Alo nếu bạn muốn làm quen với chân dài, xinh đẹp…
Sau sự việc những số điện thoại lạ được xác định là những đầu số của điện thoại vệ tinh quốc tế (đầu số 881 hoặc 882) lừa đảo tại Việt Nam dưới dạng các cuộc gọi nhỡ. Thời gian gần đây đã xuất hiện một biến tướng khác của hình thức này, bằng chiêu “nháy máy” hoặc nhắn tin, những cung cấp dịch vụ đã mời gọi hoặc dẫn dụ người sử dụng tới một hệ thống tổng đài với những thông tin không hữu ích, song người sử dụng lại phải trả cước phí rất cao. Không ít người vì tò mò hoặc thiếu thông tin đã trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo này.
Ảnh internet
Những cuộc gọi nhỡ… moi tiền
Chị Vân (Hoàn Kiếm – Hà Nội) kể lại câu chuyện trong lúc đang ngồi làm việc, chị đặt máy điện thoại ở bên cạnh, bỗng nhiên thấy màn hình điện thoại sáng đèn nhưng không có chuông hay báo rung. Mở máy ra xem chị thấy có một cuộc gọi nhỡ từ số máy 0862885180. Theo thói quen, vì tưởng rằng có cuộc gọi nhỡ của đối tác trong TP.HCM, chị liền gọi lại theo số máy bị nhỡ. Sau một hồi chuông, phía đầu dây bên kia là một giọng nữ người miền Nam hết sức ngọt ngào: “Dạ, alo, em xin chào các anh chị ạ”. Tưởng rằng đây là một nhân viên đang cầm máy trả lời trực tiếp, chị Vân định hỏi xem người gọi lỡ tới số máy của chị có việc gì thì giọng nói ở đầu dây bên kia lại tiếp tục: “Nếu bạn muốn làm quen với các bạn nữ chân dài, xinh đẹp vừa dễ thương, hoặc bạn muốn làm quen với các bạn nam đẹp trai và phong độ xin hãy gọi cho tổng đài giao lưu, kết bạn, chia sẻ tình yêu 1900571565. Tổng đài 1900571565 sẽ giúp bạn làm quen, gặp gỡ với hàng nghìn hội viên nam, nữ ở mọi lứa tuổi”. Sau khi nghe hết đoạn hội thoại, chị Vân mới biết đây là một đoạn ghi âm trả lời tự động có ngữ điệu rất tự nhiên, ngắt đoạn như đang giao tiếp giữa hai người. Đoạn trả lời kéo dài 31 giây rồi tự động ngắt. Do đã từng biết đây là dịch vụ lừa đảo nên chị Vân đã không gọi đến tổng đài kết bạn như lời dẫn dụ do vậy khi kiểm tra lại tài khoản chị đã không bị tính cước phí phụ trội.
Anh Thắng (Mỹ Đình – Hà Nội) cho biết, trong lúc anh đang làm việc thì có một số điện thoại bàn số 0462.692.659 gọi vào số di động. Chưa kịp nghe máy thì số điện thoại này đã ngừng cuộc gọi. Theo thói quen, sau khi gọi vào số điện thoại trên, phía đầu dây bên kia vang lên hộp thư trả lời tự động với nội dung: “Chào mừng bạn đã đến với chương trình Quà tặng âm nhạc bốn phương, bạn nhận được một bài hát của một người thân gửi tặng. Để nghe bài hát, bạn vui lòng gọi điện đến tổng đài của chương trình, số điện thoại 19001199″. Tò mò vì không biết người có ý định gửi tặng bài hát cho mình là anh, nên anh Thắng tiếp tục gọi đến số tổng đài 19001199. Lúc này phía đầu máy bên kia cũng là hộp thư trả lời tự động với nội dung: “Bạn nhận được một bài hát từ một người bạn, làm ơn giữ máy để nghe chọn bài hát”. Nghe hết bài hát, anh Thắng vẫn chẳng biết người bạn “tốt” có ý định tặng anh bài hát kia là ai, thế nhưng sau khi kiểm tra lại tài khoản, thì thấy mình bị trừ mất 15.000 đồng.
