứng kiến hết những tội ác đó, nhưng bà nội lại không hề lên tiếng bảo vệ cháu mình mà còn ra sức bao che cho người bố vô nhân tính kia.
Có lẽ do vậy nên cô bé Yu Ri cho rằng việc mình được sinh ra và tồn tại trên cuộc đời này đã là sai lầm, cô bé dù là nạn nhân nhưng vẫn luôn tự trách bản thân. Chỉ tới khi có sự thuyết phục của thẩm phán, Yu Ri mới có dũng khí để tố cáo bố của mình. Câu hỏi tưởng chừng như đơn giản của Yu Ri nói với thẩm phán Cha Tae Joo lại khiến người xem không cầm được nước mắt vì nó chứa đựng bao nỗi buồn tủi cũng sự xót xa: “Người bị đánh là em mà. Tại sao lần nào em cũng phải bỏ trốn?”.
5. “Những đứa trẻ bị tổn thương do bạo lực gia đình, sẽ chẳng thể lớn lên được nữa. Mười năm, hai mươi năm? Chỉ có thời gian là trôi đi thôi, còn những đứa trẻ ấy sẽ mãi mãi mang trong mình những tổn thương” – Cha Tae Joo
Cùng là thẩm phán thế nhưng Shim Eun Seok nghiêm khắc với những đứa trẻ bao nhiêu thì Cha Tae Joo lại có xu hướng thông cảm, thấu hiểu với bọn trẻ bấy nhiêu. Liên tục khó hiểu bởi sự khắc nghiệt mà đồng nghiệp của mình dành cho bọn trẻ, Cha Tae Joo luôn tìm cách giảm nhẹ vấn đề, để mọi chuyện bớt căng thẳng rồi mới giải quyết chúng.
Hoá ra, tính cách đó của Cha Tae Joo đã xuất phát từ những năm tháng anh còn là cậu thiếu niên. Cha Tae Joo cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình, anh bị bố bạo hành như cô bé Yu Ri. Vì đã trải qua tình cảnh đó, hiểu được tâm lý đó mà Cha Tae Joo luôn có cái nhìn khách quan, đồng cảm với những đứa trẻ vị thành niên.
6. “Chính ông đã đẩy Sin U” – mẹ Sin U
Câu chuyện về áp lực học tập, thi cử chưa bao giờ hạ nhiệt đối với xã hội hiện nay. Không ít lần người ta đã phải chứng kiến những vụ tử sát đau thương của những em học sinh cấp 3 chỉ vì áp lực thi chuyển cấp, những con số chỉ để bố mẹ nở mày nở mặt.
Sin U là con trai cả của Kang Won Joong, một thẩm phán đang trên đà tiến đến vị trí Uỷ viên Quốc hội, chỉ vì gian lận thi cử, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự nghiệp của bố mình mà Sin U đã chọn cách tự vẫn. Bẩm sinh, không một đứa trẻ nào quan tâm điểm số, thi thố, thành tích. Nếu một đứa trẻ tự vẫn, điển hình là Sin U, và nguyên nhân là áp lực học hành thì ai là người đã đẩy cậu bé này ra ngã ba tử thần đó?
7. “Xin hãy trả lại cuộc sống cho em như trước đây” – Kang Seon A
Khép lại Tòa Án Vị Thành Niên là một vụ án gây sốc không kém tập mở đầu. Tập 10 xoay quanh một nhóm trẻ vị thành niên, chuyên mồi chài con gái nhà lành trên mạng xã hội, hẹn gặp rồi cưỡng bức tập thể. Không chỉ vậy, chúng còn đồi bại hơn khi ghi lại những thước phim này và dùng những chiếc clip đó để kiếm tiền.
Kang Seon A là một trong những nạn nhân của nhóm thanh niên này. Tuy nhiên, Seon A khác với những nạn nhân khác ở chỗ, em đã dũng cảm khai báo hành vi của nhóm thanh niên đồi bại này. Trớ trêu thay, khi mọi chuyện được phơi bày, những tưởng Seon A sẽ được mọi người xung quanh cảm thông và bảo vệ mình thì họ lại chọn cách chất vấn, nghi ngờ cũng như xa lánh Seon A.
