Ai hưởng lợi khi tiền tệ thế giới giảm giá trị?
Tiền tệ nhiều nước trên thế giới đang sụt giá. Đồng real Brazil, lira Thổ Nhĩ Kỳ, rupiah Indonesia hay peso Colombia đều giảm mạnh giá trị so với USD. Liệu điều này có hoàn toàn là tiêu cực với tất cả các nước trên?
Đồng real của Brazil – Ảnh: AFP
Theo CNN, đồng real của Brazil, lira của Thổ Nhĩ Kỳ và peso của Colombia đã giảm lần lượt 28%, 20% và 23% so với đô la Mỹ. Rupiah, nội tệ Indonesia thì giảm 11% so với USD trong năm nay.
Xét tổng thể, đây là diễn biến đáng báo động. Song mặt khác, giá trị đồng bản tệ thấp xuống là chuyện mà một số nước thật sự mong muốn.
Đơn cử, Trung Quốc vừa phá giá nhân dân tệ khoảng 2% hồi tháng 7. Các chuyên gia cho rằng hành động này nhằm hỗ trợ xuất khẩu của Đại lục vì đồng tiền yếu hơn sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu của một quốc gia, có thể cải thiện tình hình kinh tế đất nước.
Động thái trên làm dấy lên lo ngại về khả năng của một “cuộc chiến tiền tệ”, khi chính phủ nhiều nước trên thế giới “chạy đua” phá giá nội tệ để đạt lợi thế cạnh tranh thương mại.
Neil Shearing, chuyên gia về các thị trường mới nổi tại Capital Economics nói: “Tôi sẽ không lấy làm lạ khi chúng ta nói rằng trong vòng 2 năm, động thái phá giá bản tệ này sẽ dọn đường cho những số liệu kinh tế lạc quan hơn”.
Song trong ngắn hạn, một loại tiền tệ giảm giá cũng phản ánh sự yếu kém trong một số quốc gia.
Việc tiền tệ toàn cầu đang giảm giá nhắc nhớ về thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, sự kiện vốn khởi đầu bằng việc đồng baht Thái được phá giá, giảm đến 20% giá trị trong một ngày. Cuộc khủng hoảng trên kéo thị trường chứng khoán thế giới xuống mức thấp và ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư khu vực trong suốt hơn một thập niên.
CNN cho hay đợt sụt giá tiền tệ mới nhất này liên quan đến việc giá các loại hàng hóa giảm mạnh. Một số nước như Brazil phụ thuộc lớn vào các loại hàng hóa xuất khẩu như sắt, đồng, dầu thô. Hầu hết các mặt hàng trên đều đang đứng ở mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây.
Video đang HOT
Bolivar của Venezuela sụt giá đáng kể – Ảnh: AFP
Tiền tệ giảm giá, nếu được quản lý một cách cẩn thận, sẽ khiến một số quốc gia được hưởng lợi. Đồng tiền yếu hơn có thể kích thích tăng trưởng kinh tế theo 2 cách: khiến hàng xuất khẩu rẻ hơn, hấp dẫn hơn với bạn hàng nước ngoài và khiến hàng nhập khẩu đắt hơn, ít hấp dẫn hơn trong mắt người dân, từ đó thúc đẩy tiêu dùng hàng nội địa. Hai tác động trên có thể là yếu tố thúc đẩy thương mại, lượng cầu hàng địa phương và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Lấy Brazil làm ví dụ. Nước này gần đây vừa rơi vào suy thoái, bản tệ là đồng real sụt giá đến 27% trong năm nay. Song trong quý 2/2015, số liệu xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ tăng đến 7%, theo Capital Economics.
Chuyên gia Neil Shearing nói chỉ một yếu tố đó không đủ để lạc quan hóa mọi vấn đề tiêu cực, nhưng vừa đủ để cho tương lai nền kinh tế Brazil “một tia hi vọng”.
Ngược lại, mọi chuyện lại khác trong trường hợp của Venezuela. Cách đây 1 năm, 1 USD ngang giá 82 bolivar. Hiện nay, 1 USD đổi được đến 698 bolivar, theo số liệu từ trang dolartoday.com. Điều này làm ảnh hưởng đến giá cả mọi loại hàng hóa được tính giá bằng đô la Mỹ, tác động đến đời sống những người dân bình thường.
Kinh tế Venezuela đang chật vật. Đầu năm nay, quan chức từ Cộng hòa Trinidad và Tobago được cho là đã đề nghị gửi khăn giấy đến Venezuela để đổi lấy dầu. Ở Venezuela, đường, sữa và muối cũng là những mặt hàng khó mua. 70% hàng hóa ở quốc gia giàu dầu thô là hàng nhập khẩu, theo Viện Brookings.
Ngoài ra, nội tệ giảm giá cũng khiến doanh nghiệp và đất nước gặp khó trong việc trả các khoản nợ bằng USD. Trong quá khứ, các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Thái Lan đã trải qua tình cảnh tương tự khi đa phần các khoản nợ công và tư ở hai nước này là bằng đô la Mỹ. Song tin tốt là hiện tại, cả hai quốc gia trên đều không có nhiều khoản nợ.
Tiền tệ sụt giá có nhiều mặt hạn chế, nhưng cũng đem lại không ít thuận lợi cho nhiều quốc gia. Khi nằm trong tầm kiểm soát và đi đúng hướng, hạ giá đồng tiền vì lý do xuất khẩu có thể giúp nhiều nền kinh tế hưởng lợi.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Phá giá nhân dân tệ đủ để châm ngòi khủng hoảng tài chính?
