Ai chữa bệnh ung thư cho PGS Văn Như Cương?
20 ngày sau khi uống thuốc của lương y Nguyễn Bá Nho (Sóc Sơn, Hà Nội), Phó Giáo sư Văn Như Cương vào Bệnh viện Vinmec kiểm tra lại. Các bác sĩ rất ngạc nhiên vì không hiểu các khối u, huyết khối tĩnh mạch cửa đã đi đâu, phép mầu nào mà tế bào gan không hoại tử nữa?
Thoát hiểm kỳ diệu
Được biết PGS Văn Như Cương bị bệnh ung thư gan giai đoạn muộn từ tháng 7-2014. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra: Chỉ sau 2 tháng, từ chỗ nằm li bì, không ăn được, PGS đã có thể đi làm bình thường, đứng trước hàng trăm học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh phát biểu đầy khí thế trong Lễ khai giảng năm học mới 2014-2015.
Từ chỗ phải nằm liệt giường, PGS Văn Như Cương đã có thể sinh hoạt và làm việc bình thường
Vậy điều kỳ diệu nào đã xảy ra?
Kể với phóng viên Báo Năng lượng Mới về quá trình “thoát cửa tử” ngoạn mục của mình, PGS Văn Như Cương nói: Vào khoảng tháng 7, năm 2014 tôi thấy trong người không được khỏe, ăn không ngon miệng kèm hiện tượng đau ở hạ sườn nên tôi đã được gia đình đưa đi khám. Các bác sĩ phát hiện tôi bị u xơ tiền liệt tuyến và bệnh viện đã làm phẫu thuật mổ nội soi. Sau đó một thời gian tôi lại thấy đau và tiếp tục đi khám thì các bác sĩ phát hiện ở gan có vấn đề, ngờ là ung thư gan.
Để xác định rõ bệnh, gia đình đã tiếp tục đưa PGS Văn Như Cương đến Bệnh viện Việt Đức. Sau khi chụp và kiểm tra, bệnh viện chẩn đoán là PGS bị ung thư gan giai đoạn muộn. Nguy hiểm ở chỗ các tĩnh mạch nối từ gan lên khối ung thư đã lớn bằng cái chén, hơn nữa tĩnh mạch cửa lại có huyết đọng, các bác sĩ nói cực kỳ nguy hiểm.
Việc thắt nút nhằm cắt đứt một số tĩnh mạch không cho nuôi gan đã được tính đến, nhưng việc thắt nút tĩnh mạch nếu gặp rủi ro, các tế bào ung thư sẽ phát triển nhanh, khi ấy sự sống chỉ trong gang tấc.
Tuy nhiên PGS Văn Như Cương vẫn quyết định làm nút thắt ở Bệnh viện Việt Đức, theo phương pháp nội soi. Trong thời gian nằm viện chờ được tiến hành thắt nút tĩnh mạch thì gia đình được người giới thiệu là có ông lang Nho ở Sóc Sơn có bài thuốc Nam chữa được ung thư, vợ PGS đã đến tìm hiểu và lấy thuốc.
Thời gian đầu do các bác sĩ ở Bệnh viện Việt Đức không đồng ý cho uống thuốc Nam khi đang điều trị bằng Tây y nên PGS Văn Như Cương vẫn chưa dùng thuốc. Sau khi thắt nút một số tĩnh mạch, cơ thể PGS rất yếu, cảm giác mệt mỏi, nằm li bì, có khi còn không nhận ra người nhà. Vì Bệnh viện Việt Đức không cho điều trị song song vừa Tây y lẫn Đông y nên gia đình quyết định đưa PGS Văn Như Cương sang điều trị tại Bệnh viện Vinmec.
PGS Văn Như Cương bắt đầu uống thuốc của ông lang Nho sau khi thắt nút được 5 ngày. Hơn một tháng sau khi thắt nút, theo lộ trình của bệnh viện thì phải kiểm tra chỗ thắt nút xem việc điều trị tiến triển như thế nào. Kết quả khi tiến hành kiểm tra thì các bác sĩ hết sức ngạc nhiên bởi các tĩnh mạch đã không thấy tụ máu nữa, bác sĩ nói đây là trường hợp hy hữu.
Gần đây nhất là cuối tháng 12-2014, PGS Văn Như Cương tiếp tục được kiểm tra sức khỏe thì thấy kết quả rất tốt, tĩnh mạch tụ máu biến mất, các vùng thắt nút chưa teo hẳn nhưng không di căn, không phát triển tiếp. Vì khó tin nên các bác sĩ ở Vinmec đã mời các bác sĩ đầu ngành của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai đến kiểm tra lại và hội chẩn. Bệnh nhân đã được chụp cộng hưởng từ đến 4 lần, dù ai cũng biết làm như thế là có hại cho sức khỏe nhưng cả 4 lần đều cho kết quả là các khối u vệ tinh và huyết khối tĩnh mạch đều biến mất, không còn hiện tượng hoại tử tế bào gan và chảy máu nội khối.
Về phần mình PGS Văn Như Cương nói: Tôi cảm thấy trong người rất thoải mái, không đau đớn, làm việc được, ăn tuy ít hơn nhưng đã cảm thấy ngon miệng và ăn được cả đồ cứng.
Sự kỳ diệu của thuốc nam
Video đang HOT
Trên thực tế thì cách điều trị của Tây y là thắt nút để cắt việc cung cấp dinh dưỡng nuôi khối u để không cho khối u phát tiển, riêng tĩnh mạch cửa có tụ máu thì không tác động bằng Tây y được vì nếu “động” vào thì tế bào ung thư sẽ lan ra rất nhanh. Ung thư gan giai đoạn muộn là một căn bệnh nguy hiểm nên ở một khía cạnh nào đó, chính PGS Văn Như Cương cũng tin tưởng vào sự kỳ diệu của thuốc Nam.
Gia đình PGS Văn Như Cương cảm tạ thầy lang Nguyễn Bá Nho
PGS Văn Như Cương nói: “Sau khi uống thuốc của ông lang Nho cùng với việc thắt nút của bệnh viện nên tôi không thể xác định được đâu là phương pháp giúp tôi khỏi bệnh. Nhưng tôi tin vào sự kỳ diệu của thuốc Nam. Với thuốc Nam thì có người chữa khỏi, có người chữa không khỏi vì theo cơ địa của từng người nên nếu người bệnh khi uống thuốc cảm thấy khó chịu hay có phản ứng gì thì thôi”.
Thực tế thì việc các thầy lang đẩy lùi được căn bệnh ung thư là có thật. Trước PGS Văn Như Cương thì cũng có nhiều bệnh nhân mắc phải căn bệnh hiểm nghèo mang tên ung thư đã được thầy lang Nho chữa khỏi bệnh. Có người bị ung thư trực tràng, có người bị ung thư vòm họng, ung thư máu… đã thoát chết thần kỳ.
Nói về phương pháp chữa của mình, thầy lang Nho giải thích với phóng viên Báo Năng lượng Mới: “Phương châm chữa bệnh của tôi chủ yếu là nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Vì thế trong bài thuốc của tôi không có vị độc và không có tác dụng phụ”.
Thầy Nho giải thích: “Phương pháp chữa trị bệnh bằng Đông y vốn chữa bệnh theo sự vận động của âm dương ngũ hành. Trời đất thì có âm dương và ngũ hành. Con người thì có khí huyết và ngũ tạng. Ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim. Ngũ tạng là Can, Tâm, Tỳ, Phế, Thận. Phế sinh Thận, Thận sinh Can, Can sinh Tâm, Tâm sinh Tỳ, Tỳ sinh Phế. Cứ như thế tuần hoàn không nghỉ để nuôi dưỡng sự sống con người. Giữa ngũ tạng và ngũ hành có mối liên quan tương sinh, tương thành vô cùng mật thiết. Nếu biết thuận theo những lẽ đó thì chữa được khỏi bệnh, làm trái lẽ đó thì gây chết người. Là thầy thuốc Đông y ai cũng biết cái lẽ đó.
