Ai chỉ đạo các thành viên PVN gửi tiền tại Oceanbank?
Đó là 1 trong 8 vấn đề mà HĐXX vụ án Hà Văn Thắm kiến nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án.
Sáng 29.9, tòa Hà Nội đã tuyên án tử hình Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc), án chung thân với Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT), 22 năm tù với Nguyễn Minh Thu (cựu Tổng giám đốc) cùng 48 đồng phạm khác liên quan đến hàng loạt các sai phạm về kinh tế tại Ngân hàng Đại Dương ( Oceanbank).
Các bị cáo bị buộc tội: Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Sau hơn 2 giờ đọc bản án, thẩm phán Trần Nam Hà (chủ tọa phiên tòa) thay mặt HĐXX TAND Hà Nội đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ nhiều vấn đề chưa sáng tỏ khi dựa vào tài liệu, lời khai của các bị cáo.
‘VKSND Tối cao truy tố hành vi của Sơn, Thắm là có căn cứ’ Chủ tọa phiên tòa khẳng định VKSND cùng cấp truy tố hành vi của bị cáo Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn là có căn cứ.
1. Làm rõ việc Ninh Văn Quỳnh nhận 20 tỷ
Theo chủ tọa Trần Nam Hà, tại phiên tòa, Nguyễn Xuân Sơn khai khi làm Tổng giám đốc Oceanbank đã đưa 30-40 tỷ đồng cho ông Ninh Văn Quỳnh (nguyên kế toán trưởng Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam – PVN). Khi Sơn chuyển về công tác tại PVN, ông này nhận tiếp khoảng 200 tỷ đồng của Oceanbank và khai đưa toàn bộ cho Quỳnh.
Bị can Ninh Văn Quỳnh. Ảnh: Việt Hùng
Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng (Phó giám đốc Khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược) khai nhiều lần mang tiền cho Sơn và thấy ông này chuyển đến phòng của Quỳnh. Bản thân ông Ninh Văn Quỳnh thừa nhận đã cầm của Sơn 20 tỷ đồng.
HĐXX thấy có đủ căn cứ nhận định Quỳnh có dấu hiệu vi phạm pháp luật và dự kiến sẽ quyết định khởi tố vụ án. Tuy nhiên, ngày 13.9.2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Quỳnh về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản nên HĐXX thấy không cần khởi tố vụ án tại phiên tòa nữa.
HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi của Ninh Văn Quỳnh và những người liên quan khác để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
2. Hàng loạt công ty con của PVN bị tố nhận tiền của Oceanbank
Quá trình điều tra và diễn biến phiên tòa cho thấy ngoài số tiền chi lãi ngoài hợp đồng cho các khách hàng cá nhân, Oceanbank còn chi lãi ngoài hợp đồng cho các tổ chức kinh tế có vốn của Nhà nước nhưng thực chất là chi cho các cá nhân là lãnh đạo của các tổ chức này.
Các bị cáo Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Minh Thu khai chi tiền cho lãnh đạo Vietsopevtro, Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty dịch vụ thăm dò và khai thác dầu khí. Những lần họ đi chi tiền đều có giám đốc chi nhánh Oceanbank ở địa phương tháp tùng.
Quá trình điều tra, bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương (Phó tổng giám đốc Oceanbank) khai trực tiếp theo dõi và chi trả lãi ngoài hợp đồng 263 tỷ đồng cho các khách hàng: Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Vinashin, Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí, Tổng công ty Điện lực dầu khí, Tổng công ty Bảo hiểm dầu khí Việt Nam và một số công ty thành viên thuộc các ban quản lý dự án…
Bị cáo Nguyễn Trà My (cựu Phó giám đốc Oceanbank chi nhánh Thăng Long) khai nhiều lần đến đưa tiền 3 cán bộ của Vinashin. “Điều này cho thấy có việc móc nối, lợi dụng tài sản chung để trục lợi cá nhân, tạo ra lợi ích nhóm, tiếp tay cho tham nhũng – ông Trần Nam Hà dẫn chứng.
Video đang HOT
Ngày 13.9, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 3 vụ án hình sự Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí.
HĐXX kiến nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ hành vi vi phạm của các cá nhân, tập thể và các tổ chức kinh tế khác. Nếu có căn cứ thì xử lý nghiêm minh theo các quy định của pháp luật, thu hồi lại tiền cho tổ chức, cá nhân và Nhà nước.
Bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang lĩnh án 3 năm tù sau khi rời tòa ngày 29.9. Ảnh: Việt Hùng
3. Nguyễn Xuân Sơn tiêu 246 tỷ đồng như thế nào?
Diễn biến tại phiên tòa cho thấy bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt 246 tỷ đồng trong số 1.576 tỷ đồng bị thất thoát nhưng chưa thành khẩn, chưa khai báo hợp tác về việc chi số tiền trên như thế nào, cho những ai, gây khó khăn cho thu hồi tài sản, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bị cáo.
HĐXX đề nghị cơ quan điều tra làm rõ khoản tiền Sơn đã nhận để thu hồi và khắc phục hậu quả thiệt hại.
4. Trách nhiệm của Trưởng ban kiểm soát Bùi Văn Hải
Tại phiên tòa các bị cáo Hà Văn Thắm, Nguyễn Minh Thu, Nguyễn Xuân Sơn đều khai tất cả các cuộc họp trao đổi về quản trị đều mời ban kiểm soát. Bị cáo Nguyễn Thị Nga (cựu kế toán trưởng) khai thường xuyên báo cáo cho kiểm toán và ban kiểm soát. Bị cáo Nguyễn Lưu Nam (Giám đốc Oceanbank chi nhánh Quy Nhơn) và một số bị cáo khác khẳng định Bùi Văn Hải đã 4 lần đến chi nhánh Quy Nhơn kiểm tra xem có chi lãi ngoài hay không.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ban kiểm soát theo Luật các tổ chức tín dụng và lời khai các bị cáo tại tòa, HĐXX nhận thấy hành vi của Hải có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thẩm phán Trần Nam Hà thay mặt HĐXX kiến nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an và VKSND Tối cao xem xét điều tra làm rõ hành vi này, xử lý theo quy định pháp luật.
5. Xem xét hành vi của Phó tổng giám đốc Oceanbank
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các bị cáo liên quan đến việc chi lãi ngoài khai đã báo cáo ông Trần Thanh Quang là Phó tổng giám đốc Oceanbank phụ trách khối khách hàng cá nhân, công nghệ thông tin và marketing. HĐXX nhận thấy hành vi của ông Quang có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
HĐXX cũng kiến nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xem xét điều tra làm rõ hành vi này, xử lý theo quy định pháp luật.
Bị cáo Hà Văn Thắm bị tuyên chung thân với 4 tội. Ảnh: Việt Hùng
6. Cán bộ NHNN thanh tra Oceanbank không cảnh báo sai phạm
Ngân hàng Đại Dương thu phí và chi lãi ngoài trong thời gian dài, Ngân hàng Nhà nước nhiều lần thanh tra, giám sát nhà băng này nhưng không phát hiện, cảnh báo sai phạm. Tại phiên tòa, các bị cáo khai nếu nhận được cảnh báo chi lãi ngoài thì sẽ không xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Do vậy, HĐXX kiến nghị NHNN xem xét trách nhiệm của cán bộ thanh tra giám sát thực hiện chưa hết chức tránh khi thanh tra, kiểm tra ngân hàng Đại Dương giai đoạn 2009-2014. HĐXX kiến nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của NHNN, cơ quan thanh tra NHNN trong việc kiểm tra, giám sát Oceanbank.
7. Ai chỉ đạo thành viên PVN gửi tiền tại Oceanbank?
Liên quan đến việc tập đoàn dầu khí góp vốn tại Oceanbank, hiện nay Bộ Công an đã khởi tố 4 lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí về hành vi Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. HĐXX tiếp tục kiến nghị điều tra làm rõ hành vi của các cá nhân này và những người khác liên quan đến quản lý nguồn vốn góp của Tập đoàn Dầu khí ở Oceanbank.
Ngoài Nguyễn Xuân Sơn và Ninh Văn Quỳnh, hiện còn có một số người từng làm công tác tại PVN đã vướng lao lý do xảy ra những sai phạm tại Oceanbank. Ảnh: Tiến Tuấn
Mặt khác tại tòa, luật sư bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn xuất trình các tài liệu về việc ông này không có thẩm quyền chỉ đạo công ty thành viên của PVN gửi tiền vào Oceanbank. Đây là chủ trương của lãnh đạo tập đoàn. Do vậy, HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi, trách nhiệm những người liên quan việc chỉ đạo các công ty thành viên gửi tiền tại Oceanbank, nếu không minh bạch thì xử lý theo quy định pháp luật. Nguyễn Xuân Sơn cũng khai trước tòa về việc này.
