Ai phải bồi thường cho “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén?
Ông Huỳnh Văn Nén, người bị kết 2 bản án oan và ngồi tù oan 17 năm đã gửi đơn yêu cầu bồi thường 18 tỷ đồng. Vậy cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm bồi thường và ai sẽ trả tiền bồi thường cho “người tù thế kỷ” này?
“Người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén (Ảnh: Pháp luật TP.HCM)
Như đã thông tin, hôm qua (11.4), ông Huỳnh Văn Nén, người duy nhất tại Việt Nam 2 lần bị kết án oan trong 2 vụ giết người và ngồi tù oan hơn 17 năm đã chính thức tới Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền là 18 tỷ đồng.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Sơn Hải, Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý (Đoàn Luật sư Hà Nội) để tìm hiểu những vấn đề xung quanh hành trình đòi bồi thường của ông Huỳnh Văn Nén.
Thưa luật sư, “người tù thế kỉ” Huỳnh Văn Nén vừa đệ đơn yêu cầu đòi bồi thường 18 tỷ đồng, vậy cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Nén?
Luật sư Nguyễn Sơn Hải: Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTNN), cơ quan nào sau cùng làm sai thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trong vụ việc của ông Nén, TAND tỉnh Bình Thuận là cơ quan tiến hành tố tụng cuối cùng gây oan sai cho ông Nén nên cơ quan này phải thực hiện giải quyết bồi thường.
Mất bao lâu để ông Nén có thể được giải quyết bồi thường thưa luật sư?
Video đang HOT
Quá trình giải quyết bồi thường sẽ rất phức tạp bởi vì số tiền bồi thường 18 tỷ theo yêu cầu của ông Nén rất lớn. Việc xác minh các thiệt hại của ông Nén có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.
Chính luật sư Phạm Công Út (luật sư hỗ trợ tư vấn pháp lý cho ông Nén – PV) cũng đã cho biết, không phải tài sản nào gia đình ông Nén bán lấy tiền đi kêu oan cũng lưu lại giấy tờ, hóa đơn.
Thời gian giải quyết bồi thường ông Nén còn phụ thuộc vào cách thức giải quyết. Nếu ông Nén và TAND tỉnh Bình Thuận thương lượng được mức tiền bồi thường thì có thể sớm nhận được tiền bồi thường. Còn nếu không thỏa thuận được, ông Nén khởi kiện ra tòa, quá trình giải quyết bồi thường sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Giả sử cơ quan chức năng chấp thuận mức bồi thường 18 tỷ đồng như yêu cầu của ông Nén thì số tiền này sẽ lấy từ đâu, thưa luật sư?
Theo quy định tại Luật TNBTNN và các văn bản hướng dẫn thi hành, kinh phí bồi thường cho ông Nén trước hết sẽ được lấy từ ngân sách Nhà nước để chi trả. Sau đó, những người gây oan sai cho ông Nén sẽ phải hoàn trả lại số tiền trên cho Nhà nước tùy vào mức độ lỗi.
Cụ thể, nếu những người gây oan sai cho ông Nén có lỗi cố ý và bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ phải bồi thường toàn bộ theo quyết định của Tòa án giải quyết vụ án hình sự. Nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thi hành công vụ chỉ phải hoàn trả tối đa không quá 36 tháng lương của họ tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.
Tuy nhiên, theo quy định, những người làm oan sai cho người khác trong tiến hành tố tụng hình sự sẽ không phải chịu trách nhiệm hoàn trả nếu họ có lỗi vô ý hoặc hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 3 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.
Nếu xảy ra trường hợp này, phần lớn hoạc toàn bộ số tiền bồi thường cho ông Nén chính là của người dân, bởi số tiền chi trả cho ông Nén lấy từ ngân sách của Nhà nước do dân đóng góp.
Xin cảm ơn ông!
Bộ Tài chính sẽ cấp tiền bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén Trao đổi với PV sáng 12.4, ông Nguyễn Văn Bốn – Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết: Việc giải quyết bồi thường oan sai trong tố tụng, tất cả thẩm quyền thuộc về phía Tòa án. Trong vụ án của ông Huỳnh Văn Nén thẩm quyền thuộc TAND tỉnh Bình Thuận. Về góc độ quản lý, Cục sẽ phối hợp với phía Tòa án trong công tác quản lý bồi thường oan sai. “Trong quá trình giải quyết bồi thường với ông Nén nếu có vướng mắc thì TAND tỉnh Bình Thuận có trách nhiệm xin ý kiến TAND Tối cao. Sau đó, TAND Tối cao có thể phối hợp với Cục Bồi thường Nhà nước để xem xét”, ông Bốn cho biết. Ông Bốn cũng cho biết thêm, nếu ông Nén và Tòa án thượng lượng được mức bồi thường, không có vướng mắc gì thì Tòa án sẽ trực tiếp làm việc với Bộ Tài chính để lấy tiền chi trả cho ông Nén, việc bồi hoàn tiền cho Nhà nước sẽ tính sau.
