Ai làm việc nấy
Buổi sáng, cô vợ gọi điện đến cơ quan cho chồng…
- Xe máy của em không nổ được. Anh có thể về nhà và sửa cho em được không?
- Cô nghĩ tôi là ai vậy? Tôi không phải thợ sửa xe máy.
Một lúc sau, cô vợ lại gọi đến:
- Anh có thể về nhà được không? Đầu video nhà mình tự nhiên lại bị hỏng.
- Cô nghĩ tôi là ai? Tôi không phải là thợ chữa tivi, video.
Đến buổi trưa, anh chồng lại nhận được cú điện thoại nữa của cô vợ phàn nàn về cái cửa bị kẹt không khoá được. Và lần này anh ta gào lên:
- Cô nghĩ tôi là ai vậy? Tôi không phải là thợ mộc.
Buổi tối, anh ta đi làm về. Cô vợ kể lại rằng đã nhờ ông hàng xóm chữa giúp tất cả. Anh chồng hỏi:
- Thế sau khi chữa xong ông ta có đòi công sá gì không?
- Ông ta đề nghị rằng hoặc là em nấu cho ông ấy một bữa ăn, hoặc là “chiều” ông ta một tí.
- Thế em đã nấu cho ông ấy ăn món gì? – Anh chồng nhẹ nhàng hỏi.
Lần này thì đến cô vợ tỏ ra giận dữ:
- Anh nghĩ tôi là ai vậy? Tôi không phải là đầu bếp.
Theo Gia đình xã hội
Chàng "thợ mộc" vô địch toán quốc tế
Bố nhập viện vì nghi ung thư xương, mẹ nghỉ hưu sớm vì ốm yếu, cậu học trò đoạt huy chương vàng toán quốc tế 2010 lao vào làm thêm để kiếm tiền chữa bệnh cho bố.
Từ ngày về nước, nghe tin bố phải đi viện vì khối u trên đỉnh đầu, Nguyễn Ngọc Trung, khu 2, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ), miệt mài với nghề mộc giúp bố để lấy tiền chữa bệnh.
Bố Trung làm nghề thợ mộc, mẹ làm công nhân trong nhà máy hóa chấtLâm Thao, do sức khỏe ốm yếu liên miên nên mẹ Trung đã về nghỉ hưu sớm. Từng là người nghiện game, bỏ bê học hành, nhưng cũng trong thời gian chơi bời trên máy tính, Trung tự mày mò vào các trang web để giải những bài toán trên mạng. Niềm say mê mới mẻ này đã kéo được cậu học trò quay về với sách vở, đặc biệt là môn Toán học.
Trung đỗ một lúc hai trường chuyên Toán tin hệ THPT của ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội và THPT chuyên Hùng Vương. Chọn trường chuyên Hùng Vương, Trung đã làm cho các thầy cô, bạn bè phải nể phục với những cách giải toán thông minh. Cuối năm lớp 12, chàng trai này đã tham gia cuộc thi toán quốc tế và mang về tấm huy chương vàng IMO 2010 trong niềm vinh dự.
Nhà vô địch toán quốc tế Nguyễn Ngọc Trung cũng là một chàng thợ mộc chăm chỉ.
Cô Nguyên Thị Tuyết Dung, mẹ Trung cho biết, suốt ba năm Trung đi học xa nhà, gia đình đã giấu về bệnh tật của bố để em yên tâm học hành. Bố Trung, chú Nguyễn Văn Giới đau yếu gần chục năm nay. Ba năm trở lại đây trên đỉnh đầu ông mọc lên một cái u lớn như cái chén, mỗi khi trở trời là cơn đau hành hạ.
Ngày Trung sang Kazakhstan dự thi toán quốc tế cũng là lúc bố Trung ở nhà phải đi bệnh viện. Các bác sĩ chuẩn đoán ông bị ung thư xương. Mẹ Trung phải nghỉ hưu sớm để chăm lo việc gia đình. Xưởng gỗ ở nhà bỏ không, bố Trung phải thuê người về làm, trừ mọi chi phí, công xá, thu nhập từ xưởng gỗ chưa đầy một triệu đồng mỗi tháng.
Miệt mài giải toán trên mạng và những bài toán đố trên tạp chí toán, tin, Trung Dũng có 1 khoản thu nhập nho nhỏ giúp mẹ.
Từ ngày mang huy chương vàng toán quốc tế về quê, biết bố bị u xương, Trung trở nên ít nói. Ngoài thời gian giải toán trên mạng, Trung tranh thủ phụ giúp bố làm mộc để góp thêm một công kiếm thêm đồng thu nhập. "Mình phải làm giúp bố, may ra còn có tiền cho bố chữa bệnh. Chứ để bố làm nhiều sợ bệnh tình càng nặng hơn, khi đó lại càng khó chữa", Trung chia sẻ.
Được đặc cách thi ĐH, Trung đã nộp hồ sơ ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) với mong muốn trở thành một nhà toán học để giúp ích cho nền toán học nước nhà. Không còn cản trở nào trước cánh cửa ĐH, nhưng Trung trăn trở: "Trên phố có dễ tìm việc làm thêm không? Một buổi đi học, một buổi mình sẽ đi làm thêm để bố mẹ không phải chạy vạy gửi tiền cho mình ăn học mà mình lại có tiền gửi về nhà cho bố chữa bệnh".
Theo PLXH