Ai cũng biết 24 hình/giây nhưng mấy ai biết ý nghĩa thực sự
24 hình/ giây là một thuật ngữ phổ biến. Bạn có biết ý nghĩa thực sự đằng sau con số này?
Số hình trên một giây là số hình ảnh chuyển động liên tiếp được ghi lại và phát ra trên đơn vị giây, nói ngắn gọn là tốc độ khung hình (fps – frames per second) Mắt người rất nhạy với các chuyển động và nhìn được với tốc độ rất cao, cao hơn nhiều lần 24 hình/ giây. Nhưng 24 là con số tối thiểu để đảm bảo hình ảnh chuyển động như thật.
Thời kì phim câm, các bộ phim chỉ được quay ở mức 16 hình/ giây, do đó người xem sẽ có cảm giác hình ảnh bị giật, vì số hình trên một giây không đủ lấp đầy các chuyển động với độ nhạy của mắt người.
16 hình/ giây được sử dụng một thời gian dài. Bước vào kỉ nguyên phim có tiếng, vấn đề được đặt ra là phải khớp tiếng với hình thì con số 16 buộc phải lùi vào dĩ vãng. Với kĩ thuật tiên tiến, người ta bắt đầu xác định được mức chuẩn 24 hình/ giây cho việc ghi hình.
Phim The Gold rush – Cơn sốt vàng 1925 vẫn còn ghi hình ở tốc độ khung hình 16 hình/ giây
Các rạp chiếu bắt đầu được trang bị để chiếu phim tới tốc độ từ 22 đến 26 hình/ giây. Từ 1927 đến 1930, các studio sản xuất phim buộc phải cập nhật lại các thiết bị cho đồng bộ và 24 hình/ giây chính thức trở thành tốc độ khung hình tiêu chuẩn cho phim nhựa 35mm.
Người ta đã chỉ ra các ưu thế của con số 24 này. Nó đảm bảo sự ăn khớp giữa hình và tiếng, tránh được hiện tượng nháy hình. Đây cũng là con số tối thiểu nên sử dụng phim ít nhất, giảm chi phí và tối đa hóa lợi nhuận.
Ngày nay, phim nhựa gần như đã bị xóa sổ bởi sự lạc hậu, cồng kềnh đi sau thời đại của nó. Người ta chủ yếu sử dụng máy quay kĩ thuật số có nhiều ưu thế hơn, rẻ hơn, dễ lưu trữ hơn. Các thiết bị thu hình có khả năng quay với tốc độ cao hơn rất nhiều, nhưng tại sao 24 hình/ giây vẫn không bị thay thế?
Video đang HOT
Câu trả lời là vì con số 24 không chỉ có ý nghĩ về mặt kĩ thuật, nó còn có ý nghĩ về nghệ thuật xuyên suốt chiều dài lịch sử của môn nghệ thuật thứ bảy. 24 hình/ giây tạo nên “nhược điểm” nhòe hình khi thể hiện các cảnh chuyển động nhanh. Điều này được khắc phục với các máy quay hiện đại, 48 hình hoặc thậm chí 72 hình/ giây. Nhưng chính nhược điểm này lại được xem như một nét đẹp đặc trưng của điện ảnh.
Motion blur (nhòe hình) xuất hiện khi có chuyển động nhanh
Tương tự như việc rất nhiều người thích chụp ảnh xóa phông, những hình ảnh vừa thực vừa ảo đem lại cảm giác mới lạ, đậm chất nghệ thuật hơn so với một hình ảnh chi tiết đến từng chuyển động. Khán giả thích điều này bởi họ sẽ không thể tìm thấy hình ảnh kiểu đó trong thực tế cuộc sống. Chất nghệ thuật, ranh giới thực và hư mới là yếu tố để khán giả đến rạp, tận hưởng không khí của một bộ phim trong rạp chứ không phải qua truyền hình.
Bộ phim The Hobbit của đạo diễn Peter Jackson được quay tốc độ cao 48 hình/ giây đã vấp phải những lời chê bai từ người hâm mộ. Nhiều người cho rằng hình ảnh “quá thực” đã làm mất chất điện ảnh. Thậm chí họ có cảm giác như đang xem phim truyền hình thay vì một bom tấn hàng trăm triệu đô. Tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ điện ảnh, nhiều người dự đoán trong tương lai, 48 hình/ giây vẫn sẽ là lựa chọn ưu tiên cho những bộ phim có nhiều cảnh hành động ở quy mô lớn.
