Ai sẽ giải cứu thịt heo thừa…?
Thời gian vừa qua, an toàn thực phẩm luôn là chủ đề nóng và nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Những vụ việc về thực phẩm bẩn, không đảm bảo chất lượng bị phanh phui, phát hiện ngày càng nhiều khiến cho người tiêu dùng càng thêm phần hoang mang, đến lúc nào họ mới có thể yên tâm thưởng thức vị ngon của những bữa cơm hằng ngày.
Lại thừa thịt heo, nhưng là thịt heo bẩn!
Đêm 28 rạng sáng 29/09, đoàn liên ngành gồm Thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường ( C49) và Chi cục Thú y Tp, Hồ Chí Minh đã ập vào cơ sở giết mổ Xuyên Á. Tại đây, đoàn ghi nhận hàng loạt heo chờ giết mổ nằm la liệt (dấu hiệu bị tiêm thuốc an thần) và nhiều lọ, bịch thuốc an thần, ống tiêm. Tổng số heo nhập về đây giết mổ trên 5.000 con, trong đó chỉ gần 1.000 con là bình thường, còn lại hơn 4.000 con của 20 chủ bị đình chỉ giết mổ do nghi đã tiêm thuốc an thần.
Đây là vụ có lượng heo bơm thuốc bị phát hiện lớn nhất từ trước đến nay; xảy ra tại lò mổ Xuyên Á – lò mổ lớn nhất Tp. Hồ Chí MInh, nơi cung cấp hơn 50% lượng heo thịt cho thị trường thành phố. Sự việc trên đã gây rúng động dư luận và sự hoang mang, bức xúc cho người tiêu dùng, nếu như không có đoàn liên ngành kiểm tra phát hiện thì hàng ngàn con heo đã tiêm thuốc tuồn ra thị trường trót lọt, không biết những hệ lụy nào sẽ xảy ra?
Hàng ngàn con lợn bị tiêm thuốc an thần ngủ li bì
Đầu độc sức khỏe, bán rẻ niềm tin
Thịt heo là loại thực phẩm thông dụng hằng ngày của người Việt, mỗi ngày có hàng trăm tấn thịt heo và các sản phẩm từ thịt được tiêu thụ. Bởi vậy nên nó là loại thực phẩm chính mà những thương lái, chủ trang trại có thể bất chấp lương tâm, pháp luật và sức khỏe người tiêu dùng để trục lợi.
Nếu như trước đây, việc tiêm thuốc an thần vào heo thịt chủ yếu để dễ bơm nước vào heo nhằm tăng trọng lượng. Nay việc tiêm thuốc an thần còn nhằm giảm hao hụt trọng lượng trong vận chuyển và làm cho miếng thịt hồng hào, dẻo do thuốc có tác dụng co tĩnh mạch. Những loại thuốc an thần có trong danh mục thuốc thú y điều trị động vật nhưng trong trường hợp này đã bị sử dụng sai mục đích, khiến tồn dư trên thịt, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Rõ ràng hành vi trên của cơ sở giết mổ Xuyên Á là cực kì nguy hiểm, có thể gây ra những hậu quả khó lường. Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), thịt heo có tồn dư thuốc an thần sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới người tiêu dùng, gây ra rối loạn hoạt động, ức chế thần kinh, hạ huyết áp, bệnh về đường tiêu hóa, thậm chí gây ra trầm cảm, không minh mẫn, thiểu năng trí tuệ…. Đặc biệt, triệu chứng này sẽ trầm trọng hơn đối với trẻ em, và những người có bệnh tim mạch, gan, thận.
