Ai chịu thiệt khi nhân dân tệ thành đồng tiền dự trữ?
Việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF) công nhận nhân dân tệ ( CNY) là đồng tiền dự trữ là cột mốc cho các nỗ lực quốc tế hóa bản tệ của Trung Quốc, song lại là dấu hiệu sụt giảm cho các đồng tiền mà CNY thay thế.
Từ cuối năm sau, CNY sẽ chính thức góp 11% trong giỏ tiền SDR – Ảnh: Reuters
Theo CNBC, từ cuối năm sau, CNY sẽ chính thức góp 11% trong giỏ tiền Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). 11% không lớn nhưng là con số phần trăm mang tính biểu tượng cho việc nhân dân tệ có mặt trong giỏ tiền này.
Giỏ SDR hiện có mặt đô la Mỹ, bảng Anh (GBP), yen Nhật và euro. Đây là những đồng tiền sẽ được IMF giải ngân khi cần viện trợ tài chính. Quyết định thêm CNY vào giỏ sẽ tăng nhu cầu về đồng tiền này trên thế giới.
Việc CNY được đánh giá cao đồng nghĩa với chuyện các đồng tiền khác trong giỏ sẽ ít nhiều mất đi thị phần. Đơn cử là EUR – đồng tiền có thể sẽ giảm 6,5 điểm phần trăm và bảng Anh – đồng tiền sẽ giảm khoảng 3,2 điểm phần trăm.
GBP là đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới vào những năm 1870, trước khi bị USD vượt qua vào thập niên 1920. Trong giỏ SDR, bảng Anh chiếm khoảng 11% trong vài thập niên qua và đã tăng lên được khoảng 11,3% hồi năm 2010. Theo số liệu của IMF, bảng Anh hiện chỉ chiếm 4 đến 5% dự trữ ngoại tệ chính thức của thế giới.
Video đang HOT
Đồng euro thì gia nhập giỏ tiền SDR sau khi được đưa vào sử dụng năm 1999. EUR góp mặt thay thế đồng franc Pháp và mark Đức. Năm 2010, EUR chiếm 37,4% trong giỏ tiền của IMF. Nếu sụt giảm thì đây sẽ là lần đầu tiên đồng tiền chung châu Âu mất thị phần. Trên thế giới, tỷ lệ dự trữ ngoại hối bằng EUR đã giảm từ 27% vào năm 2010 xuống 20% trong năm nay.
Cả GBP và EUR đều đã giảm tương đối nhẹ so với USD, sau khi IMF công bố việc chấp nhận CNY vào giỏ tiền của tổ chức.
Thực tế, các thay đổi kể trên tuy nhỏ, nhưng việc một đồng bản tệ là đồng tiền dự trữ của thế giới đem lại lợi ích cho kinh tế một nước. Ngân hàng Morgan Stanley dự báo trong 10 năm tới, khi nhân dân tệ có vai trò lớn hơn trên toàn cầu, sẽ có khoảng 2.000 tỉ USD chảy vào tài sản đồng nhân dân tệ.
Đã có 40 ngân hàng trung ương thế giới thêm CNY vào quỹ dự trữ của họ trong các năm từ 2010 đến 2014. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài cần đi, trước khi đủ sức đe dọa đô la Mỹ – đồng tiền hiện chiếm 60% dự trữ ngoại hối thế giới và 42% trong giỏ tiền SDR. Thị trường Trung Quốc vẫn còn ít mở cửa hơn nhiều thị trường quốc tế khác nhỏ hơn, chẳng hạn như Na Uy.
Một số quốc gia dường như bị thúc đẩy bởi các tham vọng chính trị, thách thức vị trí đồng tiền chi phối tiền tệ thế giới của USD hiện tại. Với mức phát triển của việc sử dụng CNY trong giao thương quốc tế và độ mở rộng trong tầm ảnh hưởng của CNY trên thế giới, có thể trong 5 năm tới, đô la Mỹ sẽ mất vị trí dẫn đầu trong giỏ tiền SDR.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ của IMF
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công nhận việc bổ sung đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền dự trữ rạng sáng 1.12. Giờ đây bản tệ Trung Quốc sẽ đứng cùng hàng với đô la Mỹ, bảng Anh, yen Nhật và đồng euro.
