Ai có quyền điều cảnh sát cơ động đến BOT Cai Lậy?
Trong ngày BOT Cai Lậy thu phí trở lại sau 3 tháng tạm ngưng, cảnh sát cơ động được điều đến đây làm nhiệm vụ bảo an. Bạn đọc thắc mắc lực lượng này được điều động như thế nào?
Cảnh sát cơ động thuộc Công an Nhân dân, lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Việc điều động Cảnh sát cơ động được quy định tại Điều 4 Thông tư 58/2015/TT-BCA quy định tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Cảnh sát cơ động.
Cảnh sát cơ động áp giải một tài xế ra khỏi BOT Cai Lậy. Ảnh: Minh Anh
Theo đó, các cơ quan có quyền điều động Cảnh sát cơ động gồm: Bộ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Giám đốc Công an tỉnh.
Cụ thể Bộ trưởng Bộ Công an có quyền điều động các đơn vị Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc.
Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền điều động các đơn vị Cảnh sát cơ động đến cấp Tiểu đoàn thuộc quyền để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc và kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an.
Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền điều động đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo kế hoạch, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi địa bàn quản lý và kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an.
Video đang HOT
Cảnh sát cơ động được điều đến trạm BOT Cai Lậy chiều 30.11. Ảnh: Việt Tường
Ngoài ra, tại Điều 10 Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 08/2013/UBTVQH13 quy định cụ thể hơn việc điều động lực lượng này.
Theo đó, chỉ huy cấp Trung đoàn, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động đóng quân độc lập cũng có quyền điều động lực lượng thuộc quyền của mình tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai và phải kịp thời báo cáo chỉ huy cấp trên.
Chỉ huy đơn vị Cảnh sát cơ động có quyền điều động, sử dụng lực lượng thuộc quyền để tiến hành các hoạt động vũ trang theo kế hoạch huấn luyện, diễn tập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cảnh sát cơ động cũng được điều động trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
Theo Luật sư Trần Thu Nam (Zing)
Hai tài xế bị áp giải vì phản ứng trạm Cai Lậy đã được về nhà
Liên quan đến việc hai tài xế được cho là quá khích tại trạm BOT Cai Lậy chiều qua, bị cảnh sát áp giải về trụ sở công an làm việc, hiện đã được trở về nhà.
Anh Nguyễn Minh Trung thời điểm trước lúc bị công an áp giải về đồn (ảnh Đức Hiệp)
Hai tài xế chiều qua bị công an áp giải về đồn là anh Nguyễn Minh Trung (31 tuổi, ngụ xã Phú Hữu, ngụ huyện Long Phú, Sóc Trăng) và ông Trịnh Hồng Phương (50 tuổi, ngụ TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Trao đối với PV, tài xế Nguyễn Minh Trung cho biết, anh đã được rời trụ sở công an huyện Cai Lậy vào lúc 23h đêm qua.
"Hôm qua khi bị đưa về đồn công an, tôi bị kiểm tra nồng độ cồn, xét nghiệm ma tuý... Sau khi làm tất cả các thủ tục, cơ quan công an đã lập biên bản tôi với 3 khuyết điểm: đã đóng phí qua trạm nhưng không chịu đi; có lời lẽ xúc phạm đến ngành công an nhân dân và lỗi ôm kính chắn gió của xe đặc chủng" - tài xế Trung nói.
Ông Phương bị áp giải đưa về đồn công an lúc chiều qua.
Anh Trung cũng nói thêm: "Công an huyện Cai Lậy có hẹn tôi vào lúc 8h sáng thứ bảy phải có mặt tại trụ sở công an để tiếp tục làm rõ một số vấn đề liên quan".
Đêm qua, sau khi anh Trung rời trụ sở công an được mấy phút thì ông Phương cũng được công an cho về.
Trao đổi với báo chí, một cán bộ công an huyện Cai Lậy cho biết, 2 trường hợp bị áp giải về trụ sở công an vì thời điểm khi xe các tài xế này đến trạm BOT Cai Lậy, tại đây đang xảy ra ùn tắc giao thông nên nhân viên ra hiệu cho xe này qua trạm. Tuy nhiên, anh Trung nhất quyết không qua và yêu cầu phải trả phí mới cho xe qua trạm. Sau đó, anh Trung cho dừng xe tại trạm và có hành vi la hét.
Nhiều tải xế qua trạm phản ứng bằng cách trả tiền lẻ (ảnh Đức Hiệp)
Về trường hợp ông Trịnh Hồng Phương sử dụng tiền để mua vé với cước phí là 25 ngàn đồng. Ông Phương đưa 24 ngàn đồng kèm theo 1 tờ tiền mệnh giá 500 đồng và 3 tờ mệnh giá 200 đồng. Tổng số tiền ông Phương sử dụng mua vé qua trạm là 25.100 đồng. Lúc này, ông Phương hỏi nhân viên của trạm có tiền lẻ để thối hay không? Nhân viên trả lời có đủ tiền lẻ. Ông Phương yêu cầu phải trả lại cho mình đúng 100 đồng tiền còn thừa.
Thời điểm này, tại khu vực Trạm thu phí đang xảy ra ùn tắc. Lực lượng CSGT yêu cầu ông Phương cho kiểm tra giấy tờ và đề nghị di chuyển ra khỏi làn thu phí để tránh sự ùn tắc giao thông trên tuyến QL 1.
Công an TX Cai Lậy cho rằng, ông Phương xuất trình giấy tờ nhưng không đồng ý cho xe di chuyển vào làn đường mà lực lượng chức năng yêu cầu. Lực lượng Công an đã yêu cầu xe cứu hộ đến di dời phương tiện ra ngoài.
Đêm qua nhiều tài xế cố tình trả dư một trăm đồng và yêu cầu nhân viên thu phí thối đủ mới qua trạm
Theo Công an huyện Cai Lậy, thời điểm xảy ra vụ việc, ông Phương không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ và có hành vi cản trở giao thông nên Cảnh sát cơ động đã áp giải về trụ sở Công an huyện; đồng thời cho xe cứu hộ đưa phương tiện ra khỏi làn thu phí.
Theo cơ quan chức năng, lúc này, anh Trung trèo lên xe đặc chủng của lực lượng Công an, hai tay ôm kính chắn gió và lớn tiếng phản đối việc áp giải ông Phương. Vì vậy, lực lượng làm nhiệm vụ đã khống chế, áp giải anh Trung đưa về trụ sở cùng với ông Phương.
Phạm Tâm
Theo Dantri
Bắt giam hai công an vì dùng nhục hình làm chết bị can Khi anh Minh bị chuyển từ nhà tạm giam Công an tỉnh Ninh Thuận xuống nhà tạm giữ Công an thành phố Phan Rang - Tháp Chàm thì đến chiều cùng ngày anh bị trọng thương. Sau đó, anh Minh đã tử vong khi được đưa đi cấp cứu. Chiều 24/11, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã khởi tố, bắt...