All Nippon Airways thử nghiệm ứng dụng tầm soát COVID-19 tại sân bay Tokyo
Ngày 24/5, All Nippon Airways (ANA) – hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản – đã bắt đầu triển khai thử nghiệm ứng dụng trên điện thoại di động nhằm xác định tình trạng sức khỏe và lịch sử tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 của các hành khách. Hoạt động này nhằm hỗ trợ các nỗ lực khôi phục ngành vận tải quốc tế.
Một hành khách (bên phải) đưa điện thoại thông minh cho nhân viên mặt đất của All Nippon Airways trong cuộc thử nghiệm ứng dụng di động Travel Pass của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế tại sân bay Haneda của Tokyo vào ngày 24/5/2021. Ảnh: Kyodo
Hãng tin Kyodo đưa tin ANA sẽ thử nghiệm ứng dụng mang tên “International Air Transport Association Travel Pass” (Thẻ thông hành của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế) trên các chuyến bay của hãng từ Tokyo tới Honolulu và New York (đều ở Mỹ) cho tới ngày 6/6 năm nay. Ứng dụng này phản ánh các kết quả kiểm tra phản ứng chuỗi polymerase (PCR) của khách du lịch – hiện là điều kiện nhập cảnh vào hầu hết các quốc gia – và tình trạng tiêm vaccine ngừa COVID-19 của họ.
ANA cho biết có tổng cộng 32 hãng hàng không tham gia thử nghiệm nói trên. Ngoài ra, từ tháng 3 năm nay, ANA cũng đã thử nghiệm một ứng dụng tương tự mang tên CommonPass (Thẻ thông hành chung) theo sáng kiến của Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Video đang HOT
Các cuộc thử nghiệm trên được tiến hành trong bối cảnh Nhật Bản đang lên kế hoạch phát hành “hộ chiếu vaccine” nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 có thể đi nước ngoài.
Cũng trong ngày 24/5, Saudi Arabia đã siết chặt quy định đối với những người hoài nghi về vaccine ngừa COVID-19, theo đó, cấm họ đi hành hương, du lịch nước ngoài, đồng thời không được phép đến các trường đại học, trung tâm thương mại và văn phòng làm việc.
Giới chuyên gia y tế cho rằng các cá nhân phản đối tiêm vaccine tiềm ẩn “nguy cơ gây nguy hiểm cho các nỗ lực toàn cầu nhằm đánh bại đại dịch COVID-19″.
Saudi Arabia đang đẩy nhanh công tác tiêm chủng trên toàn quốc nhằm nhanh chóng hồi sinh ngành du lịch, tổ chức các giải đấu thể thao cũng như các hoạt động giải trí cộng đồng, vốn đang chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch. Đây cũng là những lĩnh vực nền tảng trong chương trình “Tầm nhìn 2030″ nhằm đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc vào dầu mỏ của Saudi Arabia.
Cùng ngày, chính quyền bang Vitoria của Australia đã yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện công cộng sau khi bang này phát hiện hai ca nghi ngờ dương tính với virus SARS-CoV-2 tại ngoại ô phía Bắc thành phố Melbourne. Các trường hợp này gây ra nhiều lo ngại về nguy cơ dịch COVID-19 có thể lây lan sau một đợt bùng phát cách đây hai tuần.
Cơ quan y tế bang Vitoria cho biết giới chức trách đang mở cuộc điều tra toàn diện liên quan các trường hợp trên. Ngoài việc cách ly những người liên quan, giới chức đã đồng thời thực thi các biện pháp y tế công cộng ban đầu. Người dân được yêu cầu tuân thủ các biện pháp phòng ngừa COVID-19, xét nghiệm nếu có các triệu chứng mắc COVID-19 và bắt buộc đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện công cộng, kể cả dịch vụ đi chung xe. Kể từ 23/5, trường hợp không đeo khẩu trang theo quy định sẽ bị xử phạt 200 AUD (gần 155 USD).
Các trường hợp nghi nhiễm nói trên có thể đánh dấu việc kết thúc 86 ngày bang Victoria không ghi nhận ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 nào trong cộng đồng tính đến 23/5.
Vấn đề y tế - nỗi lo chính về 'hộ chiếu vaccine'
Báo Business Times ngày 22/3 cho rằng với việc triển khai ngày càng nhiều các chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn thế giới, "hộ chiếu vaccine" có thể giúp mở lại các đường biên giới quốc tế nhiều hơn.