Không chỉ có vậy, nhiều trường hợp còn xuất hiện một loạt các tin nhắn rác với cùng nội dung mời gọi vào các tổng đài 1900 từ những số điện thoại di động trong nước với nội dụng như: “Anh gọi vào số 1900789918 để nói chuyện và tâm sự với em nhé. Anh gọi cho em luôn nha. Em có việc. Anh không gọi, không được đâu nha” hay “Máy em hết tiền, anh gọi lại vào số 1900xxxx này giúp em nhé”, rồi “Chúc mừng thuê bao xxx được người bạn gái tặng món quà cùng lời ghi âm, gọi 19006918 để nghe và biết tên người ấy”. Nếu làm theo hướng dẫn của tin nhắn, gọi điện vào các số tổng đài được tiếp thị, người sử dụng khi kiểm tra lại tài khoản đều phát hiện bị trừ một số tiền lớn. Còn nếu muốn gọi lại cho số di động vừa nhắn tin thì đều không thể liên lạc được.
Nguyên nhân do ăn chia chưa công bằng?
Lần theo các số điện thoại gọi nhỡ được phản ánh, chúng tôi phát hiện ra một điểm chung: nếu gọi lại cho số điện thoại giả nhỡ đó, khách hàng sẽ lập tức được chuyển hướng cuộc gọi đến một tổng đài trả lời tự động quảng cáo cho một đầu số của dịch vụ gọi giá cao 1900 nào đó. Qua tìm hiểu được biết, dải số 1900 được Bộ Thông tin và Truyền thông giao cho Tổng Công ty Bưu chính – Viễn thông Việt Nam quản lý. Dải số này được quay trực tiếp, không cần dùng mã vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ trên phạm vi toàn quốc. VNPT hiện áp dụng dải số 1900 cung cấp cho các dịch vụ thông tin, giải trí, thương mại. Cước các dịch vụ này được thu ở người gọi. Theo thống kê của Thanh tra Bộ TT&TT, hiện cả nước có khoảng 347 công ty cung cấp dịch vụ từ các dải số 1900 (gọi tắt là các CSP). Đây là những doanh nghiệp cung cấp nội dung và có đầu số. Mỗi CSP lại có thể ký kết với vài chục các nhà cung cấp nội dung của dịch vụ 1900 (gọi tắt là các CP).
Đi tìm nguyên nhân của tình trạng các cuộc gọi nhỡ này, chúng tôi được biết nếu theo lời quảng cáo mà gọi tới đầu số 1900, người tiêu dùng sẽ “cõng” trên lưng khoản lợi nhuận của 3 đầu mối gồm: Nhà cung cấp thuê bao, nhà cung cấp đầu số 1900 và nhà cung cấp nội dung của dịch vụ 1900. Tuy nhiên, trong mạng lưới chằng chịt giữa các CSP và CP này, bên cạnh những doanh nghiệp có giấy phép đăng ký kinh doanh và hoạt động bài bản thì có không ít CSP đã cố tình áp dụng các chiêu trò “cuộc gọi lỡ” hay phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo để kiếm lời.
Lý giải về điều này theo đại diện Thanh tra Bộ TT&TT, một trong những nguyên nhân khiến các CSP làm sai có một phần trách nhiệm của các nhà mạng. Chính cơ chế ăn chia thiếu công bằng hiện nay giữa CSP và các nhà mạng đã khiến cho nhiều CSP phải xoay đủ cách để kiếm doanh thu, dẫu cách đó có thể vi phạm pháp luật. Đại diện Thanh tra Bộ TT&TT đã chỉ rõ tỷ lệ này đối với đầu số 1900 dao động 66-34% và 58-42%. Bộ TT&TT cho rằng, các doanh nghiệp CSP phải bỏ ra chi phí cao để sản xuất sản phẩm, dịch vụ nội dung, mua bản quyền phần mềm, game, âm nhạc, quảng cáo dịch vụ… nhưng chỉ được hưởng doanh thu, lợi nhuận thấp, nhiều khi không đủ bù đắp chi phí cũng như khó có thể đầu tư tiếp tục để phát triển các sản phẩm, dịch vụ nên các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mới tìm cách nháy máy qua các cuộc gọi lỡ hoặc phát tán tin nhắn rác để quảng cáo dịch vụ của mình để thu hút người sử dụng.
