Ai chịu trách nhiệm về những tắc trách gây ra tai nạn trong trường học?
Để xảy ra tai nạn thương tâm trong trường học, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm và cần phải xử lý nghiêm những tắc trách gây hậu quả lớn.
Trước vụ việc một học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Tuy Lai A , huyện Mỹ Đức, Hà Nội tử vong trong giờ ra chơi vì bị điện giật, không ít phụ huynh đã bày tỏ băn khoăn, lo lắng về sự an toàn của trẻ khi tới trường.
Nhiều người cho rằng, nhà trường và ngành giáo dục cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát cơ sở vật chất theo đúng quy định; đồng thời xử lý nghiêm sự tắc trách của những người có liên quan trong công tác bảo đảm an ninh an toàn của học sinh trong trường học. Chị Nguyễn Kim Dung, có 3 con đang học bậc tiểu học và trung học cơ sở tại quận Hoàng Mai, Hà Nội lo rằng, con trẻ đang ở độ tuổi hiếu động, ham chơi, thích leo trèo, khám phá, vì thế khi đến trường rất dễ gặp tai nạn, rủi ro.
Trường học phải là môi trường an toàn nhất cho học sinh. (Ảnh minh họa)
Hiện, các con chị đều theo học bán trú cả ngày trên lớp. Do đó, sự an toàn của con trẻ, gia đình chỉ có thể trông mong vào sự quan tâm chăm sóc để ý của giáo viên.
“Tôi mong muốn các trường có hệ thống giám sát, bảo vệ kiểm soát sát sao. Đối với hệ thống điện, nhà trường kiểm tra thường xuyên, ví dụ như các ổ cắm nên có nắp để cho các con không thể lấy bút hoặc cái cặp tóc chọc vào, vì tuổi các con đang hiếu động. Có những con sử dụng điện thoại đến trường vừa cắm sạc vừa nghe ,cũng xảy ra cháy nổ. Những tai nạn nhiều khi không thể lường trước được cũng mong nhà trường kiểm soát chặt chẽ để phụ huynh yên tâm công tác”, chị Dung nói.
Đây là mong mỏi của bất cứ phụ huynh nào để đảm bảo tốt nhất an toàn cho học sinh và ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc tái diễn. Theo ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, ngành giáo dục đã có nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến việc phòng, chống tai nạn thương tích đối với học sinh, sinh viên, đảm bảo an toàn trường học, thế nhưng ở một số trường học, do tắc trách, lơ là, chủ quan không thực hiện nghiêm túc dẫn đến nhiều vụ việc đau lòng xảy ra…
Với vụ việc tại trường tiểu học Tuy Lai A, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, ông Phạm Tất Dong cho rằng, quy định đã có, để xảy ra vụ tai nạn thương tâm, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm và cần phải xử lý nghiêm những người liên đới để xảy ra vụ việc tắc trách này. Có như vậy bản thân mỗi người làm trong môi trường giáo dục mới nêu cao được tinh thần làm việc có trách nhiệm.
Ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam.
Video đang HOT
“Nhà trường phải an toàn cho nên sự cố về nước, điện mọi thứ từ ngay sân trường những chướng ngại vật trong trường đều phải được dọn sạch. Đây là do quản lý không chặt, không bảo đảm được an toàn cho học sinh, lỗi do nhà trường. Trước hết, bộ phận làm về điện, vì sao dây điện đứt mà không phát hiện ra? Nếu dây điện ở trường đứt thì nhà trường phải mất điện. Dây điện đứt không sửa là lỗi của nhà trường, còn bộ phận nào phụ trách nhà trường quy trách nhiệm ra. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm và Hiệu trưởng phân công cho Phó Hiệu trưởng nào chịu trách nhiệm trực tiếp, trước hết người đó phải chịu trách nhiệm trước đã, từ đấy rồi quyết định xử lý. Về điện người quản lý cơ sở vật chất kỹ thuật của trường phải lo”, ông Dong nhấn mạnh.
Nhằm chấn chỉnh công tác an toàn trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục có văn bản đề nghị các trường học tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học. Các trường tăng cường kiểm tra cơ sở vật chất gồm tường bao, móng, trần, tường, cống rãnh, máng, cây xanh… hệ thống điện để phát hiện kịp thời các nguy cơ mất an toàn và có biện pháp khắc phục kịp thời, không để xảy ra tai nạn thương tích trong trường học. Rà soát các điều kiện chiếu sáng, bàn, ghế, bảng… đảm bảo đúng quy định.
Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân Hà Nội cho biết: “Công tác kiểm tra trường có một đội chuyên phụ trách về cơ sở vật chất chịu trách nhiệm kiểm tra. Thứ nhất kiểm tra cây, hàng tháng phải đi kiểm tra cây phát triển như thế nào? có những cành dễ gẫy hay không? Nếu um tùm, rậm rạp quá, nguy cơ đổ thì trường cho tỉa bớt. Thứ hai về quạt điện có người chuyên trách về vấn đề đó, kiểm tra hàng ngày cùng với đó hệ thống camera trong các phòng học có thể kiểm tra qua đó. Các bạn trong lớp phân công người, trước khi ra khỏi cửa lớp là phải tắt điện, tắt quạt rồi dập cầu dao quy định của nhà trường”.