Nhân dân tệ vừa được công nhận là đồng tiền dự trữ quốc tế - Ảnh: Bloomberg
Theo CNN và Bloomberg, IMF vừa công bố chấp nhận thêm nhân dân tệ (CNY) vào giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).
Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cho hay quyết định trên là "một cột mốc quan trọng" trong quá trình hội nhập của Trung Quốc vào hệ thống tài chính toàn cầu. Nhiều thập niên qua, hệ thống tài chính thế giới được thống trị bởi Mỹ, Nhật Bản và khu vực châu Âu.
"Đây cũng là sự công nhận các tiến bộ mà chính quyền Trung Quốc đã đạt được trong các năm qua về việc cải cách hệ thống tiền tệ và tài chính đất nước", bà Lagarde nói.
Giỏ SDR là nhóm các đồng tiền được sử dụng để định giá tài sản mà các ngân hàng trung ương trên thế giới nắm giữ, giúp các quốc gia chống lại sự biến động tỷ giá hối đoái. Cứ mỗi 5 năm, IMF đánh giá giỏ tiền này một lần.
Việc nhân dân tệ góp mặt trong giỏ SDR phần lớn chỉ là tượng trưng, song nó cũng có thể giúp nhân dân tệ tăng vị thế trên thế giới và giúp nhiều nước khác có thêm tự tin để giữ đồng tiền này.
Việc CNY được thêm vào giỏ tiền dự trữ là một thắng lợi cho Trung Quốc, đất nước đã không ngừng vận động để bản tệ nước nhà được quốc tế công nhận trong thời gian qua. Hồi năm 2010, CNY đã không được xem xét cho vào giỏ SDR vì đồng tiền vẫn chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn mà IMF đưa ra, trong đó có tính chất tự do giao dịch và chuyển đổi.
Bắc Kinh có lịch sử kiểm soát chặt chẽ đồng nội tệ vì CNY giá rẻ sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu và hoạt động sản xuất. Hành động này đã vấp phải sự chỉ trích từ phía Mỹ.
Hiện tại, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) vẫn đặt tỷ giá tham chiếu hằng ngày cho CNY, cho phép giá trị đồng bản tệ dao động trong một phạm vi nhất định. Song Bắc Kinh đã dần nới lỏng mức kiểm soát.
Năm ngoái, PBOC tăng gấp đôi biên độ dao động của tỷ giá và tháng 8 vừa qua, họ thông báo rằng tỷ giá tham chiếu CNY sẽ được đặt bằng giá trị đóng cửa của ngày hôm trước. Điều này khiến nhân dân tệ sụt giá, giảm gần 3% giá trị so với USD trong năm nay.
IMF trước đây vốn có cái nhìn hoài nghi về CNY, nhưng gần đây mọi chuyện đã thay đổi. Đầu tháng này, thành viên IMF cho hay nhân dân tệ giờ đã được "tự do sử dụng". Dù vậy, Bắc Kinh "vẫn cần phải làm nhiều hơn trong việc thuyết phục các nhà quản lý dự trữ toàn cầu đầu tư thực sự vào các tài sản dự trữ liên quan đến Trung Quốc", nhà phân tích ngoại hối Koon How Heng thuộc ngân hàng Credit Suisse viết.
Hôm 30.11, nhân dân tệ được giao dịch ở mức 6,40 CNY đổi 1 USD. Ngày 1.10.2016, quyết định vừa rồi của IMF sẽ có hiệu lực và CNY sẽ chính thức đứng cùng 4 đồng tiền chính khác.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
'Hãy sẵn sàng cho đợt sụt giá nhân dân tệ lớn nhất trong hơn 20 năm' Đó là nhận định của ngân hàng Merrill Lynch thuộc Bank of America về hướng đi của đồng nhân dân tệ trong thời gian tới. Bản tệ Trung Quốc có thể sụt giá đến 10% so với USD trong năm sau. Ngân hàng Merrill Lynch thuộc Bank of America cho rằng nhân dân tệ sẽ có đợt giảm giá lớn nhất 20 năm...