Video đang HOT
Giải pháp ngăn chặn quản lý
Công ty An ninh mạng Bkav cho biết đã tiếp nhận nhiều phản ánh khi gọi lại các cuộc gọi nhỡ từ các số điện thoại trong nước, không phải đầu số vệ tinh cũng bị mất rất nhiều tiền. Các chuyên gia của Bkav đã xác định đây là biến tướng mới của hình thức lừa đảo cước viễn thông từ các cuộc gọi nhỡ. Theo công bố mới đây của Công ty An ninh mạng BKAV, các đầu số di động hoặc điện thoại trong nước được sử dụng nhằm tạo ra hàng loạt các cuộc gọi nhỡ đến các thuê bao di động.
Do đây đều là những số điện thoại trong nước nên với thói quen thông thường, người sử dụng sẽ gọi lại vào số điện thoại này. Tuy nhiên, thay vì kết nối đến số điện thoại gọi nhỡ một số trường hợp sẽ được kết nối với tổng đài trả lời tự động, một số trường hợp cuộc gọi của người sử dụng sẽ được tự động chuyển hướng đến một đầu tổng đài dịch vụ. Mặt khác, do hiện nay tất cả các nhà mạng đều có dịch vụ chuyển hướng cuộc gọi đến các thuê bao khác. Việc chuyển hướng này do người dùng tự do đăng ký mà không có quy định rằng buộc mối liên hệ với thuê bao đó. Do vậy, kẽ hở này đang ngày càng được nhiều đối tượng lợi dụng để quảng cáo dịch vụ đầu số trên.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển, Công ty An ninh mạng BKAV cho biết: Khi nạn nhân gọi lại số gọi nhỡ và làm theo các dẫn dụ, họ sẽ không chỉ phải trả phí cuộc gọi thông thường mà còn mất thêm khoản cước kết nối đến đầu số dịch vụ tính phí gia tăng 1900 với mức phí rất cao. Để hạn chế bị mắc bẫy các hình thức lừa đảo này, theo ông Vũ Ngọc Sơn lưu ý khi gọi lại một số cuộc gọi nhỡ nào đó mà thấy có trả lời tự động yêu cầu tiếp tục kết nối đến các số điện thoại khác, người dùng cần cẩn trọng, đề phòng bị mắc bẫy kẻ xấu.
Về phía các nhà mạng, có rất nhiều lý do được đưa ra để biện minh cho việc khó khăn trong xử lý những tổng đài mang tính lừa đảo này. Trả lời trên báo chí ông Nguyễn Phương Hùng, Phó Giám đốc Công ty Viễn thông quốc tế FPT cho rằng: “Liên quan đến kiểm soát nội dung, do lượng đầu số quá lớn nên chúng tôi chưa có biện pháp thật hữu hiệu để kiểm soát được nội dung hoặc hình thức phát tán tin quảng cáo cho các đầu số. Chúng tôi vẫn phụ thuộc vào các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà mạng”. Còn ông Nguyễn Sơn Hải, Phó phòng Kinh doanh Vinaphone đã thừa nhận tình trạng quảng cáo dịch vụ của các đầu số 1900 đang hoành hành thông qua hình thức tin nhắn rác lẫn cuộc gọi nhỡ. Ông Hải khẳng định Vinaphone sẵn sàng hợp tác xử lý những doanh nghiệp, cá nhân đứng đằng sau các đầu số dịch vụ trên. Theo ông Hải, khi nhận được phản ánh của người dùng về các hình thức nhắn tin hay tạo cuộc gọi nhỡ nhằm quảng cáo cho một đầu số dịch vụ nào đó, Vinaphone sẽ theo dõi và thống kê theo phản ảnh của khách hàng. Tuy nhiên, ông Hải cũng nhấn mạnh rằng: “Nếu chỉ có một, hai tin nhắn phản ảnh thì chiếu theo luật về tin nhắn rác sẽ không thể xử lý được. Còn khi khẳng định được một đầu số gửi hàng loạt tin nhắn rác hay tạo cuộc gọi nhỡ để quảng cáo như phản ánh, đơn vị sẽ sẵn sàng trừ cước doanh thu, thậm chí cắt hợp đồng”.
Thực chất đây vừa là những tin nhắn, cuộc goi rác vừa là những tin nhắn, cuộc gọi mang tính lừa đảo. Bởi mục đích của chúng là dẫn dụ các chủ thuê bao gọi vào những dịch vụ tổng đài mang đầu số 1900. Những dịch vụ tổng đài mang đầu số 1900 này không những không có thông tin hữu ích mà người sử dụng còn phải trả phí dịch vụ rất cao. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ TT&TT cần phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ với dịch vụ thông tin giải trí thương mại từ đầu số 1900 này để tránh ảnh hưởng tới quyền lợi của những khách hàng đang sử dụng dịch vụ viễn thông.
Theo ANTD
Giả gái teen "moi" tiền điện thoại di động
Thời gian gần đây, nhiều chủ thuê bao bị "moi" tiền từ nhiều thủ thuật tinh vi như bắt chước cú pháp soạn tin nhắn chuyển tiền, "đội lốt" gái teen nhờ bắn tiền.
Những chiêu lừa trên đã khiến nhiều người dùng điện thoại di động mất những khoản tiền không nhỏ (Ảnh minh họa)
Từ tin nhắn rác
Trước đây, các chiêu "moi" tiền từ thuê bao di động chủ yếu là thông qua các tin nhắn rác. Các tin nhắn lừa đảo thường xuất hiện với nhiều nội dung khác nhau, chủ yếu đưa ra lời mời chào từ các chương trình khuyến mại, trúng thưởng các sản phẩm có giá trị, quà tặng âm nhạc, ủng hộ quỹ từ thiện...
Tin nhắn được gửi đi từ số điện thoại lạ, mạo danh là người quen, hoặc có thể mạo danh nhân viên của mạng di động để câu kéo khách hàng nhắn tin trả lời gửi tới đầu số của các nhà cung cấp dịch vụ nội dung (8xxx,7xxx, 6xxx,...). Khi trả lời tin nhắn tới đầu số này, khách hàng sẽ bị mất 15.000 đồng trong tài khoản chính.
Tin nhắn giả mạo rộ lên gần đây nhất, có nội dung rất dễ khiến khách hàng ngộ nhận và làm theo hướng dẫn là: "Chúc mừng TB 090xxxxxxx, bạn nhận được quà tặng âm nhạc và lời nhắn được ghi âm từ người có tên LINH qua tổng đài. Để nghe quà tặng và lời nhắn, soạn YES gửi đến 77xx." Nội dung này khiến cho thuê bao ngộ nhận, bởi cách lừa gạt tinh vi của đối tượng lừa đảo là gắn số thuê bao của chính khách hàng vào nội dung và dùng một tên riêng của người gửi để khách dễ nhầm lẫn là bạn bè mình thật. Hơn nữa nội dung tin nhắn lại kích thích sự tò mò của người dùng điện thoại di động và dễ làm theo hướng dẫn ngay khi nhận.
Anh Quang Huân (Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, điện thoại của anh rất hay nhận được những tin nhắn theo kiểu "Chúc mừng bạn đã nhận được 1 chiếc điện thoại E770i từ chương trình quay số ngẫu nhiên của Mobifone. Soạn tin: XU E770i31 và gửi 4 lần đến 6769 để xem chi tiết...". Nhưng sau khi thực hiện xong cú pháp, quà tặng đâu không thấy, kiểm tra lại tài khoản thì đã bị trừ đến 60.000 đồng cho 4 tin nhắn.
Theo nhận định của các chuyên gia, những tin nhắn lừa đảo hoành hành thời gian gần đây chủ yếu lợi dụng tính năng nạp tiền vào tài khoản game bằng tin nhắn của một công ty games trực tuyến. Những đầu số có dạng 8xxx, 7xxx, 6xxx được công ty này dùng làm cổng giao tiếp để các game thủ nạp tiền vào tài khoản game của mình bằng tin nhắn SMS. Tính năng này đã bị một số kẻ xấu lợi dụng để lừa người dùng điện thoại di động tự nguyện nạp tiền hộ vào tài khoản.
