“AI” gặp khó trong dự đoán dịch Covid-19 vì sự hoang mang của người dân
Vì người dân đang rất hoang mang, nên hành vi trong việc tìm kiếm thông tin, cũng như mua sắm nhu yếu phẩm có thể vượt quá nhu cầu cần thiết, từ đó dẫn đến dữ liệu ảo.
Phương pháp dự đoán từng rất thành công với dịch cúm nhưng lại bó tay trước Covid-19
GS khoa học máy tính Roni Rosenfeld đến từ trường Đại học Carnegie Mellon là một chuyên gia dự đoán kịch bản cho các dịch bệnh. Trước đây, ông từng nổi tiếng với công trình dự đoán diễn biến dịch cúm mùa bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Ở thời điểm hiện tại, trong bối cảnh Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu và đe dọa đến người dân trên toàn thế giới, GS Roni Rosenfeld lại bắt tay vào việc “viết kịch bản” cho dịch bệnh này. Tuy nhiên, ngay từ bước khởi đầu, GS Roni Rosenfeld mới nhận ra rằng, Covid-19 thực sự là một thách thức.
Mô hình dự đoán của GS Roni Rosenfeld về dịch Covid-19
“Trước khi tiến hành dự đoán kịch bản của Covid-19, tôi lại không nghĩ nó lại phức tạp và gây khó khăn cho thuật toán AI mà tôi đang sử dụng đến như vậy, bởi nó từng rất thành thành công với bệnh cúm” – GS Roni Rosenfeld cho biết.
Theo chia sẻ của vị GS này, hiện có rất nhiều người cũng đang thực hiện dự đoán diễn biến dịch, theo nhiều cách khác nhau. Đa số phương án tiếp cận được sử dụng là dựa trên những hiểu biết về cách dịch bệnh đang lây lan, để xây dựng nên mô hình dự đoán. Trong khi đó, phương án của ông là dựa trên nền tảng AI, tập trung vào các sự kiện trong quá khứ.
“Cách làm này từng rất thành công với bệnh cúm mùa, bởi tôi có nguồn dữ liệu được thu thập ở nhiều địa điểm khác nhau, trong khoảng thời gian trải dài đến 20 năm. Tuy nhiên, với Covid-19, chúng ta lại chưa hề có dữ kiện quá khứ nên phương pháp này hiện đang trở nên yếu thế” – GS Roni Rosenfeld phân tích.
Trước thách thức này, GS Roni Rosenfeld cho biết ông sẽ thay đổi chiến thuật và sử dụng một phương pháp gọi là “Trí khôn của đám đông”, ông nói: “Để thực hiện phương pháp này, trước hết ta cần tập hợp một số lượng người đủ đông, ít nhất ở mức vài chục người. Tiếp theo, cho những tình nguyện viên trả lời các câu hỏi cần thiết liên quan đến dịch bệnh để thu thập dữ liệu cần thiết, làm nguồn thông tin đầu vào cho AI”.
Cũng theo GS Roni Rosenfeld, cách dịch bệnh diễn biến phụ thuộc rất nhiều vào chính sách được cơ quan chức năng đưa ra, để kiểm soát dịch. Do đó, ông hướng đến việc thiết lập các dự báo ngắn hạn trong phạm vi từ 1 – 2 tuần.
Sự hoang mang của người dân khiến AI gặp khó
Chuyên gia này giải thích sâu hơn về phương pháp dự báo: “Có rất nhiều nguồn dữ liệu có thể được sử dụng cho việc dự đoán tình hình diễn biến dịch bệnh như: các thông tin trên mạng xã hội có đề cập đến dịch bệnh, tần suất tìm kiếm các cụm từ liên quan đến dịch bệnh trên google, tần suất truy cập vào các trang liên quan đến dịch bệnh trên Wikipedia hay các website chính thống, số liệu về việc mua bán các thiết bị phòng dịch như cặp nhiệt độ, khẩu trang, thuốc phòng bệnh. Những dữ liệu này đã được chúng tôi sử dụng rất hiệu quả trong phương pháp dự đoán cúm mùa. Tuy nhiên, thách thức với Covid-19 là cách phản ứng của người dân và cả hệ thống chính quyền có sự thay đổi rõ rệt vào từng thời kì của dịch. Lấy ví dụ điển hình là vào giai đoạn này, người dân đang rất hoang mang cho nên hành vi trong việc tìm kiếm thông tin, cũng như mua sắm nhu yếu phẩm có thể vượt quá nhu cầu cần thiết, từ đó dẫn đến dữ liệu ảo”.
GS Roni Rosenfeld nhấn mạnh rằng, việc người dân phản ứng thái quá với dịch ảnh hướng để mô hình dự đoán của ông thậm chí còn nhiều hơn các thông số nhiễu, bởi có nhiều giải pháp để loại bỏ nhiễu, trong khi hành vi được đề cập lại xảy ra một cách có hệ thống.