Khi chữa bệnh cho PGS Văn Như Cương tôi thuận theo lẽ tương sinh và tương khắc. Không chỉ thầy Cương mà với tất cả bệnh nhân tôi đều áp dụng nguyên lý này trong điều trị”.
Cái khó ở chỗ PGS Văn Như Cương có 2 khối u ác tính ở gan, bị chảy máu nội khối, hoại tử tế bào gan và có huyết khối tĩnh mạch cửa, đã được thắt động mạch gan nhưng chưa hóa trị và xạ trị. Kỹ thuật thắt động mạch gan nhằm mục đích cắt nguồn nuôi dưỡng khối u, là một phẫu thuật nhẹ nhàng chỉ có thể làm khối u nhỏ lại và giảm đau chứ không làm tăng thời gian sống. Bệnh nhân thường chết trong 1 năm đầu sau mổ. Động mạch thì đã bị thắt rồi, tĩnh mạch thì bị huyết khối chèn ở cửa nên lá gan bị đe dọa nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trong thời gian chữa bệnh cho PGS Văn Như Cương, điều mà thầy lang Nho ấn tượng đó là PGS có nghị lực rất lớn. Thầy Nho kể: “Khi đến khám bệnh cho thầy Cương lần thứ 2, hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy là thầy đang ngồi làm việc ở bàn. Nhiều người khi nghe bác sĩ nói bị bệnh ung thư là suy sụp luôn, chỉ nằm chờ chết chứ không nghĩ tới việc gì vậy mà PGS Văn Như Cương thì vẫn miệt mài làm việc, thật đáng khâm phục. Bên cạnh đó để thấy việc có một tinh thần vững vàng, lạc quan trước bệnh tật cũng có vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh “.
PGS Văn Như Cương.
Tin ở thầy lang?
Khẳng định việc chữa được bệnh cho PGS Văn Như Cương vẫn là dựa vào sự phát triển của Tây y, thầy lang Nho nói: “Tây y là thành tựu khoa học hiện đại, chính xác, giúp các thầy thuốc Đông y bỏ qua được giai đoạn mò mẫm, dễ dàng hơn trong chẩn đoán và chữa bệnh. Nếu không có Tây y tôi không biết người bệnh bị ung thư loại nào, vị trí khối u ở đâu để chữa. Tây y là con mắt thần, chỉ ra kẻ thù tên gọi là gì, nó ở đâu. Còn tôi là người lính có nhiệm vụ tiêu diệt nó. Trước nay, tôi đã chữa được khỏi bệnh cho nhiều người nhờ tham khảo kết quả xét nghiệm của Tây y để bốc thuốc cho phù hợp với giai đoạn bệnh”.
Vấn đề đặt ra là Đông y có thực sự chữa được ung thư? Đây vẫn là câu hỏi lớn. Thực tế không thể phủ nhận là đã có nhiều người lâm bệnh nặng nhưng nhờ chữa trị bằng Đông y mà qua khỏi. Điều kỳ diệu này các bác sĩ Tây y cũng khó lý giải.
Hiện tại, việc cấp phép để được công khai chữa trị bệnh của các lương y còn rườm rà, chưa bám sát thực tế và còn nhiều bất cập. Từ đó mới xuất hiện nhan nhản các thầy lang rởm. Đặc biệt, họ đánh vào tâm lý “sợ ung thư” mà nhiều thầy lang đã tung tin mình chữa được bệnh này.
Theo BS Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội thì: Bệnh ung thư là căn bệnh mà cả nền y khoa thế giới còn chưa dám khẳng định là chữa được. Nên những gì mà Đông y đã làm được nên hiểu là Đông y đang hỗ trợ điều trị bệnh ung thư. Vì vậy, việc sáng suốt lựa chọn thầy thuốc trong điều trị bệnh của người dân vẫn cần phải được đề cao.
BS Nguyễn Hồng Siêm mong muốn: “Bộ Y tế sớm có thông tư hướng dẫn cụ thể về vấn đề công nhận lương y, lương dược để các đối tượng này được hành nghề đúng luật, tránh tình trạng những thầy lang rởm làm ảnh hưởng đến các lương y làm nghề chân chính”.
