Ai đang ‘bá chủ’ thị trường đám mây?
Ba công ty Amazon, Microsoft và Google chiếm 2/3 ngân sách cho dịch vụ đám mây trên toàn cầu. Họ đang sử dụng sức mạnh của mình để duy trì vị thế trên thị trường này.
Dịch Covid-19 mang đến cú hích cho bộ ba công ty đang thống trị thị trường điện toán đám mây. Khi kinh tế thế giới bước sang giai đoạn khó lường, Amazon, Microsoft và Google dường như lại càng có cơ hội thi triển sức mạnh.
Theo hãng nghiên cứu Synergy, ba hãng chiếm 65% trong tổng số 53 tỷ USD ngân sách cho dịch vụ điện toán đám mây trong quý I năm nay, tăng từ 52% của bốn năm trước. Khả năng kiểm soát của họ sẽ còn tiếp diễn do với quy mô của mình, họ có thể tiếp tục đầu tư và thu hút khách hàng tìm kiếm sự ổn định trong thời kỳ hỗn loạn.
Các bộ phận đám mây của Amazon, Microsoft và Google đều tăng trưởng mạnh, doanh số tăng hơn 30% trong các quý gần đây, trong khi các dịch vụ nhỏ hơn lại ghi nhận thị phần sụt giảm vào tay các nền tảng lớn nhất. Dịch bệnh kéo theo chi tiêu dành cho các dịch vụ đám mây tăng mạnh khi mọi người chuyển sang học tập, làm việc trực tuyến.
Những người chơi hàng đầu củng cố địa vị một phần vì ngành này yêu cầu đầu tư khổng lồ vào máy chủ và các cơ sở chứa chúng. Các trang trại máy chủ càng lớn, chi phí xây dựng và vận hành trung bình càng thấp, khiến cho ba cái tên nói trên có lợi thế hơn hẳn đối thủ nhỏ. Họ cũng được hưởng lợi nhờ khả năng tự phát triển chip, phần mềm và công nghệ khác cho đám mây.
Matt Garman, Phó Chủ tịch cấp cao Phụ trách Bán hàng và Tiếp thị tại Amazon Web Services (AWS), cho biết, họ đã đầu tư mạnh vào thị trường trong 15 năm. Nó không phải thứ người khác dễ dàng bắt kịp. Trong lúc này, những doanh nghiệp nhỏ trong ngành lại đối mặt với thách thức huy động vốn khó hơn do thị trường chứng khoán giảm đồng nghĩa các nhà đầu tư không sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Ngoài ra, khách hàng cũng có xu hướng gắn bó với đối tác lớn do tính ổn định cao hơn và nhiều tính năng hơn.
Hãng phần mềm du lịch Sabre quyết định thao tác nhiều hơn trên đám mây để tiết kiệm tiền và gia tăng tính linh hoạt. Họ sử dụng dịch vụ đám mây của Google để phân tích lượng lớn dữ liệu, thay vì quản lý hàng trăm phần mềm khác của bên thứ ba. Giám đốc Công nghệ thông tin của Sabre ước tính 28% chi tiêu của hãng cho dịch vụ đám mây chảy vào túi Google và dự kiến tăng lên 65% vào cuối năm.
Video đang HOT
Doanh thu gộp từ đám mây của Amazon, Google và Microsoft tăng trưởng hơn 33% vào năm 2021 và dự kiến tăng gần 29% năm nay. Theo Thomas Kurian – CEO Google Cloud, khi các lĩnh vực công nghệ khác đi chậm lại, nhu cầu của dịch vụ đám mây vẫn mạnh mẽ. Thị phần toàn cầu của Google đã tăng từ 1,5% năm 2015 lên 7,1% năm 2021, theo Gartner.
Trước sự thống trị của các “ông lớn”, một số người chơi mới như startup Sushi Cloud muốn tạo đột phá bằng cách tập trung vào thị trường ngách, chẳng hạn giúp phần mềm trí tuệ nhân tạo hoạt động trong đám mây với chi phí rẻ hơn. Những hãng khác như Cloudflare lại thu hút khách hàng bằng cách đưa ra mức phí rẻ hơn để chuyển dữ liệu lên đám mây.