Người dân tới điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Cannes, Pháp. Ảnh: THX/TTXVN
Hai loại "hộ chiếu vaccine" đã và đang trở thành tiêu điểm thu hút sự chú ý trong thời gian gần đây. Một loại cho phép những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 được tiếp cận với nhiều hoạt động hơn, ví dụ như "thẻ xanh" của Israel cho phép người sở hữu chứng nhận này được đến các địa điểm như phòng tập thể dục, khách sạn và nhà hát. Loại thứ hai cho phép những người sở hữu nó có thể thực hiện các chuyến đi du lịch quốc tế. Trong bối cảnh các chứng chỉ, chứng nhận bằng giấy đối mặt với nguy cơ bị làm giả mạo cao hơn, các quốc gia có thể sẽ tập trung hơn vào các chứng nhận kỹ thuật số.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), để có thể được chấp thuận sử dụng rộng rãi "hộ chiếu vaccine" loại thứ hai, cần phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan tới hậu cần, trong đó có nhu cầu về các tiêu chuẩn toàn cầu để xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, cũng như chứng chỉ, chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19. Bên cạnh đó, chính phủ các nước cũng cần phải có khả năng và có thái độ sẵn sàng cung cấp cho người dân đã được tiêm chủng các chứng chỉ số cần thiết để sử dụng trong một hệ thống như vậy.
Một số quốc gia đã thể hiện sự nhiệt tình và hứng khởi với ý tưởng cho phép hoạt động đi lại, du lịch dựa trên tình trạng tiêm vaccine của một cá nhân. Cụ thể, tại cuộc họp hẹp vào đầu tháng này, các Bộ trưởng Kinh tế của khu vực ASEAN đã thảo luận về khả năng phát triển quy trình y tế chung đối với y tế hoặc các chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhằm mở lại các hành lang đi lại, du lịch.
Trong khi đó, Trung Quốc, nước đã đưa ra một chứng chỉ kỹ thuật số cho các xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và tình trạng tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho công dân nước này nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại, du lịch xuyên biên giới, cũng đang tìm kiếm việc thảo luận những "sự sắp xếp, bố trí" công nhận có đi có lại với các quốc gia khác. Còn Nhật Bản đang xem xét triển vọng phát hành các "hộ chiếu vaccine" nhằm cho phép công dân nước này đi du lịch nước ngoài, nếu các quốc gia khác đòi hỏi các loại hộ chiếu như vậy ngay khi nhập cảnh.
Hiện các cuộc tranh luận về đạo đức đã tập trung nhiều hơn vào "hộ chiếu vaccine" trong nước và tính hợp pháp của việc phân biệt đối xử theo tình trạng tiêm vaccine, nhất là đối với những người không được sự tiếp cận bình đẳng về vaccine. Mở rộng ra ở cấp độ quốc tế, có lo ngại cho rằng các quốc gia hoặc du khách có khả năng tiếp cận tốt hơn với vaccine sẽ được hưởng đặc ân một cách không công bằng.
Tuy nhiên, nỗi lo chính về "hộ chiếu vaccine" có lẽ là vấn đề y tế. Người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn có thể lây truyền bệnh dù không có triệu chứng lâm sàng. Trên thực tế, các kết quả cho đến nay cho thấy rằng việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền bệnh, song bức tranh tổng thể vẫn chưa rõ ràng và các chính phủ sẽ phải cân nhắc những rủi ro.
Ví dụ, nếu một người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 đi du lịch ở các quốc gia không có ổ dịch, nguy cơ lây bệnh là tối thiểu. Tuy nhiên, một du khách đến từ một quốc gia có dịch bệnh hoành hành ngay cả khi họ đã được tiêm phòng, có thể không được chào đón ở quốc gia khác, trừ trường hợp dân số của quốc gia tiếp nhận cũng đã được tiêm phòng đầy đủ.
Do vậy, báo Business Times cho rằng nên coi "hộ chiếu vaccine" có thể cải thiện cơ hội thiết lập "bong bóng du lịch" và "hành lang đi lại" giữa các quốc gia có tình hình dịch bệnh được kiểm soát, song không có khả năng mở rộng cánh cửa cho cư dân của các quốc gia vẫn đang bị đại dịch COVID-19 hoành hành.
Cuộc đua thời gian giữa tiêm chủng và những đợt bùng phát mới tại Campuchia Ngày 23/5, Bộ Y tế Campuchia thông báo ghi nhận thêm 560 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 và 9 ca tử vong, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có dấu hiệu bùng phát mạnh trở lại ở nhiều tỉnh của nước này. Tại Phnom Penh, chính quyền thủ đô Campuchia đã thiết lập 20 điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19...