8. Quy định mua bắt buộc cổ phần tổ chức tín dụng giá 0 đồng chưa có trong luật
HĐXX thấy rằng Luật NHNN Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng chỉ quy định việc mua cổ phần bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, không quy định việc mua bắt buộc cổ phần tổ chức tín dụng giá 0 đồng.
Việc mua bán này chưa được quy định trọng Luật Dân sự, Luật Tín dụng và các luật khác. Mặt khác, việc mua bán này thực tế tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, buộc Nhà nước phải chi ngân sách giải quyết hậu quả nặng nề tổ chức tín dụng gây ra, gây thiệt hại cho Nhà nước. Ngoài ra việc mua bán như trên không đảm bảo quyền lợi của các cổ đông và người liên quan, do đó kiến nghị Chính phủ xem xét, đánh giá cơ chế chính sách mua cổ phần của các tổ chức tín dụng với số tiền 0 đồng.
Theo Nhóm phóng viên (Zing)
Nữ cựu Phó tổng giám đốc Oceanbank khóc kêu oan
"Cáo trạng của VKS kết luận bị cáo thực hành tích cực chủ trương của lãnh đạo ngân hàng là không đúng. Hành vi thực hành tích cực là oan uổng, mong HĐXX xem xét", bị cáo Thủy nói
Sáng 31.8, bước sang ngày thứ 4 xét xử Hà Văn Thắm cùng 50 đồng phạm liên quan đến đại án Oceanbank. Phiên tòa diễn ra với phần xét hỏi các bị cáo xoay quanh hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Oceanbank hơn 1.500 tỷ đồng.
Hôm nay, Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm không còn vui vẻ như những ngày trước. Bị cáo Sơn mang vẻ mặt căng thẳng.
Lúc 8h20, HĐXX bắt đầu thẩm vấn bị cáo Lê Thị Thu Thủy (cựu Phó tổng giám đốc Oceanbank).
Cựu Phó tổng giám đốc Oceanbank kêu oan Cựu Phó tổng giám đốc Oceanbank Lê Thị Thu Thủy kêu oan khi cáo trạng cho rằng bà tham gia tích cực vào việc huy động vốn chi lãi suất ngoài.
Thủy trình bày chủ trương chi lãi ngoài của lãnh đạo Oceanbank bà không nắm được. "Bị cáo đọc cáo trạng mới biết các sếp triển khai chi lãi ngoài. Bị cáo không nắm được chủ trương này của ban lãnh đạo tổng giám đốc", nguyên phó tổng giám đốc nói.
"Phó tổng giám đốc phụ trách mảng lớn mà nói không biết thì nghe có hợp lý không?", chủ tọa Trần Nam Hà vặn rồi hỏi tiếp: "Cơ quan công tố cáo buộc bị cáo phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, có trách nhiệm liên đới cùng Hà Văn Thắm và các bị cáo khác về số tiền hơn 1.500 tỷ đồng bị thiệt hại, bị cáo có ý kiến gì không?".
Bị cáo Thủy nghe hỏi lập tức xúc động và khóc. Sau phút trấn an, nữ bị cáo sinh năm 1977 khẳng định bản thân không tham gia chỉ đạo trong các đơn vị kinh doanh. "Việc chi lãi ngoài diễn ra từ năm 2009, đến 2012 bị cáo mới biết khi chủ tịch Thắm báo cho", Thủy trình bày.
Nữ cựu Phó tổng giám đốc Oceanbank nói ở phiên tòa trước bà hiểu số tiền 1.500 tỷ không phải thiệt hại của ngân hàng bởi khoản chi đó giúp Oceanbank tạo ra tiền, không gây thiệt hại. "Không chi tiền thì ngân hàng sẽ không có lãi, không tạo ra công ăn việc làm cho anh chị em", Thủy nói và cho rằng cáo trạng của VKS kết luận bà "thực hành tích cực chủ trương của lãnh đạo ngân hàng" là không đúng, oan uổng. Nữ bị cáo mong HĐXX xem xét.