Được biết, hiện tại GS Roni Rosenfeld đang tìm kiếm những tình nguyện viên tham gia trả lời câu hỏi, để ông có thể thu thập đủ tập dữ liệu cho việc xây dựng mô hình dự đoán diễn biến dịch Covid-19 đảm bảo độ tin cậy. Những yêu cầu đối với tình nguyện viên cũng rất đơn giản: Máy tính có kết nối internet và có một chút thời gian rảnh.
Minh Nhật
Bí mật khó tin ở nơi được mệnh danh là sao Hỏa của Trái Đất
Tận dụng địa hình như 'sao Hỏa trên Trái đất' của sa mạc Atacama, NASA thường sử dụng các khu vực này để kiểm tra các vệ tinh và một số thí nghiệm cho sứ mệnh chinh phục Hành tinh đỏ.
Hoang mạc Atacama hay còn được gọi là sao Hỏa của Trái Đất nằm ở phía bắc Chile, giữa Thái Bình Dương và dãy núi Andes. Nơi đây vốn được Kỷ lục Thế giới Guinness, NASA và Hội địa lý Mỹ ghi nhận là "sa mạc khô cằn nhất thế giới".
Bởi lẽ địa hình tại Atacama hoàn toàn tương phản với nhau: những ngọn đồi toàn đá, đá núi lửa và những cồn cát trải dài. Diện tích rộng lớn 181.300 m2 nhưng chỉ nhận được lượng mưa không quá 1 mm/năm.
Những lần hiếm hoi Atacama đón trận mưa "quý như vàng" khiến rừng hoa cẩm quỳ bất ngờ nở rộ trên mảnh đất khô cằn này, tạo nên cảnh quan ngoạn mục hiếm có.
Người ta cho rằng, nguyên nhân khiến sa mạc này ít có mưa vì những dãy núi cao nằm xung quanh được tạo nên từ hàng triệu năm trước. Cũng vì vậy, thảm thực vật và động vật ở sa mạc Atacama vô cùng ít ỏi, đến cây xương rồng cũng không thể mọc lên khiến nơi đây như một "vùng đất ma".
Nhiệt độ ở sa mạc Atacama vào mỗi thời điểm trong ngày có sự chênh lệch lớn. Ban ngày nhiệt độ khoảng 40 độ C trong khi vào ban đêm nhiệt độ giảm xuống còn khoảng 4 độ C.
Mùa hè thì khắc nghiệt đến mức, người đến đây có thể gặp tình trạng: gãy vụn tóc và râu và nứt nẻ móng tay, móng chân.
Điểm đặc biệt nhất của hoang mạc Atacama là địa hình khá giống với sao Hỏa. Mặc dù nhiệt độ ở Atacama không hạ xuống mức thấp như trên sao Hỏa nhưng đất đai ở đây cũng có màu gỉ sét giống như bề mặt hành tinh Đỏ.
Chính vì vậy, NASA thường sử dụng khu vực này để kiểm tra các vệ tinh và một số thí nghiệm cho sứ mệnh chinh phục sao Hỏa.
Các thiết bị được sử dụng trên tàu thăm dò sao Hỏa Viking 1, Viking 2, và Phoenix cùng với tàu tự hành ExoMars trong tương lai của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA), đều được thử nghiệm ở "sao Hỏa trên Trái Đất" này.
Đầu năm 2019, các nhà khoa học từ Nasa và Đại học Carnegie Mellon ở Mỹ đã thử nghiệm robot tự hành khoan xuống dưới bề mặt Sa mạc Atacama và phát hiện loài vi khuẩn kháng muối kỳ lạ trong lòng đất. Điều này có lẽ sẽ cung cấp manh mối về sự sống nào có thể vẫn tồn tại trên sao Hỏa.
Một bí mật khác từng gây xôn xao giới khoa học khi được công bố, đó là xác ướp lâu đời nhất không được tìm thấy ở Ai Cập mà là ở sa mạc Atacama. Theo các chuyên gia, xác ướp cổ nhất được tìm thấy tại sa mạc này có niên đại vào khoảng năm 7020 trước Công nguyên.
Sa mạc khô cằn nhất thế giới biến thành biển hoa muôn màu. Nguồn: Youtube Kênh VTC14
Mộc Nhiên
Hỗ trợ người Việt cao tuổi tại Pháp trong đại dịch Covid-19 Hội người Việt Nam tại Pháp đang tổ chức và kêu gọi các bạn trẻ tham gia tương trợ cho người Việt cao tuổi trong đại dịch Covid-19. Trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến nhanh và gây những hậu quả nặng nề cho người dân Pháp, Chính phủ nước này đã quyết định áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc kể từ...