Khi sự việc này được đưa ra ánh sáng, niềm tin lâu nay của những người tiêu dùng vào sản phẩm thịt heo, vào các cơ sở giết mổ và cả những người chăn nuôi heo bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu từ trước giờ trên mâm cơm của họ đã từng có những dĩa thịt heo được tiêm thuốc an thần, họ có đang bị đầu độc âm thầm mà không hề hay biết. Từ nay mỗi khi đi chợ, vào siêu thị, mặt hàng thịt heo nói chung sẽ phải đối mặt với những ánh nhìn kì thị, không được ưa chuộng như trước, liệu đằng sau vẻ ngoài bắt mắt, màu sắc tươi ngon kia sẽ là bao nhiêu mi li lít hóa chất, chất cấm. Vô hình chung tạo ra sự e ngại cho số đông người tiêu dùng không chỉ tại Tp.Hồ Chí Minh mà còn trên cả nước, điều này là rất không đáng có, từ một sự việc tại một cơ sở mà ảnh hưởng tới những người nuôi heo, lò giết mổ, thương lái làm ăn đàng hoàng, chân chính.
Nhớ lại cách đây hơn 2 tháng, một cuộc giải cứu thịt heo với quy mô lớn chưa từng thấy đã diễn ra, lúc đó giá heo xuống thấp kỉ lục khiến cho người chăn nuôi, các lò mổ phải điêu đứng, Bộ NN-PTNT liên tục tổ chức các cuộc họp khẩn, gửi công văn “cầu cứu” Thủ tướng, gửi công văn hoả tốc kêu gọi các ban ngành, đoàn thể, người tiêu dùng cả nước ưu tiên ăn thịt lợn để giúp đỡ người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn.
Cho đến thời điểm hiển tại, thị trường đã dần cân bằng, giá thịt heo ổn định trở lại, có thể nói rằng công lớn nhất vẫn thuộc về người dân, người tiêu dùng. Nhớ lại sự việc này, tôi tự đặt câu hỏi, nếu khủng hoảng thừa tiếp tục xảy ra, ai sẽ giải cứu thịt heo nữa đây, liệu người tiêu dùng có đặt niềm tin vào loại thực phẩm này khi liên tiếp có những vụ việc báo động, các chủ lò mổ, trang trại sẵn sàng bất chấp sức khỏe, sự an toàn của những người đã từng giúp họ vượt qua khó khăn để thu lợi bất chính. Rõ ràng nếu những sự việc tương tự cứ liên tiếp xảy ra, viễn cảnh người tiêu dùng trong nước quay lưng với thịt heo không phải là không có cơ sở. Đến khi đó, sự ân hận, tỉnh ngộ có đã muộn màng?
Video đang HOT
Hóa chất được pha trộn để tiêm vào lợn trước khi giết mổ
Quản lý thịt heo vẫn đang là nỗi lo
Vụ việc này xảy ra ngay tại một lò mổ lớn nhất ở Tp. Hồ Chí Minh, nơi công tác kiểm tra an toàn thịt heo luôn đi đầu, được thắt chặt và khiến cho nhiều người tiêu dùng vẫn luôn an tâm. Như vậy có nghĩa công tác quản lý thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt heo nói riêng vẫn đang là nỗi lo.
Theo số liệu do cơ quan thú y Tp. Hồ Chí Minh cung cấp, toàn thành phố có 11 lò mổ gia súc, 1 lò mổ gia cầm nằm tại 4 huyện ngoại thành, nơi nào cũng bố trí cán bộ thú y tiếp cận quản lý. Tuy vậy tình trạng để lọt heo bơm thuốc và bơm nước vẫn xuất hiện và đang có dấu hiệu gia tăng, nguyên nhân chính bởi các lò mổ nằm rải rác ở nhiều khu vực, xa khu dân cư, không tập trung nên khó quản lý. Tp.Hồ Chí Minh đã nhiều lần có chủ trương di dời các lò mổ vào khu tập trung vừa dễ xử lý ô nhiễm, vừa dễ cho khâu kiểm tra, nhưng triển khai còn chậm trễ.
Sau vụ việc này, Chi cục Thú y thành phố cho biết sẽ kiến nghị quy định việc gắn camera bên trong các lò mổ để tăng cường khâu giám sát. Lò mổ nào tái phạm sẽ đóng cửa, thu giấy phép. Tuy nhiên, khi Tp. Hồ Chí Minh thắt chặt kiểm tra các lò mổ, thịt heo bơm thuốc vẫn có khả năng di dời ra các lò mổ thuộc các tỉnh lân cận, rồi chạy trở vào Tp. Hồ Chí Minh tiêu thụ, do vậy cần phải có những sự tính toán kĩ lưỡng, biện pháp triệt để hơn nữa.
