Ai cho tôi sống bằng lương?
Trước thềm hội thảo “Cải cách giáo dục Đại học” do GS Ngô Bảo Châu chủ trì, ông nói: “Nan giải nhất là lương của giảng viên, cán bộ Đại học. Mức độ lương không tương xứng với mức độ cống hiến xã hội của họ”.
Thật ra thì người ta có thể thay “giảng viên, cán bộ Đại học” bằng bất cứ ngạch công chức nào, cho dù là bác sỹ, kỹ sư, chuyên viên,… và câu nói ấy đều đúng cả. Thật ra thì người ta có thể phát biểu câu ấy ở trước bất kỳ một hội thảo nào đặt ra vấn đề “cải cách” một ngành nào đó và nó cũng đúng nốt.
Và thật ra, cũng chẳng cần phải đến Giáo sư Ngô Bảo Châu phát biểu thì người ta mới có thể gật gù với một tuyên ngôn như thế.
Trên thực tế thì đã có tờ báo từng tổ chức tuyến bài rất dài tập trung vào chính sách đãi ngộ trong ngành y tế với cái tên chuyên đề nghe rất đau đớn: “Tôi muốn sống bằng lương”.
Rất nhiều người muốn sống bằng lương. Rất nhiều người không muốn nhận phong bì của sinh viên hay bệnh nhân để rồi đón nhận chính sự khinh bỉ của kẻ đưa phong bì. Rất nhiều người muốn cống hiến tận tụy cho lĩnh vực của mình.
Cứ ra bến xe bến tàu mỗi mùa thi, nhìn những cái áo xanh tình nguyện, những cô cậu sinh viên đầm đìa mồ hôi mong đóng góp chút sức mọn cho xã hội, làm sao mà tưởng tượng ra được rằng chỉ một vài năm sau thôi, những người ấy trở thành công chức, lại trở nên uể oải, tiêu cực, nói cách khác là “biến chất”. Thì đấy là bởi họ bắt đầu phải đương đầu với một vấn đề rất kinh khủng mang tên là lương
Vấn đề cũ kỹ đến mức bây giờ không còn là lúc đưa ra giải pháp nữa vì đã có quá nhiều giải pháp được đề xuất rồi. Vấn đề là bao giờ những hành động thực tế diễn ra.
Video đang HOT
Sự mất tín nhiệm với các cơ quan nhà nước, giữa người dân với công chức trở thành một thực trạng phổ biến – có lẽ cũng bởi cái chữ “lương” này.
Cứ tưởng tượng ra một giảng viên đại học phải dìu dắt trên dưới trăm con người, một bác sỹ phải chịu trách nhiệm về sức khỏe và sinh mạng của mấy chục bệnh nhân, một cán bộ y tế cấp quận phải chịu trách nhiệm về vài chục cái phòng khám và vệ sinh an toàn thực phẩm của một nghìn cái quán ăn trên địa bàn, nhưng thu nhập “chân chính” của họ không thể nuôi nổi chỉ một đứa con ở nhà, thì điều gì sẽ diễn ra.
Sẽ có người hỏi: Tiền ở đâu ra mà tăng lương? Nhưng câu trả lời trong trường hợp này, rất đơn giản: Tiền nó vẫn ở đấy thôi. Đầu năm ngoái, phó trưởng ban dân vận TW Nguyễn Thế Dân cho rằng tỷ lệ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” có thể lên tới mấy chục phần trăm, thậm chí là một nửa số công chức trong cả nước.
Có bao giờ những nhà quản lý nghĩ rằng nếu đuổi được một nửa những kẻ “ăn hại” này ra khỏi hệ thống thì quỹ lương sẽ hoạt động hiệu quả đến đâu và theo đó thì toàn bộ hệ thống có thể được nâng cấp đến mức nào.
Lương cũng là một vấn đề “rất Việt Nam”. Nghĩa là nguồn lực đã ít nhưng cách sự dụng lại vô cùng thiếu hiệu quả.
Có lẽ là GS Ngô Bảo Châu nên chuẩn bị tâm thế để tổ chức những buổi hội thảo như hôm qua dài dài.
Theo Đức Hoàng
Lao Động
GS Ngô Bảo Châu chỉ thẳng điểm tối nhất của Giáo dục Việt Nam
Trước hàng trăm diễn giả, chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước tại chương trình Đối thoại Giáo dục Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu đã chỉ thẳng vấn đề rằng "chất lượng chung của các trường ĐH có lẽ là điểm tối nhất trong bức tranh chung của ngành giáo dục Việt Nam".
