Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu vaccine COVID-19 gây tác dụng phụ: Nhà sản xuất hay chính phủ?
Khi chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử thế giới được triển khai với nỗ lực chống lại đại dịch COVID-19, việc bồi thường cho các tác dụng phụ tiềm ẩn của vaccine cũng được coi là vấn đề quan trọng, giữa bối cảnh các chính phủ đang nỗ lực cân bằng việc cung cấp vaccine và bảo vệ sức khoẻ người dân.
Các quốc gia và nhà sản xuất vaccine cần xác định ai là người chịu trách nhiệm nếu vaccine có tác dụng phụ. Ảnh: AFP
Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã rất thất vọng về việc một nhà sản xuất từ chối chịu trách nhiệm về các tác dụng phụ tiềm ẩn khi tiêm vaccine. Điều này đã tiết lộ những căng thẳng đằng sau các cuộc đàm phán mua bán vaccine của các quốc gia. Trong đó, các điều khoản bồi thường là một yếu tố quan trọng trong thương trường khốc liệt này.
Song, nhiều nước phát triển sẵn sàng chấp nhận rủi ro và bồi thường thay cho các nhà sản xuất vaccine nhằm đảm bảo nguồn cung hạn chế. Chính phủ Anh và Australia đã chấp nhận bồi thường hợp pháp cho Pfizer.
Vào tháng 9, Liên minh châu Âu (EU) đã ký một thoả thuận với AstraZeneca, chấp nhận việc chính phủ các quốc gia thành viên sẽ phải chịu trách nhiệm đối với các khiếu nại vượt quá giới hạn đã thoả thuận liên quan đến tác dụng phụ của vaccine COVID-19, để đổi lấy mức giá rẻ hơn cho mỗi liều. Theo hãng tin Reuters, nhà sản xuất vaccine này ban đầu đã yêu cầu các chính phủ phải bồi thường hoàn toàn nếu vaccine có tác dụng phụ.
Tuy nhiên, các quốc gia nghèo hơn không có nhiều lựa chọn thoả hiệp như vậy. Giới chuyên gia nhận định điều này có khả năng nới rộng khoảng cách ở bán cầu bắc và bán cầu nam về khả năng tiếp cận vaccine.
Tổng thống Bolsonaro hôm 24/12 tiết lộ rằng Pfizer đã yêu cầu nước này phải bồi thường toàn bộ trong hợp đồng bán vaccine cho Brazil.
“Trong hợp đồng, Pfizer ghi rõ ràng rằng: ‘Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất kỳ tác dụng phụ nào của vaccine’”, ông Bolsonaro nói. “Nếu sau khi tiêm vaccine, bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nào, thì đó là vấn đề của bạn. Nếu bạn trở nên siêu phàm, nếu một người phụ nữ bắt đầu mọc râu hay giọng nói của một người đàn ông trở nên ẻo lả, nhà sản xuất cũng không liên quan đến điều đó”, tổng thống nói.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc cho một tình nguyện viên tại Bệnh viện Sao Lucas ở Porto Alegre, Brazil. Ảnh: Reuters
Keiji Fukuda, Giáo sư lâm sàng tại trường Đại học Hong Kong, người trước đây từng làm việc cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho rằng các khoản bồi thường tiềm năng phải trả có thể là quá lớn đối với bất kỳ ai, cả nhà sản xuất vaccine hay các quốc gia nghèo hơn.
Video đang HOT
Các cơ quan quản lý của các quốc gia đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các tác dụng phụ nghiêm trọng do tiêm vaccine nhìn chung là rất hiếm, khoảng 1 – 2 trường hợp/1 triệu liều. Tuy nhiên, bức tranh đầy đủ về các tác dụng phụ có thể xảy ra của vaccine vẫn chưa được biết đến. Khi việc phát triển một loại vaccine thường phải mất đến 1 thập kỷ, thì vaccine COVID-19 được bào chế với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Hơn nữa, một số tác dụng phụ có thể chỉ được phát hiện sau khi triển khai tiêm chủng quy mô lớn.
Theo tạp chí Science, ít nhất 8 người đã ghi nhận các phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine Pfizer/BioNTech trong hai tuần qua.
“Một mặt, vaccine COVID-19 rất cần thiết và có thể được sử dụng bởi hàng tỉ người. Mặt khác, có rất ít kinh nghiệm với loại vaccine này và rủi ro nghiêm trọng của nó vẫn chưa rõ ràng”, ông Fukuda bình luận.
