Akie Abe – đệ nhất phu nhân châu Á hiện đại
Trong số phu nhân các nguyên thủ hiện nay, Akie Abe là một trong những người nổi tiếng nhất. Không như đa số phụ nữ Nhật, Akie Abe không chỉ không sống khép kín mà còn tỏ ra không… ngán ông chồng thủ tướng và thậm chí được báo chí Nhật gọi là “đối thủ chính trị đáng sợ nhất” của Shinzo Abe!
“Ông đi đường ông, bà đi đường bà!”
Tiếng nói Akie Abe đôi khi mạnh hơn các đảng chính trị đối lập của Thủ tướng Shinzo Abe. Trong khi ông Shinzo muốn tái khởi động chương trình hạt nhân, bà Akie phản đối quyết liệt. Shinzo muốn tăng thuế tiêu thụ, Akie chỉ trích. Đảng Dân chủ Tự do của Shinzo dự kiến xây bức tường khổng lồ dài 370km tại bờ biển Tohoku để đề phòng tsunami. Akie phát biểu: “Đó là ý tồi!” (Akie nói rằng dự án 800 tỉ yen này làm ảnh hưởng công nghiệp đánh cá và phá hỏng cảnh quan thiên nhiên). Đầu tháng 12/2013, Akie trở thành đệ nhất phu nhân Nhật đầu tiên đến dự và phát biểu tại Ủy ban Nghiên cứu chính sách của đảng Dân chủ Tự do.
Chính trị Nhật chưa từng có đệ nhất phu nhân nào tương tự. Akie tự hoạch định con đường đi riêng và không hề lợi dụng tên tuổi chồng. Để kết nối với dân chúng, bà lập trang facebook và thường xuyên post các hoạt động thường nhật, trong đó có cả ảnh Shinzo nằm ngủ trên máy bay. Một lần bà post tấm ảnh chụp mình đang làm món ăn truyền thống Hàn Quốc “bibimbap” khi dự một lễ hội văn hóa Nhật – Hàn. Bị phản đối dữ dội, bà post tiếp tấm ảnh chụp mình làm món kim chi tại Tòa Đại sứ Hàn Quốc ở Tokyo. Với tâm lý ghét Hàn Quốc cố hữu của người Nhật, những tấm ảnh như vậy đã gây khó chịu, bất luận yếu tố tế nhị và lịch sự trong bang giao. Phản ứng, bà đã đề nghị gặp trực tiếp người chỉ trích mình dữ dội nhất nhưng kể từ đó, nhân vật kia biến mất tăm. Một trong những người không hài lòng với kiểu thể hiện của Akie Abe là mẹ chồng của bà – Yoko Abe. Yoko, 86 tuổi, là con gái của cựu Thủ tướng Nobusuke Kishi (1957-1960) và là vợ của Ngoại trưởng Shintaro Abe (1982-1986).
Video đang HOT
Đệ nhất phu nhân Nhật Bản Akie Abe trong một chuyến công du Việt Nam
“Sự chỉ trích nhằm vào tôi không khiến tôi buồn nhưng tôi không hiểu tại sao chúng ta không thể làm bạn với quốc gia láng giềng; và tại sao người ta cứ chỉ trích bất cứ gì chỉ bởi điều đó liên quan Hàn Quốc” – Akie Abe nói. Trong khi ông Shinzo được nhìn như một chính khách diều hâu thì cách hành xử của bà Akie đã giúp làm dịu bớt không khí căng thẳng và gây được cảm tình với giới chính khách nước ngoài. Thật ra Akie tỏ ra rất thông minh khi hành xử như vậy. Những tấm ảnh thường nhật được post lên facebook của bà giúp công chúng Nhật có cảm tình hơn với Shinzo, chẳng hạn tấm ảnh Shinzo ngái ngủ đầu tóc rối bù lúc sáng sớm hoặc tấm ảnh Shinzo ngồi sofa mút cây kem Popsicle trong bộ đồ pajama lúc nửa đêm. “Bà ấy (Akie) đóng vai trò làm thiết bị giảm sốc cho Shinzo” – nhận xét của nhà nghiên cứu chính trị học Ikuo Gonoi.