GS Ngô Bảo Châu chia sẻ với các đại biểu là diễn giả, chuyên gia giáo dục tại chương trình Đối thoại Giáo dục Việt Nam với chủ đề Cải cách Giáo dục Đại học
Thông qua chất và lượng của các bài báo cáo khoa học đăng trên các tạp chí hoặc hội nghị chuyên môn cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa về chất lượng chung của đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu ở các ĐH Việt Nam.
Đáng lo ngại chính là quy trình xây dựng và cải tiến đội ngũ này ở nước ta đi ngược hoàn toàn với giáo dục thế giới. Thực trạng này nếu tiếp diễn không những chất lượng ĐH tiếp tục ì ạch ở thứ hạng thấp mà sẽ còn đi giật lùi so với cả các nước láng giềng đang bước tiến nhanh và vững chắc.
GS Ngô Bảo Châu đã chỉ đích danh một trong những tồn tại khiến các ĐH Việt Nam gặp khó khi xây dựng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học đạt chất lượng cao chính là thu nhập.
Ở Việt Nam, chế độ thu nhập của cán bộ nghiên cứu, giảng dạy đại học được điều chỉnh bởi những quy định chung về thang lương của công viên chức nhà nước. Lương giảng viên trẻ mới ra trường rất thấp, chính sách hỗ trợ dù có nhưng không giải quyết được căn bản vấn đề.
"Với thang lương hiện tại, mức lương cơ bản của giảng viên đại học không đảm bảo cho họ một mức sống trung lưu cao trong xã hội. Trong khi đó, chính mức sống là điều kiện cần cho một hệ thống giáo dục tốt. Vì nó thể hiện mức độ ưu tiên của xã hội đối với giáo dục ĐH và để nghiên cứu tốt nhà khoa học cần thời gian tư duy tự do chứ không phải mãi lo chuyện "cơm gạo".
Bên cạnh đó, quy trình xây dựng, cải tiến đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu ở các ĐH hiện vẫn là tập trung bồi dưỡng mọi nguồn lực để đưa chính những sinh viên tốt nghiệp của trường mình trở lại làm giảng viên. Trong khi đó các nước phương Tây hạn chế tối đa ứng viên tốt nghiệp từ trường mình. Các trường chỉ ưu tiên tuyển người mình tạo ra nên thiếu sự cạnh tranh của các nguồn khác.
GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh: "Tiêu chí hàng đầu để tuyển dụng giảng viên và giáo sư ĐH là khả năng nghiên cứu khoa học. Chỉ những người "sống và thở" ở tiền tuyến của tri thức nhân loại mới có khả năng hiểu và truyền tải những kiến thức nền tảng và những phát kiến tiên tiến nhất cho lực lượng lao động trí não tương lai". Ngược với thế giới, tiêu chí hàng đầu trong tuyển chọn giảng viên là năng lực nghiên cứu khoa học thì Việt Nam quy trình này nặng tính hành chính.
GS Ngô Bảo Châu trao đổi với bà Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM.
Trước những vấn đề đó, GS Ngô Bảo Châu đề xuất, quy trình tuyển chọn giảng viên ĐH cần có sự thống nhất cho tất cả các trường tiến tới tạo thị trường tuyển dụng thông suốt trong cả nước.
Quyết định của hội đồng tuyển dụng cần được minh bạch hóa, lý lịch tuyển dụng cần được công khai. Lấy việc bổ nhiệm GS làm nhiệm vụ trọng tâm cho việc thực hiện tự chủ khoa học của các trường chứ không phải là một phẩm tước danh dự như hiện nay. Bên cạnh thu nhập thông thường, giảng viên cần có mức thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau nhưng phải rõ ràng, minh bạch.
TS Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ cũng nhìn nhận rằng cũng cho rằng tỉ trọng nghiên cứu tại Việt Nam lại nghiêng về các viện nghiên cứu chứ không phải các trường. Nhiều năm chúng ta không dành sự quan tâm thích đáng cho các trường trong việc nghiên cứu khoa học.
Con tàu giáo dục ĐH đã được đặt vào đường ray rồi, được cấp nhiên liệu rồi nhưng vì sao vẫn ì ạch. Các hiệu trưởng dù được trao quyền tự chủ nhưng chưa dám thực hiện vì quen nếp sống bao cấp nên chưa mạnh dạn bước vào kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, cũng do cơ chế bao cấp mà các trường dù được trao tự chủ mọi thứ mà chỉ thiếu tài chính không thì không thể thực hiện được.
Lê Phương
Theo Dantri
Thủ tướng tiếp Giáo sư Ngô Bảo Châu và nhóm đối thoại giáo dục "Thách thức trên con đường phát triển và hội nhập với thế giới chỉ có người Việt mới tự giải quyết và chỉ có thể giải quyết bằng bản lĩnh trí tuệ, tri thức..." - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ trong buổi tiếp thân mật Giáo sư Ngô Bảo Châu. Chiều 29/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn...