Ai Cập phản đối hành động đơn phương của Ethiopia
Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết nước này ngày 29/7 đã đệ đơn lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhằm phản đối việc Ethiopia tiếp tục triển khai kế hoạch tích nước cho hồ chứa của Đập thủy điện Đại phục hưng (GERD) mà không có sự nhất trí của các quốc gia hạ nguồn.
Toàn cảnh đập thủy điện Đại Phục Hưng (GERD) tại Guba, Ethiopia. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ai Cập cho hay Cairo đã nhận được thông báo từ phía Ethiopia ngày 26/7 nói rằng nước này sẽ tiếp tục tích nước cho hồ chứa của GERD trong mùa mưa lũ năm nay. Ai Cập cho rằng Ethiopia đơn phương tích nước cho đập GERD khi chưa có thỏa thuận ràng buộc nào và đã đệ đơn phản đối lên HĐBA LHQ. Bộ Ngoại giao Ai Cập nói rõ nước này kiên quyết bảo vệ “quyền hợp pháp của mình trong việc thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo và bảo vệ an ninh quốc gia, bao gồm chống lại mọi rủi ro mà các biện pháp đơn phương của Ethiopia có thể gây ra trong tương lai”.
Cũng trong ngày 29/7, Đặc phái viên Mỹ về vùng Sừng châu Phi, ông Mike Hammer, đã có mặt tại Ethiopia để đàm phán một số vấn đề, trong đó có tranh chấp giữa Ethiopia với Ai Cập và Sudan liên quan đến đập thủy điện GERD. Ông Hammer cho biết Mỹ đang tích cực hỗ trợ các bên thúc đẩy một giải pháp ngoại giao dưới sự bảo trợ của Liên minh châu Phi (AU) nhằm đạt được thỏa thuận chung đáp ứng được các yêu cầu lâu dài của mọi cư dân sinh sống dọc sông Nile.
Video đang HOT
GERD được khởi công xây dựng trên sông Nile Xanh từ năm 2011 và là đập thủy điện lớn nhất ở châu Phi. Tuy nhiên công trình này đã nhanh chóng trở thành tâm điểm tranh chấp giữa Ethiopia với Ai Cập và Sudan. Trong khi Ethiopia coi GERD là “cứu cánh” cho quá trình điện khí hóa và sự phát triển của quốc gia đông dân thứ hai châu Phi này thì Ai Cập và Sudan lo ngại GERD có thể đe dọa quyền tiếp cận nguồn nước sông Nile quan trọng của họ và đã yêu cầu ký kết một thỏa thuận ràng buộc pháp lý 3 bên về việc tích nước cũng như vận hành con đập.
Với tổng kinh phí xây dựng 4,2 tỷ USD, GERD dự kiến sẽ sản xuất hơn 5.000 MW điện sau khi được hoàn thành và đi vào hoạt động đầy đủ. Quá trình tích nước cho hồ chứa rộng lớn của GERD được bắt đầu vào năm 2020 và tuabin đầu tiên trong số 13 tuabin của đập thủy điện này bắt đầu phát điện từ tháng 2 vừa qua. Trong tháng 7, Ethiopia thông báo đã đạt mục tiêu tích trữ 4,9 tỷ m3 nước cho hồ chứa có tổng dung tích 74 tỷ m3. Trong năm ngoái, nước này tích trữ được thêm 13,5 tỷ khối nước.
Ai Cập, Somalia chia sẻ quan điểm về đập thủy điện Đại Phục Hưng
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 25/7, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi và người đồng cấp Somalia Hassan Sheikh Mahmoud đã chia sẻ quan điểm về "sự nguy hiểm của các chính sách đơn phương trong thực thi các dự án trên những dòng sông quốc tế" khi đề cập dự án đập thủy điện Đại Phục Hưng (GERD) của Ethiopia trên thượng nguồn sông Nile.
Đập thủy điện Đại Phục Hưng ở Guba, Ethiopia, ngày 19/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong cuộc họp báo diễn ra sau hội đàm tại Cairo, Tổng thống El-Sisi cho biết ông cùng người đồng cấp Somalia đã thảo luận những diễn biến mới nhất trong vấn đề GERD, đồng thời nhấn mạnh tính cấp thiết của "việc tuân thủ nguyên tắc hợp tác và tham vấn trước" nhằm giải quyết những bất đồng về việc chia sẻ nguồn nước.
Về phần mình, Tổng thống Somalia Mahmoud cho biết ông đã nhất trí với người đồng cấp Ai Cập về sự cần thiết phải đạt được một thỏa thuận pháp lý có tính ràng buộc đối với các chính sách tích nước và vận hành đập GERD.
Tranh chấp giữa Ai Cập, Sudan và Ethiopia nổ ra từ tháng 5/2011 khi Ethiopia tiến hành xây dựng đập GERD. Ai Cập đã bày tỏ lo ngại về lượng nước mà nước này có quyền sử dụng hằng năm khoảng 55,5 tỷ m3 sẽ bị suy giảm do dự án trên. Ethiopia đã hoàn thành tích nước lần đầu tiên và lần thứ hai, đồng thời bắt đầu vận hành tuabin đầu tiên của đập GERD vào đầu năm nay để sản xuất điện. Ethiopia cũng đang dự kiến triển khai đợt tích nước lần thứ ba vào tháng 8 và tháng 9, theo thông báo gần đây của ban quản lý dự án GERD.
Đập GERD bắt đầu được khởi công xây dựng từ ngày 2/4/2011 với chi phí 4,8 tỷ USD do công ty xây dựng và kỹ thuật Salini Impergilo của Italy đảm nhiệm. Đập này nằm trên sông Nile Xanh, một nhánh của sông Nile với dung tích hồ chứa theo thiết kế là 74 tỷ m3 và dự kiến sẽ có công suất phát điện tối đa 6.000 megawatt (MW), tuy nhiên công suất theo ước tính chỉ tạo ra 3.000 MW vì số lượng tổ máy được lắp đặt đã giảm từ 16 tuabin ban đầu xuống còn 13 tuabin.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Somalia đến Ai Cập, hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận các cách thức thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt là hợp tác kinh tế và xem xét đẩy nhanh tiến độ của các dự án hợp tác chung.
Tổng thống Ai Cập El-Sisi cho biết trong tháng 7 này, Ngân hàng Trung ương Somalia đã đồng ý cấp phép hoạt động cho ngân hàng Banque Misr của Ai Cập mở chi nhánh tại Somalia. Đây là ngân hàng nước ngoài đầu tiên hoạt động tại Somalia.
Hai Tổng thống cũng thảo luận về một loạt vấn đề khu vực cùng quan tâm, trong đó có cách thức an ninh, theo đó hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đỏ.
Tổng thống El-Sisi tái khẳng định sự ủng hộ hết mình của Ai Cập đối với các nỗ lực của Somalia trong việc đạt được an ninh và ổn định cũng như loại bỏ khủng bố ở quốc gia vùng Sừng châu Phi này.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Somalia Mahmoud tới Ai Cập sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai hồi tháng 6 vừa qua.
Mỹ tìm giải pháp cho vấn đề đập thủy điện Đại Phục Hưng Đặc phái viên Mỹ tại vùng Sừng châu Phi Mike Hammer sẽ đến Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ethiopia từ ngày 24/7 đến 1/8, để thảo luận về việc Washington hỗ trợ tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho các vấn đề liên quan đến đập thủy điện Đại Phục Hưng (GERD) do Ethiopia xây dựng...