Một hình ảnh hiếm của xã hội Nhật
Sinh năm 1962, Akie là con một doanh nhân tên tuổi (Chủ tịch Hãng sản xuất chocolate Morinaga). Bà lập gia đình với Shinzo năm 1987. Trong 1 năm vỏn vẹn ngồi ghế thủ tướng của Shinzo Abe (tháng 9/2006 đến tháng 9/2007), Akie đã bắt đầu nổi tiếng với vai trò đệ nhất phu nhân. Với chính trường phương Tây, hình ảnh đệ nhất phu nhân tháp tùng chồng kinh lý thế giới không xa lạ. Laura Bush, Hillary Clinton, Jackie Kennedy, Eleanor Roosevelt… tại Mỹ, Bernadette Chirac tại Pháp hoặc Cherie Blair tại Anh… là những gương mặt quen thuộc. Trong khi đó, chính trường châu Á nói chung và Nhật nói riêng còn hiếm cảnh phu nhân nguyên thủ hiện diện nơi công cộng cùng chồng. Trong nhiều năm, Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi luôn “một mình một ngựa” công du đó đây (ông ly dị trước khi trở thành thủ tướng). Tuy nhiên, từ tháng 9/2006, khi chính trường Nhật chuyển giao quyền lực cho Shinzo Abe, người ta bắt đầu thấy hình ảnh duyên dáng và mềm mại của phu nhân Akie cạnh chồng.
Akie “đang tạo ra một phong cách mới cho hình ảnh người của công chúng mà nước Nhật chưa từng có trước đó” – một bài báo của Newsweek viết. Nếu không kể Sonia Gandhi tại Ấn Độ hoặc Imelda Marcos ở Philippines thời trước, Akie Abe có thể được xem là mẫu đệ nhất phu nhân chưa có tiền lệ tại chính trường châu Á đương đại. Sinh ra và trưởng thành trong gia đình một trong những nhà công nghiệp giàu nhất Nhật, Akie dễ dàng thích nghi lối sống hiện đại. Người ta có thể thấy bà trong bộ đồ lớn nhưng Akie với bộ jeans trẻ trung cũng chẳng là hình ảnh bất thường. Akie tự lái xe đến các buổi lễ chính thức. Tại những chương trình tiếp tân, người ta thấy Akie hoạt bát tiếp khách, nhảy flamenco và sẵn sàng cụng ly nếu cần, trái với vẻ khép kín và miễn cưỡng như phu nhân Thủ tướng Kumiko Hashimoto trước đó một thập niên.
Không chỉ trong nước, Akie cũng nổi tiếng ở nước ngoài, thậm chí tại một số quốc gia có quan hệ căng thẳng với Nhật. Trong chuyến kinh lý Seoul tháng 10-2006, bà khiến báo chí địa phương bất ngờ thích thú khi đọc một đoạn thơ bằng tiếng Hàn Quốc. Tại Trung Quốc, người ta gọi Akie là “Hillary Clinton Nhật”. Tuy nhiên, không như Hillary, Akie không quan tâm chính trị vĩ mô toàn cầu. Bà là một Laura Bush, khéo léo dùng vẻ duyên dáng khi đề cập các vấn đề xã hội chẳng hạn giáo dục cho người nghèo hoặc thúc đẩy quảng bá văn hóa Nhật ra nước ngoài. Ngay từ thời điểm đó, bà đã tận dụng công cụ mạng xã hội để tiếp cận công chúng. Akie tạo ra một blog ghi lại cảm xúc từ các chuyến công du hải ngoại, trong đó có chuyến sang Việt Nam dự Hội nghị APEC 2006. “Đây là chuyến ghé thăm Việt Nam đầu tiên của tôi và cũng là lần đầu tôi tham dự một chương trình dành cho các vị phu nhân nguyên thủ. Tôi có cảm giác háo hức đặc biệt…” – bà viết trên blog.
Một đại diện của thế hệ đệ nhất phu nhân châu Á hiện đại
Theo Japan Today, trong nội bộ đảng Dân chủ Tự do (LDP), có một câu lạc bộ gọi là “Tsuma No Kai” (Hội các bà vợ), nơi vợ các ông nghị gặp nhau qua các buổi ăn tối, chương trình du lịch dã ngoại hoặc chương trình xã hội. Tại những cuộc gặp như vậy, các bà “tám” với nhau đủ chuyện hậu trường chính trị. Hẳn nhiên, những ngày này, Akie Abe là tiêu điểm của “Tsuma No Kai”. Chính Kumiko Hashimoto (vợ góa của cố Thủ tướng Kumiko Hashimoto nhiệm kỳ 1996-1998) cũng nhận xét, Akie Abe là mẫu phu nhân nguyên thủ mà mình từng mơ ước.
Riêng trong xã hội Nhật, Akie Abe đang trở thành hiện thân của lớp phụ nữ mới có mặt trong hệ thống quyền lực chính trị. Cần nhấn mạnh, Nhật không hiếm nữ doanh nhân thành công nhưng nước này vẫn không có nữ chính trị gia nào. Xã hội Nhật vẫn nặng nề lớp áo phong kiến. Kichiya Kobayashi, người từng viết nhiều sách về các phu nhân thủ tướng Nhật cho rằng, Akie Abe chắc chắn đối mặt nhiều hạn chế so với phu nhân nguyên thủ phương Tây, rằng rồi bà cũng sẽ là một oku-sama (một kiểu “cái bóng bên chồng”). Một nhận xét cho thấy yếu tố trọng nam khinh nữ còn nặng nề tại Nhật như thế nào.
