Al-Qaeda xác nhận cái chết của thủ lĩnh AQAP ở Yemen
Tổ chức SITE chuyên theo dõi truyền thông của lực lượng thánh chiến cực đoan ngày 23/2 cho biết tổ chức khủng bố Al-Qaeda đã xác nhận cái chết của Qassim al-Raymi, người sáng lập và là thủ lĩnh nhóm thánh chiến Hồi giáo Al-Qaeda tại Bán đảo Arab (AQAP), đồng thời chỉ định Khalid bin Umar Batarfi làm người thay thế nhân vật này.
Các bức ảnh chân dung được cho là Qassim al-Raymi, Thủ lĩnh Al-Qaeda tại Yemen. Ảnh: AFP/TTXVN
SITE cho biết Batarfi đã xuất hiện trong rất nhiều đoạn video của AQAP trong những năm qua và từng là cấp phó của Qassim al-Raymi, kiêm người phát ngôn của nhóm.
Nhóm cựu đoan dòng Sunni này đã lợi dụng tình hình hỗn loạn để phát triển lực lượng trong thời gian cuộc nội chiến tại Yemen. AQAP cũng thực hiện nhiều chiến dịch nhằm vào cả lực lượng Houthi lẫn các lực lượng Chính phủ Yemen và thỉnh thoảng gây ra các vụ tấn công bên ngoài, trong đó có vụ tấn công vào tòa soạn của báo biếm họa Charlie Hebdo ở Pháp hồi năm 2015.
Tháng 6/2015, Qassim al-Raymi đã kế nhiệm Nasir al-Wuhayshi sau khi nhân vật này bị máy bay không người lái của Mỹ tiêu diệt ở Yemen.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/2 thông báo các lực lượng Mỹ đã tiêu diệt tên al-Raymi trong một chiến dịch chống khủng bố ở Yemen. Mỹ coi AQAP là một trong những chi nhánh nguy hiểm nhất của mạng lưới Al Qaeda do Osama bin Laden lập ra.
Trước đó, hôm 2/2, AQAP đã thừa nhận gây ra vụ xả súng tại căn cứ hải quân Pensacola ở bang Florida của Mỹ hồi tháng 12/2019, trong đó một thiếu úy người Saudi Arabia tên là Mohammed Saeed Alshamrani, 21 tuổi đã sát hại 3 lính thủy Mỹ và làm 8 người khác bị thương. Sau đó, viên sĩ quan này đã bị an ninh Mỹ bắn hạ.
SITE cho biết trong một đoạn ghi âm, tên Qassim al-Raymi đã thừa nhận nhóm AQAP đứng sau vụ tấn công của viên sĩ quan người Saudi Arabia.
Theo Cao Ứng (TTXVN)
Trung Quốc chi 200 triệu USD ngăn ngừa châu chấu từ châu Phi
Chính phủ Trung Quốc duyệt chi gần 1,4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 200 triệu USD) để ngăn ngừa và diệt côn trùng phá hoại mùa màng, đặc biệt là châu chấu và sâu keo mùa thu.
Trung Quốc đang đẩy mạnh các biện pháp ngăn ngừa và diệt trừ sâu bọ phá hoại mùa màng, đặc biệt là nguy cơ châu chấu sa mạc đang hoành hành tại Ấn Độ và Pakistan tràn sang nước này, theo South China Morning Post.
Khu vực biên giới Ấn Độ-Pakistan gần lãnh thổ Trung Quốc được tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) xem là điểm nóng toàn cầu về côn trùng gây hại cho mùa màng.
Các chuyên gia tổ chức này nhận định nguy cơ dịch châu chấu tràn sang Trung Quốc là không quá lớn. Những đàn côn trùng gây hại không gặp hướng gió thuận lợi và cũng không đủ khả năng vượt qua được "bức tường tự nhiên" là dãy Himalaya.
Châu châu sa mạc đang hoành hành tại châu Phi và khu vực Nam Á. Ảnh: Reutres
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cũng đồng ý với đánh giá từ FAO. Tuy nhiên, Bắc Kinh không muốn đánh cược với an ninh lương thực quốc gia, đặc biệt khi ngành nông nghiệp nước này vừa trải qua nhiều khủng hoảng.
Trong năm 2019, hơn 1 triệu ha đất nông nghiệp tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng bởi sâu keo mùa thu. Ngành chăn nuôi nước này cũng thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn châu Phi với hơn 440 triệu con lợn bị giết.
Chính phủ Trung Quốc đã duyệt chi 1,4 tỷ nhân dân tệ (gần 200 triệu USD) để ngăn ngừa và diệt trừ sâu bọ. Trong đó, khoảng 4,2 triệu USD được phân bổ về 15 tỉnh để chống châu chấu . Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc tuần trước khẳng định đang theo dõi sát tình hình ở các địa phương gần biên giới Ấn Độ và Pakistan, đặc biệt là tỉnh Vân Nam và vùng Tây Tạng.
Châu chấu là một trong những loài côn trùng có khả năng phá hoại lớn nhất đối với nông nghiệp. Chúng có thể bay với vận tốc từ 16-19 km/h tùy vào điều kiện gió và di chuyển từ 5-130 km/ngày. Một đàn châu chấu với quy mô hoạt động gần 1 km2 sẽ có từ 40-80 triệu con. Một đàn 40 triệu con châu chấu có khả năng tiêu thụ lương thực ngang với 35.000 người/ngày.
"Dịch" châu chấu sa mạc lần này khởi phát từ khu vực quanh Biển Đỏ. Hai cơn bão nhiệt đới gần bán đảo Arab gây mưa lớn và giúp loài côn trùng này sinh sôi nảy nở nhanh chóng. Từ đó, những đàn châu chấu tiến sang khu vực Sừng châu Phi và bờ đông châu Phi.
Từ bán đảo Arab, các đàn châu chấu cũng tiến sang Pakistan phá hoại cây lương thực và hoa màu. Chính phủ Islamabad ngày 31/1 tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc đối phó sâu bọ. Côn trùng gây hại còn tràn qua biên giới Ấn Độ và đang gây nhiều thiệt hại cho các bang phía tây bắc nước này.
'Đoàn quân' 10 vạn con vịt chống châu chấu ở biên giới Trung Quốc
Khoảng 100.000 con vịt đang tập trung để chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp nhất, trước tình hình 400 tỷ con châu chấu có nguy cơ đến Trung Quốc.
Theo news.zing.vn
Nga cáo buộc Mỹ cung cấp vũ khí và đạn dược cho phiến quân Syria Nga cáo buộc Mỹ cung cấp cho phiến quân Syria một lượng lớn vũ khí và đạn dược, dùng để chống lại dân thường và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Trung tâm Tái hòa giải Các bên tham chiến của Nga ở Syria vừa cáo buộc các lực lượng Mỹ ở phía đông bắc Syria cung cấp cho lực lượng phiến quân địa...