“Ai cũng có thể làm phim!”
Đó là thông điệp mà lễ kỉ niệm một năm dự án “We Are Film Makers” của Trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh TPD muốn gửi tới tất cả các bạn trẻ đã đang và sẽ yêu thích điện ảnh đó.
Lễ kỉ niệm 1 năm cây nhà lá vườn mà cực kỳ hoành tráng
Những ai có dịp tình cờ đi ngang qua trung tâm văn hóa Pháp L”espace lọa lạc tại phố Tràng Tiền buổi tối ngày 10.04 vừa qua, hẳn đều bị choáng ngợp bởi một màu xanh lá cây tươi mát như chồi non mạnh mẽ. Vâng, đó chính là bản sắc của “We Are Film Makers” (WAFM) – những nhà là làm phim không chuyên tuổi teen cực kỳ trẻ trung và năng động. Và tối 10.04 ấy chính là buổi tiệc “nho nhỏ” dành cho những học viên đã gắn bó với dự án “We Are Film Makers” của Trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh của Hội Điện Ảnh (TPD) suốt một năm qua kể từ lúc bắt đầu.
Một lễ kỷ niệm ngập tràn màu xanh.
Nói là “nho nhỏ” thế thôi mà không khí tại hội trường L”espace đêm đó hơi bị hoành tráng đấy nhé. Đã có rất nhiều phóng viên của các báo đài đến chung vui với lễ kỉ niệm một năm dự án “Chúng ta làm phim” của tụi mình. Cũng có rất đông học viên WAFM mặc đồng phục màu xanh lá chạy qua chạy lại và phỏng vấn những nhân vật nổi tiếng như chú đạo diễn Bùi Thạc Chuyên hay phỏng vấn ngay chính những học viên về cảm xúc của họ trong quá trình thử sức làm phim. Ê kíp phỏng vấn trước “giờ G” rồi cả đội ngũ lo âm thanh ánh sáng, quay phim và MC trong buổi lễ kỉ niệm này đều là học viên của WAFM đảm nhận cả.
Nhưng phần hay ho nhất của buổi lễ kỉ niệm một năm dự án “Chúng ta làm phim” của chúng mình thú vị nhất lại là ở phần sau, khi tất cả mọi người đã có mặt trong hội trường của L”espace cơ. Bởi vì đó là lúc chúng tớ tổng kết dự án “Chúng ta làm phim” hoạt động trong một năm qua. WAFM đã hoàn thành được hơn 60 tác phẩm tài liệu và 10 tác phẩm phim truyện ngắn với rất nhiều đề tài và thể loại khác nhau. Thế mà hôm đó chúng tớ chỉ công chiếu có 6 phim tài liệu và 3 phim ngắn của các bạn học viên trẻ tuổi thôi. 9 bộ phim xuất sắc nhất ấy đã vượt qua phòng kiểm duyệt gắt gao của ban giám khảo để lọt vào danh sách đề cử cuối cùng. Lễ kỉ niệm một năm WAFM của chúng tớ biến thành lễ trao giải “Búp Sen” cực kỳ ấn tượng và hồi hộp chẳng kém gì tham dự Oscar đâu nhé. Cứ sau mỗi bộ phim được công chiếu, sau mỗi giải thưởng được vang tên, cả khán phòng dường như vỡ òa ra vì những tiếng vỗ tay, thậm chí còn có cả tiếng hô của các “fan hâm mộ” các nhà làm phim trẻ nhận giải thưởng hôm đấy nữa í.
Video đang HOT
Và giải “Búp Sen” của tụi mình đã tìm ra được chủ nhân xứng đáng cho chiếc cúp vàng và bạc với nhiều hạng mục khác nhau:
Giải thưởng dành cho phim xuất sắc nhất được làm bởi học sinh cấp hai: phim “Cổng trường”
Giải thưởng dành cho phim tài liệu được yêu thích nhất: phim “Mẹ và con”
Giải thưởng dành cho phim truyện ngắn được yêu thích nhất: phim “Ảo vọng”
Giải đặc biệt dành cho thể loại phim tài liệu do BGK bình chọn: phim “Mẹ và con”
Giải bạc dành cho thể loại phim tài liệu do BGK bình chọn: phim “Nhọc nhằn than”
Giải vàng dành cho thể loại phim tài liệu do BGK bình chọn: phim “Khi ta 20″
Giải vàng dành cho thể loại phim truyện ngắn do BGK bình chọn: phim “Bộ đồng phục”
Các bạn trẻ ăn mừng chiến thắng cùng Búp Sen Vàng.
Kỉ niệm một năm dự án “Chúng ta làm phim” đã kết thúc trong thành công và “tham vọng hừng hực” được lên sân khấu nhận giải cho năm tới của rất nhiều WAFMers. Mà không chỉ chúng tớ thôi đâu, chính bạn cũng sẽ là người có cơ hội đó đấy nếu bạn yêu và dám trải nghiệm để trở thành một nhà làm phim.
Cộng đồng WAFMers hay những câu chuyện cực “fun”
Khi đứng trên bục nhận giải thưởng dành cho phim xuất sắc được làm bởi học sinh cấp hai, cô bạn Hồ Thanh Thảo đã rất hào hứng khẳng định rằng làm phim thực sự là một niềm vui lớn. Đó cũng là cảm xúc chung của tất cả học viên dưới ngôi nhà WAFM ấm áp. Không phải họ hàng máu mủ nhưng các học viên của WAFM yêu quý nhau như anh em vậy đó. Thế nên, khi giải bạc dành cho bộ phim “Nhọc nhằn than” của cậu bạn Lê Mỹ Cường được vang danh, người xúc động nhất hóa ra không phải tác giả mà là cô “em gái” Ngô Đài Trang. Tội nghiệp chiếc máy quay mà chàng Mỹ Cường đang đứng máy đã bị cái xô bất ngờ của Trang xoay đến… 90 độ trên giá đỡ. (phù, may mà không đổ!)