Cần biết, Nhật hiện có 27 triệu công nhân viên nữ, chưa kể hơn 90% trong 8 triệu nhân viên bán thời gian, nhưng hầu hết công ty đều thực hiện chính sách trọng nam khinh nữ. Báo cáo Liên Hiệp Quốc 2006 cho biết, Nhật đứng sau tất cả quốc gia công nghiệp về tình trạng phân biệt nữ giới, với vỏn vẹn 10,7% viên chức điều hành và vị trí chính trị dành cho nữ (so với 42% tại Mỹ). Tại Nhật, lương phụ nữ chỉ bằng 44% so với phái nam – tỷ lệ chênh lệch lớn nhất tại các nước công nghiệp hóa. Dù hình ảnh những chiếc váy trong công ty tăng từ 37% lên 41% từ 1980-2005, số phụ nữ ngồi chiếc ghế bành quản trị điều hành vẫn tăng một cách “dè dặt”, từ 1-2,8%. Giới hoạch định chính sách tất nhiên không thể không có trách nhiệm.
Năm 2004, một tiểu ban thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDP) đề nghị điều chỉnh Điều 24 Hiến pháp (nội dung về bình quyền) bởi nó ủng hộ “chủ nghĩa vị kỷ tại Nhật thời hậu chiến, đưa đến sự sụp đổ giá trị gia đình và cộng đồng”. Cựu Thủ tướng Yoshiro Mori thậm chí nói rằng phụ nữ không con không nên được hưởng chế độ lương hưu. Minoru Nakamura – nghị sĩ nổi tiếng đại diện khu vực Funabashi (ngoại ô Tokyo) – thậm chí nặng nề hơn: “Mấy bà đáng thương bày tỏ bất mãn do bị các ông thờ ơ trong xã hội cho thấy họ thật buồn cười làm sao. Mà cũng lạ, mấy bà này so với các cụ ngày xưa, trông cũng xấu hơn”!
Tháng 11/2006, Hakubun Shimomura (một trong những viên chức cấp cao trong Nội các Shinzo Abe nhiệm kỳ một) hất thêm gáo nước lạnh khi nói rằng đáng lý Nhật Bản không khủng hoảng hụt nhân số như hiện nay nếu chị em “đơn giản ngồi nhà và nuôi con” thay vì ham hố bon chen kiếm tiền – một phát biểu rất tương phản với luật cấm phân biệt đối xử nữ giới tại nơi làm việc lần đầu tiên được thông qua tại Nhật năm 1985.
Theo Yu Uchiyama (Giáo sư chính trị Đại học Tokyo), việc đưa Akie Abe ra trung tâm sân khấu sẽ là “con dao hai lưỡi”. Cá nhân Shinzo Abe là chính khách bảo thủ và sự ủng hộ dành cho ông tất nhiên từ thành phần bảo thủ mà phe bảo thủ chẳng ưa gì cánh quần thoa lảng vảng chính trường. Phần mình, bà Akie cũng nhận thức nguy hiểm mình đối mặt. “Tôi không được bầu để làm chức phận này, vì vậy tôi phải lắng nghe tất cả ý kiến chỉ trích. Nhưng tôi cũng chẳng muốn từ bỏ bởi điều này tiếng nọ thật ra cũng chỉ là một chút phê bình”. Lý lịch Akie Abe có vài chi tiết dễ bị tấn công. Là ái nữ một doanh nghiệp giàu nhất nhì, Akie hồi nhỏ học trường tư dành cho giới thượng lưu. Sau hai năm cao đẳng, Akie làm cho Dentsu (hãng quảng cáo lớn nhất Nhật). Chính ông chủ tại Dentsu đã giới thiệu Akie cho Shinzo, người lúc đó là tùy viên cho bố mình (đang là ngoại trưởng). Năm 1987, Akie và Shinzo kết hôn (đến nay hai người chưa có con)…
Sau khi Shinzo trở lại chính trường cuối năm 2012, Akie lại trở lại với phong cách ngày trước. Tháng 9/2014, Akie dự một hội thảo về phụ nữ tại Tokyo. Ngồi đối diện Cherie Blair (vợ cựu Thủ tướng Anh Tony Blair), Akie nói về sự thay đổi từ vị trí một người vợ chưa từng dám cật vấn chồng đến cung cách ăn to nói lớn của một đệ nhất phu nhân. Cũng trong tháng 9/2014, Akie có mặt trong hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu quốc tế chiến lược (ISIS, Washington DC) bàn về vai trò nữ giới trong phát triển kinh tế… Đánh giá sự thể hiện của Akie, Tạp chí Josei Seven viết: “Bà ấy làm cho chúng ta tự hào mình là người Nhật”!
Theo M. Kim
PetroTimes