Ai được quyền xuất khẩu gạo theo Nghị định mới có hiệu lực từ 1/10?
Chính phủ vừa ban hành các điều kiện đối với kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng mở hơn so với quy định tại Nghị định 109.
Nghị định mới thông thoáng hơn
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo thay thế Nghị định 109/2010, Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2018.
Theo quy định tại Nghị định 107/2018, thương nhân, doanh nghiệp được thuê lại kho chứa trong thời gian tối thiểu 5 năm để phục vụ hoạt động xuất khẩu gạo. Ảnh minh hoạ: I.T
Theo đó, điều kiện kinh doanh đối với hoạt động xuất khẩu gạo bao gồm: Thương nhân được kinh doanh xuất khẩu gạo khi có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Thương nhân phải có ít nhất 1 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Điểm quan trọng nhất về quy định kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo, Chính phủ đã nới lỏng: Để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, thương nhân có thể sở hữu kho và cơ sở xay xát hoặc có thể thuê lại của tổ chức, cá nhân khác. Các hợp đồng thuê các cơ sở này có thời hạn tối thiểu 5 năm.
Như vậy, Nghị định 107/2018 mà Chính phủ vừa ban hành dựa trên Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu do Bộ Công Thương soạn thảo đã mở hơn so với quy định cũ tại Nghị định 109/2010.
Cụ thể, Điều 4 của Nghị định này yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo phải có kho chứa công suất ít nhất 5.000 tấn và có cơ sở xay xát thóc gạo công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ. Tuy nhiên qua thực tế cho thấy, các điều kiện về quy mô này cản trở trực tiếp việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp nhỏ, trong khi không rõ mục tiêu quản lý là gì.
Ngoài ra, Nghị định 107 cũng quy định, thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (Giấy chứng nhận) không được cho thuê, cho thuê lại kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo đã được kê khai để chứng minh việc đáp ứng điều kiện kinh doanh trong đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận của mình để thương nhân khác sử dụng vào mục đích xin cấp Giấy chứng nhận.
Video đang HOT
Các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và cơ quan liên quan tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra, Sở Công Thương báo cáo Bộ Công Thương kết quả kiểm tra bằng văn bản.
Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra công tác hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn của thương nhân sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận và việc duy trì đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân.
Doanh nghiệp nhỏ cũng có phần
Trước đó, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết Nghị định 109 ra đời trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu lúa gạo rất hỗn loạn, các doanh nghiệp tranh mua tranh bán, dìm giá, thậm chí đến nay hiện tượng này vẫn còn diễn ra. Đơn cử như chỉ riêng tại TP.Cần Thơ đã có hàng trăm doanh nghiệp, thương nhân tham gia xuất khẩu gạo, cả trực tiếp và gián tiếp. Để có đơn hàng xuất khẩu, đã xảy ra chuyện các doanh nghiệp nói xấu nhau, hoặc đua nhau giảm giá để cạnh tranh…
Thời điểm đó, Nghị định 109 được ban hành góp phần đưa xuất khẩu gạo vào trật tự, khuôn khổ. Đó là hiệu quả tích cực không thể phủ nhận.
Theo Nghị định 107/2018, các doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần có Giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông. Ảnh minh hoạ: I.T
Thực tế cho thấy, từ năm 2011 đến nay, kể từ khi có các thương nhân xây dựng vùng nguyên liệu lúa, doanh nghiệp liên kết với nông dân gắn sản xuất với tiêu thụ, Việt Nam đã bắt đầu cung cấp cho thị trường xuất khẩu gạo chất lượng cao, đồng nhất chỉ 1 loại giống. Và cũng từ đó, các nhà nhập khẩu gạo đồng ý trả thêm cho Việt Nam từ 50 – 80USD/tấn gạo đồng nhất này.
Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng thị trường gạo hiện nay không phải chỉ tập trung vào một số thị trường như Indonesia, Malaysia hay Philippines…, mà mở ra nhiều thị trường mới. Đồng thời, không phải chỉ một số doanh nghiệp lớn mới có thể xuất khẩu gạo, mà các doanh nghiệp nhỏ cũng làm được, và có thể xuất sang nhiều thị trường ngách khác.
Trên thực tế, một số quy định của Nghị định 109/2010 đã khiến nhiều doanh nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh. Đơn cử như Công ty Hồ Quang (Sóc Trăng) sản xuất gạo ST 24 có chất lượng thơm ngon, thuộc top 3 thế giới, đạt chuẩn xuất khẩu đi Mỹ, EU…, nhưng chưa thể xuất khẩu trực tiếp vì vướng Nghị định 109.
Do đó, đầu năm 2017, Bộ Công Thương bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo và đây được xem là hành động tích cực giúp cởi trói cho doanh nghiệp. Sau đó, Bộ Công Thương tiếp tục trình Chính phủ Nghị định sửa đổi thay thế Nghị định 109.
Đặc biệt, theo quy định tại Nghị định mới, các thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng sẽ không cần phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định nêu trên. Họ được phép xuất khẩu các loại gạo này mà không cần có Giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông và có trách nhiệm báo cáo theo quy định.
