AI dự đoán kết quả bầu cử tổng thống Mỹ
Phân tích dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) cho thấy, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có thể giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử năm nay, đánh bại ứng viên Cộng hòa Donald Trump.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump chạy đua vào Nhà Trắng (Ảnh: AFP).
Công ty cá cược Bonus Code Bets của Anh đã yêu cầu ChatGPT – một mô hình ngôn ngữ AI do OpenAI phát triển – đánh giá ứng cử viên nào sẽ giành chiến thắng ở mỗi bang dựa trên thông tin bỏ phiếu công khai, nhân khẩu học và lịch sử bầu cử.
Theo đó, ChatGPT dự đoán bà Harris sẽ chiến thắng ở các bang chiến địa gồm Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và Nevada, nhưng thua ở Arizona, Georgia và North Carolina. Bà Harris được dự đoán giành chiến thắng sít sao với 276 phiếu đại cử tri, trong khi cựu Tổng thống Donald Trump giành 262 phiếu.
Kết quả thăm dò gần đây cho thấy cuộc bầu cử năm nay sẽ diễn ra sít sao. Theo khảo sát của FiveThirtyEight, bà Harris giành 48,1% số phiếu bầu phổ thông, trong khi ông Trump giành 46,7%.
Tuy nhiên, do hệ thống Cử tri đoàn, một ứng cử viên có thể giành nhiều phiếu bầu phổ thông hơn, nhưng lại không đắc cử. Ví dụ, năm 2016, ứng viên Dân chủ Hillary Clinton có số phiếu bầu phổ thông cao hơn, nhưng ông Trump đắc cử do có nhiều phiếu đại cử tri hơn.
Bản đồ đại cử tri theo dự đoán của AI (Ảnh: Newsweek).
Để phân tích, Bonus Code Bets yêu cầu ChatGPT “dự đoán cách mỗi bang sẽ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, sử dụng tất cả thông tin có sẵn bao gồm thông tin bỏ phiếu, nhân khẩu học, cũng như xem kết quả trước đó và các sự kiện có liên quan ở bang trong chiến dịch hiện tại”.
Theo ChatGPT, bà Harris sẽ thắng nhờ hơn ông Trump 14 phiếu đại cử tri, khiến cuộc bầu cử năm nay sít sao thứ 3 trong lịch sử, sau chiến thắng năm 1876 của Rutherford B. Hayes (chênh 1 phiếu bầu) và chiến thắng năm 2000 của ông George W. Bush (chênh 5 phiếu bầu).
Tuy nhiên, ChatGPT chỉ ra, nếu ông Trump thắng ở Pennsylvania hoặc Michigan, hai bang lần lượt có số phiếu đại cử tri là 19 và 15, thì ông có thể giành chiến thắng.
Phát biểu với Newsweek, người phát ngôn của Bonus Code Bets cho biết: “Trong nhiều năm, các cuộc thăm dò ý kiến đã được sử dụng để dự đoán kết quả bầu cử, nhưng công nghệ mới cung cấp những cách thức mới để dự đoán”.
Bonus Code Bets nhấn mạnh tầm quan trọng của các thành phố lớn đối với chiến thắng tiềm năng của bà Harris ở cả Michigan và Pennsylvania.
Công ty cho biết: “Ở Michigan, dù ông Trump có khả năng nắm giữ các khu vực nông thôn, vốn là thành trì của đảng Cộng hòa nhưng ChatGPT vẫn dự đoán bà Harris chiếm ưu thế nhờ các thành trì quan trọng của đảng Dân chủ ở những thành phố như Detroit và Ann Arbor”.
“Tương tự như vậy, Pennsylvania có xu hướng bỏ phiếu cho bà Harris bất chấp sự ủng hộ ông Trump ở khu vực vành đai, nhờ phiếu bầu từ các thành phố lớn Pittsburgh và Philadelphia”, Bonus Code Bets cho biết.
'Đấu trường sinh tử' trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ
Theo diễn biến đến nay, kết quả bỏ phiếu ở 7 bang "chiến địa" của Mỹ được đánh giá cũng sẽ quyết định ai là người chiến thắng chung cuộc trên đường đua vào Nhà Trắng năm nay, giữa lúc có nhiều lo ngại về việc tranh cãi kết quả sau bầu cử.
Từ tháng 9, việc bỏ phiếu sớm đã bắt đầu diễn ra ở nhiều bang, nhưng tất nhiên kết quả sau cùng phải chờ đến sau ngày 5.11 là ngày bầu cử chính thức năm nay. Hiện tại, giới phân tích đang theo dõi tình hình ở 7 bang "chiến địa" gồm: Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, North Carolina, Pennsylvania và Wisconsin. Đây là những bang có mức độ dao động cao, chứ không phải có truyền thống "trung thành" với ứng viên Cộng hòa hay Dân chủ như nhiều bang khác.
Tờ The Wall Street Journal dẫn kết quả cuộc thăm dò mới nhất, có sự tham gia của 4.200 cử tri ở 7 bang trên, cho thấy cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh giá có năng lực tốt hơn đối thủ là đương kim Phó tổng thống Kamala Harris trong việc giải quyết các vấn đề mà người dân quan tâm nhất là kinh tế và an ninh biên giới.
Cạnh tranh quyết liệt
Tuy nhiên, kết quả thăm dò lại chia đều kỳ vọng chiến thắng cho cả 2 ứng viên khi ông Trump dẫn trước với tỷ lệ ủng hộ là 46%, còn đối thủ Harris có 45% ủng hộ. Sự chênh lệch 1 điểm phần trăm còn nhỏ hơn tỷ lệ sai số cho phép.
Người dân Mỹ đi bỏ phiếu bầu cử sớm tại bang Minnesota vào cuối tháng 9. ẢNH: AFP
Tính riêng từng bang, cuộc khảo sát cho thấy bà Harris dẫn trước với khoảng cách mong manh ở Arizona, Michigan, Wisconsin và Georgia, còn ông Trump có lợi thế không đáng kể ở Nevada, North Carolina và Pennsylvania. Qua khảo sát, ngoại trừ tại Nevada là nơi ông Trump có tỷ lệ ủng hộ nhiều hơn 5 điểm phần trăm, thì ở các bang còn lại, ứng viên nhỉnh hơn chỉ dẫn trước khoảng 2 - 3 điểm phần trăm. Mức chênh lệch này chỉ tương đương mức sai số.
Cũng qua cuộc khảo sát mới nhất ở những bang này, vốn thường có mức độ dao động cao bất chấp đảng phái, nhưng sau khi đảng Dân chủ đổi ứng viên và ông Trump trải qua 2 cuộc ám sát hụt, thì cử tri đang có xu hướng quay về ủng hộ cho ứng viên của đảng mình. Cả ông Trump lẫn bà Harris đều nhận được sự ủng hộ của 93% cử tri của từng đảng (Cộng hòa hoặc Dân chủ) tham gia khảo sát. Còn với các cử tri độc lập, không theo đảng phái nào, thì kết quả thăm dò cho thấy 40% ủng hộ bà Harris, còn ông Trump nhận tỷ lệ 39%.
Quan điểm đối với tình hình kinh tế hiện tại, cử tri tham gia khảo sát đều đánh giá khác biệt giữa tình trạng chung của Mỹ và tại bang quê nhà người tham gia khảo sát. Gần 2/3 cử tri nhận xét kinh tế Mỹ đang "nghèo hoặc không tốt". Nhưng khi được hỏi về nền kinh tế ở bang nhà, phần lớn 52% đánh giá là tốt hoặc xuất sắc.
Bầu cử Mỹ: Cử tri nghĩ gì về hai ứng cử viên Trump - Harris?
Nguy cơ tranh cãi kết quả
Từ kết quả trên, nhiều ý kiến nhận định khả năng cao là kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm nay sẽ phụ thuộc vào một số ít cử tri, mà nhiều khả năng là tập trung vào khoảng 6% đang dao động, chưa đưa ra lựa chọn. Nói một cách khác, ứng viên chiến thắng có thể không tạo ra nhiều cách biệt so với đối thủ trong kết quả bỏ phiếu ở 7 bang "chiến địa".
ĐỒ HỌA: HOÀNG ĐÌNH
Trong khi đó, một vấn đề đang được đặt ra là việc tính kết quả đối với các phiếu bỏ qua đường bưu điện có thể gây tranh cãi lớn. Theo tờ The New York Times, bỏ phiếu qua thư ngày càng phổ biến trong bầu cử Mỹ, nhưng phiếu bầu qua thư bị từ chối thường xuyên hơn nhiều so với phiếu bầu trực tiếp. Ở Pennsylvania và một số các bang khác, hai đảng đang tranh cãi về việc phiếu nào hợp lệ để tính và phiếu nào không. Cụ thể đó là tiêu chí phiếu nào cử tri được phép sửa hay phiếu nào bị lỗi đến mức không được tính. Chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng cách giải thích theo luật định được cho là có thể diễn giải theo nhiều hướng khác nhau, dễ dẫn đến tranh cãi căng thẳng.
Trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020, các quan chức bầu cử Pennsylvania đã từ chối hơn 34.000 lá phiếu qua thư, hay số phiếu bị từ chối ở Michigan là 20.000 phiếu, Arizona từ chối 7.700 phiếu, Nevada từ chối 5.600 phiếu và Wisconsin không tính khoảng 3.000.
Tuy những con số này nhỏ hơn rất nhiều so với tổng số hàng triệu cử tri, nhưng các ứng viên thường chiến thắng với số phiếu không quá chênh lệch. Điển hình trong cuộc bầu cử năm 2020, ông Joe Biden chỉ giành chiến thắng trước ông Donald Trump ở Arizona khi nhiều hơn 10.000 phiếu, con số này là 12.000 phiếu ở Georgia, 21.000 phiếu ở Wisconsin. Tương tự, năm 2016, ông Trump chỉ giành chiến thắng mong manh trước bà Hillary Clinton ở Michigan nhờ nhiều hơn 11.000 phiếu, Wisconsin với 23.000 phiếu.
Năm nay, khi kết quả chung cuộc được cho là có thể lệ thuộc vào số ít cử tri đang dao động, dẫn đến cách biệt thắng thua sẽ không lớn, thì việc "tính đúng tính đủ" số phiếu càng trở nên quan trọng hơn. Không những vậy, nước Mỹ đang bị chia rẽ không sâu sắc, nên sự tranh cãi về kết quả bầu cử nếu tái diễn sẽ có thể gây nên hậu quả không nhỏ.
Ông Trump công bố chiến dịch chống người nhập cư
Cựu Tổng thống Trump ngày 11.10 tiếp tục có những tuyên bố cứng rắn về cam kết chống lại người nhập cư nếu đắc cử.
Là người phản đối làn sóng nhập cư trái phép, ông Trump coi việc người di cư ồ ạt đến Mỹ như một cuộc "xâm lược". Trong bài phát biểu tại thành phố Aurora, bang Colorado, ông Trump thông báo về "chiến dịch Aurora" nhằm chống lại người nhập cư, theo tờ The Guardian đưa tin ngày 11.10. Cựu tổng thống còn tuyên bố sẽ đề xuất dự luật cấm tất cả "thành phố trú ẩn" - thuật ngữ chỉ những khu vực có chính sách bảo vệ người nhập cư không giấy tờ. Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ thực hiện cuộc trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ nếu quay lại Nhà Trắng.
Cùng ngày 11.10, Phó tổng thống Harris có sự kiện vận động tại thành phố Scottsdale, bang Arizona. Viết trên mạng xã hội X, bà Harris nhấn mạnh nếu tái đắc cử, sẽ sửa hệ thống nhập cư đang gặp vấn đề. "Điều này bao gồm bảo vệ biên giới và đưa ra phương án nhân đạo để những người chăm chỉ có thể nhận quốc tịch. Tôi bác bỏ ý tưởng sai lệch rằng chúng ta không thể làm cả hai việc trên", bà tuyên bố.
Bầu cử Mỹ có thể xảy ra kịch bản chưa từng có trong vòng gần 40 năm Trong cuộc bầu cử năm nay, có thể không ứng viên nào chiến thắng ở cả 3 bang chiến trường gồm Michigan, Wisconsin và Pennsylvania, một nhà khảo sát thuộc đảng Cộng hòa Mỹ dự đoán. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (phải) và cựu Tổng thống Donald Trump (Ảnh: AFP). Trả lời phỏng vấn Fox Business hôm 24/10, nhà khảo sát Mitchell...