AL hối thúc Liban nhanh chóng thành lập chính phủ
Ngày 28/8, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit kêu gọi đẩy nhanh các nỗ lực thành lập chính phủ tại Liban nhằm tạo điều kiện thực hiện ngay những cải cách cần thiết tại nước này.
Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit phát biểu tại một hội nghị ở Cairo, Ai Cập. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký Aboul-Gheit nhấn mạnh rằng bước đi trên sẽ cho phép cộng đồng quốc tế và các nước Arab tham gia hiệu quả vào quá trình “giải cứu Liban”.
Liban đã không có nội các chính phủ từ ngày 10/8/2020 khi Thủ tướng tạm quyền Hassan Diab từ chức sau các vụ nổ ở cảng Beirut làm hơn 200 người chết và hàng nghìn người bị thương. Ông Saad Hariri được bổ nhiệm làm Thủ tướng từ ngày 22/10/2020, nhưng đã không thành lập được nội các mới do những bất đồng với Tổng thống Michel Aoun về danh sách thành viên. Sau đó, ông Najib Mikati được yêu cầu đứng ra thành lập chính phủ. |
Liên quan đến vấn đề này, trả lời trên kênh truyền hình Al Hadath ngày 28/8, ông Mikati cho biết ông vẫn phải vượt qua những trở ngại lớn để thành lập một chính phủ mới, trong bối cảnh Liban đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử.
Cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài hai năm qua tại Liban đã lên đến đỉnh điểm trong tháng này khi tình trạng thiếu nhiên liệu đã làm tê liệt hầu hết các khu vực trên cả nước, dẫn đến tình trạng hỗn loạn cũng như nhiều sự cố an ninh. Đồng nội tệ của Liban mất giá hơn 90%, đẩy hơn một nửa dân số rơi vào cảnh nghèo đói và khiến người gửi tiền không thể tiếp cận tài khoản của họ tại ngân hàng. Ngân hàng Thế giới (WB) gọi đây là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới kể từ giữa thế kỷ 19.
Các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết hỗ trợ Liban hàng trăm triệu USD nhưng với điều kiện các chính trị gia nước này phải thành lập một bộ máy nội các có thể tiến hành cải cách, giải quyết vấn nạn tham nhũng. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo chính trị đang chia rẽ ở Liban vẫn chưa thể nhất trí về một nội các mới kể từ khi nội các cũ từ chức.
EU thông qua khuôn khổ pháp lý trừng phạt đối với Liban
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, đại diện của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/7 đã thông qua một khuôn khổ pháp lý áp đặt trừng phạt với những cá nhân liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị tại Liban.
Người biểu tình đốt lốp xe và thùng rác chặn nhiều tuyến đường chính ở Beirut, Liban, ngày 17/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo khung pháp lý này, các cá nhân trong danh sách trừng phạt sẽ bị cấm nhập cảnh vào EU, đóng băng tài sản, cấm tài trợ từ EU. Những biện pháp này nhằm giúp thúc đẩy quá trình thành lập chính phủ mới và các cải cách cần thiết tại quốc gia Trung Đông này.
Lệnh trừng phạt của EU sẽ nhắm vào các cá nhân hoặc tổ chức cụ thể có hành vi ảnh hưởng đến tiến trình chính trị dân chủ như liên tục cản trở việc thành lập chính phủ hoặc tổ chức các cuộc bầu cử và các hành vi khác.
Cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tại Liban bùng phát từ năm 2019 và càng trở nên tồi tệ với việc chính phủ phải từ chức sau vụ nổ kinh hoàng của một nhà kho ở cảng Beirut hôm 4/8/2020 khiến hơn 200 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.
Do bất đồng giữa các đảng phái chính trị lớn, từ đó đến nay Liban vẫn chưa thành lập được chính phủ. Ngày 26/7, Tổng thống Michel Aoun đã chỉ định tỷ phú Najib Mikati, người từng 2 lần giữ chức thủ tướng, đứng ra thành lập chính phủ mới càng sớm càng tốt.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), sau gần 1 năm chia rẽ nội bộ nghiêm trọng, Liban đã rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế giới kể từ năm 1850.
EU sẽ tiếp tục cấm nhập cảnh từ Mỹ và 5 quốc gia khác EC thông báo sẽ tái áp đặt lệnh cấm nhập cảnh vào Liên minh châu Âu (EU) đối với những người đến từ 6 quốc gia trong đó có Mỹ kể từ ngày 30/8. Phóng viên TTXVN tại Praha dẫn trang tin schengenvisainfo.com cho biết, ngày 28/8, Hội đồng châu Âu (EC) thông báo sẽ tái áp đặt lệnh cấm nhập cảnh vào...