Al-Qaeda ở Syria: IS và Mặt trận Al Nusrah – Kỳ 2: Nở rộ trong thời loạn
Ngày 5/10/2013, Cole Bunzel của trang jihadica.com lưu ý rằng ISIS đã khăng khăng “về sự bất tuân đối với những người được cho là thượng cấp của nhóm này trong ban lãnh đạo tối cao Al-Qaeda, trong đó có cả al-Zawahiri.
Còn William McCants ở Viện Brookings thì nhận định “trong lịch sử 25 năm của Al-Qaeda, không một chi nhánh nào từng bày tỏ sự bất đồng với ông chủ của mình một cách trâng tráo như vậy”.
Chiến binh IS chĩa súng vào những binh sĩ Iraq bị bắt giữ.
Sự ly khai của ISIS đã được loan báo rộng rãi trên các diễn đàn thánh chiến và trang mạng xã hội. Một số ủng hộ ISIS, một số ủng hộ Mặt trận Al Nusrah và các nhóm khác thể hiện sự ủng hộ ngang bằng nhau đối với cả 2 tổ chức này, bởi cả 2 đều đang tiến hành thánh chiến chống kẻ thù. Tuy nhiên trên thực địa, Mặt trận Al Nusrah đang cố gắng duy trì sự ủng hộ rộng rãi trong dân chúng Syria, trong khi ISIS lại phát động những cuộc tấn công nhằm vào những chiến binh Hồi giáo “anh em” và áp đặt luật Hồi giáo khắc nghiệt tại những thị trấn mà nhóm này chiếm giữ.
Có vẻ như ISIS đã không rút kinh nghiệm ở Iraq nơi các chiến dịch tàn bạo của Al-Qaeda đã khiến nhiều người Hồi giáo Sunni xa lánh và đẩy nhóm này vào tình cảnh bị cô lập. Sau khi chiếm được thành phố Raqqa miền Đông Syria hồi tháng 5/2013, ISIS đã tập trung vào việc củng cố quyền lực bằng cách hăm dọa, tạo sự độc lập về kinh tế và tìm cách hợp nhất miền Đông Syria với các thành trì của nhóm này tại Iraq.
Các cộng đồng thiểu số bị đuổi ra khỏi thành phố, các nhà báo và nhân viên cứu trợ nước ngoài không được hoan nghênh nữa và hiện hàng trăm người đang bị ISIS giam giữ. Theo Chris Looney của “Syria Comment”, chuyên trang về tình hình chính trị Syria, sự thù hằn đối với các nhóm thiểu số, hệ thống pháp luật hà khắc và sự trấn áp tàn bạo những người chống đối đã tạo ra một làn sóng phản ứng dữ dội, làm tổn hại nghiêm trọng uy tín của ISIS và khiến nhóm này không được coi là một phần hợp pháp của phe đối lập. Bởi vậy chiến lược điều hành hiện nay của ISIS có khả năng sẽ không bền vững.
Thủ lĩnh Mặt trận Al Nusrah Muhammad al Golani.
Tuy nhiên, ISIS “nở rộ” trong sự bất ổn, loạn lạc và khi cuộc chiến ở Syria đã diễn ra được hơn 1.000 ngày mà không hề có dấu hiệu sẽ đi đến hồi kết, thì ISIS sẽ vẫn bảo toàn được “cứ địa” của mình ở Raqqa và những nơi khác. Việc nhóm này có rút ra bài học từ những sai lầm của mình hay không vẫn còn phải chờ xem, nhưng nếu không có sự thay đổi chóng vánh nào trong viễn cảnh của cuộc xung đột thì chắc chắn ISIS sẽ vẫn tồn tại.
Nhưng có một thực tế rõ rệt là hiện nay ISIS không chỉ bị ban lãnh đạo Al-Qaeda mà cả Mặt trận Al Nusrah và hầu hết các phe phái nổi dậy khác chối bỏ, bởi ISIS mang một hệ tư tưởng không thỏa hiệp và áp đặt luật Hồi giáo hà khắc tại những khu vực thuộc quyền kiểm soát của chúng.
Video đang HOT
Mặt trận Al Nusrah
Theo một báo cáo của Quỹ Quilliam (có trụ sở tại Anh, do một nhóm cựu chiến binh Hồi giáo thánh chiến thành lập), ngay từ năm 2000, Al-Qaeda đã đưa các điệp viên đến Syria để huấn luyện vì mục đích tham chiến tại Iraq. Tháng 3/2011 khi cuộc nổi dậy tại Syria bùng phát, đến lượt Al-Qaeda tại Iraq điều những người Syria đã được huấn luyện và các chiến binh nổi dậy Iraq trở lại Syria. Tại đó, những đối tượng này đã tự xưng là một tổ chức tự trị và thắt chặt các mối liên hệ trực tiếp với Al-Qaeda, chính thức trở thành một chi nhánh của Al-Qaeda gọi là Mặt trận Al Nusrah. Mặt trận này đã bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài vào tháng 5/2013.
