Ai sẽ lãnh đạo Libya sau Gaddafi?
Sau những hân hoan ban đầu ở Benghazi, giờ đây, có một tâm trạng lo âu hơn. Người ta nhận ra rằng chiến trận vẫn chưa chấm dứt và trước mắt còn một cuộc chiến khó khăn hơn nhiều ở Tripoli.
Mustafa Abdul Jalil nổi tiếng là người chính trực. (Ảnh: Reuters)
Có nguy cơ xảy ra hỗn loạn nếu chính phủ mới không nhanh chóng đảm nhận trách nhiệm. Chế độ mới được trông chờ sẽ dựa trên Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia (NTC) do quân nổi dậy thành lập ở Benghazi trong những ngày đầu cách mạng. Nhưng như thế vẫn để ngỏ một câu hỏi về việc ai sẽ là lãnh đạo mới của Libya sau gần 42 năm Gaddafi cầm quyền.
Nhân vật có triển vọng nhất là chủ tịch NTC Mustafa Abdul Jalil. Nguyên là một bộ trưởng tư pháp, ông Jalil được nhiều người biết tới ở miền đông và nổi tiếng là một con người chính trực.
“Ông ấy là người duy nhất dũng cảm đương đầu với Gaddafi, người sẽ nói “Không” với ông ta”, một cư dân Benghazi nhận xét.
Tuy nhiên, Abdul Jalil đã vài lần cảnh báo từ chức và hiện chưa rõ liệu ông thực sự muốn vị trí mới đến mức nào.
Video đang HOT
Liên minh bất ổn
Mahmoud Jibril, đứng đầu Nội các NTC, là một gương mặt sáng giá khác. Ông nổi tiếng là một nhà kỹ trị tài năng và được biết là đã đưa ra rất nhiều quyết định hàng ngày liên quan tới việc điều hành NTC.
Đồng sự của ông, Ali Tarhouni, cũng là một nhân vật cấp cao vừa trở về từ nước ngoài để chịu trách nhiệm về vấn đề tài chính sống còn của quân nổi dậy.
Một cái tên khác thỉnh thoảng cũng được đề cập là Shokri Ghanem, một vị cựu thủ tướng đã giúp mở rộng tự do nền kinh tế Libya, mặc dù ông này hiện nay đang nước ngoài và không tham gia NTC.
Nếu, hoặc khi, đại tá Gaddafi rút cục bị đánh bại, những khó khăn có thể mới thực sự bắt đầu cho một chính phủ mới.
Cướp bóc tràn lan, tấn công trả thù chống lại những người trung thành với Gaddafi hoặc giết hại lẫn nhau là những mối nguy tiềm ẩn đối với trật tự và ổn định khi một chế độ mới nỗ lực hình thành.
Tự thân NTC là một tập hợp lỏng lẻo của nhiều phe cánh khác nhau – Hồi giáo và thế tục, các cựu thành viên chế độ cũ và những người lưu vong – một số không có gì nhiều hơn ngoài khát vọng loại bỏ đại tá Gaddafi.
Phong trào nổi dậy cũng là một liên minh bất ổn giữa miền đông và miền tây đất nước.
Không ai có thể quên vụ ám sát hồi tháng 7 nhằm vào chỉ huy quân sự của lực lượng nổi dậy, tướng Abdul Fattah Younis. Dường như ông đã bị giết bởi một vài người dưới quyền. Đó có thể là những người trung thành với Gaddafi, hoặc Hồi giáo hoặc những người Libya nhất quyết muốn trả thù vì tướng Younis từng là Bộ trưởng Nội vụ của Gaddafi.
Trả thù
Có nhiều sự chia rẽ tiềm ẩn nguy hiểm và sâu sắc trong phong trào cách mạng khi họ đứng bên bờ quyền lực. Quân nổi dậy chiến đấu ở Tripoli giờ là một tập hợp của nhiều cánh quân khác nhau chứ không phải là một đội quân đơn lẻ.
Thách thức ngay trước mắt mà ban lãnh đạo chính trị ở Benghazi đối diện là phải ngăn chặn các vụ giết chóc trả thù nhằm vào những người trung thành với Gaddafi. Điều đó có nguy cơ để mất sự hỗ trợ của các nước NATO vốn đã mang chiến thắng vào trong tầm tay cho quân nổi dậy. Nó cũng làm suy yếu tính hợp pháp của bất kỳ một chính phủ mới nào.
