Ai Cập nỗ lực hỗ trợ khôi phục an ninh và ổn định ở Sudan
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, trong cuộc gặp phái đoàn Sudan ngày 7/7, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi nhấn mạnh Cairo đang thực hiện mọi nỗ lực, dù ở cấp độ song phương, khu vực hay quốc tế, để giải quyết những hậu quả nhân đạo của cuộc khủng hoảng Sudan.
Tuyên bố này được đưa ra 1 ngày sau khi các đảng chính trị của Sudan nhất trí thành lập ủy ban kiến tạo hòa bình ở quốc gia Đông Bắc Phi.
Binh sĩ được triển khai tại khu vực Alole, Nam Sudan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Thông cáo của Phủ Tổng thống Ai Cập dẫn lời ông El-Sisi khẳng định Cairo sẽ nỗ lực hết sức để hàn gắn rạn nứt giữa các phe phái ở Sudan, chấm dứt chiến tranh và đảm bảo khôi phục an ninh và ổn định ở nước này. Tổng thống El-Sisi cho hay Ai Cập sẽ tiếp tục gửi số lượng lớn hàng viện trợ nhân đạo đến Sudan. Nhà lãnh đạo Ai Cập cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các nỗ lực chung nhằm đạt được giải pháp và kế hoạch chính trị toàn diện để đáp ứng nguyện vọng của người dân Sudan và chấm dứt cuộc khủng hoảng mà quốc gia Đông Bắc Phi đang phải trải qua, cũng như giải quyết những hậu quả nghiêm trọng của khủng hoảng ở các cấp độ chính trị, xã hội và nhân đạo khác nhau.
Tổng thống El-Sisi nêu rõ Ai Cập mong muốn phối hợp và hợp tác với các đối tác khu vực và quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng Sudan, cho rằng bất kỳ tiến trình chính trị đáng tin cậy nào đều phải dựa trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc về chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Sudan, cũng như bảo vệ nhà nước và các thể chế của Sudan trong vai trò là nền tảng của sự thống nhất và ổn định của nước này.
Trước đó, tại Hội nghị Các lực lượng Dân sự và Chính trị Sudan do Ai Cập đăng cai tổ chức ở Cairo hôm 6/7, các đảng phái của Sudan đã nhất trí thành lập ủy ban kiến tạo hòa bình ở quốc gia Đông Bắc Phi. Bộ Ngoại giao, Di trú và Kiều dân Ai Cập ra tuyên bố cho biết các bên tham dự hội nghị đã nhất trí thành lập một ủy ban để thúc đẩy tiến trình đàm phán và theo dõi những nỗ lực liên quan nhằm đạt được hòa bình lâu dài ở Sudan. Tuyên bố nhấn mạnh các bên liên quan đã nhất trí duy trì đất nước Sudan thống nhất dựa trên nền tảng quyền công dân và quyền bình đẳng cũng như một nhà nước dân sự, dân chủ và liên bang.
Hội nghị Các lực lượng Dân sự và Chính trị Sudan quy tụ đại diện của các lực lượng chính trị và dân sự Sudan, Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab (AL), Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia có ảnh hưởng và quan tâm đến vấn đề Sudan. Đây là cuộc họp đầu tiên quy tụ các đảng dân sự trên chính trường Sudan kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu nổ ra ở nước này hồi giữa tháng 4/2023. Với chủ đề “Cùng chung sức chấm dứt chiến tranh ở Sudan”, hội nghị được tổ chức theo lời kêu gọi của Ai Cập nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng do xung đột dai dẳng giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự.
Theo báo cáo được công bố cuối tháng 6/2024 của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), cuộc xung đột Sudan đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 16.650 người tính đến đầu tháng 5/2024. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) của LHQ ước tính xung đột đã khiến hơn 7,7 triệu người phải tản cư ở trong nước, trong khi khoảng 2,2 triệu người khác vượt biên sang các nước láng giềng. Theo số liệu chính thức của Ai Cập, khoảng 500.000 người Sudan đã trốn sang nước này kể từ khi xung đột bắt đầu, cùng với khoảng 5 triệu công dân Sudan đã sinh sống ở Ai Cập trong nhiều năm qua.
Sudan lần đầu đồng ý nhận viện trợ qua CH Chad và Nam Sudan
Ngày 6/3, Chính phủ Sudan tuyên bố lần đầu tiên đồng ý nhận hàng viện trợ nhân đạo qua Cộng hòa Chad và Nam Sudan.
Người tị nạn Sudan sơ tán tránh xung đột tại thị trấn Gallabat. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Tuyên bố nêu rõ Chính phủ Sudan sẽ chỉ định các tuyến đường và sân bay ở các khu vực khác nhau để nhận hàng viện trợ.
Kể từ khi xung đột nổ ra giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) hồi tháng 4/2023, gần 18 triệu người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng; 2/3 dân số không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khiến nhiều bệnh dịch lan rộng; khoảng 19 triệu trẻ em Sudan không được đến trường; 50% dân số Sudan - khoảng 25 triệu người - cần được hỗ trợ và bảo vệ nhân đạo. Hơn 1,5 triệu người đã rời bỏ đất nước để tìm kiếm sự an toàn tại Cộng hòa Trung Phi, CH Chad, Ai Cập, Ethiopia và Nam Sudan. Theo số liệu của Liên hợp quốc (LHQ), xung đột đã khiến 12.000 người thiệt mạng nhưng con số thực tế có thể cao hơn. Giao tranh vẫn tiếp tục leo thang bất chấp những nỗ lực quốc tế nhằm đạt được lệnh ngừng bắn.
Trong lời kêu gọi chung mới đây, Cơ quan tị nạn LHQ (UNHCR) và Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo LHQ (OCHA) đã đề nghị huy động 4,1 tỷ USD. Số tiền này gồm 2,7 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho 14,7 triệu người Sudan và 1,4 tỷ USD hỗ trợ gần 2,7 triệu người tại 5 quốc gia láng giềng đang tiếp nhận lượng lớn người tị nạn Sudan.
Ai Cập thông báo kết quả vòng đàm phán thứ tư về GERD Ngày 19/12, Ai Cập thông báo vòng đàm phán thứ tư giữa Ai Cập, Ethiopia, và Sudan liên quan tới tranh chấp về đập thủy điện Đại Phục Hưng của Ethiopia (GERD), diễn ra tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia), đã kết thúc trước một ngày so với dự kiến mà không đạt được bất kỳ kết quả nào. Quang cảnh công trình...