Theo Danviet
"Người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm
Ngày 8.3, ông Huỳnh Văn Nén đã có đơn gửi tới Viện trưởng VKS Nhân dân Tối cao để đề nghị xem xét theo trình tự giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm ngày 31.8.2000.
Ông Huỳnh Văn Nén cho rằng mình vẫn còn bị một bản án oan.
Theo cơ quan điều tra vào tháng 6.1998, ông Nén đã từng đốt chiếc chòi lá của ông Trần Bổ, cũng trong tháng này ông Nén đã mua một bó nhang về cắm vào vách nhà lá khác của ông Trần Văn Thảo nhưng bị người nhà của ông này phát hiện.
Sau đó, trong bản án sơ thẩm ngày 31.8.2000 ông Nén bị tuyên 2 năm tù về tội "Cố ý hủy hoại tài sản của công dân" (cùng trong bản án này ông Nén còn bị tuyên các tội "Trộm cắp tài sản; Giết người và cướp tài sản của công dân"; tuy nhiên hai tội danh này đã được minh oan).
Trong lá đơn nói trên, ông Nén cho rằng bản án đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng bởi lẽ trong vụ việc này ông đã bị TAND tỉnh Bình Thuận tuyên án theo Điều 160 Bộ luật Hình sự 1985 (không cần xác định giá trị tài sản bị hủy hoại), trong khi lẽ ra TAND tỉnh cần phải xử theo Điều 143 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tối thiểu phải thiệt hại 500.000 đồng).
Lý do là Nghị quyết số 32/1999/QH10 (về việc thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999) đã quy định nội dung: Các điều luật, quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0h00 ngày 1 tháng 7 năm 2000 mà sau thời điểm đó mới xét xử.
Trong khi đó dù hành vi của ông được thực hiện vào năm 2008 nhưng đến tháng 8.2000 mới ra bản cáo trạng và xét xử nên cần phải áp dụng các điều khoản có lợi cho người phạm tội
Cũng theo ông Nén thì tại phiên tòa sơ thẩm ông Bổ và ông Thảo khai rằng tổng thiệt hại khi 2 căn nhà bị cháy là 1.500.000 đồng, tuy nhiên Tòa đã không tiến hành thẩm định thực tế mà dùng lời khai làm căn cứ duy nhất để khẳng định thiệt hại. Ông Nén cho rằng điều này vi phạm nguyên tắc xác định sự thật.
Từ các lý do trên ông Nén đề nghị Viện trưởng VKS Nhân dân Tối cao ra quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để đình chỉ vụ án "Cố ý hủy hoại tài sản của công dân".
Liên quan đến việc này, trong một "Giấy xác nhận" được viết vào tháng 12.2015 ông Trần Văn Thảo cho biết tổng thiệt hại do ông Nén gây ra trong vụ đốt nhà chỉ khoảng 500.000 đồng và khi ra tòa ông cũng không yêu cầu bồi thường hay làm đơn khiếu nại.
Tương tự ông Thảo, vào thời điểm trên ông Trần Bổ cũng có "Giấy xác nhận" khẳng định "căn nhà" của mình thật là là một chiếc "chòi lá" để nghỉ khi làm rẫy với giá trị khoảng 300.000 đồng. Ông Bổ cũng xác nhận trong phiên tòa không yêu cầu ông Nén bồi thường hay làm đơn tố cáo.
Theo Nguyễn Cường (Infonet)
4 khoản thiệt hại khiến ông Huỳnh Văn Nén yêu cầu bồi thường 18 tỷ Đưa ra số tiền yêu cầu bồi thường oan sai 18 tỷ đồng, luật sư và ông Huỳnh Văn Nén cho đây là con số chỉ mang tính tương đối. Sáng 11.4, ông Huỳnh Văn Nén và người thân đến TAND tỉnh Bình Thuận nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại 18 tỷ đồng vì phải mang hai án oan về tội...