Các bạn làm phim hầu hết đều là teen đó.
Khán phòng của L”espace hôm đó đã không ít lần rộ lên khi hai chàng trai Kiên Bounce và Hùng Body xuất hiện hay phát biểu. Kiên là tác giả kịch bản kiêm đạo diễn kiêm vai diễn… chàng trai ăn xin tội nghiệp của “Ảo Vọng”, trong khi Hùng là diễn viên chính với vẻ mặt… ngơ ngơ có tính đặc trưng nhưng cũng là quay phim đầy sắc sảo của phim “Bộ đồng phục”. Phải nói rằng họ cực kỳ “nổi tiếng” đấy nhé.
Cô bé tài năng Nguyễn Bích Diệp – biên kịch, đạo diễn kiêm diễn viên chính của “Bộ Đồng Phục”, đã khiến cho tất cả khán giả phải ngỡ ngàng. Thay vì một cô bé nhà nghèo ăn vận rách rưới và chân tay lấm lem ở trên phim, ngoài đời Diệp lại là một cô bạn cực kỳ trắng trẻo và xinh xắn, ăn vận gọn gàng. Còn cậu MC Anh Duy học lớp 8 với vóc dáng bé nhỏ thì cũng chính là diễn viên trong phim “Xin lỗi em trai” được công chiếu. Chia sẻ với mọi người về quá trình làm phim, chính Anh Duy là người đã đề nghị phải quay cảnh thật để thêm phần sống động. Kỉ niệm làm phim “Xin lỗi em trai” với Duy là những cú tát đau cực kỳ của “cô chị” mà cậu bạn vẫn tươi cười “làm phim phải như thế chứ!”
Anh Duy và Phương Trang đang tập dượt kịch bản chương trình.
Ai cũng có thể trở thành nhà làm phim !
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.
Đó chính là thông điệp mà chính những cô chú trong nghề, là những người thầy lớn của chúng tớ tại WAFM, và của cả cộng đồng làm phim trẻ TPD muốn mang đến cho tất cả các bạn trẻ trong sự kiện một năm dự án này. Có lẽ bởi thế mà bài phát biểu khai mạc buổi lễ kỉ niệm và tổng kết 1 năm dự án của chú Bùi Thạc Chuyên đã biến thành câu chuyện chia sẻ của chính đạo diễn về những ngày đầu đến với phim ảnh. Hóa ra, chính những người chuyên nghiệp như chú Bùi Thạc Chuyên hay cô Phan Huyền Thư cũng chỉ bắt đầu làm phim đơn giản như chính học viên WAFM của chúng mình bây giờ thôi nhé. Đối với chú Chuyên, những người làm nghệ thuật chính là sung sướng nhất bởi: “Người mạnh mẽ nhất không phải là người có sức mạnh cơ bắp nhất mà chính là những người có sự tưởng tượng phong phú nhất”.
Cô Phan Huyền Thư.
Cô Huyền Thư thì nhắc nhở với chúng tớ hãy luôn nhớ đến câu chuyện về cậu bé Mã Lương và cây bút thần kỳ của cậu có thể vẽ nên được mọi thứ trên đời. Trong mỗi người trẻ chúng ta đều có sẵn một cây bút như thế. Ngôi nhà WAFM đã giúp chúng tớ tìm và khởi động năng lực chiếc bút của chính mình. “Bản chất của điện ảnh là sự chuyển động và mỗi nhà làm phim chúng ta đều có thể vẽ ra thế giới riêng của mình”. Và đó cũng chính là tham vọng của quỹ Ford khi tài trợ cho dự án “Chúng ta làm phim”, như lời ông Michael DiGregorio đã phát biểu: “Thế hệ chúng tôi là thế hệ của bút, giấy và máy tính. Còn thế hệ của các bạn là thế hệ của hình ảnh và âm thanh”.
Mẹ và em gái của Huyền My cũng lên sân khấu để chúc mừng cho bạn ý đó.
WAFM thực sự đã chấp cánh ước mơ cho rất nhiều những bạn trẻ yêu thích phim ảnh, thành công của bộ phim tài liệu “Mẹ và con” chính là minh chứng cho điều đó. “Mẹ và con” là bộ phim duy nhất nhận được hai giải thưởng ngày hôm ấy, đó là câu chuyện rất chân thật về những khác biệt thế hệ giữa những cô con gái với đam mê làm phim và thời trang và mong ước của mẹ cho con cái có một cuộc sống ổn định với nghề kinh tế. Thế nhưng khi lên nhận giải cùng với con gái Phan Huyền My của mình, mẹ của tác giả trẻ này đã hiểu và đồng ý để cho con theo đuổi ước mơ của mình.
Chiếc vòng tay màu xanh này chính là biểu tượng
cho sự quyết tâm của các bạn tham gia vào dự án Chúng Ta Làm Phim.
Và quả đúng là như vậy. Chỉ cần bạn có đam mê và quyết tâm thử sức, vậy là đủ. Đối với những nhà làm phim, điều quan trọng nhất không phải là phim hay hay dở, quan trọng là hoàn thành một bộ phim. Tôi có thể, tại sao bạn không thể? Phải không?
Theo kênh 14