Ai sẽ lấp đầy “khoảng trống” của Mỹ ở Syria?
Sau khi Mỹ rời khỏi Syria, ai sẽ lấp đầy khoảng trống của Washington và đây liệu có phải khởi đầu cho cuộc tranh giành quyền lực mới trong khu vực này?
Ngày 19/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một động thái gây bất ngờ với hầu hết tất cả mọi người, thậm chí là với chính các thành viên trong chính quyền của ông. Đó là việc Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút toàn bộ 2.000 quân ở Syria.
Ông Trump cho rằng lý do duy nhất cho sự hiện diện của quân Mỹ ở Syria là đánh bại IS và bây giờ khi nhiệm vụ này hoàn thành, quân đội Mỹ không còn lý do gì để tiếp tục ở lại quốc gia này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Vì chính quyền Tổng thống Trump đã chính thức thông báo về ý định rút quân khỏi Syria nên những quốc gia từng can thiệp vào cuộc chiến ở Syria có thể sẽ tăng cường nỗ lực để đạt được sự kiểm soát tại những khu vực hiện đang đặt dưới sự kiểm soát của Mỹ.Tuyên bố gây bất ngờ của ông Trump khi thay đổi chiến lược ở Syria và rộng hơn là Trung Đông có thể là khởi đầu cho một giai đoạn xung đột mới trong khu vực này trong cuộc cạnh tranh quyền lực để lấp đầy “khoảng trống” mà Mỹ bỏ lại.
Mỹ cùng với lực lượng người Kurd kiểm soát xấp xỉ 1/3 lãnh thổ Syria. Những khu vực này được truyền thông và các nhà phân tích cho là gồm những mỏ dầu và mỏ khí quan trọng của Syria cũng như là nơi có các nguồn nước lớn, đập thủy điện, nhà máy điện quan trọng và hầu hết đất đai màu mỡ.
Nga và Iran “đắc lợi”?
Video đang HOT
Việc kiểm soát được các khu vực này đóng vai trò vô cùng quan trọng với Nga. Moscow thiếu chi phí để duy trì nỗ lực tái thiết Syria sau xung đột, mà thiếu điều đó thì những thành quả về quân sự của Nga trong việc đánh bại phe đối lập và đảm bảo chế độ của Tổng thổng Bashar al-Assad ở Syria có thể sẽ “xôi hỏng bỏng không”. Ngoài ra, Nga cũng cần có một nguồn tài chính để hỗ trợ về mặt quân sự cho chính quyền Syria. Vì vậy, trong một thời gian dài, Moscow đã “để ý” đến các mỏ dầu và mỏ khí hiện Mỹ đang kiểm soát. Nếu Mỹ rời Syria, Nga sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để lấp đầy “khoảng trống” quyền lực mà Washington để lại.
Iran cũng quan tâm đến các lãnh thổ Syria mà Mỹ kiểm soát với những lý do riêng. Khi Mỹ đưa quân đến Iraq năm 2003, Iran đang từng bước nỗ lực thành lập một vùng “lưỡi liềm Shia” (khu vực lãnh thổ có hình trăng lưỡi liềm tại Trung Đông nơi có nhiều người Shia sinh sống) từ tây Afghanistan tới Địa Trung Hải. Sau khi Mỹ rút quân khỏi Iraq năm 2011, Iran có cơ hội để tiến gần hơn đến mục tiêu này. Tuy nhiên, sự nổi lên của IS và việc Tổ chức khủng bố này kiểm soát phần lớn lãnh thổ ở phía đông Syria và phía tây Iraq đã cản trở Iran thiết lập một hành lang trên đất liền từ Tehran tới Damascus và tới Hezbollah ở Lebanon. Iran ủng hộ cuộc chiến chống IS của Mỹ và thậm chí từng tìm kiếm khả năng trở thành một thành viên trong liên quân quốc tế chống lại IS với mong đợi Mỹ sẽ rời khu vực sau khi cuộc chiến kết thúc. Giờ thì Mỹ đang thực hiện đúng như những gì Iran mong đợi nên quốc gia này sẽ dồn mọi nỗ lực để mở lại hành lang xuyên Syria trên bộ bằng cách tăng cường ảnh hưởng ở đông bắc Syria.
Israel và Saudi Arabia lo âu?
