Ai sinh ra dưới chòm sao hạnh phúc?
Tôi thường được hỏi sinh ra dưới ngôi sao nào, mà họ thấy tôi tự tại thế.
Hạnh phúc là thứ ta nghĩ chứ đâu phải là việc ta có được những gì?
Người Việt Nam chú trọng tới ngày giờ sinh và tử vi ra sao, thì người Hoa quan tâm tới chòm sao chiếu mệnh. Chúng ta cùng chung một điều mê tín, rằng: Ngày tháng năm sinh sẽ ảnh hưởng tới tính cách của bạn, và quyết định cuộc đời cùng phẩm chất của bạn.
Thế hệ 7X và 8X người Hoa lên mạng làm quen thường hỏi nhau sinh ra dưới chòm sao Hoàng đạo nào, chứ không hỏi bạn bao nhiêu tuổi, hoặc hỏi bạn quê ở đâu, người miền nào, tính cách ra sao. Ngày tôi sinh đứa bé út, bạn bè người Việt luôn hỏi cháu sinh ra nặng mấy kg, “giai tháng Tám” là rất đầu gấu đấy nhé, cẩn thận mà dạy bảo nó! Còn bạn bè người Hoa lại hỏi, cháu sinh ngày nào, để tính ngôi sao chủ mệnh. Hoặc tính toán ra linh vật hoặc thứ tượng trưng cho cháu. Họ bảo: A, em bé Thiên Bình (Libra) dễ thương đáng yêu và mẫn cảm lắm đây!
Tôi nghĩ thầm, không lẽ cuộc đời ta là một hành trình được viết sẵn ngay từ thời điểm ta chào đời? Hay hạnh phúc là một món quà tặng đã được số phận trù định cho ta, từ ngày cha mẹ cho ta làm người?
Tuổi và ngày giờ sinh của một con người, theo cách nghĩ duy tâm và truyền thống, sẽ rất quan trọng khi bạn làm đám cưới và xây nhà. Tuổi của chủ nhân sự kiện – bất kể nam hay nữ – đều sẽ được cân nhắc bởi cả đại gia đình, được nâng lên đặt xuống xem xét trong dữ liệu của những vị bô lão duy tâm. Đó không đơn thuần là mê tín, điều ấy chỉ phản ánh mong ước chính đáng sẽ được hạnh phúc suôn sẻ thuận lợi tới tận cùng của một gia đình mà thôi.
Không ít đôi uyên ương đã chia tay nhau vì gia đình ngăn cản hôn lễ và tình yêu. Họ sợ không hợp tuổi, yêu nhau bằng mười hại nhau, cố quá sẽ quá cố.
Vợ chồng tôi khắc tuổi với nhau.
Và chúng tôi tự quyết định ngày cưới, không phải nhờ cậy một cẩm nang “Lịch vạn niên” hay một ông thầy bói mù đoán ngày lành tháng tốt hộ. Ông xã tôi nói, năm xấu thì cũng phải có một ngày tốt, một ngày xấu thì cũng phải có giờ tốt chứ. Mà làm thằng đàn ông, cứ bị trói vào hôn nhân ngày nào là ngày đó… trở thành ngày xấu nhất đời của gã đàn ông đó rồi, xem xét cái gì!
Còn tôi thì thực tế và kém hài hước hơn ông xã, tôi cho rằng: Hãy nhìn xã hội Việt Nam xem, vô vàn gia đình bất hạnh đều đã cưới nhau vào một ngày lành tháng tốt nào đó đấy thôi! Bao nhiêu gia đình lục đục tan vỡ, họ cũng chọn ngày giờ tốt để lấy nhau đó chứ! Vậy, rõ ràng, ngày giờ tốt và tuổi hợp nhau đâu có quyết định hôn nhân của bạn có mỹ mãn hay không? Nên em cũng chẳng tin vào ngày lành tháng tốt!