Nền kinh tế lớn nhất châu Á tăng trưởng chậm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tăng lãi suất và Trung Quốc phá giá nhân dân tệ. Đó là những gì xảy ra vào năm 1994, trước khi chiến tranh tiền tệ nổ ra, châm ngòi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ được coi là nguyên nhân sâu xa cho khủng hoảng ở các thị trường mới nổi cách đây 21 năm - Ảnh: Bloomberg
Trước năm 1994, châu Á là "con cưng" của giới đầu tư và được xem là phép lạ tăng trưởng của thế kỷ 20. Song đến năm 1994, mọi chuyện đã khác.
Một chuỗi các sự kiện gồm Nhật Bản - nền kinh tế lớn nhất châu Á và lớn thứ nhì thế giới khi đó - tăng trưởng chậm lại, Fed rục rịch tăng lãi suất và Trung Quốc phá giá nhân dân tệ kết thúc với một đợt phá giá tiền tệ của các quốc gia châu Á.
Giá cả hàng hóa sụt giảm, gây tổn hại cho Brazil, Úc, Malaysia, Nam Phi và kích hoạt khủng hoảng tài chính khu vực. Năm 1997, ngân hàng và doanh nghiệp trên khắp châu Á lao đao, suy thoái.
Việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ cách đây 21 năm được coi là nguyên nhân sâu xa khiến các thị trường mới nổi khủng hoảng. Fed tăng lãi suất thì là động thái trực tiếp châm ngòi, theo công ty nghiên cứu Lombard Street Research.
Bloomberg hôm 23.8 cho hay tình hình hiện tại có nhiều sự tương đồng, nhưng cũng tồn tại lắm khác biệt quan trọng. Hiện giờ, các nền kinh tế châu Á có cán cân tài khoản vãng lai mạnh hơn, năng lực tài khóa cùng dự trữ ngoại hối lớn hơn. Đây là những tấm chắn hữu hiệu trước bất ổn.
Dù thế, rủi ro vẫn còn đó khi Trung Quốc đột ngột thay đổi chính sách đồng bản tệ vào ngày 11.8. Từ Kazakhstan đến các nền kinh tế mới nổi dễ tổn thương như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ đều có động thái điều chỉnh tỷ giá.
Đồng tenge của Kazakhstan sụt giá 23% trong tuần trước sau khi nước này thả nổi tỷ giá. Rand Nam Phi và Lira Thổ Nhĩ Kỳ cũng lao dốc.
"Một cơn bão lớn không chỉ dừng lại mức có thể, mà gần như là chắc chắn ở các nước như Brazil và Nam Phi. Song tôi không nghĩ rằng sẽ có một cuộc khủng hoảng hay căng thẳng ở châu Á. Khủng hoảng năm 1997 đã làm sạch hệ thống tài chính tại đây và khả năng phục hồi của khu vực này đã khá hơn", Stephen Jen, nhà đồng sáng lập quỹ đầu tư SLJ Macro Partners nói.
Phá giá nhân dân tệ không đủ để châm ngòi khủng hoảng tài chính châu Á - Ảnh: Reuters
Theo chuyên gia cấp cao Stephen Roach tại Đại học Yale (Mỹ), cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1994 là do các nước châu Á neo nội tệ vào đồng đô la Mỹ, có dự trữ ngoại hối không đầy đủ và tiếp xúc nhiều với những dòng tiền nóng.
Câu chuyện bây giờ có sự khác biệt trong hai vấn đề đầu tiên, nhưng hiện hữu nét tương đồng đáng ngại: ngân hàng và giới đầu tư rút khỏi hoạt động giao dịch đầu cơ ngoại hối dựa trên chênh lệch lãi suất đối với nhân dân tệ sau khi nước này phá giá đồng tiền, Trung Quốc đối mặt với khoản nợ đồng đô la khoảng 1.000 tỉ USD. Nhân dân tệ mất giá sẽ tăng thêm gánh nặng nợ nần với các công ty Trung Quốc. Doanh nghiệp nước này sẽ phải trả nhiều CNY hơn để mua USD trả nợ.
Ngoài ra, Roach cho hay châu Á cũng đối mặt với mức độ phụ thuộc lớn của các nền kinh tế khu vực vào kinh tế Trung Quốc. "Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc giảm tốc xuất khẩu sẽ là vấn đề cho những nước châu Á phụ thuộc vào Trung Quốc", ông nói.
Thế nhưng, hai khác biệt đầu tiên vẫn đủ sức để ngăn châu Á rơi vào khủng hoảng tài chính. Theo Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng ANZ ở Singapore, châu Á có khả năng thích nghi cao hơn trước các điều kiện thay đổi vì nội tệ khu vực không còn được neo đậu cứng nhắc vào USD như năm 1994.
Dự báo về chính sách tiền tệ của Mỹ nay cũng khác. Theo ngân hàng Credit Suisse, triển vọng tăng trưởng toàn cầu bi quan hơn và xu hướng tăng giá của đồng USD khiến khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 9 giảm về dưới 50%.
"Cho rằng nhân dân tệ bị phá giá sẽ kích hoạt các sự kiện dẫn đến khủng hoảng tài chính là chuyện viễn tưởng", nhà phân tích David Loevinger thuộc công ty quản lý quỹ TCW Group ở Los Angeles (Mỹ) nói.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
10 đồng tiền dễ tổn thương nhất vì nhân dân tệ Ngân hàng Morgan Stanley vừa đưa ra danh sách 10 đồng tiền chịu ảnh hưởng lớn nhất sau khi Trung Quốc có động thái phá giá nhân dân tệ. Trong số này, có 4 đại diện châu Á. Rupee của Ấn Độ là một trong số 10 bản tệ chịu rủi ro cao khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ - Ảnh:...