All the Money in the World – Tấn bi kịch khôi hài của giới siêu giàu thập niên 70
Lấy cảm hứng xoay quanh vụ bắt cóc kỳ lạ gây chấn động lịch sử giới tư bản Hoa Kỳ, “ All the Money in the World” đến từ đạo diễn Ridley Scott mang tham vọng đào sâu hơn vào góc nhìn của những nhân vật trong cuộc.
Lịch sử thế giới đã kiến nhiều vụ bắt cóc tống tiền người nổi tiếng hoặc người thân của họ. Một trong số những trường hợp kỳ lạ nhất vẫn được nhắc đi nhắc lại đến tận ngày nay là vụ bắt cóc Paul Getty đệ tam, cháu nội “vua dầu lửa nước Mỹ” Jean Paul Getty. Dựa trên sự kiện có thật từng khiến báo giới quốc tế phải tốn hao giấy bút, đạo diễn gạo cội Ridley Scott thực hiện đứa con tinh thần mang tên All the Money in the World (tựa Việt: Vụ bắt cóc triệu đô).
Ngài Getty ( Christopher Plummer) đường hoàng bước lên hàng ngũ tỷ phú sau khi khai thác thành công mỏ dầu hỏa khổng lồ tại vùng Trung Đông. Thậm chí, ông còn được biết tới như người giàu nhất thế giới vào thời điểm đó. Vì vậy, người nhà gia tộc Getty luôn là con mồi béo bở trong mắt bọn tên tội phạm. Năm 1973, băng nhóm mafia vùng Calabria đã tiến hành bắt cóc chàng thiếu niên 16 tuổi Paul đệ tam (Charlie Plummer) ở Rome nhằm đòi số tiền chuộc 17 triệu USD.
Bất ngờ thay, tỷ phú Getty lập tức từ chối thẳng thừng với lý do: “Nếu tôi trả dù chỉ một đồng cho bọn chúng, 14 đứa cháu còn lại của tôi cũng sẽ rơi vào tình cảnh tương tự”. Bà Gail Harris (Michelle Williams), mẹ Paul đệ tam, cố gắng đàm phán để xin những kẻ bắt cóc hạ thấp mức tiền chuộc. Mặc dù hết lòng giải thích cho chúng rằng bà không có tiền nhưng chúng vẫn không tin rằng gia tộc Getty danh giá sẽ nhẫn tâm bỏ rơi đứa cháu máu mủ.
All the Money in the World sở hữu phần nội dung cực kì thú vị, lôi cuốn và nặng tính trào phúng. Câu chuyện sẽ chẳng có gì để bàn nếu tay tỷ phú dầu khí chi ngay chiếc va li tiền mặt chứa 17 triệu USD, vốn chẳng thấm tháp vào đâu so với khối tài sản kết sù hơn 2 tỷ mỹ kim mà ông ta đang nắm giữ để chuộc đứa cháu tội nghiệp về nhà. Tuy nhiên, bản tính keo kiệt lẫn cái tôi cao ngút khiến ngài Getty hết lần này tới lần khác gạt phăng lời đề nghị từ phía bọn bắt cóc. Paul đệ tam giờ đây giống hệt món hàng trong phiên chợ trả giá của ông nội mình, cậu chỉ có thể được chuộc về nếu “người bán” chịu hạ xuống mức giá phù hợp.
Dù chỉ thế chỗ Kelvin Spacey vào những giờ phút cuối cùng, Christopher Plummer dẹp tan hoàn toàn mọi nghi ngờ từ giới phê bình. Thần thái một ông vua dầu khí phóng túng, ngạo mạn nhưng cũng vô cùng toan tính chi li, cáo già qua tài diễn xuất của nam tài tử kỳ cựu từng đoạt giải Oscar sẽ làm khán giả phải xuýt xoa ngưỡng mộ cũng như khiếp sợ: “Nếu bạn vẫn đủ sức đếm được tiền mình làm ra, thì rõ ràng bạn không phải là tỷ phú”. Ngài Getty là nhân vật ấn tượng mang nội tâm giằng xé rất phức tạp, tạo nên sức nặng cho cả bộ phim.
Video đang HOT
Chưa dừng lại ở đó, All the Money in the World hấp dẫn người xem không chỉ vì màn đấu trí căng thẳng giữa người nhà nạn nhân, lực lượng cảnh sát cùng bọn tội phạm mà còn bởi yếu tố xung đột, mâu thuẫn gia đình; nỗ lực tuyệt vọng chạy đua với thời gian của bà mẹ đơn thân Gail Harris nhằm thuyết phục ông bố chồng bủn xỉn trả tiền chuộc cứu lấy đứa con trai. Và Michelle Williams, nữ diễn viên được săn đón hàng đầu Hollywood hiện nay, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này.
Sau màn hóa thân thành vị hôn phu xinh đẹp của đại gia bầu show giải trí khét tiếng Barnum trong The Greatest Showman, Michelle Williams tiếp tục chứng tỏ thực lực khi đóng vai nàng dâu nhà tỷ phú Gail Harris. Cuộc ly dị người chồng ăn chơi tai tiếng khiến cô lâm vào tình cảnh đối đầu đế chế dầu khí hùng mạnh, phải cật lực mưu sinh để chăm lo lũ trẻ chứ nhất quyết không giao chúng cho một kẻ nghiện ngập ma túy. Trái ngược hẳn tính cách thực dụng, lý tính ở ông bố chồng Getty, Michelle Williams đã thể hiện trọn vẹn những cử chỉ, phản ứng đầy cảm tính, bản năng của người mẹ sẵn sàng làm tất cả mọi thứ nhằm đảm bảo tính mạng con mình.
Tất nhiên, All the Money in the World còn tồn tại vài khiếm khuyết. Trước hết, mở đầu phim sử dụng thủ pháp tường thuật đan xen quá nhiều cột mốc thời gian nhưng không theo một trình tự nhất định vô tình tạo cảm giác rối rắm, thừa thãi không cần thiết. Góc kể được phân bố lần lượt cho các nhân vật chính nên đến phút cuối cùng, khán giả vẫn chưa rõ liệu đạo diễn Ridley Scott có dụng ý muốn khai thác cụ thể câu chuyện từ đối tượng nào không hay chỉ đơn thuần tái hiện lại quá khứ.
Ngoài ra, do bám sát theo sự kiện thực tế nên cái kết All the Money in the World mang tới có chút hụt hẫng. Chính nội dung câu chuyện khiến phần giữa phim tuy được dàn dựng rất chặt chẽ nhưng càng về sau thì càng đuối thấy rõ, mạch phim rời rạc dần, thiếu cao trào. Tuyến nhân vật phụ hư cấu thêm như tay cựu điệp viên CIA Fletcher Chase (Mark Wahlberg) hay gã mafia Cinquanta (Romain Duris) hoàn toàn bị mờ nhạt, thiếu động cơ và chuyển biến tâm lý thuyết phục.
Dẫu chưa phải là một tác phẩm điện ảnh xứng tầm kỳ vọng, All the Money in the World đã khắc họa thành công bức tranh sóng gió phía sau vỏ bọc xa hoa của gia đình giàu có nhất lịch sử Hoa Kỳ thập niên 70. Bằng các khung hình đẹp và chỉn chu cùng dàn diễn viên gạo cội, bộ phim vẫn đem tới trải nghiệm thú vị dành cho những ai quan tâm về giai đoạn đầy biến động này, khi đồng tiền đôi lúc không hẳn chiếm vị thế thượng phong.
Bộ phim được công chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc từ ngày 12/01/2018.
Theo Trí Thức Trẻ
Sự thật đằng sau mức chênh lệch 1.500 lần cát-xê của cặp diễn viên "All The Money in The World"
Sự thật về vụ lùm xùm về chênh lệch thù lao giữa nam và nữ trong bộ phim 'All the Money in the World" vừa qua.
Hồi tháng 11 năm ngoái, đạo diễn Ridley Scott và đơn vị phân phối Imperative Entertainment đã quyết định loại toàn bộ cảnh quay của Kevin Spacey (do liên quan tới scandal cáo buộc tình dục của ông) ra khỏi All The Money In The World và thay vào đó là nam diễn viên Christopher Plummer.
Sau đó, phía nhà sản xuất nhanh chóng phát động đợt tái tập trung giàn diễn viên để thực hiện các cảnh quay lại. Động thái này được nhiều người ca ngợi là rất chuyên nghiệp và góp phần bày tỏ thái độ phản đối nạn xâm hại tình dục ở Hollywood, trong đó Kevin Spacey chính là người bị tố cáo nặng nề nhất lúc bấy giờ. "Chúng tôi sẽ không để thái độ sống của một người làm ảnh hưởng đến công sức của cả tập thể" - đạo diễn Ridley Scott tuyên bố.
Nữ diễn viên Michelle Williams (giữa) và Mark Wahlberg (phải)
Tuy nhiên, đến đầu năm 2018, bộ phim lại tiếp tục vấp phải một lùm xùm nữa. Đó là việc nữ diễn viên chính Michelle Williams chỉ được trả một khoản thù lao là khoảng 80 đô/ngày cho đợt tái tập trung trong khi nam chính Mark Wahlberg lại được trả 1,5 triệu đô. Thông tin này được tờ USA Today đăng tải vào thứ hai tuần này và có nguồn tin giấu mặt của những người khẳng định là nằm trong đội ngũ sản xuất. Ngay lập tức, các nữ diễn viên và những tên tuổi ủng hộ bình đẳng giới ở Hollywood lên tiếng chỉ trích mức chênh lệch thù lao khủng khiếp này.
Nhớ lại thời điểm tháng 12 năm ngoái, đạo diễn Scott đã khẳng định là các diễn viên tình nguyện quay lại không công (ở đây hiểu là nhận một mức thù lao tối thiểu tượng trưng do luật lao động quy định) và cả hai diễn viên chính Williams và Wahlberg đều có chung một công ty đại diện do William Morris Endeavor điều khiển.
Hầu hết các hợp đồng diễn xuất đều có điều khoản về số ngày tái tập trung trong một thời hạn nhất định nếu cần thiết. Trong trường hợp đó, các diễn viên phải đảm bảo rằng lịch làm việc của mình có thể sẵn sàng quay reshoot nếu đạo diễn có yêu cầu. Tuy nhiên, cặp diễn viên chính của All the Money in the World đã ký kết mức thù lao thấp hơn mức thông thường của mình, vậy nên mỗi người có một lịch làm việc khác nhau sau khi lần tập trung thứ nhất kết thúc.
Ngay khi Scott phát động lịch quay lại, Michelle Williams không ngần ngại tập trung với đoàn làm phim vì cô nghĩ rằng tất cả những người khác cũng sẽ làm giống mình. Nữ diễn viên đã phải làm việc qua cả ngày lễ Tạ Ơn rồi bay vội chuyến nửa đêm về London vì đã hứa giành đợt nghỉ lễ để ở bên Matilda - cô con gái 12 tuổi của mình. "Tôi bỏ một ngày nghỉ, bỏ lương để đi theo họ cũng được. Bởi vì tôi đánh giá cao động thái cao cả của họ" - Michelle Williams trả lời báo chí.
Sau khi tất cả các diễn viên khác, bao gồm cả các diễn viên phụ như Timothy Hutton đồng ý quay lại không công thì duy nhất chỉ có một người không làm vậy. Đó chính là Mark Wahlberg. Anh không chấp nhận được trả công tượng trưng trong khi các nhà sản xuất dựa vào danh tiếng của mình để quảng bá phim nên đã hối thúc người đại diện của mình thương lượng để nâng mức thù lao lên.
Do mức lương ban đầu của Mark đã thấp hơn mức thông thường nên trong hợp đồng của anh không cài điều khoản tái tập trung. Nhà sản xuất bị đẩy vào tình thế khó: tất cả ê-kíp đã quay lại, ngày ra mắt phim sắp đến gần, Mark trở thành diễn viên chính duy nhất chưa thống nhất truyện tiền nong nên không còn cách nào khác, họ đành phải đồng ý nhanh với con số 1,5 triệu đô cho 1 tuần quay lại của anh.
Bởi vì những người đại diện trong cùng một công ty Agency không bắt buộc phải thống nhất các mức thù lao với nhau nên nhiều khi các diễn viên không biết rằng công ty đại diện đã thoả thuận lương cho mình thấp hơn mức của đồng nghiệp.
Điều này chính là nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch thù lao đang gây nhức nhối tại Hollywood. Điển hình là các trường hợp của Jennifer Lawrence và Amy Adams trong American Hustle và Taraji P.Henson trong The Curious Case of Benjamin Button. Các người đại diện thường biện hộ rằng nghĩa vụ duy nhất của họ là làm thế nào để khách hàng thỏa thuận được mức thù lao cao nhất có thể với phía nhà sản xuất. Thông thường, tiền hoa hồng cho các người đại diện là 10% hoá đơn thù lao mà họ thương lượng được cho diễn viên.
Hiện tại, phía Michelle Williams, Mark Wahlberg và Ridley Scott vẫn chưa có phát ngôn chính thức về sự vụ này. Tờ New York Times khẳng định đây là các nguồn tin giấu mặt trong nội bộ hậu trường vụ kí kết. Nếu tất cả điều này là sự thật, Mark Wahlberg nên lo cho mức thù lao trong tương lai của mình đi là vừa vì từ năm ngoái, rất nhiều người đã bất bình về mức chênh lệch tổng thu nhập của anh với nữ diễn viên Emma Stone khi cả hai được xướng tên là hai diễn viên có thu nhập cao nhất thế giới của năm 2016.
Theo Trí Thức Trẻ
Hollywood bất bình khi nam tài tử Mark Wahlberg được trả lương cao gấp 1.500 lần bạn diễn nữ Thông tin về việc Michelle Williams được trả lương thấp hơn rất nhiều lần đồng nghiệp nam khiến nhiều tên tuổi của Hollywood bất bình. Ridley Scott và ê-kíp của ông vốn được đông đảo bộ phận nữ giới ca ngợi vì quyết định loại những cảnh của Kevin Spacey ra khỏi bộ phim All The Money In the World và nhanh chóng...