Ai liên quan vụ lừa cụ bà 81 tuổi lấy nhà?
Người đứng tên nhận chuyển nhượng nhà của cụ bà là một cán bộ công an
Ngày 15-8, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu, làm rõ những điều mờ ám trong vụ cụ Lê Thị Háo, 81 tuổi, ngụ 18 Bạch Đằng, phường Phước Tiến, TP Nha Trang, Khánh Hòa tố giác bị người khác lừa lấy mất ngôi nhà ba tầng của mình tại địa chỉ trên (xem Pháp Luật TP.HCM ngày 15-8).
Người nhận chuyển nhượng là cán bộ công an
Một điều tra viên Công an TP Nha Trang cho biết cơ quan công an vẫn tiếp tục triệu tập những người liên quan trong vụ chuyển nhượng đáng ngờ ngôi nhà 18 Bạch Đằng của cụ Háo lên làm việc. Điều tra viên này xác nhận đã lấy lời khai của bà Trương Thị Tín (53 tuổi, quê Quảng Nam), người giúp việc của cụ Háo. Trong ngày, PV đã nhiều lần liên lạc nhưng bà Tín tắt máy.
Trước đó mấy ngày, sau khi phát hiện giấy chứng nhận nhà, đất (GCN), sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân của cụ Háo bị mất, nhiều người đã yêu cầu bà Tín cùng một vài người liên quan đến nhà cụ Háo giải thích, tường trình lại sự việc và đã quay clip.
Trong các cuộc trao đổi, một phụ nữ tên Lan kể: Bà Tín đem GCN của cụ Háo đến thế chấp, xin vay 150 triệu đồng của bà. Tuy nhiên, do GCN này ghi tên hai người đồng sở hữu là cụ Háo và em ruột là Lê Thị Chỉnh (đã mất) nên bà Lan chỉ cho bà Tín mượn 10 triệu đồng. Trong giấy mượn tiền, người mượn là bà Tín nhưng phần người ký tên lại ghi là Lê Thị Háo. Trong giấy này, bà Tín ghi rõ: “Tôi cam đoan việc mượn tiền và thế sổ chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Lê Thị Háo là đúng sự thật” dù sau đó bà Lan đã trả GCN lại cho bà Tín.
Cụ Lê Thị Háo đau buồn khi biết ngôi nhà của mình đã bị lừa chuyển nhượng cho người khác. Ảnh: TẤN LỘC
Biết bà Tín không vay được tiền của bà Lan, một người đàn ông đã dẫn mối cho bà Tín đem giấy tờ của cụ Háo đến thế chấp vay tiền của một phụ nữ tên Liên. Bà Liên hai lần đưa tiền cho bà Tín vay tổng cộng 150 triệu đồng. “Sau đó, nó đem giấy tờ của cô Háo đi đâu, làm gì thì tui không biết” – bà Tín nói trong clip.
Những người thân với cụ Háo truy tìm, phát hiện nhiều văn bản liên quan đến việc sử dụng GCN, giấy tờ của cụ Háo tại Văn phòng Công chứng Hoàng Huệ-Phạm Tuấn (HH-PT, TP Nha Trang). Trong đó, có “hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” được lập tại văn phòng công chứng này với nội dung cụ Háo chuyển nhượng diện tích đất ở cùng ngôi nhà 18 Bạch Đằng cho ông Nguyễn Hoàng Trung, ngụ khu tập thể BV 87, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang. Một cán bộ Công an TP Nha Trang cho biết ông Trung hiện đang công tác tại Công an tỉnh Khánh Hòa.
Công chứng viên không thấy giao nhận tiền
Trao đổi với PV, bà Hoàng Thị Huệ, công chứng viên Văn phòng Công chứng HH-PT, thừa nhận đã thực hiện công chứng các văn bản liên quan đến ngôi nhà của cụ Háo. Toàn bộ các văn bản được soạn tại văn phòng công chứng. Đó là “văn bản khai nhận tài sản thừa kế” được chứng thực ngày 25-7, trong đó ghi cụ Háo là người thừa kế duy nhất của cụ Chỉnh với tài sản là ngôi nhà trên. Một văn bản khác là di chúc cụ Háo để lại ngôi nhà cho người giúp việc Trương Thị Tín, được công chứng ngày 19-7, tức trong thời gian niêm yết văn bản khai nhận thừa kế.