Khi thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không có Giấy chứng nhận chỉ cần xuất trình cho cơ quan Hải quan bản chính hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền văn bản xác nhận, chứng nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc chứng thư giám định gạo xuất khẩu do tổ chức giám định cấp theo quy định của pháp luật về việc sản phẩm gạo xuất khẩu phù hợp với các tiêu chí, phương pháp xác định do Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế hướng dẫn.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo tháng 7 ước đạt 382.000 tấn với trị giá 195 triệu USD, lũy kế 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,9 triệu tấn với kim ngạch gần 2 tỷ USD, tăng 12,2% về khối lượng và tăng 29,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Xuất khẩu gạo trong các tháng tiếp theo được dự báo sẽ có nhiều cơ hội hơn, do nhu cầu nhập khẩu về cuối năm của một số thị trường chính như Philippines và các nước Trung Đông sẽ tăng, nhưng Bộ NN&PTNT cho biết ngành gạo cũng sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn khi muốn tăng xuất khẩu do thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã tăng thuế nhập khẩu gạo nếp và tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
Theo Danviet
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Tự chủ đại học là xu thế, phải làm kiên trì'
Việc thí điểm tự chủ đại học trong 3 năm qua ở nhiều trường đã đạt những kết quả tốt song việc thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng còn chậm.
Hôm 18/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ ngành và các trường đại học bàn dự thảo nghị định của Chính phủ về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Phó thủ tướng đánh giá việc thí điểm tự chủ với 24 đại học trong qua 3 năm đã tháo gỡ nhiều vướng mắc về quản lý nhà nước, quản lý của bộ chủ quản, hoạt động của các trường đã tốt lên.
Song việc thực hiện các cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng còn rất chậm. Hầu hết các trường đại học tự chủ bị cắt giảm ngân sách nhà nước nên dù các trường vẫn duy trì được hoạt động, thậm chí tốt hơn nhưng chưa đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là nghiên cứu khoa học.
"Nhiều người hiểu tự chủ đại học là không còn ngân sách nhà nước đầu tư mà trường phải tự túc về kinh phí, đó là quan điểm sai lầm. Các bộ cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm khi suốt 3 năm qua không xây dựng được cơ chế đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học cho đại học tự chủ", ông Đam nói và khẳng định tự chủ đại học là xu thế phải làm kiên trì.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại một đại học ở TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.
Theo dự thảo nghị định, ngân sách nhà nước được sử dụng để đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học đối với các cơ sở giáo dục đại học. Khi thảo luận cụ thể liên quan đến việc xác định danh mục, định mức, số lượng đào tạo, đơn vị đặt hàng, nhiều ý kiến cho rằng nếu ban hành như nội dung dự thảo thì rất khó thực hiện.
Nhiều đại biểu đã thống nhất kiến nghị với cơ quan soạn thảo để tiếp thu về thẩm quyền ban hành danh mục ngành học đặt hàng đào tạo, đơn vị đặt hàng, cách thức xác định số lượng, định mức đơn giá kỹ thuật, nguồn kinh phí cho nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến để điều chỉnh lại dự thảo nghị định theo tinh thần đại học không phải là một cấp của phổ thông mà điều quan trọng đại học là sáng tạo ra tri thức.
Ông nhấn mạnh không có đại nào nào trên thế giới lấy học phí để lo hoạt động và nghiên cứu khoa học. Học phí cần tính đúng, tính đủ để tăng nguồn thu cho đại học từ những học sinh có điều kiện, đồng thời có quỹ học bổng, kết hợp với đặt hàng từ ngân sách nhà nước để bảo đảm người có hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể tiếp cận đại học. Ông Đam yêu cầu không được lấy nguồn thu từ tăng học phí để chi cho nghiên cứu khoa học, để bù cho phần ngân sách nhà nước bị cắt giảm.
Phó thủ tướng khẳng định, cho đại học tự chủ nhưng không được cắt ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước phải tiếp tục đầu tư nghiên cứu khoa học trong đại học nhất là đối với những trường quan trọng. Nhiều nước như Đức, Pháp, kinh phí nhà nước vẫn hỗ trợ 70-80% thậm chí 90% cho hoạt động này.
"Tới đây, Chính phủ ban hành nghị định về tự chủ đại học mà nếu không làm tốt về giao nhiệm vụ, đặt hàng trong các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường, sẽ rất nguy hại cho nền giáo dục đại học", Phó thủ tướng nói và nhấn mạnh quan điểm tự chủ đại học là thay đổi nhận thức, không cào bằng, trường nào làm tốt hơn sẽ nhận nhiều hơn.
Tổng chi ngân sách cho giáo dục đại học không được giảm. Không thể lấy ngân sách dành cho giáo dục để làm việc khác, không được lấy ngân sách tiết kiệm từ tự chủ đại học đưa xuống giáo dục phổ thông bởi đại học vẫn rất thiếu ngân sách.
Các trường được tự chủ về học thuật, tổ chức bộ máy, tài chính, tăng khả năng huy động các nguồn tài chính khác, nhưng nguồn từ ngân sách nhà nước không được cắt giảm. Mục đích hiện nay là đổi mới đại học sao cho phát huy được sự sáng tạo, tăng cường năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Lê Nam
Theo vnexpress.net
Chỉ được khai thác vì mục đích bảo tồn đối với các loài thủy sản đặc biệt nguy cấp Đề xuất này được Bộ NN&PTNT đưa ra tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thủy sản về quản lý và bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm. Tổng Cục thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn...