‘Alita: Thiên thần chiến binh’ – Kỹ xảo đẹp mắt, hành động mãn nhãn
Bom tấn giả tưởng chuyển thể từ truyện tranh Nhật Bản mang đậm tính giải trí với phần kỹ xảo đẹp mắt, hành động mãn nhãn, dù kịch bản còn ôm đồm và nhiều điều chưa ổn thỏa.
Trailer bộ phim ‘ Alita: Battle Angel’ Tác phẩm chuyển thể từ truyện tranh Nhật Bản do James Cameron đóng vai trò nhà sản xuất, và Robert Rodriguez làm đạo diễn.
Thể loại: Giả tưởng, hành động
Đạo diễn: Robert Rodriguez
Diễn viên chính: Rosa Salazar, Christoph Waltz, Keean Johnson, Mahershala Ali, Jennifer Connelly
Zing.vn đánh giá: 7/10
Alita: Battle Angel được chuyển thể từ loạt truyện tranh Gunnm của tác giả Yukito Kishiro, lần đầu xuất bản năm 1990. Lấy bối cảnh thế giới giả tưởng hậu tận thế, tác phẩm xoay quanh nhân vật chính là Alita – cô gái trẻ mang cơ thể người máy với chuyến hành trình đi tìm ký ức của bản thân.
Đứng sau Alita: Battle Angel là James Cameron – nhà làm phim huyền thoại từng tạo nên nhiều bom tấn thuộc hàng kinh điển như Aliens, Terminator 2: Judgment Day, Titanic, Avatar…
Việc chuyển thể Gunnm lên màn ảnh rộng được Cameron ấp ủ từ đầu thập niên 2000, với công tác biên kịch và đạo diễn do chính ông thực hiện. Tuy nhiên, dự án liên tục bị đình trệ do nhà làm phim bận rộn thực hiện Avatar, cũng như các phần hậu truyện sau khi bom tấn về hành tinh Pandora ra mắt hồi cuối 2009.
Đạo diễn James Cameron từng ấp ủ đưa Gunnm lên màn ảnh rộng từ nhiều năm nay.
Đến tháng 4/2016, thông tin chính thức đầu tiên của dự án mới được hãng 20th Century Fox công bố. Robert Rodriguez – nhà làm phim được biết đến với các tác phẩm nổi bật như Desperado (1995), From Dusk till Dawn (1996) hay Sin City (2005) được giao cho vai trò đạo diễn, còn James Cameron lui về làm sản xuất và đồng biên kịch.
Mất đến hai thập kỷ phát triển, được đầu tư kinh phí khủng lên đến 170 triệu USD, Alita: Battle Angel là dự án phim chuyển thể từ truyện tranh Nhật Bản đắt đỏ và dài hơi nhất từ trước đến nay. Dưới sự nhào nặn đầy tâm huyết của Cameron và Rodriguez, khán giả kỳ vọng đây sẽ là dự án bom tấn hấp dẫn và thành công.
Tuy nhiên, lịch sử Hollywood chưa từng để lại dấu ấn tốt đẹp nào với các tác phẩm chuyển thể từ truyện tranh hay hoạt hình Nhật Bản. Hầu hết nhóm tác phẩm này đều thất bại toàn diện bởi chất lượng kém cỏi, từ Guyver (1991), Fist of the North Star (1995), Dragonball: Evolution(2009) đến Death Note (2017).
Alita: Battle Angel nay do Robert Rodriguez trực tiếp làm đạo diễn.
Ngay cả những tác phẩm được đầu tư lớn như Speed Racer (2008) hay Ghost in the Shell (2017) tuy có chất lượng tốt hơn, nhưng vẫn thất bại về doanh thu và không đạt kỳ vọng của khán giả khi đặt lên bàn canah so sánh với nguyên tác.
Do đó, dù được đầu tư khủng và chống lưng bởi những nhà làm phim bậc nhất Hollywood, Alita: Battle Angel vẫn là canh bạc đầy rủi ro đối với hãng 20th Century Fox.
Nội dung dễ theo dõi, nhưng còn nhiều điều chưa hợp lý
Cốt truyện Alita: Battle Angel được kết hợp giữa nguyên tác truyện tranh và hai tập phim hoạt hình OVA ra mắt năm 1993. Với khán giả từng theo dõi nguyên tác, họ sẽ rất dễ dàng thưởng thức bộ phim nhờ các sự kiện và tuyến nhân vật rất trung thành.
Với khán giả đại chúng biết đến tác phẩm lần đầu tiên, Alita: Battle Angel cũng không hề khó theo dõi. Câu chuyện về một nhân vật khám phá quá khứ bản thân cùng những bí ẩn của thế giới trong bối cảnh giả tưởng hậu tận thế giờ đây đã quá phổ biến, và thường xuyên có thể bắt gặp trong các tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết thanh thiếu niên.
Nội dung bộ phim rất dễ theo dõi đối với cả những người không hề biết tới nguyên tác truyện tranh hay hoạt hình Nhật Bản.
Các nhân vật, sự kiện trong phim được giới thiệu đến khán giả nhanh chóng và rõ ràng. Mạch phim chỉ có một tuyến truyện duy nhất, với diễn biến tuyến tính, không hàm chứa âm mưu, kế hoạch bí mật, cầu kỳ hay tư tưởng nào cao siêu. Do đó Alita: Battle Angel rất dễ để theo dõi, và phù hợp với hầu hết đối tượng khán giả.
Bên cạnh kép chính Alita (Rosa Salazar), các nhân vật quan trọng khác như bác sĩ Dyson Ido (Christoph Waltz) – người tìm thấy và nuôi dạy cô gái người máy, hay Hugo (Keean Johnson) – mối tình đầu của Alita, cũng được giới thiệu từ sớm một cách chi tiết về hoàn cảnh, cá tính. Mối tình đầu “tuổi ô mai” giữa Alita và Hugo cũng được nhấn mạnh và ưu tiên thời lượng để bộ phim có thể trở nên tươi trẻ, lãng mạn hơn.
Tuy sở hữu câu chuyện dễ theo dõi là vậy, nhưng Alita: Battle Angel vẫn mắc phải lỗi quen thuộc của các tác phẩm chuyển thể. Bộ phim giới thiệu nhiều sự kiện, nhân vật một cách ôm đồm thái quá, nhưng lại không đi sâu xây dựng hay khai thác các yếu tố đó đầy đủ.
Các nhân vật phụ trong phim tỏ ra hết sức hạn chế về tính cách.
Hậu quả là ngoài các nhân vật chính nêu trên, các gương mặt còn lại đều nhợt nhạt, dù thời lượng xuất hiện ngắn hay dài. Từ Chiren (Jennifer Connelly) – người vợ cũ với tâm lý phức tạp của bác sĩ Ido, hay Vector (Mahershala Ali) – tay trùm nhiều tâm cơ và Grewishka (Jackie Earle Haley) – kẻ phản diện quái dị, họ đều không có điểm nhấn nào nổi bật, với mục đích hành động mơ hồ.
Câu chuyện quá khứ của Alita, lịch sử bí mật của thành phố bay Zalem, hay kẻ thủ giấu mặt đứng sau thao túng tất cả đều được nhắc tới, nhưng chỉ mang tính chất gợi mở cho các phần tiếp theo, chứ chưa được giải quyết hợp lý. Điều đó khiến tổng thể tác phẩm thiếu đi tính độc lập và trọn vẹn cần thiết.
Kỹ xảo chân thực, hành động đẹp mắt
Alita: Battle Angel sở hữu phần hiệu ứng hình ảnh chân thực, ấn tượng. Bối cảnh thế giới giả tưởng hậu tận thế được thể hiện qua Thành phố Sắt vừa bụi bặm, hoang tàn, vừa đa phong cách và giàu sức sống rất thú vị. Tạo hình các nhân vật máy móc được xử lý bằng kỹ xảo vi tính một cách độc đáo và mang tính chân thực cao.
Trong số các nhân vật máy móc, nhân vật chính Alita có sự đầu tư kỹ lưỡng nhất. Toàn bộ cô gái được thể hiện bằng kỹ xảo hình ảnh, với biểu cảm khuôn mặt được ghi lại trực tiếp và tái tạo từ biểu cảm diễn xuất của nữ diễn viên Rosa Salazar. Alita tỏ ra sinh động, chứ không hề giả tạo, khô cứng.
Không ngạc nhiên khi điểm cộng lớn nhất của tác phẩm nằm ở phần kỹ xảo hình ảnh và hành động vô cùng mãn nhãn.
Song, tạo hình đôi mắt quá khổ của Alita – điểm nhấn gây tranh cãi của bộ phim ngay từ những ngày đầu công bố tạo hình nhân vật – vẫn có thể là nét gợn đối với một bộ phận khán giả.
Về tính logic trong phim, tạo hình đôi mắt của cô bé là điều chấp nhận được, vì gương mặt Alita cũng là gương mặt nhân tạo, nên ngũ quan có thể điều chỉnh khác biệt so với tự nhiên.
Song, đặt trong tổng quan bối cảnh bộ phim, đôi mắt quá khổ kia lại không hề tự nhiên. Nguyên nhân là do các nhân vật khác dù sở hữu cơ thể máy móc quái dị thế nào đi nữa, thì ngũ quan vẫn giữ nét tự nhiên. Điều đó khiến cho Alita bỗng trở nên “khác biệt” một cách thái quá đến mức lạc lõng, và tỏ ra không thuận mắt.
Phần hành động của bộ phim rất chất lượng. Các cảnh hành động có thời lượng vừa đủ, được phân bổ xuyên suốt một cách dàn trải hợp lý. Cử động của nhân vật khi thể hiện hành động rất mượt mà, rõ ràng và đẹp mắt, với nhiều góc máy đa dạng kết hợp thủ thuật quay chậm (slow-motion).
Các trường đoạn hành động của Alita: Battle Angel chủ yếu là cận chiến và truy sát, với điểm sáng là màn đối đầu giữa Alita và Grewishka, cũng như trường đoạn đua Motorball đầy tốc độ và phấn khích.
Trong phim, sức mạnh và thể chất của các nhân vật giả tưởng được tăng cường đặc biệt, nên các cảnh hành động mang tính phong phú, sáng tạo rất cao, hay thậm chí có phần bạo lực khi nhóm nhân vật máy móc bị phá hủy một cách không thương tiếc.
Thế giới giả tưởng và các nhân vật còn nhiều gợi mở
Sở hữu bối cảnh giả tưởng đẹp mắt, chân thực, cùng hệ thống nhân vật tương đối đông đảo, song, Alita: Battle Angel chưa thể hiện được đầy đủ tiềm năng của nguyên tác truyện tranh và hoạt hình mà bộ phim chuyển thể.
Thế giới trong phim hầu như không có điểm nhấn nào đặc biệt, nổi bật hơn so với các tác phẩm cùng thể loại. So với thế giới hoang tàn đầy tàn bạo và hỗn loạn của nguyên tác, Thành phố Sắt trong phim tỏ ra sơ sài.
Tình trạng vô chính phủ trong phim hầu như không được thể hiện cụ thể, những mối đe dọa chết người đến từ những tên tội phạm người máy, hay những kẻ cướp bộ phận cơ thể… vốn hiện hữu liên tục bên ngoài giờ cũng không còn quá nổi bật, chỉ giống như một vài trường hợp cá biệt.
Nội dung phim không đủ dày dặn và thuyết phục như nguyên tác.
Điều đó khiến vai trò của nhóm Thợ săn tiền thưởng trong phim vô tình bị hạ thấp và mờ nhạt. Hành động của các nhân vật vì thế cũng không hợp lý, như chi tiết Alita kêu gọi nhóm thợ săn cùng truy sát Grewishka bỗng trở nên kệch cỡm, thiếu thuyết phục.
Những chi tiết nhằm xây dựng thế giới khác như nguyên lý kết hợp giữa cơ thể tự nhiên và cơ thể máy móc, sự ảnh hưởng của công nghệ kết hợp vào cuộc sống thường nhật, hay bản thân cuộc đua Motorball, mới chỉ được nhắc đến một cách sơ lược, chứ chưa thực sự cụ thể.
Ngoài thế giới, bản thân các nhân vật trong phim cũng chưa được khai thác trọn vẹn. Nhóm nhân vật phụ của bộ phim tỏ ra mờ nhạt, với cá tính và mục tiêu không rõ ràng, ngay cả với các gương mặt có nhiều đất diễn như Chiren hay Grewishka.
Nhân vật Chiren hoàn toàn có thể bị loại bỏ khỏi bộ phim mà không gây ảnh hưởng đáng kể đến cốt truyện. Vai phản diện chính Grewishka tỏ ra hời hợt, vừa không đủ ác độc, tàn bạo, vừa không đủ phức tạp một cách quái đản như trong nguyên tác truyện tranh.
Trong nhóm nhân vật chính, Hugo của Keean Johnson ban đầu để lại ấn tượng tốt với nét cá tính mạnh mẽ, nhanh nhẹn và năng động. Nhưng càng về sau, anh càng thiếu đi sự quyết đoán với mục tiêu ban đầu của bản thân, để rồi tự nhiên thay đổi một cách chóng vánh và dễ dàng nhờ “sức mạnh tình yêu”. Đây là trường hợp đáng tiếc khi nhân vật bị điều chỉnh so với nguyên tác theo hướng có phần tiêu cực hơn.
Sở hữu phần kỹ xảo đẹp mắt, cũng phần hành động mãn nhãn, Alita: Battle Angel là một tác phẩm hành động, giả tưởng xứng tầm bom tấn và đậm chất giải trí. Dù vẫn còn những thiếu sót khi ôm đồm quá nhiều chi tiết chưa được xử lý thấu đáo khiến tổng thể bộ phim thiếu trọn vẹn, đây vẫn là lựa chọn sáng giá đối với khán giả đại chúng để giải trí đầu năm.
Theo zing.vn
Dù quá "ngôn tình" với fan nguyên tác manga, thì thiên thần chiến binh "Alita" vẫn đáng xem ít nhất 2 lần!
Dẫu "Alita: Battle Angel" có thể không xuất sắc như fan nguyên tác đã tưởng tượng, thì đây vẫn là bộ phim xứng đáng để mỗi người chúng ta mua vé xem tới lần thứ hai.
Ngày Valentine năm nay, siêu phẩm của đạo diễn Robert Rodriguez - Alita: Battle Angel ( Alita: Thiên Thần Chiến Binh) - sẽ chính thức công phá các rạp chiếu trong nước. Từ khi công bố dự án hai năm trước, bộ phim quả không phụ công "thai nghén" của nhà sản xuất James Cameron với cốt truyện dễ hiểu, kỹ xảo hoành tráng và hành động mãn nhãn. Tuy nhiên, tác phẩm vẫn khó lòng làm thỏa mãn các fan của truyện tranh Nhật hay những khán giả nguyên tác khó tính.
Trailer phim "Alita: Thiên Thần Chiến Binh"
Trước đó, Alita vốn không thực sự nổi tiếng tại Việt Nam khi ra mắt trong bộ manga GUNM của Yukito Kishiro hồi năm 1991. Nhưng tại các quốc gia khác, bộ truyện vẫn làm mưa làm gió cho tới tận ngày nay với phong cách hành động điên loạn, cốt truyện đa tầng sâu sắc và một nút thắt lội ngược dòng siêu đỉnh. Vì thế, những ai đã đọc qua bộ manga này đều trông chờ vào một bom tấn của những bom tấn chuyển thể cộp mác James Cameron.
Vào năm 2005, vị đạo diễn này đã có một quyết định khó khăn khi phải đứng giữa hai sự lựa chọn: Theo đuổi dự án chuyển thể thiên thần chiến binh Alita lên màn ảnh rộng hoặc chọn lấy Project 880 (sau này còn được biết tới với cái tên lừng lẫy Avatar). Sau cùng, ông đã chọn chuyến du hành đến Pandora và nhường siêu phẩm còn lại cho người bạn Robert Rodriguez.
Cốt truyện không sâu sắc bằng bản gốc
Dưới bàn tay của Robert Rodriguez, anh đã thể hiện rõ nét sự tôn trọng nhất định bản nguyên tác khi vẫn sử dụng một số cái tên cùng với tạo hình bám sát truyện gốc như bác sĩ Ido (Christoph Waltz), chàng thiếu niên Hugo (Keean Johnson) hay gã đầu nậu buôn phụ tùng người máy Vector (Mahershala Ali). Tuy nhiên, đây là những điểm duy nhất được giữ lại chính xác từ GUNM.
Thành phố Sắt trong phim không tăm tối được như nguyên tác.
Trước tiên, hãy nói về mối quan hệ giữa Đô thị bay Zalem với Thành phố Sắt ở bên dưới. Ở bản manga, sự đối lập giữa hai nơi này sâu sắc đến mức không chỉ kéo dài hàng chục chương đầu, tác giả Yukito Kishiro chẳng cần vẽ một phân cảnh nào của Zalem mà vẫn khắc họa được bản chất của nó. Người dân Thành phố Sắt trong nguyên tác thậm chí phải chia nhau thịt chuột, sống trong đói khát, bệnh tật và bạo lực triền miên, thay vì những phiên chợ đa sắc màu, bày bán chocolate và trái cây trên đường phố như bản Alita chuyển thế. Lên màn ảnh rộng, nơi đây trở nên dễ xem hơn, đẹp đẽ và lãng mạn, ngập tràn ánh sáng chứ không còn là đô thị của Cyberpunk (đô thị tương lai theo phong cách robot, máy móc kỹ thuật đi kèm đời sống người dân cực thấp) tối tăm, ẩm thấp và tràn ngập đau khổ trên từng góc phố như nguyên tác.
Thành ra, những lời cảnh báo của bác sĩ Ido hay các nhân vật khác về "cuộc sống khắc nghiệt dưới này" dành cho Alita trong phim lại như gió thoảng mây bay, khi mà trẻ con vẫn chơi Motorball trên đường phố và người ta vẫn đàn hát vô cùng lạc quan.
Alita là thiên thần chiến binh Nhật được Mỹ cải biên con người hơn
Chính việc xây dựng tương quan chưa đủ sâu sắc đó khiến bộ phim không thể hiện được nàng thiên thần chiến binh quyết liệt như trong manga. Alita bản truyện được mô tả như một cô bé có thể lực và kỹ năng chiến đấu thượng thừa, đi kèm một tâm hồn siêu thuần khiết trước thế giới xung quanh, luôn luôn sẵn sàng học hỏi để tiến bộ.
Tạo hình ấn tượng nhưng tính cách Alita không quá sâu sắc như nguyên tác.
Cô nàng khá giống với Gon Freecss từ Hunter X Hunter khi tò mò khám phá để tìm ra những giới hạn của bản thân, từ đó dẫn tới tiềm lực vô hạn khiến ngay cả đồng đội và người thân cũng phải sợ hãi. Trong khi đó, Alita phiên bản màn ảnh rộng lại lấy động lực từ việc tìm lại trí nhớ và vô tình bước vào lối mòn của nhiều nhân vật Hollywood khác trước đó có Jason Bourne.
Lên phim, ở phân cảnh lãng mạn và đẹp nhất phim, Alita (Rosa Salazar) đã được Hugo coi là một Cyborg mang tính người "nhiều hơn bất cứ con người nào mà anh đã từng gặp." Tạm bỏ qua lời thoại có phần giống... Batman nhận xét về Superman thì đây chính là điểm đã phá hỏng hoàn toàn nhân vật Alita.
Cô nàng dễ dàng đi vào lối mòn của các nhân vật Hollywood khác.
Trong nguyên tác truyện tranh, Alita chưa bao giờ mang nhiều cảm xúc con người tới vậy, xuyên suốt 55 chương truyện cô chỉ thực sự dành tình cảm yêu quý cho bác sĩ Ido, Hugo và người tình sau này Rambo. Ngay cả cách thể hiện tình cảm cũng chứa nhiều ngập ngừng, e sợ đúng với tính chất của một cyborg lần đầu khám phá được tình yêu. Còn lại, Alita trong nguyên tác hoàn toàn loại bỏ các cảm xúc con người chứ không hề có cái nổi loạn bất cần tuổi dậy thì, giận dỗi với đấng sinh thành rồi trốn nhà... theo trai như trong phim.
Các yếu tố xã hội "hường phấn", dễ tiếp cận hơn và người máy Alita được cho thêm nhiều cảm xúc con người hơn là thứ khiến cho Alita tạo cảm giác đây là một bộ phim... ngôn tình, điều này khiến tác phẩm dễ xơi hơn bản gốc rất nhiều.
Bên cạnh đó, các điểm cải biên khác của đội ngũ sản xuất lại được fan manga đánh giá cao. Đạo diễn Robert Rodriguez đã chuyển thể khá trọn vẹn một phần tư cốt truyện của manga Alita: Battle Angel vào 130 phút phim trong khi đây vốn là nhiệm vụ không dễ dàng. Từ những nhân vật phụ cho tới các tiểu tiết như lưỡi dao huyền thoại của Alita hay con số 99 mà cô tự hào vẽ lên cầu vai bộ giáp đều được thay đổi so với nguyên tác một cách duyên dáng và dễ dàng chấp nhận.
Hình ảnh, kỹ xảo đến âm thanh đều trên cả tuyệt vời
Bối cảnh phim quá đỗi hoành tráng.
Bỏ qua phần cốt truyện hơi vội vàng thì Alita chính là siêu phẩm mãn nhãn bậc nhất dịp đầu năm 2019. Đô thị bay Zalem, thành phố Sắt hay trường đấu Motorball được xây dựng hoành tránh và quy mô dù tươi sáng và lãng mạn hơi bản gốc. Nhiều người có thể tiếc cái chất Steampunk - Cyberpunk tăm tối của manga nhưng ở những phân đoạn cao trào của bộ phim, thành phố Sắc vẫn rả rích mưa rơi, ánh đèn neon vẫn tràn ngập. Vậy là cũng chẳng thiệt đi đâu!
Khâu hành động, đánh đấm của phim phải nói là trên mức tuyệt vời. So sánh với Aquaman - bom tấn mang phong cách hành động viễn tưởng với những pha hành động được cường điệu bằng hiệu ứng slow-motion (quay chậm) - thì Alita ghi điểm với phong cách John Wick thế kỷ 26. Panzer-Kunst - kỹ thuật chiến đấu của nữ chiến binh được thể hiện một cách hung mãnh và táo bạo.
Phần hành động của Alita khỏi chê với những pha ra đòn mạnh mẽ, đẹp mắt.
Các trường đoạn cận chiến thật sự xuất sắc khi loại bỏ yếu tố màu mè hoa mỹ, thay vào đó là những cú đấm tốc độc cao và chuẩn xác, nhát nào ra nhát nấy. Âm thanh đi kèm cũng thực sự ấn tượng, nếu như bạn xem phim ở các rạp có hệ thống âm thanh tốt thì vào thời điểm Vệ Quân bước trên đường phố, âm thanh sẽ nghiền nát mọi hàng ghế trong rạp như thể bị ném vào gầm của một cỗ máy tàn ác và vô tri nặng hàng chục tấn.
Điều này có công rất lớn từ đội ngũ làm phim khi áp dụng và nâng cấp những công nghệ điện ảnh hiện đại từ Avatar cách đây 20 năm. Những khán giả nào từng say mê Pandora hay yêu thích những bộ phim hoành tráng với kỹ xảo mãn nhãn và hành động kịch tính thì nhất định không thể bỏ qua Alita: Battle Angel.
Dù thừa "ngôn tình" nếu so với bản gốc, nhưng Alita vẫn cực kì xuất sắc
Tóm lại, đây là một siêu phẩm theo kiểu Mỹ đúng nghĩa nhưng vẫn còn đáng tiếc nếu so với nguyên tác tuyệt vời của Nhật, vậy mà bấy nhiêu đó cũng đủ khiến bạn phải xem đến lần thứ hai.
Theo trí thức trẻ
Bỏ túi ngay cẩm nang về cô nàng chiến binh Alita cho những ai còn bỡ ngỡ Với nguyên tác là bộ truyện manga lấy bối cảnh hậu tận thế, "Alita: Battle Angel" hẳn sẽ khiến nhiều khán giả cảm thấy khó hiểu. Ngoài thông tin được James Cameron ấp ủ suốt nhiều năm kể từ Avatar (2009) thì nội dung của Alita: Battle Angel ( Alita: Thiên Thần Chiến Binh) vẫn còn khá xa lạ với khán giả đại...