Hiện nay do các biện pháp kiểm soát được thắt chặt, thương lái đã nghĩ ra cách lách: chờ lực lượng thú y kiểm tra heo sống xong, chuẩn bị vào lò mổ – nơi được cách ly với khu dân cư và khó quan sát mới bơm thuốc. Không những vậy lò mổ ở các tỉnh lân cận Tp. Hồ Chí Minh, lò mổ nào cũng xây kiên cố với 2, 3 lớp rào cửa nhằm để đối phó đoàn kiểm tra, bởi sự kiên cố, kín cổng cao tường đó khiến cho thời gian lực lượng chức năng khi vào đến nới thì mọi thứ đã được “dọn sạch sẽ”. Chỉ duy nhất Tp. Hồ Chí Minh quy định lò giết mổ phải xây hở. Nếu quy định chưa được thống nhất trên cả nước, tất nhiên gian thương vẫn còn kẽ hở để… tiếp tục lách luật!
Trên cả nước từ những tháng đầu năm liên tục phát hiện ngày càng nhiều những vụ việc tiêm hóa chất, chất cấm vào các loại gia súc, gia cầm, tuy nhiên các cơ quan chức năng vẫn chưa có được phòng thí nghiệm có năng lực phân tích định lượng hoạt chất Acepromazine để làm cơ sở pháp lý khi xử phạt. Chỉ duy nhất tại Tp. Hồ Chí Minh, phòng thí nghiệm của Chi cục Thú y Thành phố được đầu tư bài bản, được Cục Thú y công nhận là “có năng lực và kinh nghiệm xét nghiệm hoạt chất Acepromazine trong mẫu máu, nước tiểu và thịt”; tuy nhiên nó vẫn trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục chờ thẩm định và chỉ định cho phép từ cấp chuyên ngành.
Một lỗ hổng nữa đó là việc truy xuất nguồn gốc thịt gia súc đang không phát huy hiệu quả. Biện pháp này chưa quy định chi tiết, vẫn còn mang tính hình thức. Mặc dù việc áp dụng vòng truy xuất đã được nhiều địa phương bắt buộc thực hiện. Tuy vậy lại để cho trang trại và tiểu thương tự đeo vòng, tự kích hoạt, tiểu thương chợ đầu mối/siêu thị nhập thêm vào dữ liệu; từ đó ra thông tin truy xuất trên tem dán. Rõ ràng quy trình này không có sự giám sát của một bộ phận nào, chỉ có thể quản lý bằng hậu kiểm.
Mặc dù chính phủ đã ban hành Nghị định Số: 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y cuối tháng 7 vừa qua nhưng gần như nó đã cho thấy bất cập, trong khi hậu quả đối với sức khỏe người sử dụng đã được chứng minh nhưng hình thức xử lý đối với hành vi sai phạm còn “mềm mỏng” mức cao nhất chỉ có 35 triệu đồng là không đủ sức răn đe. Không những vậy, theo các quy định pháp luật, hiện chưa có quy định về việc cấm lưu thông hoặc tiêu hủy đối với heo có chứa chất Acepromazine.
Rất may mắn ngày 02/10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký, ban hành văn bản số 6023 xử lý vụ việc 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với Đoàn thanh tra khẩn trương tiêu hủy toàn bộ số heo xác định bị tiêm thuốc an thần, không để nuôi nhốt chờ đào thải thuốc rồi đưa vào giết mổ vì không đảm bảo an toàn thực phẩm nguy cơ tồn dư thuốc và nguy cơ bệnh lở mồm trong quá trình lưu giữ. Trong vụ việc này đã có 17 cán bộ quản lí phải giải trình, 13 lò mổ bị công khai vi phạm, hàng ngàn con heo bị tiêu hủy.