Quyết định của Mỹ khi để lại đông bắc Syria cũng sẽ khiến Israel đối mặt với nhiều vấn đề. Hồi tháng 9/2018, Nga đổ lỗi cho Isarel về vụ máy bay quân sự Il-20 của Nga bị phía Syria bắn rơi. Sự việc này đã hủy hoại mối quan hệ giữa Nga và Israel ở Syria. Do đó, Tel Aviv hoàn toàn phải phụ thuộc vào Mỹ trong việc kiềm chế ảnh hưởng của Iran ở Syria. Sau quyết định rời Syria của Mỹ, Israel hiện có rất ít ảnh hưởng trong các vấn đề trên thực địa Syria.
Saudi Arabia cũng có những lợi ích chiến lược tại khu vực này. Trong những năm qua, Riyadh đã tăng cường nỗ lực trong việc thuyết phục Tổng thống Trump duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể ở đông bắc Syria nhằm đối trọng với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Saudi thậm chí còn cam kết sẽ dùng 100 triệu USD để thuyết phục quân đội Mỹ tiếp tục ở lại Syria. Ngoài ra, phía Saudi Arabia còn cử quân đội đến tuần tra khu vực này cùng với Mỹ và lực lượng YPG của người Kurd. Vì thế, việc Mỹ rời khỏi Syria có thể khiến Saudi Arabia thất vọng và buộc quốc gia này phải có những hành động nhất định để tiếp tục đóng vai trò ảnh hưởng với tương lai của Syria.
Toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ và số phận của người Kurd
Thổ Nhĩ Kỳ cũng để ý đến “khoảng trống” mà Mỹ bỏ lại ở Syria. Quốc gia này từng cáo buộc trong thời gian dài rằng lực lượng SDF do Mỹ ủng hộ đang cố gắng thành lập một nhà nước độc lập ở đông bắc Syria và từng nhiều lần kêu gọi Mỹ chấm dứt sự ủng hộ với nhóm người Kurd này. Trong một vài tuần gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa sẽ triển khai một cuộc tấn công quân sự xuyên biên giới để phá hủy các căn cứ của lực lượng này ở Syria. Hiện thông báo rút quân khỏi Syria của Mỹ có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu những động thái nhằm loại trừ lực lượng YPG như những gì quốc gia này từng làm với chiến dịch Nhành Ô liu ở Afrin hồi đầu năm 2018.
Điều này cũng có nghĩa là lực lượng SDF sẽ là chủ thể bị ảnh hưởng nhiều nhất với quyết định rút khỏi Syria của Mỹ. Lực lượng người Kurd này sẽ buộc phải tìm kiếm những đồng minh mới sau khi bị Mỹ “bỏ rơi” để có thể tiếp tục tồn tại trong một môi trường chính trị mới. Khả năng cao là lực lượng này sẽ tiến gần hơn với trục Nga – Iran – Syria để chống lại sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
IS có lẽ cũng sẽ tìm kiếm một lối thoát để khôi phục lực lượng trong khoảng trống mà Washington bỏ lại.
Với tất cả những lý do trên, việc Mỹ rút khỏi Syria có thể là sự thay đổi quan trọng nhất trong cuộc xung đột ở Syria từ khi Nga can thiệp vào quốc gia này hồi tháng 9/2015. Điều này có thể khiến cuộc xung đột Syria quay trở về vạch xuất phát trước khi IS trỗi dậy – tổ chức khủng bố từng lớn mạnh nhờ sự cạnh tranh lợi ích của các chủ thể trong khu vực. Ngoài ra, người ta có thể sẽ chứng kiến một cuộc xung đột mới ở Syria giữa các quốc gia tầm trung sau sự ra đi của Mỹ. Nói cách khác, hậu quả cuối cùng trong quyết định của ông Trump có thể là khởi đầu cho một cuộc chiến “tất cả chống lại nhau” ở Trung Đông./.
Số phận long đong của dân tộc Kurd khi Mỹ rút quân khỏi Syria VOV.VN – Dân tộc Kurd bị xẻ làm 4 đã khát vọng độc lập trong hàng bao thập kỷ. Với việc Mỹ rút quân khỏi Syria, người Kurd ở đây lại mất đi một hy vọng.
