Alessandro Michele là giám đốc sáng tạo mới của Gucci
Trước sự ra đi sớm hơn một tháng của Frida Giannini, người đứng đầu dòng phụ kiện của Gucci là Alessandro Michele được nhấc lên thay thế.
Gucci xác nhận Alessandro Michele vừa trở thành giám đốc sáng tạo của hãng hôm 21/1. Điều này trùng khớp với nhiều nguồn tin trước đó bởi Frida Giannini cũng đi lên từ một nhà thiết kế túi xách của công ty. Quan trọng hơn, Alessandro Michele là người đứng đầu dòng phụ kiện, mà phần lớn doanh số của Gucci nằm ở phân khúc phụ kiện đồ da, còn Gucci cũng không thể đợi lâu thêm nữa.
Alessandro Michele xuất hiện lần đầu trên đường băng của Gucci hôm ra mắt bộ sưu tập Thu Đông dành cho nam.
Alessandro Michele từng là giám đốc sáng tạo của Richard Ginori và gắn bó với Gucci hơn 10 năm nay. Nhà thiết kế 42 tuổi xuất hiện lần đầu tiên trong show diễn của hãng ở Tuần thời trang Milan vừa qua sau khi hoàn thành những khâu cuối cùng cho bộ sưu tập nam Thu Đông 2015 mà Frida Giannini để lại.
Marco Bizzarri, người vừa thay thế Patrizio di Marco – chồng Frida Giannini – giữ vị trí CEO của Gucci đầu năm nay, cho biết: “Sau một quá trình xem xét kỹ lưỡng, Alessandro Michele đã được chọn để đảm nhận vai trò giám đốc sáng tạo cho Gucci. Anh ấy là người có tầm nhìn đương đại”.
Sau gần hơn 12 năm gắn bó, Frida Giannini chính thức chia tay Gucci hôm 14/1, sớm hơn một tháng so với dự kiến lúc đầu vào tháng 2. Nhà thiết kế bị yêu cầu nghỉ việc sớm để công ty có thể tập trung vào đường lối của giám đốc sáng tạo mới.
Cặp vợ chồng quyền lực của Gucci là Frida Giannini và Patrizio di Marco cùng nghỉ việc vào đầu năm nay.
Frida Giannini từng là trưởng nhóm thiết kế đồ da của hãng vào năm 2004 và giữ vị trí giám đốc sáng tạo của Gucci vào 2006. Nguyên nhân sự ra đi của cô nằm ở việc Gucci sụt giảm 1,6% doanh số, ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương giảm đến 5%, trong quý III năm 2014. Trong khi đó, người anh em cùng tập đoàn Kering với Gucci là Saint Laurent đạt mức tăng ấn tượng là 27,6%.
Video đang HOT
Hiện, làng mốt đang chờ đợi bộ sưu tập đầu tiên của Alessandro Michele ở Gucci là các thiết kế Thu Đông 2015 dành cho nữ, dự kiến ra mắt vào 25/2.
Sao Mai
Theo VNE
Một ngày của giám đốc sáng tạo nhà Hugo Boss
Mải miết làm việc 18 tiếng một ngày, nhà thiết kế gốc Đài Loan Jason Wu thậm chí còn bỏ qua bữa sáng, ăn trưa ngay tại bàn.
7h30: Khi làm việc cho thương hiệu Hugo Boss ở Đức, Jason Wu ở trong khách sạn tại thị trấn Metzingen, nơi đặt trụ sở chính của công ty. Anh thú nhận thức dậy vào buổi sáng là một điều khó khăn. Nhà thiết kế phải đặt chuông báo thức giống tiếng còi cứu hỏa ở cả hai chiếc điện thoại, một cá nhân và một dành cho Hugo Boss, để tạo không khí khẩn trương. Nhưng lần nào, anh cũng tắt chuông mỗi máy ít nhất ba lần mới thức dậy được.
Jason Wu là một trong những nhà thiết kế thời trang gốc Đài Loan nổi tiếng thế giới. Sinh năm 1982 tại Đài Loan, anh theo gia đình sang Canada vào năm 1991 và thành lập nhãn hiệu mang tên mình tại New York năm 2007. Danh tiếng của Jason nổi lên khi thiết kế trang phục cho phu nhân Tổng thống Mỹ Michelle Obama và được mời làm giám đốc sáng tạo cho dòng sản phẩm nữ của Hugo Boss.
7h45: Việc làm đầu tiên của Jason Wu là đi tắm. Không những dùng các sản phẩm dưỡng da, anh còn chăm chỉ đắp mặt nạ tẩy tế bào chết. Nhà thiết kế gốc Hoa thường sửa soạn nhanh chóng: "Đầu tôi trọc lốc, thành ra không cần tạo kiểu gì cả. Tuy là nhà thiết kế nhưng việc quyết định mặc gì trong ngày sẽ là điều tôi sẽ nghĩ đến sau cùng".
Ngoài những bộ vest bảnh bao trong sự kiện, đồng phục thường ngày của Jason là áo khoác, áo thun, quần jeans và giày sneakers. Anh kể mình có một đống áo khoác blazer của Hugo Boss và hàng tấn áo thun từ A.P.C và Margiela, quần jeans Levi's và giày Converse hoặc Boss ba màu. "Tôi mang giày sneakers trắng được 10 năm rồi đấy. Hiện tôi có khoảng 10 đôi. Chúng chưa bao giờ trở nên cũ kỹ. Cái nào bị bẩn là tôi vứt đi luôn. Không thể mang một đôi Converse bẩn được", nhà thiết kế chia sẻ.
Jason Wu không ăn sáng mà chỉ uống một tách cà phê đen rồi đi làm. Anh cho rằng nhiều người quan trọng hóa quá mức việc ăn sáng, còn anh lại thích bữa trưa hơn.
8h30: Theo thói quen tuyệt vời của người Đức, lịch làm việc của Jason Wu được lên chi tiết đến từng phút. Khi đến văn phòng, nhà thiết kế kiểm tra iPad và chuẩn bị tinh thần cho một cuộc "chạy marathon" trong ngày. Anh gặp vị trợ lý người Đức gốc Nhật, cùng đi kiểm tra vòng quanh văn phòng trước khi gặp đội thiết kế. "Tôi có tật xấu là hay đến văn phòng sớm và đi rình mò bàn làm việc của mọi người xem họ có phát triển được thêm ý tưởng gì mới không. Tôi rất thích quá trình sáng tạo, vì thế nếu thấy một mẩu ý tưởng nào hay, đẹp trên bàn làm việc của ai đó, tôi chộp lấy luôn".
Jason cũng chia sẻ rằng anh ghét sự ồn ào, huyên náo hay những tạp âm khi làm việc, thậm chí nếu đó là tiếng chuông điện thoại báo có tin nhắn chưa đọc.
Anh thường làm việc trong các "trung tâm phát triển công nghệ" D12, D15 và D19 - cách mà người Đức gọi tên các xưởng thiết kế. Phòng làm việc của Jason ở tòa nhà D12, nơi chứa các bản thiết kế, tài liệu quản lý thương hiệu và thương mại. Còn tòa nhà D19 là bộ phận phụ trách truyền thông, quảng cáo và nghệ thuật. Nhà thiết kế trẻ gốc Đài Loan cũng cho biết rất thích không gian làm việc tại Hugo Boss, một trong những yếu tố khiến anh đầu quân cho thương hiệu này. Tất cả đều được sắp xếp tương phản mà hài hòa một cách tinh tế. Những mảng cửa kính trong suốt, hiện đại của tòa nhà được xen vào nhiều mảng cây xanh mát mắt như một ngôi nhà ngoại ô gần gũi thiên nhiên.
Trung tâm làm việc của Hugo Boss ở Đức.
13h: Jason Wu thường không ngừng công việc để ăn trưa. Thay vào đó, căng tin của công ty luôn đưa "suất ăn Jason" đến tận bàn làm việc. Khẩu phần thường là sandwich phủ hạt hướng dương, kẹp thịt xông khói prosciutto, phô mai và rau diếp. Anh hài hước bật mí: "Đây là một món sandwich khác thường ở Đức. Vì ở đây người ta hoặc chỉ ăn thịt nguội, hoặc chỉ ăn phô mai. Từ khi tôi gọi món kết hợp này, mọi người bắt đầu bán chúng rộng rãi hơn. Có vẻ tôi đang tạo ra xu hướng mới".
Jason thẳng thắn nhận xét món ăn Đức rất bình thường, không có gì quá đặc sắc. Tuy nhiên, anh là một người hảo ngọt và rất thích bánh Black Forest truyền thống của Đức. Điều đó không ít lần phá hỏng chế độ ăn low-carb và low-sugar mà anh đặt ra.
Suốt buổi trưa đến chiều tối, cường độ công việc không hề giảm. Nhà thiết kế trẻ và đồng nghiệp vẫn phê duyệt các chiến dịch quảng cáo, chỉnh sửa ảnh, xem xét thiết kế trong catalogue và duyệt danh sách khách mời trong show diễn.
21h30: Jason Wu thường rời công ty khoảng 21h hay 22h. Ở châu Âu, bữa tối là một điều bắt buộc, không thể bỏ qua. Vì thế, anh thường đi ăn cùng đồng nghiệp hoặc bạn bè. Nhà hàng yêu thích của Jason là một quán phong cách Italy có tên là L'Angolo, với món đặc biệt là một bánh phô mai khổng lồ nhồi pasta bên trong.
Phòng làm việc tại hãng của Jason Wu.
23h: Nhà thiết kế 32 tuổi trở về phòng riêng, không đi ngủ mà vẫn thức thêm khoảng ba tiếng nữa để bàn công việc qua điện thoại với đội ngũ Jason Wu ở New York (Mỹ). Những người này lúc ấy đã thức dậy và sẵn sàng cho công việc.
2h: Jason Wu có thói quen gọi điện cho mẹ mỗi tuần. Anh chia sẻ bà là người truyền cảm hứng cũng như luôn ủng hộ anh từ ngày còn bé. Nhà thiết kế nhớ lại: "Bà từng mua cho tôi cái máy may đầu tiên năm tôi lên chín. Đó hẳn là đòi hỏi khác thường của một đứa trẻ mới lên chín, nhưng bà chưa bao giờ truy hỏi tôi lý do". Mẹ của Jason vẫn còn giữ một bộ sưu tập các tác phẩm của anh, từ tranh vẽ năm 5 tuổi cho đến bức tượng điêu khắc năm lên chín.
Jason Wu không có thói quen sưu tập, nhưng thích mua nhiều thứ, ví dụ như năm cuốn sách mỗi tuần. Anh chia sẻ: "Tôi thích đọc những thứ không liên quan đến thời trang. Tôi thích sách dạy nấu ăn và hiện có khoảng 30 cuốn. Cuốn hay nhất có tên là The Blackberry Farm do anh bạn Leslie Fremar tặng".
Nhà thiết kế gốc Hoa cũng nuôi mèo, hai cô mèo chị em xinh xắn tên là Jinxy và Peaches. Bạn trai của Jason là người chăm sóc chúng mỗi khi anh vắng nhà. Chúng như những đứa con chung của cả hai.
3h: Jason Wu thừa nhận rằng anh gặp khó khăn để đi vào giấc ngủ. Người anh lúc nào cũng tập trung và tràn đầy năng lượng, vì thế thật khó để "tắt" chúng và đi ngủ. Mỗi lần như thế, anh đành nhờ đến tivi, xem kênh truyền hình bất kỳ có phim nào mà anh thấy có chút quen thuộc. Jason tận dụng tivi có phụ đề tiếng Đức để dần dần học được ngôn ngữ này.
Nhà thiết kế cũng thích vài bộ phim truyền hình nổi tiếng như Scandal,Orange is the New Black và The Good Wife. Về phim điện ảnh, thể loại hành động được anh thích thú hơn cả như Iron Man 3 và Captain America. Bộ phim Jason thích nhất là Death Becomes Her, anh xem đi xem lại hàng chục lần trên đài HBO.
Sao Mai
Theo VNE