Do đó, để đề phòng, người sử dụng điện thoại cần nắm rõ số tổng đài tin nhắn của mình. Ngay khi nhận được những tin nhắn dạng khuyến mãi, để chắc ăn nên gọi về tổng đài dịch vụ mạng mình đang dùng để kiểm tra. Về phía các nhà cung cấp dịch vụ cũng nên thường xuyên gửi tin nhắn cảnh báo lừa đảo để khách hàng tránh mắc bẫy.
Một kiểu moi tiền mới nhái lại dịch vụ chuyển tiền của mạng Viettel
Đến thủ thuật "moi" tiền kiểu... "anh ơi"
Tinh vi hơn, thủ thuật tạo tin nhắn lừa đảo, một số diễn đàn trên mạng còn xuất hiện những chủ đề hot hướng dẫn các thủ thuật "moi" tiền miễn phí từ 2 mạng di động hàng đầu Việt Nam. Thời gian gần đây, nhiều thành viên tự tin tuyên bố trên các diễn đàn mạng là đã tìm ra thủ thuật "ăn cắp" tiền từ các nhà mạng di động của Việt Nam. Thậm chí các thành viên này còn sẵn sàng công bố tên tuổi và hướng dẫn cụ thể thủ thuật này kèm theo lời cảm ơn của hệ thống "chân gỗ" đã nhận được tiền sau khi thực hiện đúng chỉ dẫn.
Theo lời hướng dẫn này, để moi được tiền của nhà mạng Viettel, các bạn chỉ cần thao tác ngay trên điện thoại di động theo cú pháp như sau: *136* mật khẩu máy chủ *mã PIN *mã PUK# (tương tự cấu trúc của cú pháp chuyển tiền). Để khỏi mất thời gian của các bạn tìm lại 2 mã trên nên tôi đã tạo ra một máy chủ trung gian (viết tắt là TIS-Telephone of Intermediacy Server) với mã PIN và mã PUK mặc định (dùng đăng nhập số điện thoại của bạn trên hệ thống máy chủ). Cú pháp hoàn chỉnh sẽ là: *136*10010010*0084167280*30000#.
Nếu người dùng vì ham món tiền từ trên trời rơi xuống của các nhà mạng thì ngay lập tức sẽ nhận được quả đắng. Vì sau mỗi cú pháp trên, tài khoản của người dùng sẽ bị trừ đi khoảng 30.000 đồng. Theo giải thích của nhân viên Tổng đài Viettel, số tiền trong tài khoản bị thâm hụt là do cú pháp "moi" tiền của nhà mạng thực chất là lệnh chuyển tiền qua số máy của kẻ lừa đảo: 0084167280.
Kí hiệu 0084167280 đã đánh lừa những người dùng di động kém hiểu biết, cho rằng đó là kí hiệu từ một máy chủ để chuyển tiền. Thực tế, 0084167280 sẽ được nhận dạng thành số thuê bao di động 0167280. Cú pháp này không có tác dụng "moi" tiền từ nhà mạng mà chỉ là kẽ hở mà kẻ lửa đảo lợi dụng thông qua dịch vụ chuyển tiền qua tài khoản của một số mạng di động. Tuy nhiên, thủ thuật móc túi kiểu này đã đánh vào tâm lí tham của nhiều người sử dụng di động khiến không ít người mất tiền oan.
Thời gian gần đây, một số trang web với các giao diện nhái logo, biểu tượng của các nhà mạng lớn như Viettel, Vinaphone, MobiFone đã đưa ra thông tin về các chương trình khuyến mãi nạp điện thoại di động rất lớn, nạp 200.000 đồng để nhận 900.000 đồng trong tài khoản, nạp 300.000 đồng có được 1,6 triệu đồng, nạp 500.000 đồng được 2,4 triệu đồng. Để thuyết phục người dùng, trang web còn ghi được xây dựng bởi tập đoàn viễn thông Viettel và MobiFone.