Dù vậy, thực tế là Big 3 vẫn ở lại thị trường và ngày càng lớn mạnh. “Tôi chỉ hi vọng có nhiều dự địa để những công ty mới nổi lên và không bị đe dọa”, COO Sushi Cloud Shauna O’Flaherty bày tỏ.
Singapore: Chính quyền 'lên mây', đến đồng hồ nước cũng thông minh
Các hệ thống lưu trữ trên đám mây thương mại của của Cơ quan quản lý nước quốc gia tại Singapore kiểm soát lượng nước sử dụng và rò rỉ, đưa ra tư vấn cho các hộ gia đình.
Cuối năm 2018, chính phủ Singapore công bố kế hoạch 5 năm để chuyển dịch 70% hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) từ hạ tầng tại chỗ sang đám mây thương mại. Mục tiêu của kế hoạch là tăng tốc và cải thiện chất lượng dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp tại đây. Từ đó tới nay, Singapore đã chuyển gần 600 hệ thống lên mây và trên đà đạt chỉ tiêu vào năm tài chính 2023.
Một trong những lợi ích chính của đám mây là khả năng kết nối hệ sinh thái đối tác rộng lớn hơn, bao gồm người dùng, nhà phát triển với các cơ quan nhà nước. Tận dụng năng lực và dịch vụ đám mây của các hệ thống đám mây thương mại còn giúp chính phủ phát triển ứng dụng và dịch vụ cho người dân theo cách nhanh hơn, quy mô hơn, theo ông Kevin Ng, phụ trách công nghệ tại Cơ quan công nghệ chính phủ Singapore (GovTech).
Cơ quan nhà nước có thể tiếp cận hệ sinh thái toàn cầu các giải pháp hoàn chỉnh để bổ sung những tính năng nâng cao cho các dịch vụ kỹ thuật số của họ, thay vì tạo ra từ số không. Việc thử nghiệm và triển khai ứng dụng cũng được tự động hóa và thực hiện theo thời gian thực, tăng tốc độ cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho mọi đối tượng.
Dịch vụ công linh hoạt hơn khi "lên mây"
Mạng tương tác doanh thu nội địa (IRIN), hệ thống CNTT nền tảng của dịch vụ quản lý thuế và thu ngân sách Singapore, là một ví dụ cho thấy chuyển đổi sang đám mây thương mại có thể cải thiện tính linh hoạt của các dịch vụ công như thế nào.
Hàng năm, IRIN có khoảng 5 triệu pháp nhân và 2.000 cán bộ sử dụng. Hệ thống IRIN đang được nâng cấp để nâng cao trải nghiệm cho người đóng thuế và cán bộ phụ trách. Nó được lưu trữ trên đám mây thương mại thông qua hợp tác với GovTech, trong khi các công cụ DevOps được ứng dụng để tăng cường tự động hóa.
Những thay đổi quan trọng đối với hạ tầng của hệ thống bao gồm chuyển dịch từ kiến trúc nguyên khối hiện tại sang dịch vụ vi mô - triển khai các chức năng, dịch vụ độc lập thay vì như một bộ phận đơn lẻ - để có khả năng mở rộng, nhanh chóng và ổn định.
Khi hoàn thành, hệ thống mới giúp người đóng thuế hoàn thành các nghĩa vụ thuế chỉ trong thời gian ngắn. Quy trình khai thuế của các doanh nghiệp cũng được đơn giản hóa và tích hợp sâu hơn với hệ thống và phần mềm kế toán.
(Ảnh: Smartnation.gov.sg)
Các hệ thống khác dự kiến được lưu trữ trên đám mây thương mại còn có IRIS của Cơ quan phát triển truyền thông Infocomm, chương trình đồng hồ nước thông minh của Cơ quan quản lý nước quốc gia (PUB). IRIS loại bỏ yêu cầu phải gửi nội dung để phân loại của các công ty truyền thông, CNTT, đồng thời cung cấp thông tin cập nhật về tình trạng hồ sơ cùng các tính năng khác.
Sau đó, PUB sẽ lắp đặt đồng hồ nước thông minh đầu tiên của Singapore vào năm 2021. PUB sẽ có thể đọc chỉ số sử dụng nước của hộ gia đình không dây và cung cấp cho các hộ gia đình thông tin sớm về điều chỉnh tiết kiệm nước thông qua cổng thông tin khách hàng.