Covax, một sáng kiến toàn cầu nhằm đảm bảo quyền tiếp cận vaccine COVID-19 công bằng cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, cũng tìm cách bồi thường cho các nhà cung cấp với mục đích xóa bỏ rào cản đối với việc mua vaccine.
Trong các trường hợp thông thường, các nhà sản xuất và phân phối vaccine sẽ nhận được bảo hiểm để bù đắp rủi ro, nhưng khoản bảo hiểm đó có thể không khả dụng trong đại dịch hiện tại vì quy mô chưa từng có.
Ông Fukuda cho biết trong dịch cúm H1N1 năm 2009-2010, các nhà sản xuất vaccine tuyên bố họ không thể chịu mọi trách nhiệm liên quan tới tác dụng phụ của vaccine. Vào thời điểm đó, các nhà sản xuất đã phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết tiềm ẩn liên quan đến chất lượng của vaccine, nhưng các quốc gia sẽ phải chịu trách nhiệm về những tác dụng phụ nghiêm trọng.
Liên minh Covax do Tổ chức Y tế WHO đứng đầu đặt mục tiêu sản xuất 2 triệu liều vaccine COVID-19 vào năm tới. Ảnh: Reuters
Covax cho biết họ sẽ thiết lập một cơ chế bồi thường không có lỗi cho những người gặp tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine từ chương trình của mình. Mức bồi thường sẽ phụ thuộc vào độ nghiêm trọng và GDP bình quân đầu người của mỗi quốc gia. Khoản thanh toán sẽ được hỗ trợ bởi thuế vaccine và có sự đóng góp của các nhà sản xuất và các nước tham gia.
Các chương trình bồi thường không có lỗi cho các tác dụng phụ của vaccine, lần đầu tiên được khởi xướng vào những năm 1960. Quy định bồi thường được tạo ra để hạn chế việc dùng pháp lý để được nhận bồi thường, bằng cách yêu cầu nạn nhân không chứng minh sơ suất của nhà cung cấp hoặc nhà sản xuất vaccine.
Trong số 194 quốc gia thành viên của WHO, ít nhất 25 quốc gia – hầu hết là những quốc gia có thu nhập cao – trước đây đã thực hiện cơ chế này.
Tại Mỹ, các nhà sản xuất vaccine đều được bảo vệ trách nhiệm pháp lý khi cung cấp các sản phẩm để đối phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng như đại dịch. Hồi năm 2010, luật đã thành lập quỹ bồi thường cho những người gặp tác dụng phụ bất lợi. Quỹ này đã được chi trả cho 29 trong số 499 yêu cầu bồi thường. Trong đó 10 trường hợp vẫn đang được xem xét, theo Cơ quan Quản trị Dịch vụ và Nguồn lực Y tế.
Tuy nhiên, với tỉ lệ chấp thuận các yêu cầu bồi thường rất thấp này, các chuyên gia đã đặt câu hỏi về giá trị của kế hoạch.
Trung Quốc không có quy định hợp pháp về trách nhiệm pháp lý hoặc bồi thường trong đại dịch. Theo các quan chức chính phủ, việc quản lí vaccine COVID-19 sẽ tuân theo các quy định bồi thường không có lỗi của luật hiện hành.
Bồi thường không có lỗi tại Trung Quốc được thành lập năm 2005 thông qua một điều khoản trong quy định hành chính. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này từ lâu đã bị ảnh hưởng bởi những tranh chấp và mâu thuẫn giữa chính quyền địa phương và các nhà sản xuất vaccine. Cha mẹ của những đứa trẻ gặp tác dụng phụ nghiêm trọng đã buộc phải khởi kiện.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát triển vaccine COVID-19. Ảnh: AP
Nhằm giải quyết vấn đề này, Luật Quản lý Vaccine đã được ban hành vào năm 2019 để tạo cơ sở pháp lý cho việc bồi thường không có lỗi.
Luật quy định rằng chính quyền các tỉnh sẽ chịu chi phí bồi thường cho các tác dụng phụ khi chính phủ cung cấp vaccine miễn phí. Trong khi đó, các nhà sản xuất vaccine sẽ phải chịu trách nhiệm khi nguyên đơn là người trả tiền để tiêm vaccine. Số tiền bồi thường được xác định theo mức độ nghiêm trọng và GDP của địa phương.