Muốn tham gia chương trình, người sử dụng phải đăng nhập và phải cung cấp số điện thoại di động, mạng di động, giá trị thẻ nạp, mã số thẻ nạp và cả số xê-ri thẻ cho trang web. Tuy nhiên, website trên thực chất đây chỉ là trò lừa đảo kiểu mới. Theo đó, nếu người dùng cả tin làm theo hướng dẫn của trang web thì sẽ vô tình biếu không cho kẻ lừa đảo số tiền mua thẻ cào mà không nhận lại được xu nào trong tài khoản. Do đó, người dùng khi được giới thiệu về các trang web nạp tiền khuyến mãi "khủng" dạng như trên nên gọi kiểm tra ngay với tổng đài các nhà mạng để xác nhận thông tin là có thật hay lừa đảo.
Không ít kẻ lừa đảo còn dùng chiêu dụ ngọt, giả danh làm gái teen, sinh viên nghèo để "moi" tiền từ các chủ thuê bao. Anh Nhật Minh, nhân viên văn phòng (ở Hà Nội) kể lại, cách đây mấy ngày, anh nhận được một tin nhắn từ 6h sáng như sau 195 Quí khách đã nhận được 100.000 đồng do thuê bao 0164852215 gửi tặng. Cảm ơn quí khách đã sử dụng dịch vụ I -Share của Viettel Telecom.
Chưa kịp mừng thầm vì số tiền lạc, máy anh lại nhận được cuộc gọi từ số điện thoại bắn nhầm tiền, chủ thuê bao là một cô gái có chất giọng khá trẻ trung lại ngọt ngào thỏ thẻ: "Anh ơi, em mới bắn nhầm tiền qua máy anh, anh gửi lại giúp em được không ạ! Em sinh viên chẳng có nhiều tiền, anh giúp em thì tốt quá". Nghĩ bụng, số tiền cũng không nhỏ lại nghe giọng gái teen nhờ vả, anh Minh nhanh chóng bắn lại cho số thuê bao này 100.000 đồng từ tài khoản của mình rồi yên tâm ngủ tiếp.
Đến một tiếng đồng hồ sau, chuẩn bị đi làm, anh xem lại điện thoại mới phát hiện tin nhắn báo chuyển tiền không phải là tin nhắn từ tổng đài của Viettel mà lại được gửi từ chính thuê bao bắn nhầm. Kiểm tra lại tài khoản, anh mới biết chẳng có số tiền 100.000 đồng lạc nào cả, mà chỉ có bốc hơi 100.000 đồng từ tiền của anh.
Anh Hoàng Long, một lái xe bus, cho biết, anh chưa bao giờ sử dụng dịch vụ chuyển tiền của mạng Viettel nhưng cũng có nghe nói đến dịch vụ này. Một buổi sáng, anh cũng nhận được một tin nhắn chuyển tiền 195 tương tự như trên. Chưa kịp hiểu nội dung thì anh lại nhận được tin nhắn: "Anh ơi, em vừa chuyển 30.000 đồng vào số máy của anh. Làm ơn gửi lại giúp em nhé!" Thấy vậy, anh cũng nhắn tin lại, tỏ ý không biết cách chuyển lại tiền thế nào vì chưa sử dụng dịch vụ này bao giờ.
Ngay lập tức, số điện thoại vừa nhắn tin đã gọi lại cho anh, nói giọng con gái khá dễ thương và nhờ anh mua hộ thẻ nạp để chuyển giúp số tiền bắn nhầm. Hí hửng giúp đỡ người đẹp vô danh, anh Long còn nhận được lời cảm ơn may mà gặp được anh tốt bụng, nhiệt tình quá. Tình cờ quen biết thế này có khi lại có duyên.
Độc chiêu này thường lợi dụng thời điểm sáng sớm khi nhiều chủ thuê bao di động còn đang say giấc hoặc chưa hoàn toàn tỉnh táo. Đối tượng lừa đảo nhái lại tin nhắn chuyển tiền của Viettel rồi giả vờ gọi điện lại kêu ca là mình bắn nhầm tiền để không ít người ga lăng như anh Minh, anh Long bị quả lừa.
Theo xahoi
Truy tố hình sự nếu phát tán tin nhắn rác Sẽ truy tố hình sự nếu phát tán tin nhắn rác Các trường hợp phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, có thể sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự. Đây là một trong những biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn tin nhắc rác, tin nhắn lừa đảo nhức nhối xã hội bấy lâu nay, Bộ Thông tin &...