Bị cáo Lê Thị Thu Thủy đến tòa sáng 31.8. Ảnh: Việt Hùng
Là bị cáo thứ 2 trả lời các câu hỏi của HĐXX, Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1980, nguyên Kế toán trưởng Oceanbank) cho biết cô vào làm việc tại Oceanbank từ tháng 4.2007.
Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc có chỉ đạo những phòng ban khác làm các công việc liên quan đến chi lãi ngoài không, Nga khẳng định không. Giọng nghẹn ngào, ngón tay liên tục đan vào nhau, Nga xin HĐXX cho mình được trình bày.
Theo lời khai của Nga, những vấn đề trong cáo trạng mới chỉ nêu được một nửa sự thật. Nếu chỉ có một nửa thì không còn là sự thật nữa. "Bị cáo mong HĐXX công tâm, nghe bị cáo và các anh chị giám đốc ở đây được trình bày. Bị cáo không làm gì sai với đạo đức con người, đạo đức nghề nghiệp", Nga ngẹn ngào nói. Tiếp lời, nữ bị cáo khẳng định bản thân không có hành vi đồng phạm với các bị cáo khác liên quan đến việc chi lãi ngoài khiến Oceanbank thiệt hại hơn 1.500 tỷ.
"Bị cáo hiểu đồng phạm là cùng ý chí, mục đích, hành động. Nếu là đồng phạm thì phải giúp ban lãnh đạo tạo lập hợp đồng giả, giấu đi sai phạm chứ không phải là hạch toán đầy đủ, rõ ràng trên báo cáo với cơ quan chức năng", cựu Kế toán trưởng Oceanbank khẳng định với HĐXX.
Nghe Nga trình bày, thẩm phán chủ tọa phiên tòa Trần Nam Hà khen bị cáo là người thông hiểu nghiệp vụ kế toán, hiểu biết pháp luật.
Được HĐXX cho về chỗ ngồi, Nga xin được trình bày thêm hai phút liên quan tới cáo buộc chi lãi ngoài 165 tỷ. Đôi tay liên tục đan vào nhau trước bụng, Nga cho rằng cáo buộc liên quan đến mình chưa thấu tình đạt lý. Về lý, theo Nga, việc huy động vốn của tổ chức tín dụng không thể tách rời hoạt động cho sinh lợi, mà có lợi thì không thể nói là thiệt hại. Về tình, cả Nga và 34 giám đốc chi nhánh tất cả đều không hưởng lợi, không vi phạm đạo đức con người... lúc đó bối cảnh bắt buộc mọi người không thể làm khác. Nói đến đó Nga lại bật khóc.
Nguyễn Xuân Sơn bị áp giải đến tòa sáng 31.8. Ảnh: Việt Hùng
Trước đó, trong phiên xử ngày thứ 3, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn nhiều lần được HĐXX gọi lên thẩm vấn xoay quanh số tiền 69 tỷ đồng chiếm đoạt của Công ty BSC.
Cùng phiên xét hỏi ngày 30.8, HĐXX đã thẩm vấn nhiều lần Hà Văn Thắm, Nguyễn Thị Hồng Tứ (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty BSC)... nhằm làm rõ hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Xuân Sơn và một số bị cáo liên quan.
Tại tòa, bị cáo Thắm khẳng định 69 tỷ đồng được lấy từ Công ty BSC. Cựu chủ tịch HĐQT Oceanbank khai những lần đưa tiền cho Sơn đều thông qua nhân viên hoặc chuyển khoản. "Bản thân bị cáo không nói cho anh Sơn tiền ở đâu, nhưng bị cáo nghĩ anh Sơn biết. Thứ nhất anh ấy là tổng giám đốc, thứ hai là có phiếu chi... Trong biên bản họp hội đồng tín dụng có nói đến và anh Sơn biết", Thắm khai.
Theo Nhóm phóng viên (Zing)
Đại án Oceanbank: Giúp cấp trên phải nhận "quả đắng" tòa, bị cáo Nguyễn Trà My khai chỉ vì giúp cấp trên trong thời gian chị này bị ốm khiến bị cáo vướng vào lao lý. Sáng 31.8, phiên tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm tiếp tục, Hội đồng xét xử tiến hành thẩm vấn các bị cáo để làm rõ hành vi Cố ý làm trái quy...