Khi được hỏi về lời muốn nói của bản thân với nhóm tội phạm, Seon A không hề trách cứ hay nguyền rủa, mà chỉ cầu xin được sống bình thường, cuộc sống tươi đẹp trước đây của cô. Có thể thấy, những tên tội phải có thể sẽ phải trả giá cho lỗi lầm của mình, nhưng nỗi đau mà nạn nhân phải gánh chịu không gì có thể chữa khỏi.
8. “Tôi căm ghét tội phạm vị thành niên” – Shim Eun Seok
Là câu nói mở đầu của bộ phim nhưng phải đến cuối phim, người xem mới hiểu được câu nói này của thẩm phán Shim Eun Seok. Hoá ra, con của Shim Eun Seok đã bị giết bởi những kẻ phạm tội vị thành niên và không ai khác chính là Hwang In Jun và Baek Do Hyeon, những kẻ đã cưỡng hiếp Seon A.
Hai tên này đã ném một viên gạch từ sân thượng xuống và trúng con trai Eun Seok, khiến cậu bé xấu số tử vong tại chỗ. Tuy nhiên, phiên tòa xét xử với hai tên tội phạm vị thành niên này chỉ diễn ra trong vòng 3 phút, không ai bị kết án. Sự ghê tởm của Eun Seok đã bắt nguồn từ đó. Trong suốt những năm qua, Shim Eun Seok luôn bị ám ảnh bởi chuyện này, cô dường như chưa tìm ra lối thoát cho tất cả thù hận trong mình. Do vậy mà tội phạm vị thành niên luôn là một trong những thứ ám ảnh vị thẩm phán nghiêm nghị này.
Tòa Án Vị Thành Niên: Bóc phốt xã hội Hàn Quốc chỉ bằng 10 tập phim, bạo lực ngập tràn nhưng không hề phản cảm
Tòa Án Vị Thành Niên đủ tầm sánh ngang với những siêu phẩm như Signal, Secret Forest.
Bài viết không tiết lộ nhiều nội dung phim và có một số hình ảnh nhạy cảm.
Từ khi mới tung trailer đầu tiên, Tòa Án Vị Thành Niên (Juvenile Justice) đã khiến những người yêu phim Hàn phải ngóng đợi từng ngày. Và không phụ sự kì vọng của khán giả, Tòa Án Vị Thành Niên không chỉ là một bộ phim hình sự hay, mà còn tiệm cận sự hoàn hảo trong cách làm phim và diễn xuất.
Xã hội Hàn Quốc thu nhỏ lại chỉ bằng 10 tập phim
Đúng như tên gọi, Tòa Án Vị Thành Niên xoay quanh những vụ án mà thủ phạm là những thanh thiếu niên chưa đầy 18 tuổi. Chưa đến tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, các tội phạm trẻ tuổi được xét xử trong những phiên tòa với hình phạt cao nhất là 2 năm trong trại giáo dưỡng. Lợi dụng điều này, chúng thỏa sức làm ra những tội ác tán tận lương tâm, từ giết người phân xác đến cưỡng bức tập thể đều có. Nhưng thẩm phán Shim Eun Seok (Kim Hye Soo) - một người căm ghét tội phạm vị thành niên quyết tâm khiến cho những đứa trẻ phải biết hối hận trước lỗi lầm của mình.
Nếu chỉ xem trailer, nhiều người sẽ nghĩ phim xoay quanh phòng xử án với những phiên điều trần, vạch mặt tội phạm. Tuy nhiên, Tòa Án Vị Thành Niên lại có bối cảnh rộng hơn thế rất nhiều.
Chỉ với 10 tập phim, Tòa Án Vị Thành Niên xoáy sâu vào gần như đầy đủ các vấn đề nổi cộm trong xã hội Hàn Quốc. Sự lơi lỏng của luật pháp, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, gian lận thi cử, mại dâm trẻ em, quay lén, gây tai nạn bỏ trốn... Thật khó có thể tin một bộ phim lại có thể ôm đồm từng ấy vấn đề trong thời lượng có hạn, chỉ vẻn vẹn 10 tập. Dù vậy, sự liên kết giữa các tình tiết rất tài tình, khiến cho nội dung phim vẫn có sự mạch lạc, không bị rối rắm.