Theo Petrotimes
Mẹ khóc cạn nước mắt khi con mắc bệnh ung thư máu lúc vừa tốt nghiệp
Người mẹ tội nghiệp ấy đã khóc cạn nước mắt khi trong tay vẫn ôm chặt tấm bằng đại học của con. Hơn 20 năm xuôi từ Bắc vào Nam bán vé nuôi con ăn học, cho đến ngày tốt nghiệp ra trường là lúc ông trời báo án tử bởi con mang căn bệnh ung thư máu.
Dù đã hẹn trước sẽ gặp mẹ con chị tại Viện huyết học và truyền máu TW nhưng đã qua 2 tuần theo lịch hẹn của bác sĩ, chị Trần Thị Hương vẫn không thể cho con lên viện được. Cố gặng hỏi lí do nhưng có lẽ phần vì ngượng ngùng, phần vì còn một chút lòng tự trọng nên chị Hương vẫn nói với tôi: "Chắc chắn nhà cháu sẽ lên chữa bệnh cô ạ".
Vừa tốt nghiệp đại học, Huy đã nhận hung tin của số phận khi mắc căn bệnh ung thư máu.
Tìm về thăm gia đình chị mà không có sự báo trước, qua những lời kể của bà con xóm 10, thôn Tân Lang, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam tôi mới thực sự hiểu hết được gia cảnh nghèo khó và bế tắc không lối thoát của chị. Chồng chị là anh Đỗ Văn Xá nhiều năm nay bị suy van tĩnh mạch sâu 2 chân nên gần như mất khả năng lao động. Bản thân chị Hương đã có chỉ định phải mổ cắt khối u xơ tử cung đã có kích thước lên đến 74mm nhưng không một đồng tiền trong túi nên chị cứ ngậm ngùi chịu vậy.
Chị Hương ngã quỵ từ ngày con mắc bệnh.
Nhưng có lẽ nếu chỉ có thế thì vợ chồng chị Hương cũng không tha thiết để viết lá đơn cầu cứu đến vậy. Nhắc đến con trai là Đỗ Dương Huy, chị lặng đi không nói, chỉ trân trân nhìn vào tấm bằng đại học của con mà khóc. Thấy mẹ đau lòng, cô em gái của Huy cũng đứng tựa cửa gạt nước mắt:
"Mẹ em từ ngày biết tin anh Huy bị bệnh là có lúc cứ như người mất hồn chị ạ. Bao nhiêu năm nay bố mẹ em cứ xong vụ mùa là lại vào miền Nam đi bán vé số kiếm tiền nuôi anh em em đi học để mong chúng em sau này không phải khổ, vậy mà đùng một cái bác sĩ bảo anh của em bị ung thư máu chị ạ".
Nghẹn ngào cầm tầm bằng đại học trên tay, Huy bất lực khi không biết chống chọi với căn bệnh như thế nào.
Cái nghèo khổ của gia đình chị Hương đeo bám nhiều năm nay khi vợ chồng lấy nhau không cất nổi một mái nhà nên về tá túc ở ngôi nhà của ông bà ngoại được xây dựng từ lâu. Những mảng tường đen kịt, cũ kĩ và rách toác, chất lỉnh kỉnh những đồ từ chiếc cánh cửa đã cũ mọt, sứt mẻ đi xin được đến mấy chiếc xoong nồi người ta cho... Đồ đạc tạm bợ, đến chỗ nằm của Huy cũng chỉ là một tấm ván nhỏ được kê lên bởi những viên gạch đi xin chứ gia đình hoàn toàn không có tiền mua giường nằm.
Tất cả đều ám lên một màu ảm đạm, nghèo nàn đến tạm bợ. Nhưng trong ngôi nhà cũ mọt ấy lại hiện hữu những chiếc giấy khen học sinh giỏi trong nhiều năm của mấy anh em nên tôi cũng thấy chạnh lòng.
