‘Alice ở xứ sở trong gương’: Cái kết đẹp cho xứ thần tiên
Không có phần kỹ xảo vượt trội như tập trước, “ Alice Through the Looking Glass” vẫn hoàn thành nhiệm vụ khép lại câu chuyện ở xứ sở thần tiên của nàng Alice can đảm.
Trailer bộ phim ‘Alice ở xứ sở trong gương’: “Alice Through the Looking Glass” là phần tiếp theo dành cho bom tấn ăn khách “Alice in Wonderland” (2010) của hãng Disney.
Alice in Wonderland từng là cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ thiếu nhi trên toàn thế giới. Câu chuyện về chuyến phiêu lưu tới miền đất lạ của Alice, rồi gặp gỡ những nàng công chúa, hoàng hậu nắm giữ phép thuật xoay chuyển thế giới theo một chiều kích khác, từng hớp hồn không ít các bạn nhỏ đam mê truyện cổ tích.
Bộ phim điện ảnh chuyển thể của Disney từng gây sốt trên toàn cầu tại thời điểm định dạng 3D còn gây nhiều tò mò cho công chúng. Nhưng phải 6 năm sau, hãng phim mới trình làng phần tiếp theo mang tên Alice Through the Looking Glass, xoay quanh chuyến dấn thân tiếp theo vào thế giới không tưởng của nàng Alice can đảm.
Alice Through the Looking Glass đưa khán giả trở lại xứ sở thần tiên đầy mê hoặc trên màn ảnh từng xuất hiện trong Alice in Wonderland hồi đầu năm 2010.
Thứ ngôn ngữ điện ảnh đầy màu sắc và âm thanh theo tinh thần Disney xuất hiện ở ngay trường đoạn mở đầu bộ phim: màn rượt đuổi ngoạn mục giữa con tàu của Alice và toán cướp biển. Nó có thể khiến người xem xúc động nhớ tới thế giới màu nhiệm trong Alice in Wonderland cách đây 6 năm.
Câu chuyện bắt đầu như đúng tựa đề bộ phim: thông qua một tấm gương, Alice tìm lại được những người bạn lưu lạc năm xưa, còn khán giả như tìm lại được bóng hình của một bộ phim tuổi nhỏ. Alice gặp người bạn làm nón Mad Hatter trong tình cảnh khốn cùng, lắng nghe câu chuyện về cuộc đời của anh và quyết định ra tay giúp đỡ thêm một lần nữa.
Theo mô-típ truyện cổ tích, Alice Through the Looking Glass được kể lại khá mạch lạc và dễ hiểu đối với khán giả nhí. Tinh thần xả thân vì bạn bè, đề cao gia đình vẫn là chủ đề xuyên suốt được Disney phát huy từ phần trước.
Tinh thần Disney thêm một lần nữa được chuyển tải thông qua Alice Through the Looking Glass, nhất là qua nhân vật chính Alice của Mia Wasikowska
Một vài bài học ở tầng ý nghĩa sâu xa gợi nhắc con người về việc hãy trân quý những khoảnh khắc hạnh phúc của ngày hôm nay, thay vì thay đổi hay cải tạo sai lầm trong quá khứ, được gửi gắm ý nhị thông qua lời thoại của các nhân vật.
Video đang HOT
Nhưng có một điểm mà Alice Through the Looking Glass chưa làm được. Màn trình diễn đồ họa và kỹ xảo từng tạo nên thành công cho Alice in Wonderland, nhưng nay nó gần như chỉ được lặp lại, không có thêm điều gì mới mẻ.
Được đầu tư 170 triệu USD, với sự góp mặt của “bàn tay ma thuật” về hình ảnh Dan Hennah, nhưng Alice Through the Looking Glass lại chưa gây được ấn tượng về mặt hình ảnh như nhiều bom tấn trong mùa hè 2016.
Ý tưởng xuyên suốt của bộ phim là phối hợp giữa trường quay tạo dựng với đồ hoạ 3D không phải là phát kiến tồi. Tuy nhiên, sự đầu tư lệch hướng vào mức độ và bố cục các cảnh quay vô tình khiến khán giả cảm thấy như đang theo dõi một vở kịch với các mô hình lâu đài, nhà hàng, cửa tiệm được dàn dựng trên sân khấu.
Những ngôi nhà trên núi, lâu đài của người tóc đỏ được tạo dựng còn sơ sài trên phông cảnh không mấy đặc sắc. Những khung cửa vô hồn, mái ngói lâu đài cứng đơ hoàn toàn tách biệt với khung cảnh thần tiên phía sau dễ làm người ta liên tưởng đến đám mô hình nhà xếp tí hon được tặng kèm trong các hộp bánh.
Toàn bộ dàn diễn viên của bộ phim cũ đều trở lại trong Alice Through the Looking Glass.
Có điều an ủi rằng những người hâm mộ Alice in Wonderland vẫn được gặp lại dàn diễn viên cũ trong bộ phim mới: Johnny Depp trong vai Mad Hatter với phong cách tưng tửng đặc trưng từ thời Cướp biển Caribê, Anne Hathaway trong vai Công chúa trắng tốt bụng, hay Mia Wasikowska trong vai Alice đã phần nào già đi theo thời gian.
Trường đoạn hội thoại giữa Alice và Thời gian ở cuối phim có thể khiến người ta phải suy ngẫm. Âm thanh và lời thoại của phân cảnh được xử lý rất tốt. Tiếng đồng hồ chạy đệm cho lời trò chuyện của nhân vật thực sự tạo được niềm hứng khởi của chuyến phiêu lưu đang dần đi đến hồi kết.
Alice Through the Looking Glass kết thúc trọn vẹn và tốt lành như bất cứ câu chuyện cổ tích nào mà Disney từng chuyển thể. Có lẽ đây chính là điểm dừng hợp lý cho cô nàng Alice sau chuyến hành trình kéo dài 6 năm trên màn ảnh.
Alice Through the Looking Glass (Alice ở xứ sở trong gương) đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Zing.vn đánh giá: 3/5
Theo Zing
Alice Through The Looking Glass - Trốn chạy thực tại và bước vào cõi mơ
Sau sáu năm kể từ phần đầu tiên, Alice đã quay trở lại Underland và dẫn dắt khán giả bước vào một cuộc phiêu lưu hoàn toàn mới. Lần này tình bạn và lòng tin sẽ được thử thách.
Alice Through The Looking Glass là phần phim tiếp theo sau Alice In Wonderland (2010) của đế chế khổng lồ Disney. Phần phim này nối tiếp câu chuyện trước: sau khi trở về thế giới thực Alice (Mia Wasikowska) tiếp quản con tàu Kỳ Quan của cha và trở thành một nữ thuyền trưởng gan dạ, lúc nào cũng hứng thú với kế hoạch khám phá những vùng đất mới, gặp gỡ những con người và văn hóa thú vị.
Tuy nhiên, cô gặp trở ngại khi Hamish - vị hôn phu hụt trong phần 1 quyết tâm chiếm con tàu Kỳ Quan bằng những giấy tờ rắc rối. Hắn muốn trả thù cô gái và trói buộc cô vào công việc bàn giấy tẻ nhạt. Đúng lúc đang rối như tơ vò, Alice được vời về vùng đất Underland để cứu Mad Hatter - người đang ngày một điên cuồng vì bất ngờ nhận ra gia đình mình chưa chết mà đang bị giam giữ đâu đó.
Giống như phần 1, Alice Through The Looking Glass làm khán giả mê đắm trong Underland đầy sắc màu. Trong chuyến phiêu lưu lần này, Alice sẽ bước vào thế giới riêng của Time - vị thần thời gian cai quản sống chết của cả Underland lẫn thế giới thực. Chiếc đồng hồ mờ bụi và phủ đầy mạng nhện nhưng khi bước vào thì một thế giới thần tiên mở ra: lãnh địa của người sống - những chiếc đồng hồ sáng choang đang kêu tích tắc, lãnh địa của người chết lạnh lẽo không hề có tiếng động.
Trên cảnh tượng đó Time (tài tử Sacha Baron Cohen) thủ vai xuất hiện đầy quyền lực nhưng quái đản. Đánh cắp cỗ máy đi ngược về quá khứ của Time, Alice băng qua biển thời gian và nhảy vào những vùng quá khứ ngẫu nhiên trước khi tìm ra bí mật về gia đình của Matt Hatter. Càng sửa chữa, cô càng nhận ra đây là một nhiệm vụ bất khả và phải rất lâu mới nghiệm ra những gì Time có phần điên rồ nhưng lại đầy giá trị.
Đại đồng hồ chứng kiến sự xoay vần của thế giới thần tiên, thế giới thực và ngài Time nói khá nhiều và cũng khá... hâm
Sự choáng ngợp trong thế giới của Time
Dù bị giới phê bình đánh giá thấp nhưng bộ phim dường như không đáng nhận mức điểm 30% "tươi" như chuyên trang đánh giá phim Rotten Tomatoes hay 34/100 trên chuyên trang Metascore. Công bằng mà nói, AliceThrough The Looking Glass không còn quá hư cấu như phần 1.
Alice không còn hùng hổ đi giết rồng rồi chiến thắng trong sự ngỡ ngàng của tất cả khán giả từng quen thuộc với câu chuyện Alice In The Wonderland kinh điển; lần này cũng là một cuộc phiêu lưu nhưng lại dễ chấp nhận hơn. Alice đã dạn dày kinh nghiệm sau 5 năm bị sóng và gió biển thử thách, hành trình trên biển thời gian cũng có đôi chỗ giông giống nên Alice có thể xử lý khá ngon lành. Tiết tấu phim nhanh gọn và mở đầu thú vị cũng là điểm cộng nhưng tiếc là nhiều chi tiết thừa không được giải thích cặn kẽ. Càng về sau, điểm yếu này càng lộ rõ.
Bù lại sự yếu kém kể trên, phim may mắn có sự tham gia của Helena Bonham Carter và Sacha Baron Cohen. Helena Bonham Carter tiếp tục tỏa sáng khi vào vai Nữ Hoàng Đỏ, cái kiểu tàn ác mang màu sắc trẻ con, những cái bĩu môi khi hờn giận tiếp tục được sử dụng như ở phần 1. Tuy nhiên, Nữ Hoàng Đỏ được nhìn nhận ở một khía cạnh khác: cô cũng chỉ là một con người vì có khiếm khuyết về cơ thể mà bị xem như trò cười, một người tỏ ra đanh đá hung hãn nhưng cũng rất cô đơn, lúc nào cũng bị mặc cảm vì không có ai bên cạnh. Với một người không chối bỏ quá khứ, vẫn có một sở thích đáng yêu và lưu giữ nó đến lúc lớn thì có thể nói họ là người xấu hoàn toàn không? Không, phải tìm hiểu kỹ quá khứ của họ để đánh giá.
Như trời sinh voi phải sinh cỏ, Time - một kẻ đáng ghét khác lại dành cho Nữ Hoàng Đỏ một tình yêu lớn, luôn chiều chuộng và cố gắng làm nàng đẹp ý. Nếu cặp đôi Joker và Harley Quinn trong Suicide Squad làm bạn phát cuồng vì kiểu "ngược tâm", người này bạo hành người kia đến khốn khổ nhưng vẫn nhẫn nhịn, vẫn yêu và thờ như thánh sống thì hẳn là bạn chưa xem Alice Through The Looking Glass để biết đỉnh cao của việc bị "crush" hành.
Time cun cút nghe lời Nữ Hoàng Đỏ, dành cho bà ta những gì tốt nhất trong khả năng nhưng Nữ Hoàng thì sẵn sàng tát hắn khi không vừa ý, hắn bị mất cỗ máy du hành thời gian - chả khác gì trái tim của mình thì Nữ Hoàng cũng không màng đến vì mải đuổi theo Alice. Lúc hắn yếu đi thì Nữ Hoàng không rủ xót thương mà cho hắn lên ghế xử tử vì "vô dụng".
Joker và Harley Quinn của Disney
Nhân vật phụ màu sắc thế, còn nhân vật chính - Alice thì sao? Cũng may là Mia Wasikowska đã tỏ ra biết diễn một chút. Dù vẫn nhăn nhó và mang mặt mũi khá... chán đời nhưng chí ít sự hóa thân lần này cũng khá hơn hai tác phẩm gần đây là Crimson Peak (2015) và Alice In Wonderland (2010). Johnny Deep thì... thôi, vẫn là câu nói cũ: anh cần phải làm mới mình đi. Anh rất tốt, biết điều khiển nhân vật nhưng đừng cột mình vào những vai tưng tửng lập dị nữa.
Dù còn đôi chỗ yếu kém nhưng nếu bạn vẫn bị mê đắm bởi Underland như những năm trước, vẫn thích chìm vào trong một thế giới đầy sắc màu để trốn tránh thực tại xấu xí thì Alice Through The Looking Glass là một lựa chọn có thể chấp nhận được. Chúng ta hẳn sẽ thấy mình đâu đó khi nhìn vào một Alice bị ép buộc từ bỏ giấc mơ, bị giam kìm trong sự an phận vì "thời gian không chờ đợi ai". Đôi lúc cảm thấy hoàn toàn lạc lõng ở thế giới thực thì cũng ao ước có tấm gương thần đưa qua thế giới khác để gặp những người mình cảm thấy thoải mái khi ở cạnh, để cảm nhận họ quý mình và mình cũng mến họ đến dường nào.
Liệu Alice có cứu gia đình Matt Hatter thành công không? Liệu Alice có ở lại thế giới Underland đầy sắc màu không? Tất cả sẽ được giải đáp trong Alice Through The Looking Glass, phim đã ra mắt tại tất cả các rạp trên toàn quốc.
Theo Harley / Trí Thức Trẻ
Những dự án remake của Disney liệu có thể trở thành kinh điển? (P1) Đây là câu hỏi mà nhiều người từng đặt ra khi nhìn vào kinh nghiệm đau thương mà ông lớn Disney từng trải qua trong quá khứ. Trong giới giải trí Hollywood, các nhà sản xuất phim từng áp dụng nhiều tuyệt chiêu câu khách. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng cũng thành công như mong muốn của họ. Bản thân Disney...