Tội phạm vị thành niên - những đứa trẻ lạc lối giữa hai ngã rẽ
Không chỉ trích, miệt thị cũng chẳng bênh vực, "tẩy trắng", phim mang lại những cái nhìn rất đa chiều về tội phạm thiếu niên. Có người sinh ra trong gia đình nghèo khó, túng quấn nên làm liều, có người được cha mẹ nuông chiều, bao bọc đến coi thường pháp luật, có người vì thiếu thốn tình thương mà tâm lý bất ổn, kích động... Nhưng dù vì lý do gì, tất cả bị cáo đều được xét xử công bằng, thấu tình đạt lý.
Chưa dừng lại ở đó, Tòa Án Vị Thành Niên nói lên một vấn đề mà ít bộ phim hình sự nào đi sâu. Đó là cuộc sống của tội phạm thiếu niên sau bản án. Nếu như ở những phiên tòa bình thường, thẩm phán tuyên án là hết trách nhiệm. Nhưng ở phiên tòa vị thành niên, thẩm phán chính là những người sẽ giám sát những thiếu niên mắc lỗi cho đến mãn hạn quản chế. Làm cách nào để những thiếu niên từng lầm lỡ biết hướng thiện, không đi sâu vào con đường sai trái? Đó là điều các thẩm phán trong phim luôn trăn trở. Đây cũng chính là điều giúp Tòa Án Vị Thành Niên không khô khan, khuôn mẫu và nặng về chuyên ngành như nhiều bộ phim lấy bối cảnh tòa án khác.
Loạt nhân vật đa chiều qua những màn diễn xuất đỉnh cao
Với một nội dung phức tạp là vậy, thật may mắn Tòa Án Vị Thành Niên không có một "hố đen" diễn xuất nào. Từ dàn chính với những cái tên đình đám như Kim Hye Soo, Kim Mu Yeol, Lee Sung Min, đến những diễn viên trẻ tuổi chỉ xuất hiện chớp nhoáng ở vài phân cảnh. Đặc biệt, Kim Hye Soo chứng minh đẳng cấp với 3 bộ phim liên tiếp, từ Signal, Hyena đến Tòa Án Vị Thành Niên đều xuất sắc.
Cái giỏi của phim là xây dựng những nhân vật khiến ta phải trăn trở. Như thẩm phán Shim Eun Seok là người cộc cằn, thiếu sự mềm mỏng, nhưng cô chưa bao giờ xử sai, xử ép một thiếu niên nào. Thẩm phán trưởng Kang Won Joong ban đầu như một nhân vật phản diện đáng ghét, nhưng cái kết lại khiến khán giả bất ngờ. Ngay cả những đứa trẻ bất hảo hay "phá làng phá xóm" cũng có khoảnh khắc đáng thương. Thật khó có thể đánh giá một nhân vật ngay từ lúc "chào sân" mà phải từ từ khám phá mới biết.
Cách làm phim văn minh: Không phản cảm - không thừa thãi
Đề cập đến một số vụ giết người, hiếp dâm dã man, Tòa Án Vị Thành Niên đôi khi khiến người xem cảm thấy bị ám ảnh. Kẻ thủ ác cũng không phải lúc nào cũng nhận ra lỗi lầm, gây ức chế và bực bội cho khán giả. Tuy nhiên, phim đã rất tiết chế để những cảnh quay bạo lực không đi quá giới hạn.
Một số cảnh quay nhạy cảm đã được tiết chế khéo léo
Một điều mà khán giả Hàn Quốc khen ngợi hết lời ở Tòa Án Vị Thành Niên là không kéo dài tình tiết một cách thừa thãi như một số bộ phim truyền hình khác. Phim giống như những series ngắn tập của Anh, Mỹ nơi mọi vấn đề đều được giải quyết nhanh chóng, rõ ràng. Nhờ sự góp sức của nền tảng nước ngoài, Hàn Quốc đã tiến bộ hơn nhiều trong cách làm phim.
Tòa Án Vị Thành Niên hiện đã phát sóng trọn bộ trên Netflix.
Trailer Tòa Án Vị Thành Niên
Kinh hoàng vụ cưỡng bức tập thể ở Tòa Án Vị Thành Niên: Kẻ thủ ác quá đốn mạt, lý do nạn nhân tự tử mới uất nghẹn Đây cũng là vụ án khép lại series Tòa Án Vị Thành Niên của chị đại Kim Hye Soo. Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim. Tòa Án Vị Thành Niên (Juvenile Justice) hiện đang là bộ phim nhận được rất nhiều sự chú ý của khán giả. Với câu chuyện về những tội phạm vị thành niên, ỷ lại vào...