Chị Hương khoe những tờ giấy khen của các con.
Trong căn nhà nứt toác chi chít nhiều chỗ.
Bị phát hiện bệnh từ tháng 9/2014 với kết luận bị Lơ xê mi cấp dòng tủy thể M5b sau những trận sốt li bì, cậu bé Huy suy sụp hoàn toàn bởi em đang phơi phới niềm tin chuẩn bị đi làm để đỡ đần bố mẹ. Cố tỏ ra bình tĩnh, em nói với tôi: "Khi em biết tin mình bị bệnh thì sốc lắm chị ạ. Em không sợ chết, cũng không sợ đau đớn gì cả nhưng em nghĩ thấy tủi vì chưa đền đáp được công ơn của bố mẹ em.
Em bao nhiêu tuổi là gần như bấy nhiêu năm bố mẹ em lăn lộn vào miền Nam bán vé số kiếm tiền cho em học. Vậy mà em vừa nhận bằng đại học hơn 1 tháng thì phát hiện bệnh. Với em lúc này trời đất như đổ sụp xuống chân chị ạ".
Phát hiện bệnh, em còn không có cả cơ hội được đến bệnh viện để chữa trị dù đã có lịch hẹn của bác sĩ bởi trong nhà không có lấy đến một đồng tiền. Chị Hương kể cả nhà có 1 cái tivi cũ từ lâu định mang bán để lấy tiền đi ô tô nhưng cách đây mấy hôm đã bị chủ bắt nợ vì chị không có tiền trả lãi cho khoản vay trước. Hiện tại chị còn 2 con vịt bán được hơn 200 ngàn đủ tiền để hai mẹ con đi xe lên bệnh viện nhưng còn tiền thuốc thì vẫn phải đang chạy vạy đi vay mà chưa được.
Bao nhiêu năm lăn lộn bán vé số để nuôi con, kết quả chị nhận lại quá ư tàn nhẫn.
Trao đổi với ông Trịnh Văn Ngọ - trưởng thôn Tân Lang được biết: "Gia đình chị Hương thuộc diện hộ nghèo nhiều năm nay và là gia đình có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt trong khu vực. Từ khi cháu Huy bị bệnh, mọi người trong ngoài vùng ai cũng thương xót vì cháu ngoan ngoãn, học giỏi và chịu thương chịu khó. Đến nhà chị Hương, quả thật không ai cầm được nước mắt bởi cái ăn còn không có nói gì đến tiền đi viện. Hàng xóm láng giềng người cho quả trứng để Huy ăn cơm, người cho bơ gạo không thì cả nhà chết đói mất".
Mẹ khóc cạn nước mắt rồi vẫn không biết làm sao để con có tiền lên viện.
Nghe những lời tâm sự của bác Ngọ, bản thân tôi cũng thấy đắng nghẹn trong lòng. Hơn 20 năm nuôi con ăn học, kết quả chị Hương nhận được của ngày hôm nay quá ư là tàn độc. Cái án tử của con được treo lơ lửng sẵn rồi nhưng nỗi lòng người mẹ càng đớn đau hơn khi bất lực nhìn con chết dần, chết mòn mà không có tiền đến viện. Có lẽ trái tim chị giờ cũng cạn lắng cảm xúc rồi bởi nỗi đau đến tê dại... Án tử của con nhưng cũng là của mẹ bởi với chị tính mạng của con là cuộc sống của mình
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Chị Trần Thị Hương (xóm 10, thôn Tân Lang, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam) Số ĐT: 0122.502.7970
Theo Dân trí
Dang dở ước mơ đại học vì mắc bệnh ung thư máu Ở tuổi 20 nhưng vóc dáng của Nguyễn Thị Diễm giống như một học sinh đang học cấp II. Chỉ sau hơn 1 tháng phát hiện mắc bệnh ung thư máu, cân nặng của Diễm đã giảm từ 39 kg xuống còn 34 kg. Khủng hoảng tinh thần với sự đau xót cho bản thân chưa nguôi ngoai, cô gái quê Quảng Bình...