Theo PUB, 300.000 đồng hồ nước thông minh đầu tiên của Singapore sẽ được lắp đặt từ đầu năm 2022, nằm trong kế hoạch số hóa hệ thống nước. Các đồng hồ này dùng công nghệ kỹ thuật số để kiểm soát lượng nước sử dụng và rò rỉ nước tại các hộ gia đình, tòa nhà thương mại, công nghiệp. PUB có thể đọc thông tin từ xa và đưa ra tư vấn cho các hộ gia đình về việc điều chỉnh sử dụng nước thông qua cổng khách hàng.
Đảm bảo an toàn cho dữ liệu trên điện toán đám mây
Để hỗ trợ sử dụng đám mây thương mại trong phát triển hệ thống CNTT chính phủ, GovTech sẽ tăng cường Singapore Government Tech Stack (SGTS). Đây là nền tảng tập trung cho phép triển khai nhanh chóng, hiệu quả các dịch vụ kỹ thuật số của chính phủ, cung cấp các dịch vụ, công cụ để cơ quan nhà nước dùng nhằm duy trì sự nhất quán và chất lượng ứng dụng.
Ông Bernard Tan, Giám đốc Dịch vụ cố vấn An ninh mạng tại GovTech, cho biết với tư cách nền tảng tập trung, SGTS sẽ bảo đảm các biện pháp bảo mật dữ liệu và an ninh mạng được tích hợp trong quá trình phát triển hệ thống CNTT. Điều này đặc biệt quan trọng khi dữ liệu của chính phủ và công dân lưu trữ trên hệ thống đám mây thương mại.
Ông chia sẻ, chính phủ áp dụng nguyên tắc đưa bảo mật vào trong mọi bước phát triển ứng dụng. Chuyển lên đám mây thương mại giúp các cơ quan tận dụng dịch vụ bảo mật tích hợp sẵn có của đám mây để cải thiện bảo mật, cũng như hiện đại hóa và bảo vệ việc triển khai ứng dụng, trong khi đạt được sự "đàn hồi" cao hơn thông qua các tính năng tự động mở rộng quy mô của đám mây.
Chẳng hạn, hệ thống eExam2 của Hội đồng đánh giá và kiểm tra Singapore (SEAB) là một dự án sử dụng SGTS, tự động điều chỉnh năng lực trong thời gian thi cử cao điểm. SEAB đã áp dụng các kỳ thi điện tử (e-exam) cho các kỳ thi nói tất cả các môn ngoại ngữ từ năm 2013, trong đó, video clip dùng để đánh giá kỹ năng nói của học sinh. Các bài thi viết trên máy tính cũng được dùng cho một số chủ đề.
Dù vậy, Singapore cần nỗ lực nhiều hơn để mang đến cơ hội cho khu vực tư nhân trong việc ủng hộ sáng kiến ưu tiên đám mây. Tính riêng năm 2020, nước này ký hợp đồng với 17 công ty trong cuộc đấu thầu để hỗ trợ các cơ quan nhà nước bắt tay vào các dự án tận dụng SGTS, kèm theo yêu cầu phải phát triển ứng dụng lưu trữ trên đám mây.
Lưu trữ dịch vụ và hệ thống chính phủ trên đám mây mang đến nhiều lợi ích so với phương thức lưu trữ tại chỗ hiện tại. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhắc đến điều này khi phát biểu tại sự kiện Stack 2018 do GovTech tổ chức. Thủ tướng nhấn mạnh lưu trữ hệ thống trên đám mây sẽ giảm đáng kể chi phí vận hành và cho phép các tổ chức "vận hành hệ thống 24/7". Khi Singapore tiếp tục hành trình thực hiện mục tiêu trở thành Quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới, "câu hỏi đặt ra cho chính phủ không phải là có làm hay không, mà là tận dụng đám mây đến mức nào và vượt qua các vấn đề, giảm thiểu rủi ro ra sao", ông Lý Hiển Long phát biểu.
Người dân Anh hưởng lợi khi chính phủ 'lên mây' Vương quốc Anh đã sớm nhìn nhận công nghệ điện toán đám mây là yếu tố nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Kể từ năm 2013, chính phủ Anh đã đưa ra chính sách ưu tiên đám mây "Cloud first" nhằm thúc đẩy áp dụng rộng rãi điện toán đám mây (cloud computing) trong khu vực công nhằm nâng...