Mặc dù đã có sự vào cuộc khá quyết liệt và cứng rắn, tuy nhiên những nỗi lo, sự bất an của người tiêu dùng vẫn không hề giảm đi mà thậm chí còn hoang mang hơn bởi dường như sau mỗi một văn bản pháp luật được ban hành, những lần ra quân của các cơ quan chức năng, những thương lái, chủ lò mổ, chủ trang trại cũng có những chiêu thức mới để lách luật, qua mặt cơ quan quản lí. Câu hỏi “Đến bao giờ mâm cơm của người dân mới sạch hóa chất, đảm bảo an toàn?” gần như vẫn còn bỏ ngỏ.
CTV Quảng An
Theo TDQ
Con tem có làm nên miếng thịt sạch?
Ý tưởng quản lý thịt heo qua con tem để truy xuất nguồn gốc tại TP. HCM được xem là hay nhưng nhiều ý kiến cho rằng khó khả thi...
Người tiêu dùng được trao quyền kiểm soát?
Theo đề án này do Sở Công Thương chủ trì, tại các trại nuôi, ngay khi chào đời, mỗi con heo sẽ được gắn một con tem điện tử, với chi phí mỗi con tem là khoảng 9.800 đồng.
Để sau đó, quy trình con heo từ lúc chào đời đến khi giết mổ sẽ được lưu lại các dữ liệu gồm chủ trại là ai, heo được ăn loại cám của công ty nào, được tiêm phòng dịch bệnh ra sao, có đủ tiêu chuẩn đảm bảo để giết mổ không, giết mổ tại lò mổ nào...
Tất cả các thông tin này được lưu lại trong hồ sơ "con tem".
Con tem này được tích hợp dưới dạng chiếc vòng đeo ở chân heo, hoặc bấm trên tai dưới dạng mã số điện tử.
Tiểu thương bán lẻ tại các chợ khi tham gia phân phối nguồn thịt cũng được cung cấp các con tem cuối (tem này được tích hợp dữ liệu với con tem đầu gắn trên vòng đeo chân của heo) để dán lên sản phẩm bán cho người mua.
Về phía người dùng, muốn biết thông tin miếng thịt chỉ cần bật điện thoại thông minh (smartphone) có kết nối internet, khởi động ứng dụng (app) được cài đặt trước đó, soi vào mã con tem, hình thức như ứng dụng quét mã vạch, ngay sau đó thông tin sản phẩm (toàn bộ dữ liệu về con heo cho ra miếng thịt đó) sẽ được phản hồi đầy đủ về điện thoại để biết rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.
Nhờ thông tin nhận được, người tiêu dùng sẽ biết được miếng thịt mình mua về sử dụng có được chăn nuôi, giết mổ theo quy trình an toàn? Có chứa các chất cấm? Có chứng nhận của cán bộ thú y?...
Lo ngại tem sạch, thịt "bẩn"
Quy trình "con tem" được xem là khá hoàn hảo đó vẫn khiến không ít người cho rằng sẽ không chống được các hành vi gian lận.
Lý do là từ trại nuôi đến tay người tiêu dùng, miếng thịt heo đang phải đi qua quá nhiều khâu trung gian, vì thế nếu làm không khéo thì tiền lại tốn mà người tiêu dùng vẫn phải ăn thịt bẩn.
Hiện tại, có đến hàng trăm, hàng ngàn trang trại chăn nuôi heo ở khắp các tỉnh cung cấp thịt heo cho thị trường TPHCM.
Thử làm một phép tính đơn giản: Mỗi con heo tốn chi phí gần 10.000 đồng dán tem, nhân với trung bình mỗi ngày thành phố tiêu thu hết 10.000 con thì ngân sách lấy từ tiền đóng thuế của dân phải chi ra 100 triệu đồng. Như vậy là mỗi tháng ngốn hết 3 tỷ, một năm 36 tỷ và đấy là những con số không nhỏ.
Tiền tỷ bỏ ra nếu mang lại an toàn cho sức khỏe người dùng cũng đáng, nhưng ai dám chắc khi tiền chi ra sẽ có hiệu quả?
Thông thường thì trại chăn nuôi heo do người chăn nuôi quản lý. Khi thành phố muốn gắn tem phải có sự đồng ý của chủ trại trên cơ sở hợp đồng bao tiêu hoặc bất cứ hình thức liên kết nào đó để ràng buộc trách nhiệm.
