Ai là người đầu tiên đoạt giải Nobel ở cả hai lĩnh vực Vật lý và Hóa học?
Marie Curie là phụ nữ gốc Ba Lan đoạt giải Nobel Vật lý cùng chồng năm 1903, sau đó một mình nhận giải Nobel Hóa học năm 1911.
Chân dung bà Marie Curie.
Nhà vật lý, hóa học người Pháp gốc Ba Lan Marie Curie là người đầu tiên giành được 2 giải Nobel, và đến tận ngày nay, bà vẫn là một trong 2 người hiếm hoi từng được giải Nobel ở hai lĩnh vực khác nhau.
Năm 1903, vợ chồng Pierre và Marie Curie chia sẻ giải Nobel Vật lý với nhà vật lý người Pháp Henri Becquerel. Ông Becquerel được trao giải vì phát hiện ra hiện tượng phóng xạ tự nhiên, trong khi vợ chồng nhà Curie được ghi nhận vì nghiên cứu của họ về hiện tượng phóng xạ do Becquerel phát hiện.
Được biết, trước đó, Marie Curie suýt không được nhận giải thưởng đầu tiên chỉ vì là phụ nữ. Năm 1903, Viện Hàn lâm Khoa học Pháp chỉ đề cử hai nhà nghiên cứu Pháp là Henri Becquerel và Pierre Curie (chồng Marie Curie) cho giải Nobel Vật Lý. Khi biết thông tin, nhà toán học Thụy Điển Gsta Mittag-Leffler vô cùng tức giận và đã khuyên Pierre lên tiếng.
Pierre viết thư phản hồi: “Nếu đúng là người ta đang nghiêm túc suy nghĩ đến việc trao giải thưởng cho tôi, tôi rất muốn được xem xét cùng Marie với nghiên cứu về hiện tượng phóng xạ. Vai trò của cô ấy trong phát hiện này là rất quan trọng”.
Sau nhiều tranh cãi, Marie được đưa vào danh sách đề cử.
Cuối cùng vào tháng 12/1903, ba nhà khoa học (Becquerel và vợ chồng Curie) cùng được trao giải thưởng uy tín. Becquerel đã phát hiện ra phóng xạ từ chất urani, trên cơ sở đó vợ chồng Curie nghiên cứu mở rộng về các vật chất phóng xạ.
Vợ chồng Marie và Pierre Curie.
Năm 1911, Marie Curie đạt giải Nobel Hóa học với thành tựu khám phá ra 2 nguyên tố radium và polonium.
Về sau, con gái của Marie Curie là Iréne Joliot-Curie tiếp nối truyền thống gia đình bằng một giải Nobel Hóa học cùng chồng năm 1935.
Đến năm 1965, con rể của Marie Curie, chồng của con gái thứ hai của bà Curie, Henry Labouisse – khi đó là giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) – đại diện tổ chức này nhận giải Nobel Hòa bình.
Thanh Tùng (T/h)
Theo doisongphapluat.com
Việt Nam sắp đón hơn 4 ngàn trẻ em ngày đầu năm mới
Một tổ chức của Liên Hợp Quốc hôm 31/12 ước tính "có khoảng 4.259 trẻ em" sẽ được sinh ra tại Việt Nam vào ngày đầu tiên của năm 2020.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) nói rằng số trẻ em này chiếm hơn một phần trăm tổng số gần 400 nghìn trẻ sinh ra vào ngày 1/1 trên toàn thế giới.
Dựa trên dữ liệu về Triển vọng Dân số Thế giới của Liên Hợp Quốc, tổ chức quốc tế đi đầu trong lĩnh vực thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em ở 190 quốc gia, trong đó có Việt Nam, cho biết thêm rằng đảo quốc Fiji ở Thái Bình Dương nhiều khả năng sẽ đón em bé đầu tiên được sinh ra vào ngày đầu 2020, và Hoa Kỳ sẽ chào em bé cuối cùng sinh ra đầu năm mới.
Bà Henrietta Fore, Tổng Giám đốc Điều hành UNICEF, nói trong một thông cáo rằng "khởi đầu một năm mới và một thập kỷ mới là dịp để chúng ta cùng hy vọng và hoài bão không chỉ cho tương lai của chính chúng ta mà còn cho tương lai của thế hệ mai sau".
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cho biết rằng trong hơn 25 năm qua, Việt Nam "đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng trong việc cải thiện tỷ lệ sống còn của trẻ em dưới năm tuổi", nhưng "tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên vẫn còn cao".
Theo bà Lesley Miller, Quyền Trưởng Đại diện UNICEF ở Việt Nam, có khoảng 47 trẻ sơ sinh tử vong mỗi ngày ở Việt Nam, và phần lớn "vì các nguyên nhân có thể phòng tránh được".
"Những can thiệp đơn giản như đỡ đẻ có kỹ năng, chăm sóc thiết yếu trẻ sơ sinh, bắt đầu cho con bú sữa mẹ sớm, và phương pháp chăm sóc Kangaroo [đặt trẻ nằm tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ] cho trẻ sinh non và nhẹ cân có thể cứu mạng sống của bà mẹ và trẻ sơ sinh", bà Miller nói thêm.
"Tôi hoan nghênh những nỗ lực to lớn của Bộ Y tế trong việc ưu tiên và tăng cường triển khai những can thiệp hiệu quả này. Tôi kêu gọi cần đầu tư nhiều hơn nữa để những can thiệp này đến được với người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa".
Theo báo chí trong nước, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng "đến năm 2045, dân số Việt Nam sẽ hơn 108 triệu người, tức tăng thêm trên dưới 12 triệu người trong vòng 25 năm tới".
Ông Phúc cũng cho biết thêm rằng Hà Nội sẽ tìm cách "duy trì sức tăng trưởng cao trong 2 thập niên tới" để đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao.
Theo voa
Trường xây bằng rác thải nhựa ở Bờ Biển Ngà Các nhà sinh thái học đang đề xuất các giải pháp sáng tạo giúp làm sạch rác thải nhựa gây tắt nghẽn các dòng chảy và đe dọa các hệ sinh thái trên toàn cầu. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc hợp tác với một công ty Colombia để biến hàng đống nhựa thành các trường học ở Châu Phi. Theo VOA