Nét đến từng chi tiết nhưng The Hobbit lại bị chê thiếu tính điện ảnh
Trò chơi vương quyền – Game of Thrones là phim truyền hình nhưng cũng áp dụng tốc độ khung hình 24 hình/ giây để tạo cảm giác như phim điện ảnh
Đã hơn 90 năm trôi qua kể từ ngày xuất hiện vào năm 1926, 24 hình/ giây vẫn được coi là tỉ lệ vàng cho tốc độ khung hình điện ảnh. Sự thay thế có thể xuất hiện ở cấp độ nhỏ lẻ, nhưng muốn thay đổi hoàn toàn tỉ lệ này thì cần đến những cuộc cách mạng thực sự về công nghệ.
Theo Danviet
Phim "màn bạc" nhưng tại sao mọi thứ trong rạp chiếu đều màu đỏ?
Mọi thứ trong rạp chiếu của một tác phẩm màn bạc, từ ghế, rèm đến thảm đều có màu đỏ. Tại sao lại vậy?
Cách gọi màn bạc bắt nguồn từ chất liệu làm nên phim nhựa để ghi hình bộ phim. Phim nhựa làm từ polyme, gelatin, một thành phần quan trọng là lớp phủ ngoài bằng bromua bạc (AgBr). Bromua bạc rất nhạy với ánh sáng, nó phân hủy ngay khi gặp ánh sáng tạo ra Bạc và Brom. Bạc được tạo ra dính lại trên màn phim, giúp ghi lại hình ảnh.
Mọi thứ trong rạp chiếu của một tác phẩm màn bạc, từ ghế, rèm đến thảm đều có màu đỏ. Tại sao lại vậy?
Với những nguyên liệu như vậy, lẽ dĩ nhiên là phim nhựa cực kỳ đắt đỏ, vì thế người làm phim phải quý trọng từng thước phim, mọi khâu từ kịch bản, diễn xuất phải được đảm bảo kĩ càng trước khi chính thức ghi hình. Danh từ "màn bạc" không chỉ dùng để nói về chất liệu làm phim, nó còn đại diện cho quá trình lâu dài, với sự đầu tư khổng lồ về trí tuệ, sức lực lẫn tiền bạc để cho ra đời một tác phẩm đỉnh cao đậm chất nghệ thuật. "Màn bạc" có tên gọi khác là "màn ảnh rộng", khác với "màn ảnh nhỏ" để chỉ phim truyền hình.
Phim nhựa đắt đỏ và cả việc chỉnh sửa, lưu trữ nó cũng cực kì công phu, tốn kém
Tuy ngày nay phim nhựa gần như đã bị xóa sổ bởi sự phát triển của các máy quay kĩ thuật số ưu việt hơn hẳn, các phim "màn bạc" vẫn khẳng định vị trí của mình như một nhân chứng lịch sử cho quá trình phát triển của điện ảnh.
Nguyên nhân mọi thứ trong rạp chiếu đều có màu đỏ vì mắt người dễ bỏ qua màu đỏ nhất trong điều kiện ánh sáng yếu, để nó hòa vào với môi trường xung quanh. Dù màu đỏ trông có chói mắt nhất dưới ánh sáng tự nhiên thì vào trong rạp, với điều kiện ánh sáng yếu, bạn vẫn cảm thấy dễ chịu với một khung cảnh toàn màu đỏ. Mắt bạn dễ dàng thích nghi và tập trung được vào màn hình hơn.
Một cảnh với bối cảnh rạp chiếu phim trong Lalaland. Màu đỏ của không gian chung quanh cùng ánh sáng dịu giúp trang phục xanh lá của nhân vật nổi bật
Từ ghế, thảm, đến rèm che trong rạp đều màu đỏ
Màu đỏ là ánh sáng có bước sóng dài nhất trong quang phổ chúng ta nhìn thấy được (gần với tia hồng ngoại, vô hại) và ngược lại với màu tím có bước sóng ngắn nhất (gần với tia cực tím)
Không chỉ trong rạp chiếu phim, ở các phòng hòa nhạc, rạp hát nói chung, phòng hội nghị, ghế và rèm cũng thường có màu đỏ.
Theo Danviet