Abdul Jalil cho biết ông sẽ từ chức nếu các chỉ huy không tôn trọng luật pháp – một sự thừa nhận rõ ràng rằng nhiều bộ phận của quân đội có thể nằm ngoài vòng kiểm soát chính trị.
Đến nay, chưa có một nhân vật chính trị uy tín đơn lẻ nào xuất hiện ở phía quân nổi dậy, một kiểu người có thể ép các phần tử chống đối trong lực lượng nổi dậy vào trật tự và hàn gắn những rạn vỡ của đất nước.
Nhưng, sau hơn 4 thập niên dưới sự cầm quyền của đại tá Gaddafi, người Libya giờ đây có thể cảm thấy rằng một con người mạnh mẽ khác chính là điều mà họ không muốn.
Theo VietNamNet
Puea Thai công bố các ưu tiên của chính phủ mới
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 6/7 tại thủ đô Bangkok, bà Yingluck Shinawatra khẳng định chính phủ mới sẽ tập trung thực hiện các mục tiêu kinh tế đã vạch ra trong chiến dịch vận động tranh cử.
Bà Yingluck Shinawatra. (Nguồn: Getty)
Sau khi các chính sách kinh tế lớn mà đảng Puea Thai (Vì người Thái) đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử được chính thức công bố tại cuộc họp đầu tiên của Quốc hội nhiệm kỳ mới, chính phủ sắp được thành lập sẽ bắt tay ngay vào thực hiện các chính sách này.
Chủ trương trên được nhất trí tại cuộc họp sáng 6/7 giữa các lãnh đạo hàng đầu của đảng Puea Thai với nhóm kinh tế của đảng này gồm cựu Phó Thủ tướng Olarn Chaiprawat, cựu Bộ trưởng Thương mại Mingkwan Saengsuwan, cựu Bộ trưởng Tài chính Suchart Thada-Thamrongvech và một số cựu quan chức cao cấp khác.
Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo đảng Puea Thai nhất trí sẽ lập tức bãi bỏ Quỹ dầu lửa quốc gia nhằm giảm giá xăng, dầu bán lẻ trên thị trường; ngăn chặn đà tăng giá hàng hóa; cải tổ hệ thống y tế bằng tái áp dụng chương trình chăm sóc sức khỏe mà trước đây chính phủ của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã áp dụng.
Bà Yingluck khẳng định việc thực hiện các biện pháp này là một phần trong các ưu tiên chính sách của chính phủ mới.
Trước đó, phát biểu sau buổi lễ công bố chủ trương thành lập chính phủ liên minh gồm đảng Puea Thai và bốn chính đảng khác, bà Yingluck nêu rõ chính phủ mới sẽ thực hiện 7 ưu tiên chính sách gồm:
- Thúc đẩy hòa giải và đoàn kết dân tộc bằng việc cho phép Ủy ban hòa giải và cải cách chính trị do chính phủ tiền nhiệm lập ra tiếp tục hoạt động một cách độc lập.
- Tổ chức trọng thị lễ kỷ niệm sinh nhật Nhà Vua lần thứ 84 vào ngày 5/12; Khôi phục kinh tế thông qua giảm giá cả và chi phí sinh hoạt, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy đầu tư, kinh doanh.
- Cải thiện quan hệ quốc tế, cả song phương lẫn đa phương.
- Khích lệ quan chức nhà nước trong việc giải quyết đúng đắn các vấn đề của nhân dân.
- Đẩy mạnh chống tham nhũng thông qua đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong tiến trình điều tra, xét xử.
- Đảm bảo triển khai thực hiện kịp thời tất cả các chính sách đã ban hành.
Cũng trong ngày 6/7, bà Yingluck đã bác bỏ những đồn đoán rằng anh trai bà, ông Thaksin sẽ nắm giữ một vị trí chính thức trong chính phủ sắp tới.
Bà Yingluck, người lãnh đạo chiến dịch tranh cử của đảng Puea Thai, đã phủ nhận tin nói rằng ông Thaksin có thể trở thành một phái viên thương mại của Chính phủ Thái Lan với vai trò thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của nước này.
Bà nói: "Đó không phải là sự thật. Sẽ không có vị trí chính thức nào cho ông Thaksin. Ông ấy chỉ là cố vấn"./.
Theo TTXVN