Vụ việc ở trường tiểu học Tuy Lai A, huyện Mỹ Đức tiếp tục là hồi chuông cảnh báo đối với các trường học trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến trường; cần đẩy mạnh công tác quản lý, tăng cường kiểm tra giám sát nhằm tránh những sự việc đau lòng đáng tiếc có thể xảy ra./.
Theo VOV
Nhượng quyền giáo dục: Cần một chữ "tâm"
Nhượng quyền giáo dục (GD) là xu hướng tất yếu trước yêu cầu hội nhập. Tuy nhiên, chất lượng chương trình ra sao, điều kiện bảo đảm an toàn cho HS, trách nhiệm của giáo viên (GV) và người đứng đầu như thế nào, vai trò của ngành GD trong việc nhượng quyền là vấn đề đang đặt ra.
Không nên nhượng quyền thương hiệu các cơ sở GD theo hình thức "bán cái" (Ảnh mang tính minh họa).
Trách nhiệm của từng cơ sở GD ở đâu?
Câu chuyện Trường Mầm non Maple Bear, cơ sở Westlake Point, 24 Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội phạt học sinh bằng cách nhốt trong tủ quần áo là vấn đề dư luận quan tâm. Mặc dù, trường chính thức bị ngành chức năng rút giấy phép hoạt động song vấn đề đặt ra là trách nhiệm của từng cơ sở GD ở đâu trong việc nhượng quyền GD?
Hệ thống Maple Bear Việt Nam không trực tiếp vận hành cơ sở mầm non ở quận Tây Hồ, Hà Nội, nơi xảy ra vụ việc bé 3 tuổi bị nhốt vào tủ, mà cho chủ đầu tư nhận nhượng quyền. Phải chăng, sự buông lỏng quản lý, quan tâm đến lợi nhuận GD mà quên rằng, ngành kinh doanh này cần một chữ tâm.
Chia sẻ về trách nhiệm của nhà trường sau khi đã được nhượng quyền, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp, Văn phòng Luật sư Hà Nội cho biết: Nhượng quyền GD là một hoạt động của nhượng quyền thương mại nói chung. Trong lĩnh vực GD, nhượng quyền thương mại được quy định bởi Luật Thương mại và trong các văn bản được quy định tại Nghị định 35/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, hoạt động thương mại bao gồm các bên nhượng quyền và nhận nhượng quyền.
Bên nhượng quyền sẽ có một hệ thống kinh doanh thương hiệu loại hàng hóa, nhãn hiệu kinh doanh độc quyền đã đăng ký sở hữu trí tuệ... Còn bên nhận quyền muốn sử dụng thương hiệu, bí quyết kinh doanh của họ, phương pháp bán hàng và tên thương mại phải ký hợp đồng nhượng quyền.
Khi ký hợp đồng như vậy, bên nhượng quyền sẽ cho phép bên nhận quyền có quyền mua bán hàng hóa hoặc sử dụng tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh hoặc quảng cáo của bên nhượng quyền. Trong lĩnh vực mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ nhu yếu phẩm và thực phẩm hàng ngày có rất nhiều hình thức nhượng quyền thương mại.
Đối với hình thức GD, lĩnh vực nhượng quyền thương mại tương đối mới mẻ. Trước đây, khởi đầu cho hoạt động này là việc nhượng quyền của FPT với Atech năm 1999. Sau đó, một số hệ thống GD nước ngoài cũng đã nhượng quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc nhượng quyền đó được pháp luật quy định: Các hoạt động đó phải hoạt động được 1 năm trở lên, phải đăng ký nhượng quyền ở Bộ Công Thương.
GD là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, bởi vậy dù nhượng quyền hay không nhượng quyền, hoạt động GD ấy phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam. Ảnh minh họa/ Internet
Cần có những ràng buộc chặt chẽ
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, GD là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, bởi vậy dù nhượng quyền hay không nhượng quyền, hoạt động GD ấy phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, phải đăng ký hoạt động và được phép hoạt động theo quy định.
Khi mà hoạt động GD xảy ra những vụ việc như gây thiệt hại đến sức khỏe và tính mạng của HS hoặc có hành vi bạo lực học đường, bản thân trường thực hiện hành vi vi phạm đó phải chịu trách nhiệm.
Khi các cơ sở nhận quyền thương hiệu đối tác thực hiện các hành vi không đúng với hợp đồng thương mại, dẫn đến việc ảnh hưởng đến thương hiệu thì đơn phương chấm dứt hợp đồng. Cần có những ràng buộc chặt chẽ trong nhượng quyền GD.