Nhiều phần tử của của Mặt trận Al Nusrah đến từ mạng lưới thánh chiến của Abu Musab al-Zarqawi (kẻ bị phương Tây coi là trùm khủng bố tại Iraq và đã thiệt mạng năm 2006). Mạng lưới này được thành lập trong những năm 2000 và “dời đô” đến giữa lòng Baghdad năm 2002 sau khi Zarqawi đến từ Afghanistan qua ngả Iran. Những người Syria hoạt động cùng Zarqawi ở Herat, Afghanistan, trong năm 2000 đã được điều động để thiết lập các chi nhánh của mạng lưới này ở Syria và Liban, chịu sự kiểm soát và phối hợp của Zarqawi từ Iraq.
Những phần tử thánh chiến này đã mở ra “các quán trọ” ở Syria, nơi trung chuyển các chiến binh tiềm tàng vào Iraq và những cơ sở như vậy đã mọc lên như nấm. Trong giai đoạn này, Syria đóng vai trò như một kênh chính trong việc tài trợ cho mạng lưới này, với các phần tử thánh chiến từ Saudi Arabia và các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh ở vùng Levant nhận được sự hỗ trợ tài chính từ “các nhà hảo tâm” tại nước họ.
Ngày 24/12/2012, Mặt trận Al Nusrah chính thức công bố mục tiêu thành lập một nhà nước Hồi giáo ở Syria và một vương quốc Hồi giáo ở vùng Levant (Cận Đông) bởi thủ lĩnh của nhóm này là Muhammad al-Golani (al-Jawlani). Với cái tên al-Golani, tên này có thể đến từ vùng Cao nguyên Golan và được cho là có quan hệ mật thiết với al-Zarqawi và Al-Qaeda ở Iraq. Golani đã vài lần bị tuyên bố đã thiệt mạng trong giao tranh nhưng gần đây đã lại xuất hiện trên kênh truyền hình Al Jazeera, quay lưng lại ống kính và cuốn khăn đen che mặt.
Golani đã từ chối công nhận FSA, cho rằng nhận viện trợ của các nước phương Tây trong cuộc chiến lật đổ chế độ Tổng thống Assad là một tội ác. Tên này cũng tuyên bố phản đối Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ, và cũng chống đối với cả Liên đoàn Arập lẫn Iran. Với việc từ chối hợp tác với phe đối lập ủng hộ dân chủ, Mặt trận Al Nusrah đã xé nhỏ các lực lượng chống Assad. Đây là một biện pháp phản tác dụng bởi chính nhóm này cũng đang khiến cộng đồng quốc tế xa lánh.
Còn tiếp
Theo Huy Lê
Tin tức
Sốc vụ thảm sát ở thành trì quyền lực của Assad
Các chiến binh nổi dậy cực đoan thuộc nhóm Mặt trận Nusra có liên quan đến tổ chức khủng bố Al-Qaeda đã thực hiện vụ thảm sát hơn 100 người dân ở ngay thành trì quyền lực của Tổng thống Bashar al-Assad. Đây là thông tin vừa được Bộ Ngoại giao Syria cho biết ngày hôm qua (16/12).
Chiến sự vẫn diễn ra ác liệt ở nhiều khu vực của đất nước Syria
Trong một bức thư gửi đến Liên Hợp Quốc để tố cáo về những tội ác của lực lượng khủng bố trong nước, Bộ Ngoại giao Syria cho biết, Mặt trận Nusra và cái gọi là Sư đoàn Hồi giáo đã thực hiện một vụ thảm sát mới hồi tuần trước ở Adra Umalyeih, khu vực ngoại ô thủ đô Damascus. Các chiến binh Hồi giáo cực đoan đã đốt nhà của một loạt nhân viên nhà nước trong khu vực, giết hại nhiều người, bêu đầu họ ngoài chợ và dùng một số lượng lớn dân thường ở đây làm lá chắn sống cho họ.
Bộ Ngoại giao Syria cũng chỉ trích các hãng tin Ả-rập đã che giấu thông tin về vụ thảm sát của những kẻ khủng bố, nói rằng những hãng tin được tài trợ bởi Ả-rập Xê-út và Qatar này đang kích động, xúi giục sự nổi dậy và giết chóc ở Syria.
Theo Bộ Ngoại giao Syria, các chiến binh cực đoan đến từ hơn 80 quốc gia đang ồ ạt đổ vào nước họ. Damascus kêu gọi các nước thành viên Liên Hợp Quốc lên án chủ nghĩa khủng bố đang đày đọa đất nước Syria.
Từ cuối tuần trước, quân đội Syria đã phát động một chiến dịch tổng tấn công lớn nhằm quét sạch các lực lượng nổi dậy cực đoan ra khỏi Adra, một nguồn tin quân sự dẫn lời báo chí chính thống của Syria cho biết.
