AIPA 41: Các nước đánh giá cao công tác chuẩn bị của Việt Nam
Trong bối cảnh dịch COVID-19, việc Quốc hội Việt Nam chủ động chuyển đổi hình thức họp trực tuyến thể hiện sự linh hoạt và tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA thành công.
Tổng thư ký Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) Nguyễn Tường Vân. (Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN)
Theo Tổng Thư ký Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) Nguyễn Tường Vân, công tác chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp của Quốc hội Việt Nam cho Đại Hội đồng AIPA lần thứ 41 đã tạo ấn tượng tốt đẹp và sự tin tưởng trong lòng bạn bè quốc tế, khu vực.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Jakarta trước thềm sự kiện quan trọng này, Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân cho biết trong Năm Chủ tịch AIPA của Việt Nam, nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội nước chủ nhà là tổ chức thành công Đại Hội đồng AIPA lần thứ 41.
Đây là một điểm nhấn trong công tác đối ngoại của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV, góp phần làm nổi bật thành tựu ngoại giao nhà nước và ngoại giao nghị viện của Việt Nam.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, việc Quốc hội Việt Nam chủ động chuyển đổi hình thức họp trực tuyến thể hiện sự linh hoạt và tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA thành công.
Đây là lần thứ 3 Quốc hội Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch AIPA và đăng cai tổ chức Đại Hội đồng AIPA và là lần đầu tiên trong lịch sử Đại Hội đồng AIPA được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.
Về thành lập bộ máy tổ chức, Quốc hội đã xây dựng Đề án tổng thể Năm Chủ tịch AIPA và tổ chức Đại Hội đồng AIPA 41, thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia và Ban Tổ chức AIPA 41; thành lập Ban Thư ký quốc gia và các Tiểu ban Nội dung, Tiểu ban Thông tin-Tuyên truyền và Tiểu ban Lễ tân-Hậu cần-An ninh-Y tế.
Công tác chuẩn bị nội dung đã được phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương và các cơ quan hữu quan.
Chủ đề chính của đại hội đồng năm nay là “Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng,” bám sát chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN nhằm tạo được sự đồng thuận cao trong các nước thành viên và tiếp nối các kết quả của Hội nghị cấp cao ASEAN 36, nhất là những sáng kiến của Việt Nam đã được các nước ghi nhận, ủng hộ.
Tổng Thư ký Nguyễn Tường Vân cho hay điểm mới của Đại Hội đồng AIPA 41 mà Việt Nam chủ động thúc đẩy là mỗi ủy ban của AIPA sẽ ban hành một nghị quyết chung, nhưng phản ánh được đề xuất của các nước. Điều này đảm bảo tránh tình trạng bàn thảo kéo dài và phù hợp với thời gian họp trực tuyến.
Để phát huy vai trò của nước chủ nhà, Việt Nam đề xuất sáng kiến thành lập cơ chế Hội nghị Nghị sỹ trẻ nhằm đề cao vai trò của thanh niên; và thúc đẩy hoạt động của AIPA với hoạt động của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), gắn với việc thực hiện chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.
Việt Nam đã đề xuất và nhận được sự ủng hộ của các nước đối với chủ đề của Hội nghị Nữ Nghị sỹ, Ủy ban Chính trị, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Xã hội. Các nội dung của nghị quyết chung năm nay đều gắn với tình hình dịch bệnh và tác động của COVID-19 đối với các lĩnh vực.
Video đang HOT
Ủy ban Tổ chức do có đặc thù riêng nên kỳ này vẫn họp theo thông lệ, tuy nhiên năm nay sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng đối với AIPA như kết nạp quan sát viên mới, trao giải thưởng cho nghị sỹ có cống hiến xuất sắc cho AIPA, Đề án chuyển đổi Ban thư ký, Sửa đổi Quy chế AIPA, Hướng dẫn Tổ chức đối thoại giữa AIPA-ASEAN…
Theo Tổng Thư ký Nguyễn Tường Vân, Hiến chương ASEAN và Quy chế AIPA có hai nguyên tắc rất quan trọng được 10 nước nghị viện thành viên thông qua và những nguyên tắc này đã góp phần đảm bảo và duy trì sự đoàn kết, thống nhất nội khối, đó là nguyên tắc “đồng thuận” và nguyên tắc “không can thiệp công việc nội bộ.”