Video đang HOT
Tôi có một cô bạn, chờ phải được tuổi mới cưới. Chưa được tuổi, cô ấy dứt khoát chỉ dọn đồ về sống chung với người yêu thôi. Một thời gian sau, cô ấy sinh đứa con đầu lòng, thế mà vẫn chưa đến tuổi tốt để kết hôn! Cách đây mấy năm, khi cô ấy sắp 35 tuổi, cô ấy thông báo với ông chồng chưa cưới rằng, giờ đã đến ngày tháng tốt để kết hôn rồi đấy! Cô ấy vẫn chăm chỉ tập Yoga để giữ vòng eo lý tưởng cho chiếc váy cưới. Ông xã của cô ấy phì cười và nói, em thật là ấu trĩ. Đàn bà mà đã ba mươi trở ra rồi thì năm nào cũng là năm tốt để kết hôn, ngày nào cũng là ngày Hoàng đạo để lấy chồng! Với lại, đang yên đang lành sao giờ tự nhiên lại phải tốn thêm một món tiền để… làm đám cưới?
Thì ra, lý do của hạnh phúc là nằm ở chỗ, bạn nghĩ gì, bạn sống ra sao, chứ không phải được quyết định bởi bạn sinh ra dưới chòm sao nào, bạn cưới chồng có vào ngày tốt, có lấy được người hợp tuổi? Nhiều khi, hạnh phúc còn không hề liên quan gì tới tình ái hay hôn nhân, hạnh phúc chỉ giản đơn là hài lòng với cuộc sống, biết đủ, không đòi hỏi, càng không ràng thêm những ràng buộc vô lý lên đời mình.
Kiểu như, bạn nói với chàng, anh ở cung Nhân Mã phải không, bốc đồng lắm, khó làm người chồng tốt được! (Bạn làm sao biết được, chính bạn mới đang là một kẻ bốc đồng!)
Tôi thường ghen tị với hạnh phúc của những phụ nữ xinh đẹp có được một cuộc hôn nhân êm ấm, giàu có, sự nghiệp hiển vinh. Tôi cũng thèm muốn cuộc sống của những người vợ có thể không cần đi làm mà gia đình vẫn không chết đói. Người vợ có thể ở nhà, làm nội trợ, nuôi con, may vá, chăm sóc cửa nhà và người thân, như bạn tôi, cưới xong, chồng nuôi từ đó đến giờ, để ở nhà ngồi viết văn.
Không hiểu vì sao, vào những lúc long đong vất vả kiếm sống nuôi gia đình, trên những chặng đường xa bụi bặm, trong những bữa cơm đường cháo chợ một mình theo đuổi niềm đam mê, tôi lại thường nhớ quay quắt đến hình ảnh sum vầy của gia đình, ông bà bố mẹ con cái, như một biểu tượng của hạnh phúc. Thèm đính một bông hoa lên váy con gái, thèm nấu một món canh cua hoa mướp cho cả gia đình.
Tôi nghĩ, có lẽ hạnh phúc phải là một cuộc hôn nhân không sóng gió. Hoàn hảo từ giờ phút trao nhẫn, trân trọng từ ngày tháng trở đi.
Nên vào những lúc phải lăn lộn vì cuộc sống, tôi thường tự nhủ, có khi ông bà bố mẹ chúng ta đã đúng. Ngày lành tháng tốt của một đám cưới có thể ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân êm đềm hay sóng gió. Mà vào những ngày còn trẻ, còn ngông nghênh và chưa biết sợ, chúng tôi đã cười khẩy vào mọi lý lẽ duy tâm, chỉ tin rằng hạnh phúc là thứ ta nghĩ trong đầu và ta cảm nhận trong tim, chứ không phải là thứ ta muốn và ta có. Và rằng, giá như nghe lời các bậc trưởng lão, biết đâu giờ đây tôi đang được ngồi bàn giấy công sở, mưa không tới mặt nắng chẳng tới đầu, không bị dày vò bởi những cơn khát sáng tạo, và hôn nhân của chúng tôi cũng êm đềm phẳng lặng như mọi gia đình khác, không thách thức nhau và không phủ nhận nhau. Và tôi có thể mặc áo màu dịu dàng, ngồi trong bếp thái rau, luộc thịt, chứ không phải một thân một mình vác máy ảnh và laptop cùng máy quay phim đi liên miên như một kẻ độc thân.
Trong tâm trạng cô đơn, tôi viết một bức thư cho một thần tượng của tôi, một phụ nữ xinh đẹp, hôn nhân êm ấm, giàu có, sự nghiệp hiển vinh. Tôi nói, tôi là Trang Hạ, tôi vẫn thấy chị trên bìa tạp chí và trên truyền hình. Tôi thần tượng chị. Vì chị thật hạnh phúc theo cách được cả xã hội tán dương.
Thần tượng của tôi reply sau đó một ngày:
“Chị vẫn kín đáo theo dõi Trang Hạ nhiều năm nay, vì em mới chính là một thần tượng của chị. Em có thể làm tất cả những gì mà chị không có quyền làm. Em có thể nói lời mà em nghĩ, đi nơi mà em muốn. Còn chị, ngay cả khi chị muốn một ngày “không mặc áo đẹp” thì cũng không ai cho phép chị làm điều đó cả. Chị muốn một ngày của riêng mình, không chồng con nào và công chúng nào cho chị một ngày đó cả! Nên hãy quý lấy cuộc sống của chính em.”
Và sau đó không lâu, tôi cũng nhận được một lá thư đẫm nước mắt của một cô bạn gái, người bạn mà sau đám cưới, chồng không để cô ấy thiếu thứ gì, và cô ấy chỉ ở nhà làm chức phận người vợ. Cô ấy nói, đã mười năm nay, từ sau khi lấy chồng, cô ấy không viết văn được nữa.
Tôi hỏi vì sao.
Cô ấy nói, xinh đẹp giỏi giang mấy, lấy người chồng đẹp trai giàu có mấy, mà bản thân không ra được khỏi cửa, thì khác gì cầm tù trong một cái hộp vàng? Viết văn làm sao khi ngồi giữa cái tháp ngà, cảm xúc yêu và sống hàng ngày chỉ thu gọn trong khoảng cách từ chợ rau cạnh nhà về đến cửa là 300 mét? Tiền thì chồng có cho nhiều đấy, nhưng cô ấy không dám uống một tách cà phê, chỉ vì đó không phải là tiền của cô! Và cô thèm muốn làm sao được như tôi, mỗi sáng ngủ dậy ở một khách sạn khác nhau, tiêu những đồng tiền do chính tay mình làm ra, được hít thở không khí theo cách tôi muốn!
Vậy hạnh phúc là thứ ta nghĩ chứ đâu phải là việc ta có được những gì?
Tôi nhớ tới đám cưới của một nghệ sĩ thế hệ trước. Bà là một nghệ sĩ đích thực, bà rất trân trọng hôn nhân, bà không chỉ chọn ngày tháng tuyệt đẹp, còn chọn nơi làm đám cưới đúng phong thủy, chọn màu trang phục cho đám cưới theo đúng bản mệnh, và cưới xong, bà chia tay môi trường nghệ thuật để ở nhà làm một bà vợ đúng nghĩa. Bà nghĩ, đám cưới chu đáo và hoàn hảo, hôn nhân chung thủy và tuyệt đối, vậy là hạnh phúc.
Sau mười tháng, bà ly hôn. Chỉ vì, thứ bà nghĩ là hạnh phúc, hóa ra là sự tẻ nhạt của một căn hộ chung cư cao cấp cộng với sự nhạt nhẽo của một gia đình mà ở đó, chồng thì nghĩ tiền và tình dục là đủ còn vợ thì nghĩ hình như mình đang làm gái bao vô thời hạn vì chỉ nhận được có tiền và tình dục.
Tôi nghĩ, luôn có chòm sao hạnh phúc chiếu mệnh cho chúng ta. Chỉ có điều, ta có nhìn nhận đó là hạnh phúc hay không, mà thôi.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Hạnh phúc của gái hoàn lương
Ký ức về người cha trong Hương hoàn toàn là một khoảng trống. Cô được sinh ra bởi một người đàn bà khổ hạnh và nghèo khó.
Vết xe đổ của mẹ
Mẹ cô có một mối tình lầm lỡ với người đàn ông đã có gia đình. Khi bà mang thai Hương, ông ta đã chối bỏ cả hai mẹ con.
Ở làng quê cô, đàn bà không chồng mà chửa là một cái tội rất lớn, một nỗi nhục nhã không cách gì gột sạch được. Mẹ Hương bị gia đình ruồng bỏ, bà một thân một mình ôm bụng đi tha hương cầu thực. Hương được sinh ra dưới một mái gianh siêu vẹo, dột nát của một bà già tốt bụng.
Tuổi thơ của cô không gắn liền với những trò chơi con trẻ mà phải theo mẹ nay đây mai đó. Hương không biết mẹ làm nghề gì để kiếm sống, chỉ biết đêm nào bà cũng dẫn về một người đàn ông, người mà sáng ra sẽ vội vã đi từ rất sớm.