Video đang HOT
Bà Huệ cho hay không nhớ cụ Háo đi với ai khi đến văn phòng công chứng. “Tôi hỏi bà có chồng con không, cụ Háo nói không. Cụ Háo yêu cầu làm di chúc, nói là sợ không ai chăm sóc nên để lại cho cháu” – công chứng viên Huệ nói. Vì sao ở mục người nhận tài sản thừa kế trong di chúc này chỉ ghi tên bà Tín nhưng không ghi địa chỉ, số chứng minh nhân dân? Bà Huệ giải thích: “Chúng tôi không yêu cầu được. Khi làm di chúc thông thường người ta không cho người khác biết. Tôi hỏi kỹ là để tài sản lại cho ai thì cụ Háo đọc tên bà Tín. Tôi hỏi địa chỉ của bà Tín thì cụ Háo nói không nhớ”.
Về hợp đồng chuyển nhượng ngôi nhà được công chứng cũng trong ngày 25-7, bà Huệ kể: “Cụ Háo và ông Trung thỏa thuận bên ngoài rồi hai bên đến văn phòng công chứng cùng một lúc. Cụ Háo yêu cầu hủy di chúc để bán nhà. Tôi hỏi cụ Háo đồng ý bán chưa, bà nói tôi đồng ý. Tôi hỏi cụ thoải mái chưa, cụ nói thoải mái”.
Công chứng viên Hoàng Thị Huệ cũng nhiều lần khẳng định không nhìn thấy việc hai bên giao nhận tiền mua bán nhà. “Việc giao tiền do hai bên tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm. Công chứng viên không biết, không liên quan. Việc giao nhận giấy tờ cũng vậy, tôi không chứng kiến”.
Bà Huệ cũng thừa nhận ngày công chứng hủy di chúc và công chứng hợp đồng chuyển nhượng có mặt bà Tín. Theo bà Huệ, việc bà Tín ký vào bản chính hợp đồng chuyển nhượng lưu tại phòng công chứng với tư cách người làm chứng là theo yêu cầu của bên mua, tức ông Trung.
Tài liệu thu thập được của PV cũng cho thấy người giúp việc Trương Thị Tín luôn xuất hiện trong các cuộc làm giấy tờ, giao dịch ngôi nhà trên.
Đã ngăn chặn giao dịch liên quan đến ngôi nhà cụ Háo Chiều 15-8, ông Nguyễn Xuân Đạt, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Nha Trang, cho biết cơ quan này đang thực hiện các thủ tục ngăn chặn mọi sự giao dịch liên quan đến ngôi nhà 18 Bạch Đằng theo yêu cầu của cụ Lê Thị Háo. PV đặt một loạt câu hỏi như: Ai là người đến đề nghị làm lại GCN đứng tên cụ Háo, ai là người đến nhận GCN này? Vì sao chỉ trong ba ngày GCN ngôi nhà của cụ Háo đã làm xong, nhanh một cách bất thường?… Ông Đạt cho biết cơ quan này đang kiểm tra hồ sơ ngôi nhà trên rồi sẽ thông tin cho báo. ___________________________________ Tín chỉ đưa tôi đến Văn phòng Công chứng HH-PT một lần duy nhất. Khi tôi bước vào phòng đã có một số người chờ sẵn. Họ đưa giấy để tôi lăn tay, tôi nói không mang theo kính nên không đọc được nhưng Tín cứ cầm tay tôi ấn vào. Tôi không hề biết gì về mua bán nhà, cũng không hề nhận tiền của ai. Cụ LÊ THỊ HÁO (Nói với PV chiều 15-8)
Theo Tấn Lộc (Pháp Luật TPHCM)
Chuyện lạ vùng quê, bi hài cảnh chủ nợ...phải bán nhà để trả nợ
Từ một chủ nợ, bỗng nhiên ông Đức phải vay tiền để trả nợ thay cho con nợ với quyết tâm lấy lại tài sản của bên vay. Song, ông không ngờ, tài sản đã được thi hành án giao cho ông thì bị con nợ chiếm.
Nhiêu khê cảnh đi đòi... nợ
Theo đơn phản ánh gửi đến báo Người Đưa Tin, ông Huỳnh Trí Đức (SN 1952, ngụ ấp Thân Bình, xã Tân Long, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) trình bày: "Vào tháng 4/2001, ông Đức có cho bà Lê Ngọc Thảo (ngụ ấp 1B, xã Chánh Hội, huyện Mang Thít) mượn 24,5 triệu đồng. Đến hạn, bà Thảo không trả nên ông Đức phát đơn khởi kiện. Sau nhiều lần TAND huyện Mang Thít hòa giải bất thành, đến ngày 27/8/2001, vụ án dân sự được đưa ra xét xử và Tòa buộc bà Thảo phải hoàn trả lại số tiền mượn nêu trên cho ông Đức. Nếu không trả, bà Thảo phải chịu lãi suất quá hạn của ngân hàng và bản án có hiệu lực phấp luật.
Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua vẫn không thi hành được, ông Đức tiếp tục gửi đến khiếu nại thì được Chi cục Thi hành án của huyện Mang Thít tiến hành kê biên căn nhà cấp 4 cùng vật dụng trong nhà của bà Thảo và sau đó cơ quan này ngưng thi hành án với lý do bà Thảo không có tài sản thi hành án.
Ông Huỳnh Trí Đức cho biết đã nhiều năm đi đòi lại đất được thi hành án nhưng bà Thảo vẫn cố tình tái chiếm đất trái phép. Ảnh Thanh Lâm.
Bức xúc, ông Đức tiếp tục làm đơn khiếu nại thì Chi cục thi hành án huyện Mang Thít yêu cầu ông đại diện cho 9 hộ dân và thay bà Thảo trả nợ cho 9 hộ dân này với số tiền 139.320.000đ (9 hộ này đều là chủ nợ của bà Thảo - PV) để cưỡng chế 1 lần, giao tài sản 1 lần cho xong. Sau đó, 9 hộ dân đồng ý làm giấy ủy quyền cho ông Đức được quyền đứng ra nhận tài sản của bà Thảo. Ngày 4/1/2010, Chi cục thi hành án dân sự huyện tiến hành cưỡng chế 5 thửa đất lúa gần 7.000 m2 giao cho ông Đức và ông Đức mua trụ đá cắm cọc phân ranh.
Cũng theo ông Đức, tại thời điểm này lúa đang trổ bông, bà Thảo xin để thu hoạch rồi sẽ giao đất. Sau đó, Chi cục thi hành án mời ông Đức đến cơ quan thông báo đóng 3% tiền thi hành án, tiền đo đạc, tiền thuế thu nhập,... tổng cộng là 10 triệu đồng, đồng thời sẽ làm thủ tục sang tên chủ quyền đất. Tưởng nộp 10 triệu là xong, nào ngờ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị bà Thảo cắm ở ngân hàng 20 triệu đồng (chưa tính lãi) nên không thể làm thủ tục sang tên được.
Văn bản số 14/CV-THA của Chi cục thi hành án dân sự huyện Mang Thít về việc trả lời đơn ông Huỳnh Trí Đức. Ảnh Thanh Lâm.
"Phóng lau thì phải theo lau", ông Đức buộc phải vay 26 triệu đồng để trả ngân hàng thay cho bà Thảo. Lấy được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ngân hàng nhưng ông Đức vẫn không thể làm thủ tục sang tên. Bởi còn một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác cũng được bà Thảo đang cầm cố ở tiệm cầm đồ với tiền gốc lãi hơn 24 triệu đồng. Lần này, đại diện Chi cục thi hành án huyện cùng ông Đức đến cửa hiệu cầm đồ của bà Trần Thị Yến Oanh (TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) lập biên bản lấy lại Giấy chủ quyền đất và khi bán được đất thì ông Đức sẽ trả lại tiền cho bà Oanh.
Từ chủ nợ biến... thành "con nợ"
Có đủ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Cơ quan thi hành án giới thiệu cho ông Đức làm thủ tục sang tên. Đến ngày 7/12/2010, ông Đức được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 5 thửa đất nói trên. Vì lẽ đó, 9 hộ dân mà ông Đức đại diện liền kéo đến nhà vây nợ, đòi tiền và ông tiếp tục đứng ra chi trả cho họ với số tiền 139.320.000đ. Cho đến lúc ông Đức đến nhận đất thì tá hỏa phát hiện các trụ đá cắm cọc phân ranh đã bị gia đình bà Thảo nhổ bỏ, nhất quyết không giao đất và tranh cãi xảy. Lập tức, ông Đức làm đơn gửi đến các ngành chức năng địa phương nhờ can thiệp.
Quyết định số 03/QĐ-THA của Chi cục thi hành án huyện Mang Thít Quyết định sử đổi, bổ sung quyết định giao tài sản cho người được thi hành án. Ảnh Thanh Lâm.
Ngày 13/1/2015, Chi cục thi hành án dân sự huyện Mang Thít mới phát ra văn bản số 14/CV-THA về việc trả lời đơn ông Huỳnh Trí Đức với nội dung: Theo các Bản án và Quyết định thi hành án mà bà Lê Ngọc Thảo phải thi hành án trả cho nhiều người trong đó có ông Đức với tổng số tiền 132.629.118đ và lãi suất theo quy định. Sau đó Chi cục thi hành án dân sự đã tiến hành kê biên tài sản và bán đấu giá tài sản theo pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004.