Tuy nhiên, trong những năm gần đây không phải lúc nào ASEAN và AIPA cũng tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề của khu vực. Đối với Năm Chủ tịch AIPA của Việt Nam, chính trị-an ninh tiếp tục là một trong những mảng then chốt, bên cạnh các nội dung nhạy cảm giữa các nước ASEAN với nhau và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài.
Do đó, điều này đòi hỏi nước chủ nhà sự nhạy bén, tinh tế, đặc biệt những kỹ năng đàm phán để tìm ra điểm tương đồng giữa các đối tác có những lợi ích, mối quan tâm đôi khi rất khác nhau.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu ấn nút công bố trang thông tin điện tử, ứng dụng di động và bộ nhận diện của AIPA 2020. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Với vai trò Chủ tịch AIPA 41, Quốc hội Việt Nam phối hợp cùng Bộ Ngoại giao đàm phán với các nghị viện thành viên liên quan để xử lý một số vấn đề trong chương trình nghị sự của Ủy ban Chính trị.
Đây là một trong những nội dung rất quan trọng hiện nay, là thách thức lớn cho AIPA trong việc tìm tiếng nói chung, thống nhất trong nội bộ và ra quyết định đối với những vấn đề quan trọng của khu vực.
Việc tổ chức Đại Hội đồng AIPA 41 và các hoạt động của Năm Chủ tịch AIPA 2020 theo phương thức trực tuyến để thích ứng với tình hình COVID-19 cũng làm phát sinh một số khó khăn trong công tác chuẩn bị, tổ chức. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, sự chủ động và tích cực, nước chủ nhà đã tập trung khắc phục, bảo đảm tổ chức thành công Đại Hội đồng AIPA 41.
Tổng Thư ký Nguyễn Tường Vân cho biết, tại Đại Hội đồng AIPA 41, sẽ có nhiều vấn đề quan trọng của AIPA được thảo luận và quyết định như vấn đề kết nạp một số nước đối tác làm quan sát viên của AIPA; tổ chức cuộc gặp giữa Tổng Thư ký ASEAN và các nước nghị viện thành viên sau khi Đại Hội đồng AIPA 40 thông qua nghị quyết đưa quan hệ đối tác AIPA-ASEAN đi vào hợp tác hiệu quả, thực chất và có chiều sâu; sửa đổi Quy chế AIPA; sửa đổi Điều lệ và các quy định mới về Đại Hội đồng AIPA; trao giải cho những nghị sỹ có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp AIPA; xem xét Đề án đổi mới Ban thư ký AIPA theo hướng chuyên môn hóa và hiệu quả để đáp ứng những yêu cầu mới của sự phát triển…
Quốc hội Việt Nam cũng đã đề xuất, trao đổi với nghị viện các nước thành viên và đến nay đã thống nhất mỗi ủy ban của AIPA sẽ ban hành một nghị quyết chung trong đó phản ánh đầy đủ đề xuất, ý kiến của các nước thành viên.
Tổng Thư ký AIPA nhấn mạnh năm 2020 việc cùng lúc Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA 41 và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có ý nghĩa to lớn, tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của mình trong khu vực và trên thế giới.
Đại dịch COVID-19 và những diễn biến mới, phức tạp trong khu vực sẽ là thách thức, áp lực và đòi hỏi trọng trách lớn của nước chủ nhà Việt Nam. Vì vậy, sự linh hoạt, chủ động, có trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị đại hội đồng vừa qua của Việt Nam đã được các nước tín nhiệm, hoan nghênh và đánh giá cao.
Tổng Thư ký Nguyễn Tường Vân khẳng định những đóng góp rất thiết thực, hiệu quả của Quốc hội Việt Nam trong Năm Chủ tịch AIPA trong bối cảnh đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với việc củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước ASEAN sẽ là nền tảng để Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt và khẳng định vững chắc vai trò, vị trí của mình trong hội nhập quốc tế.
Theo Tổng Thư ký Nguyễn Tường Vân, đối với AIPA, Đại Hội đồng lần thứ 41 hy vọng sẽ là dịp để các nghị sỹ ASEAN cùng nhìn lại những thành tựu, thách thức để củng cố tinh thần đoàn kết, hợp tác, thống nhất trong đa dạng, nhằm cùng nhau đối phó với những thách thức lớn của khu vực và thế giới trong thời gian tới, đóng góp tích cực hơn nữa vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển./.
Việt Nam luôn tích cực, trách nhiệm và chủ động trong ASEAN
ASEAN luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020 hay với vai trò là thành viên Hiệp hội, Việt Nam luôn tích cực, trách nhiệm và chủ động trong ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Tuấn Anh)
Thích ứng, chủ động và linh hoạt trước nhiệm vụ
Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong một năm tương đối đặc biệt khi cả thế giới phải chống chọi với "kẻ thù chung" mang tên Covid-19.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN Việt Nam, Việt Nam đề xuất chủ đề ASEAN 2020 "Gắn kết và Chủ động thích ứng" trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19. Việt Nam nhận thấy thời điểm hiện nay, định hướng lớn nhất của ASEAN là đoàn kết và gắn bó với nhau. Sự gắn kết là nhân tố tất yếu dẫn đến sự thành công của cộng đồng ASEAN. Đồng thời, muốn thành công hơn nữa trong một môi trường đang biến đổi rất mạnh mẽ và đặt ra nhiều thách thức mới cho ASEAN, việc chủ động thích ứng với tình hình đang thay đổi là hết sức cần thiết.
Không được đoán định từ trước, thách thức đầu tiên của ASEAN sau khi chủ đề ASEAN 2020 được đưa ra là sự bùng phát của dịch Covid-19, cho thấy chủ đề của Việt Nam là rất đúng. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, trong thời gian qua, hợp tác của ASEAN theo tinh thần "gắn kết và chủ động thích ứng" đã giúp ASEAN vững vàng để ứng phó với dịch Covid-19, trở thành hình mẫu của thế giới về ứng phó với dịch bệnh.
Trên thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã làm đảo lộn nhiều hoạt động, chương trình đã được ASEAN nhất trí và đưa vào kế hoạch, trong đó có các hoạt động trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Tiến độ triển khai các ưu tiên hợp tác cũng bị ảnh hưởng.
"Trong bối cảnh đó, Việt Nam, trong cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đã linh hoạt chuyển hướng, đồng thời có những điều chỉnh cần thiết và kịp thời đối với kế hoạch tổ chức các hoạt động nói trên. Phải nói rằng, việc điều chỉnh này là quyết định hết sức khó khăn nhưng chúng ta quyết tâm làm và được các nước ủng hộ", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Vai trò và đóng góp của Việt Nam, Chủ tịch ASEAN 2020 đối với nỗ lực hợp tác chung của khu vực chống dịch Covid-19 được Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khái quát qua ba từ khóa: Thích ứng, Chủ động và Linh hoạt.
Thích ứng thể hiện ở khía cạnh trong tình hình khẩn cấp xảy ra, Việt Nam nhanh chóng xác định cần chuyển trọng tâm hoạt động trong ASEAN, theo đó Việt Nam phối hợp với các nước ASEAN tập trung vào hợp tác ứng phó dịch bệnh, coi đây là ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong giai đoạn hiện nay.
Việt Nam chủ động đề xuất và điều phối nỗ lực hợp tác trong ASEAN và với các đối tác. Trong nội bộ ASEAN, trước khi Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố Covid-19 là đại dịch, Việt Nam đã chủ động và kịp thời ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN với dịch bệnh Covid-19, sớm triệu tập Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN, đề xuất thành lập và họp Nhóm Công tác liên ngành (cấp Thứ trưởng) của Hội đồng Điều phối ASEAN về ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp...
Trước việc không thể áp dụng phương thức truyền thống là gặp gỡ và họp trực tiếp do dịch bệnh, Việt Nam tổ chức nhiều cuộc điện đàm giữa các nhà lãnh đạo và tận dụng nền tảng công nghệ thông tin, linh hoạt thúc đẩy tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến trong ASEAN cũng như với các đối tác, góp phần duy trì kết nối, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, phản ứng nhanh và kịp thời để giải quyết vấn đề cấp thiết chung của khu vực.
Hiện nay, khi vấn đề phục hồi sau đại dịch Covid-19 được bàn luận rộng rãi, Thứ trưởng nhấn mạnh các biện pháp phục hồi ASEAN cần phù hợp với các giai đoạn ngắn hạn-trung hạn-dài hạn, cũng như phải cân bằng được mục tiêu kép...
Lễ ra mắt sách "25 năm Việt Nam tham gia ASEAN qua góc nhìn của người trong cuộc", ngày 28/7 tại Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh)
Vững vàng, tự tin trong ASEAN và hội nhập
Năm 2020 đánh dấu tròn 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995-28/7/2020). Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định rằng, 25 năm qua đã chứng kiến sự thay đổi và chuyển biến hết sức mạnh mẽ của cả ASEAN và Việt Nam.
Theo đó, ASEAN, từ một tổ chức được lập ra trong nghi kỵ, đối đầu ở khu vực, đã trở thành một tổ chức khu vực thành công năng động và sáng tạo với tiềm năng kinh tế đứng thứ năm thế giới và thu hút được sự quan tâm và hợp tác của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam từ một nước có nền kinh tế bao cấp và lạc hậu đã trở thành một nước có thu nhập trung bình với nền kinh tế thị trường năng động và đang tích cực hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới. Sau những bước ban đầu còn chập chững, Việt Nam nay đã là một thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm, chung tay cùng các nước thành viên ASEAN khác ứng phó với các thách thức đang nổi lên cũng như đóng góp xử lý những vấn đề chiến lược liên quan đến hòa bình, phát triển, thịnh vượng của ASEAN; qua đó, góp phần thúc đẩy vị thế của ASEAN cũng như vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Thứ trưởng nhấn mạnh, gia nhập ASEAN mang lại cho Việt Nam rất nhiều lợi ích quan trọng. Thứ nhất, tham gia ASEAN giúp Việt Nam có điều kiện để phát triển nhanh, vững chắc: có một môi trường hòa bình, ổn định để tập trung cho phát triển; mở rộng quan hệ với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, các đối tác lớn, quan trọng; mở rộng thị trường, thu hút thêm nhiều nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển đất nước; hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế.
Thứ hai, là thành viên ASEAN góp phần nâng cao năng lực cho Việt Nam, theo đó để hội nhập với ASEAN và thế giới, Việt Nam tiến hành đổi mới, hoàn thiện thể chế theo hướng phù hợp hơn với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; Việt Nam đẩy mạnh nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành trong các hoạt động quốc tế và đa phương.
Thứ ba, tư cách là thành viên ASEAN góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như giúp Việt Nam tự tin tham gia vào các sân chơi quốc tế. Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực không chỉ của ASEAN mà của cả cộng đồng quốc tế. Từ chỗ chỉ tham gia, nay Việt Nam đã đủ vững vàng, tự tin tham gia hội nhập quốc tế, đóng góp thực chất vào các công việc chung của thế giới.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng họp trực tuyến ASEAN hợp tác hậu Covid-19, ngày 30/7. (Ảnh: Tuấn Anh)
Song song với đó, theo Thứ trưởng, trong 25 năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp rất quan trọng cho ASEAN.
Thứ nhất, là một nước tầm trung trong khu vực, với dân số đứng thứ ba, diện tích đứng thứ tư ở Đông Nam Á, việc Việt Nam tham gia ASEAN đã giúp cho tổ chức này lớn mạnh về tiềm lực, phạm vi cũng như vững mạnh về tổ chức, giúp ASEAN trở thành một tổ chức vững mạnh, chấm dứt những nghi kỵ, chia rẽ, đối đầu, mở ra một thời kỳ phát triển mới của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Thứ hai, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp vào xây dựng định hướng phát triển và các quyết sách lớn của ASEAN, trong đó có thể kể đến Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể kèm theo, Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC), Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI)...
Thứ ba, thời gian qua Việt Nam đã có đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc triển khai thực hiện các quyết định chung của ASEAN. Việt Nam tham gia triển khai đầy đủ và sâu rộng hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực chính trị- an ninh, văn hóa- xã hội và kinh tế cũng như chủ trì tổ chức sự kiện có liên quan theo nghĩa vụ thành viên. Việt Nam là một trong số những nước đạt tỷ lệ thực thi cao các chương trình, biện pháp liên kết kinh tế của ASEAN.
Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, chỉ ba năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ sáu tại Hà Nội (12/1998), hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, tạo tiền đề quan trọng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đóng góp vào việc hình thành, củng cố, phát triển các thể chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt. Có thể kể đến quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) để kết nạp thêm Mỹ và Nga, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM ), vận động để đại diện cho ASEAN dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Hàn Quốc và Canada...
Hoa Kỳ tiếp tục phối hợp sâu rộng với ASEAN trong nỗ lực hậu đại dịch Hoa Kỳ mong muôn lam sâu săc quan hệ hợp tác vơi ASEAN trong nô lưc phuc hôi hâu dich bênh, trong viêc xư ly tac đông kinh tê - xa hôi do Covid-19 gây nên, thông qua việc tăng cương thương mai va đâu tư, tăng cương hơp tac về kinh tê sô, doanh nghiêp vưa va nho, đôi mơi sang tao....