Việc tiêm chủng đại trà trên toàn quốc đang bắt đầu cho các nhóm bao gồm những người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hàng không, giao thông công cộng, chợ và nhà máy chế biến thực phẩm đông lạnh. Giai đoạn thứ hai dành cho công chúng, được định giá trên cơ sở giá gốc.
Tao Lina, một chuyên gia vaccine và là cựu quan chức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Thượng Hải, cho biết một số người trong nhóm nguy cơ cao đã được tiêm chủng miễn phí, khiến chính quyền tỉnh phải chịu mọi trách nhiệm về bất kỳ ảnh hưởng nào mà họ gặp phải.
WHO cảnh báo Covid-19 không phải đại dịch cuối cùng
Tổng giám đốc WHO cảnh báo Covid-19 không phải đại dịch cuối cùng nếu không giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và phúc lợi động vật.
Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng chỉ trích vòng xoay "thiển cận nguy hiểm" khi các nước chỉ chi tiền xử lý các đợt dịch nhưng không làm gì để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo trong video đánh dấu năm đầu tiên kỷ niệm Ngày Quốc tế Phòng Dịch 27/12. Ông cho rằng đã đến lúc thế giới cần phải rút ra những bài học từ Covid-19.
"Lâu nay thế giới vận hành theo một vòng xoay hoảng hoạn và thờ ơ", ông nói. "Chúng ta ném tiền vào một đợt bùng dịch và khi hết dịch, chúng ta lại quên đi mà không làm gì để ngăn chặn lần tiếp theo. Đây là một cách làm thiển cận đầy nguy hiểm, nói thẳng ra là cực kỳ khó hiểu".
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP
Báo cáo thường niên đầu tiên của Ủy ban Giám sát Phòng bị Toàn cầu về mức độ sẵn sàng của thế giới với các tình huống y tế khẩn cấp hồi tháng 9/2019, vài tháng trước khi Covid-19 bùng phát, cho thấy toàn cầu không được dự phòng cho các đại dịch có khả năng tàn phá lớn.
"Lịch sử cho chúng ta biết rằng đây sẽ không phải là đại dịch cuối cùng và dịch bệnh là thực tế cuộc sống", Tedros nói. "Đại dịch đã làm nổi bật mối liên hệ mật thiết giữa sức khỏe của con người với động vật và hành tinh. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm cải thiện sức khỏe con người đều sẽ thất bại, trừ khi giải quyết được mối liên hệ quan trọng giữa con người và động vật, cũng như mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu đang khiến trái đất của chúng ta trở thành nơi ít điều kiện sống hơn".
Covid-19 đã khiến ít nhất 1,75 triệu người chết trong hơn 80 triệu người nhiễm kể từ khi bùng phát ở Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái.
"Trong 12 tháng qua, thế giới của chúng ta bị đảo lộn. Tác động của đại dịch vượt xa bản thân nó, gây ra những hậu quả sâu rộng với xã hội và kinh tế", Tedros nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 không hề bất ngờ, bởi nó đã được cảnh báo trước nhiều lần. "Tất cả chúng ta phải học được bài học mà đại dịch đang dạy cho chúng ta", ông nói.
Tedros cho rằng tất cả các quốc gia phải đầu tư vào y tế dự phòng, phát hiện và giảm thiểu các trường hợp khẩn cấp, đồng thời kêu gọi xây dựng cơ sở y tế dự phòng vững chắc hơn.
Người đứng đầu WHO cho rằng đầu tư vào sức khỏe cộng đồng, "chúng ta có thể đảm bảo con cháu được thừa hưởng một thế hệ an toàn hơn, có sức bật tốt hơn và bền vững hơn".
Ngày Quốc tế Phòng Dịch được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kêu gọi nhằm thúc đẩy tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, sẵn sàng và hợp tác trong giải quyết dịch bệnh.
Ca Covid-19 toàn cầu vượt 80 triệu, WHO kêu gọi cảnh giác trong dịp năm mới Thế giới đã ghi nhận hơn 80,1 triệu ca nCoV và gần 1,8 triệu ca tử vong, WHO nhấn mạnh mọi người cần tuân thủ quy định phòng dịch để sự hy sinh của nhiều người trong năm qua không biến thành "công cốc". Thế giới ghi nhận 80.160.194 ca nhiễm và 1.756.367 người đã chết do Covid-19, tăng lần lượt 487.476 và...