Đến ngày 16/5/2008, Chi cục thi hành án dân sự đã bán đấu giá lần 3 với số tiền là 139.132.000đ và thông báo cho tất cả những người được thi hành án biết có quyền nhận tài sản trừ vào tiền thi hành án nhưng không có ai đồng ý nhận vẫn không thực hiện. Vì vậy, Chi cục thi hành án dân sự mới tiến hành trả đơn yêu cầu thi hành án. Nhưng sau đó, ông Đức và những người được thi hành án khiếu nại, có văn bản đồng ý nhận tài sản và ông Đức là người đại diện nhận.
Ngày 4/1/2010, Chi cục thi hành án dân sự huyện Mang Thít tiến hành giao tài sản cho người được thi hành án nhận tài sản là 6.880 m2 đất (có giá trị 139.132.000đ). Chi cục thi hành án dân sự có thông báo cho người nhận tài sản là ông Đức và nộp tiền để thanh toán các khoản chi phí là đúng quy định pháp luật...
Ông Lê Văn Quang - Chi cục trưởng Chi cục thi hành huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) trao đổi với PV Người Đưa Tin.Ảnh Thanh Lâm.
Chiều ngày 6/6, trả lời với PV Người Đưa Tin, ông Lê Văn Quang - Chi cục trưởng Chi cục thi hành án huyện Mang Thít, cho biết: "Kể tại thời điểm cưỡng chế Chi cục thi hành án cưỡng chế giao tài sản cho ông Đức (Biên bản giao tài sản ngày 7/1/2010 - PV), ông phải có trách nhiệm bảo quản tài sản theo quy định. Nếu có người khác tái chiếm phần đất này thì ông có thể liên hệ chính quyền địa phương để yêu cầu giải quyết. Chi cục thi hành án không có thẫm quyền giải quyết và cũng không thể tiếp tục cưỡng chế lần 2 giao cho ông".
"Dù đã cầm chắc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong tay, tính đến nay đã hơn 6 năm trôi qua nhưng tôi vẫn không nhận được tài sản là phần đất thi hành án, bà Thảo vẫn ngang nhiên canh tác. Trong khi đó, số tiền mà tôi đứng ra vay mượn hàng trăm triệu đồng để làm thủ tục, trả nợ thay cho bà Thảo thì tôi phải đóng lãi triền miên khiến kinh tế kiệt quệ và đang đối diện với cảnh nợ nần chất chồng. Bỗng chốc tôi từ chủ nợ lại biến thành "con nợ"...", ông Đức bức xúc nói.
Vụ việc kéo dài hơn 6 năm đã khiến ông Huỳnh Trí Đức phải treo biển bán nhà. Ảnh Thanh Lâm.
Đến nay, ông Đức không còn khả năng trả lãi nên buộc phải treo biển bán nhà. Trong khi đó bà Thảo vẫn vô tư sử dụng phần đất đã được thi hành án một cách xem thường pháp luật, còn ngành chức năng thì... im lặng.
Xử lý hình sự nếu không chấp hành Chiều ngày 6/6, trao đổi với PV Người Đưa Tin, người phát ngôn chính quyền huyện Mang Thích, ông Phạm Phương Nam - Chánh Văn phòng UBND huyện, khẳng định: "Vụ việc sẽ được xử lý theo đúng quy định pháp luật. Trước mắt, chính quyền địa phương sẽ tiến hành xử lý vi phạm hành chính. Nếu bà Lê Ngọc Thảo (ngụ ấp 1B, xã Chánh Hội, huyện Mang Thít) vẫn tiếp tục không chấp hành thì sẽ chuyển sang Cơ quan cảnh sát điều tra thụ lý và đề nghị khởi tố về hành vi "Tái chiếm đất trái phép".
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.
Thanh Lâm
Theo_Người Đưa Tin
Hà Tĩnh: Thu hồi đất không đúng chủ sử dụng, UBND huyện thừa nhận sai sót Chỉ bán ngôi nhà chứ không bán đất cho anh Nguyễn Thế Anh nhưng anh này vẫn dùng giấy tờ bán nhà của bà Quý để làm hồ sơ, xin cấp đất khu tái định cư (TĐC). Mảnh đất của gia đình bà Quý bị huyện thu hồi trong ngỡ ngàng khi bà vắng mặt tại địa phương. Liên quan đến vụ việc...