Bên nhượng quyền chỉ chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ theo hợp đồng nhượng quyền. Ví dụ: Hàng hóa và cung ứng dịch vụ của họ phù hợp với pháp luật Việt Nam và được phép nhượng quyền thì họ chịu trách nhiệm trong phạm vi đó. Còn việc GV vi phạm pháp luật, có hành vi hành hung, ngược đãi bạo lực với HS, bản thân GV đó phải chịu trách nhiệm pháp lý và cơ sở GD đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tuy nhiên, khi 1 hệ thống nhượng quyền thương mại cho 1 pháp nhân mới sử dụng thương hiệu, giáo trình, tài liệu, phương pháp GD, họ phải tìm hiểu kĩ đối tác của mình, nếu đối tác vi phạm họ có thể hủy hợp đồng.
Nhượng quyền phải hướng đến yếu tố nhân văn
Hình thức nhượng quyền GD xuất hiện khá nhiều ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu để tình trạng nhượng quyền này chỉ liên quan đến chuyển giao chương trình, phương pháp GD, còn việc vận hành do từng chủ đầu tư trực tiếp thực hiện liệu có đảm bảo quyền lợi cho HS, có tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra như vụ việc vừa qua?
Chia sẻ về vấn đề này, GS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý GD cho rằng, có nhiều hình thức nhượng quyền GD đang hình thành ở Việt Nam, nhưng trước hết chúng ta phải lấy tiêu chí quyền hạnh phúc của trẻ.
Theo GS Đặng Quốc Bảo, mở được ngôi trường là điều hạnh phúc, không được thương mại hóa GD một cách tiêu cực, thầy - "chủ tiệm" biến trò thành "người mua hàng". BGH đừng biến các gia đình thành "người mua hàng". Chúng ta phải hướng đến yếu tố nhân văn.
"Ở đây là chúng ta bàn giao tư tưởng GD. Nơi có tư tưởng GD đó phải có trách nhiệm đến cùng chứ không phải nêu ra chương trình, sau đó đơn vị thực hiện như thế nào thì tùy, còn tôi vô can là không được. Bán lại chương trình, bán lại phương pháp GD là chưa đủ. Chúng ta cần phải làm rõ hơn tính pháp lý của các đơn vị khi trao quyền cho các cơ sở. Bàn giao tư tưởng GD thì đơn vị thực hiện phải thực hiện đến cùng.
Nếu có lương tâm và trách nhiệm, cần phải xem xét đơn vị lấy chương trình của mình thực hiện có gì sai sót, nếu có sự việc xảy ra các đơn vị này phải quan tâm đến HS. Tất cả mọi người, mọi thiết chế đều sống vừa bằng pháp lý, đạo lý và công lý. Có thể pháp lý chúng ta chưa đủ chế tài, nhưng về đạo lý và công lý thì trách nhiệm này khá lớn. Đối với trẻ em bao giờ cũng phải có lương tâm. Pháp lý lạnh lùng là không được", GS Bảo nhấn mạnh.
Đồng quan điểm không nên thương mại hóa giáo dục, ThS Vũ Thu Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Ứng dụng tâm lý Hoa Mặt Trời cho rằng, mong muốn của chúng ta là có những đứa trẻ hạnh phúc. Tự thân các trường cũng phải ý thức trách nhiệm của mình để tạo ra một chương trình GD tốt. Chúng ta có thể nhượng quyền, song cần hành lang pháp lý từ phía các nhà quản lý. Nhưng điều quan trọng nhất, theo ThS Vũ Thu Hà, dù chương trình, phương pháp nào, sự giám sát nào thì trên hết vẫn là cái tâm, triết lý GD trẻ.
Theo GS Đặng Quốc Bảo, giao quyền tự chủ cho các nhà trường, phải gắn với trách nhiệm giải trình xã hội của các nhà trường đó. Chủ cơ sở mầm non phải thấy rõ trách nhiệm của mình trước xã hội. Triết lý GD của chúng ta gồm 6 từ "nhân văn - hợp tác - chia sẻ". Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT cần quan tâm đến chế tài, điều khoản để đơn vị nhượng quyền và đơn vị thực hiện có liên đới với nhau, bởi yếu tố quản lý là rất quan trọng.
Lê Đăng
Theo GDTĐ
Giây phút kinh hoàng người đàn ông bị tàu hỏa tông tử vong Clip ghi lại giây phút kinh hoàng khi một người đàn ông bị tàu hỏa tông tử vong khi băng qua đường ray. Vụ tai nạn xảy ra vào trưa ngày 1/8, tại KM 682 400, khu gian Văn Xá, phường An Hòa, TP.Huế, tỉnh TT-Huế. Theo đó vào khoảng 11h20 đoàn tàu Thống Nhất SE1 chạy hướng Bắc vào Nam, khi đến...