Syria triển khai quân khi Mỹ rút VOV.VN – Truyền thông Syria cho biết, các đơn vị quân đội nước này đang tiến về vùng nông thôn phía đông Deir al-Zour để bắt đầu một chiến dịch quân sự mới.
Theo Kiều Anh
VOV
Lực lượng nào sẽ thế chân nếu Mỹ rút quân khỏi Syria?
Washington dường như muốn các đồng minh trong khu vực Trung Đông như Qatar, Ả-rập Xê-út, UAE triển khai quân đội tại Syria, và chi trả các chi phí liên quan sau khi Mỹ tiến hành rút quân khỏi chiến trường này.
Quân đội Mỹ tại Syria (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Theo Wall Street Journal, hiện tại Mỹ đang hiện diện quân sự tại 2 khu vực trên lãnh thổ Syria, bao gồm khu vực phía Nam tại biên giới với Jordan và khu vực đông bắc Syria hiện do lực lượng người Kurd SDF quản lý. Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như muốn rút lực lượng ra khỏi Syria vì lý do chi phí. Và ông mong muốn quân đội các nước đồng minh trong khu vực như Ả-rập Xê-út, Qatar, Các Tiểu Vường quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) sẽ "thế chân" ở khu đông bắc Syria và chia sẻ phần gánh nặng về chi phí triển khai quân đội.
Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton được cho là đã gọi điện cho quyền giám đốc cơ quan tình báo Ai Cập Abbas Kamel để thăm dò ý kiến về việc Ai Cập thay thế Mỹ đóng quân tại Syria. Ông Bolton dường như cũng liên lạc với Qatar, Ả-rập Xê-út và UAE và thăm dò các nước này về việc chi hàng tỷ USD để xây dựng quân sự ở Syria cũng như điều lực lượng tới chiến trường.
"Nhiệm vụ của lực lượng khu vực là hợp tác với lực lượng người Kurd, lực lượng đến từ các nước Ả-rập và Mỹ sẽ hỗ trợ nhằm đảm bảo tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS sẽ không quay trở lại Syria, cũng như ngăn cản các lực lượng do Iran hậu thuẫn không tiếp quản lãnh thổ IS chiếm giữ trước đó", WSJ trích lời các quan chức Mỹ, cho biết.
Theo RT, đây rõ ràng là phương án có lợi cho Washington, trong tình huống họ đang hiện diện quân sự tại Syria mà chưa có sự đồng thuận của chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cũng như đang phải đối mặt với một số mâu thuẫn liên quan tới tình hình địa chính trị trong khu vực. Lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn bị đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ coi là đối tượng khủng bố và Ankara sẵn sàng tấn công quân sự lực lượng này.
Tuy nhiên, việc điều quân từ các nước Ả-rập sang Syria cũng ẩn chứa nhiều thách thức. Ả-rập Xê-út và UAE đang điều quân tham chiến tại Yemen và không dễ gì để họ có thể hợp tác cùng triển khai quân đội với Qatar, quốc gia đang bị họ cáo buộc ủng hộ khủng bố và có quan hệ thân thiết với Iran. Trong khi đó, quân đội Ai Cập cũng đang tham gia vào các chiến dịch tiêu diệt khủng bố ở bán đảo Sinai, cũng như canh giữ đường biên giới với Libya.
Hơn nữa, khả năng lực lượng người Kurd chấp nhận bắt tay với lực lượng quân đội các nước Ả-rập vẫn là một ẩn số. Một phần lực lượng SDF cho rằng Mỹ dường như đang bỏ rơi họ và việc quân đội các nước Ả-rập khác triển khai gần khu vực họ đang nắm giữ dường như sẽ khó có được sự đồng tình từ SDF.
Ngày 15/4, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders tái khẳng định mong muốn của Mỹ rút quân ra khỏi chiến trường Syria càng sớm càng tốt. Bà Sanders nói Mỹ hy vọng các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực có thể đảm nhiệm thêm trách nhiệm quân sự và tài chính.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đột ngột từ chức, chỉ trích Trump Trong lá thư từ chức gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ngầm chỉ trích ông Trump vì đã không "sáng suốt" trước những đối thủ và kẻ thù của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (phải) đã nộp đơn xin từ chức vì bất đồng quan điểm với Tổng thống. Theo NBC News, trong thư,...