Chiến dịch tổng tấn công nhằm mục đích đánh đuổi các chiến binh của Mặt trận Nusra ra khỏi Adra được tiến hành chỉ một vài ngày sau khi lực lượng cực đoan này tràn vào khu vực, giết chết hàng chục người, trong đó có nhiều nhân viên nhà nước, đồng thời đốt cháy một loạt ngôi nhà ở đây.
Mặt trận Nusra còn giết hại những người thuộc giáo phái thiểu số Alawite ở Adra và bêu đầu họ ở khu vực chợ nổi tiếng nhất trong thành phố. Tổng thống Assad và phần lớn quan chức cấp cao trong bộ máy cầm quyền Syria thuộc giáo phái Alawite - một chi nhánh con của dòng Hồi giáo Shiite.
"Các đơn vị trong lực lượng quân đội của chúng tôi đã bắt đầu đột kích vào một loạt cứ điểm của phe nổi dậy ở Adra", nguồn tin từ quân đội Syria cho biết đồng thời nhấn mạnh quyết tâm của quân đội trong việc "chặt đứt cánh tay tội lỗi của chủ nghĩa khủng bố".
Nguồn tin trên cũng nói thêm rằng, "những kẻ tội phạm và những kẻ hậu thuẫn cho họ sẽ phải trả một cái giá đắt cho một loạt tội ác mà họ mắc phải đối với nhân dân chúng tôi".
Các nhóm khủng bố có liên quan đến tổ chức khủng bố khét tiếng Al-Qaida như Mặt trận Nusra và Nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq và Levant đang giành thế áp đảo trong lực lượng nổi dậy chống chính phủ ở Syria. Những nhóm này đã tràn vào Adra giết hại dân thường sau khi vấp phải những thất bại liên tiếp trên chiến trường trong cuộc chiến với quân chính phủ ở các thành phố thuộc khu vực al-Qalamoun, phía bắc Damascus, trong đó có al-Nabek, Deir Attieh và Qara.
Ngoài thủ đô Damascus, chiến trường ở Aleppo - thành phố lớn nhất Syria, cũng nóng bỏng không kém với những đợt không kích ồ ạt và dữ dội của quân đội trung thành với Tổng thống Assad.
Các nhà hoạt động cho biết, máy bay của quân đội Syria đã nhằm mục tiêu vào một quận đang nằm trong tay phe nổi dậy ở thành phố Aleppo, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh cho biết, máy bay chiến đấu của quân đội đã dội mưa bom đạn xuống quận Shaar trong buổi sáng ngày hôm nay (17/12). Ít nhất hai em bé đã thiệt mạng trong đợt tấn công này.
Các cuộc không kích ngày hôm nay nằm trong chiến dịch oanh kích mạnh mẽ của quân chính phủ nhằm đánh đuổi lực lượng chiến binh nổi dậy ra khỏi Aleppo.
Theo tổ chức nhân quyền trên, hôm nay là ngày thứ ba liên tiếp chiến đấu cơ của quân chính phủ oanh kích quận Shaar. Hôm Chủ nhật, 76 người, trong đó có 28 trẻ em, thiệt mạng trong những cuộc không kích của quân chính phủ. Ngày hôm qua, lực lượng trung thành với ông Assad tiếp tục không kích vào Aleppo.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn ở Syria
Trong bối cảnh các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và phe nổi dậy Syria vẫn tiếp tục diễn ra ác liệt, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đang lên tiếng yêu cầu thực hiện một lệnh ngừng bắn ở đất nước Trung Đông trước khi cuộc đàm phán hòa bình giữa chính quyền Assad và phe đối lập diễn ra ở Geneva vào ngày 22/1 tới.
Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc thì trong năm 2013, "cuộc xung đột ở Syria đã xấu đi một cách không thể tưởng tượng được".
Ông Ban Ki-moon cho rằng, "người dân ở Syria sẽ không thể chịu đựng thêm một năm của sự phá hủy và tàn bạo như thế, một tháng như thế hay thậm chí một ngày như thế".
Ông Ban kêu gọi tất cả các nước có sức mạnh, quyền lực và ảnh hưởng đối với các phe nhóm ở Syria hãy yêu cầu những lực lượng đó ngừng bắn trước khi hội nghị Geneva khai màn nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến kéo dài đã gần 3 năm qua ở đất nước Syria.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc một lần nữa nhấn mạnh, sẽ không có giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria. Ngày hôm qua (16/12), Tổng thư ký Ban đã nói với giới phóng viên rằng: "Chúng ta phải chấm dứt tình trạng thù địch hiện nay trước khi chúng ta bắt đầu một cuộc đối thoại chính trị về Syria ở Geneva". Ông Ban cũng cho biết, ông sẽ thảo luận về một lệnh ngừng bắn với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Theo_VnMedia
Toàn bộ binh sỹ gìn giữ hòa bình Philippines thoát vòng vây phiến quân Toàn bộ 75 binh sỹ Philippines trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc bị các phiến quân Hồi giáo bao vây tại cao nguyên Golan, Syria đã trở về an toàn, trong khi nhiều binh sỹ người Fiji vẫn đang bị giữ làm con tin. Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Syria đang bị tấn công...