Chuyển nơi ở liên tục nên Hương không có bạn, không được đi học. Ở mỗi nơi cô đến, bọn trẻ con xa lánh và miệt thị cô là con hoang, con của mụ điếm... Mỗi lần bị gọi như vậy, Hương tức giận xông vào đánh nhau với bọn chúng để bảo vệ mẹ và bảo vệ chính mình.
Lớn lên một chút, Hương mới hiểu mẹ đúng là "gái bia ôm". Bà không có thời gian để mắt đến cô mà để cô tự lớn, tự sống, tự lo cho mình... Năm Hương 16 tuổi, mẹ cô đã bỏ đi theo một người đàn ông lên Bắc Cạn. Hương vội vã thu dọn đồ đạc đi tìm bà. Khi số tiền mang theo dần cạn, Hương trở thành gái mại dâm trong quán bia ôm, karaoke. Hơn 1 năm sau, cô bị đưa vào Trung tâm Lao động xã hội số 2. Mẹ Hương từ ngày ấy đến giờ vẫn biệt tăm, chưa một lần liên lạc với cô.
Người ngoài thì nói tình yêu đó thật chóng vánh, chỉ có Hương và Sơn hiểu rằng tình cảm của họ đã chín muồi... (Ảnh minh họa)
Cuộc sống mới bắt đầu
Hiện tại Hương đang làm thuê cho một xưởng may tư nhân, dù tiền lương ít ỏi nhưng cô quyết sống tốt, đoạn tuyệt hoàn toàn với con đường cũ.
Ông trời run rủi cho Hương gặp Sơn, một chàng công nhân công xưởng sản xuất đồ nhựa bên cạnh. Sơn thuê nhà trọ trong một xóm lao động nghèo, còn Hương ở tại xưởn. Hai người thỉnh thoảng mới gặp nhau trong những lúc cuối ngày, trong khu chợ dành cho công nhân nghèo. Thấy Sơn để ý tới Hương, một người bạn của Hương đã làm mối hai người với nhau. Ban đầu cô còn ngại ngần vì xuất thân của mình, cô không dám nhận lời yêu anh. Hơn nữa, Sơn là con một trong một gia đình tử tế, cô sợ mình không xứng đáng với anh. Tuy vậy Sơn vẫn kiến trì theo đuổi.
Cùng là cảnh công nhân nghèo, đồng lương ít ỏi nhưng Sơn vẫn dành ra một ít tiền để mua quà tặng Hương, như đôi khuyên tai mĩ ký hay cái cặp tóc... Hương rất trân trọng những món quà và tình cảm ấy. Suốt hai năm Sơn kiên trì theo đuổi, cuối cùng tình cảm chân thành của anh đã làm Hương mủi lòng. Từ khi chính thức yêu nhau đến khi quyết định làm đám cưới chỉ vỏn vẹn hai tháng. Người ngoài thì nói tình yêu đó thật chóng vánh, chỉ có Hương và Sơn hiểu rằng tình cảm của họ đã chín muồi.
Trở thành vợ Sơn rồi, Hương vẫn nơm nớp lo sợ một ngày Sơn phát hiện ra quá khứ của mình. Hơn một năm sau, đứa con gái đầu lòng của họ ra đời, đó là lúc Hương lấy hết can đảm thú nhận với Sơn và để anh tự quyết định. Nhưng Sơn chỉ cười hiền, vì từ lâu anh đã biết mọi chuyện về cô, anh thương và cảm động vì sự cố gắng vươn lên của cô. Những tâm sự của anh khiến Hương vỡ òa trong hạnh phúc.
Khi nhóm phóng viên chúng tôi đến Bắc Cạn và gặp lại Vũ Thị Hương, Hương đang có một cuộc sống hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình dù kinh tế không mấy dư giả. Chỉ có một điều khiến cô vẫn day dứt. Nếu như Hương có thể tìm được mẹ hay ít ra biết mẹ đang sống ra sao thì hạnh phúc sẽ đủ đầy bội phần...
Theo Bưu Điện Việt Nam
Lựa chọn bạn đời theo ngôi thứ Chỉ cần một câu hỏi là đủ để biết có phải bạn và người ấy sinh ra là để cho nhau không? Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng những người là con đầu lòng, con út hay con một sẽ xây dựng các mối quan hệ theo cách riêng của mình. Nhà tâm lý học Linda Blair khẳng định...