Khi đã có sự ràng buộc, thành phố phải "nuôi" thêm bộ máy hàng ngàn người để theo dõi, kiểm tra, giám sát các chủ trại thực hiện.
Đây được xem là phần khó nhất và tốn nhiều chi phí nhất, nhưng đề án của Sở Công thương vẫn chưa đề cập đến.
Công việc kiểm tra "tem" có lẽ sẽ phải giao cho lực lượng thú y, hiện có khoảng hơn 700 nhân viên, vốn lại đang phải giảm biên chế theo quy định. Để có đủ người làm, chắc chắc phải ký hợp đồng thời vụ với số nhân viên này và đương nhiên, TP phải chi thêm ngân sách trả lương. Đấy là còn chưa nói đến câu chuyện quản lý các con tem này như thế nào cho có hiệu quả.
Mới đây, Chi cục Thú y TPHCM cũng đưa ra một số vấn đề có thể gặp phải đối với dự án này, trong đó vướng mắc chủ yếu là nguồn heo không đi thẳng từ trại nuôi đến lò mổ ra thị trường mà đi qua rất nhiều khâu trung gian.
Heo từ trại về lò mổ phải qua thương lái. Từ lò mổ về đến chợ đầu mối dưới dạng heo mảnh tuy vẫn còn vòng kiểm soát ở chân nhưng khi bán cho tiểu thương các chợ lẻ thì miếng heo mảnh được pha lóc thành nhiều phần.
Liệu mỗi miếng heo nhỏ có được gắn tem nữa hay không?
Đặt ra câu hỏi trên không phải là vô lý mà đã có những bài học cay đắng như câu chuyện trước đây, tiểu thương chợ Hòa Bình (quận 5) thí điểm bán thịt heo sạch VietGAP.
Theo đó, miếng thịt VietGAP có giấy chứng nhận hẳn hoi, nhưng có tiểu thương gian dối chỉ lấy 1 con heo VietGAP sau đó "độn" thêm nhiều con heo thường vào bán như giá heo VietGap. Trên sạp thì miếng thịt nào cũng như nhau, người dùng không tài nào phân biệt được. Chỉ khi có cán bộ thú y tới kiểm tra thì các bà, các thiếu mới "ôm" thịt chạy tán loạn.
Nhận xét về đề án này, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng nói với cách quản lý heo bằng con tem thì dường như cơ quan chức năng đang muốn trao quyền quản lý, giám sát cho người tiêu dùng.
Điều này theo ông là không phù hợp cho lắm vì đây là trách nhiệm của người sản xuất (người chăn nuôi) và đơn vị kinh doanh giết mổ, cơ quan quản lý nhà nước. Người tiêu dùng đi mua thịt không phải ai cũng có điện thoại thông minh kết nối internet để có thể soi chiếu, truy xuất nguồn gốc thịt.
Những dữ liệu nhận được từ việc soi tem nhãn về điện thoại chưa thể đảm bảo là miếng thịt họ mua và sử dụng có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.
Theo ông Mười, việc triển khai dự án là tín hiệu tích cực để kiểm soát nguồn thịt an toàn nhưng dự án chỉ khả thi khi được thực hiện đồng bộ giữa người nuôi với đơn vị giết mổ, bán lẻ. Chỉ khi xóa bỏ hoàn toàn các lò mổ thủ công, lò mổ lậu, quy tất cả về các lò mổ công nghiệp mới có thể loại bỏ được những nguồn thịt không đảm bảo.
Theo VietQ
Dùng búa đập đầu giết bò, Úc cấm xuất khẩu bò sang Việt Nam Một vài lò mổ sử dụng búa tạ để giết bò Úc sai quy chuẩn của nước này đã đẩy thị trường Việt Nam vào nguy cơ vắng bóng bò Úc. Một tổ chức bảo vệ động vật của Úc bí mật ghi lại hình ảnh một người dùng búa đập 5 lần vào đầu con bò sắp bị giết thịt trong một...