Ai Cập muốn thay thế thị trường Thổ Nhĩ Kỳ với Nga
Ngay sau khi Tổng thống Nga ký lệnh trừng phạt kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập lên tiếng đề nghị thay thế vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong lĩnh vực hàng dệt may, nông sản, thực phẩm xuất sang Nga.
Chợ rau quả cuối tuần ở Stavropol, miền nam Nga, ngày 14.3.2015. Ai Cập đang muốn thay thế Thổ Nhĩ Kỳ trong việc cung ứng hàng nông sản sang Nga – Ảnh: Reuters
Theo hãng thông tấn RIA, ngày 29.11 Cairo đã đề nghị Moscow cho biết danh mục các mặt hàng bị cấm hoặc hạn chế nhập khẩu vào Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ để có thể thay thế bằng hàng hóa cùng chủng loại của Ai Cập
Phía Ai Cập cho biết, chủ đề thay thế một phần hàng hóa xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga đã được thảo luận giữa Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Ai Cập Tarek Kabila và người đồng cấp Nga, ông Denis Manturov, tại một cuộc họp ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Hiện Ai Cập quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu của thị trường Nga về trái cây, rau quả, hàng dệt may và giày da… là những mặt hàng mà Nga đã cấm hoặc hạn chế nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Công thương Ai Cập tuyên bố đã sẵn sàng vào cuộc.
Quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đổ vỡ sau vụ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga tại Syria ngày 24.11.
Video đang HOT
Phạm Bá Thủy
Theo Thanhnien
4 lý do khiến Nga, Thổ khó kham một cuộc chiến tranh thương mại
Giới chức Nga đang chuẩn bị những biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vụ Ankara bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Moscow gần biên giới Syria đầu tuần này.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang trong cơn giận nhau - Ảnh chụp từ Daily Sabah
Tuy nhiên, theo đài CNN, một cuộc chiến tranh thương mại sẽ khiến cả hai trả giá đắt vì những lý do sau đây:
Nga có ít bạn
Nga không có nhiều đối tác thương mại trên trường quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số ít đối tác mà Nga có thể dựa vào. Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia cùng châu Âu, Mỹ và các nước phương Tây khác áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Nga liên quan đến vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Thành viên NATO này thực sự đang dự định tăng 3 lần khối lượng thương mại với Nga nhằm đạt mức 100 tỉ USD vào năm 2020.
Căng thẳng gia tăng giữa 2 nước có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho mối quan hệ đó. Nga đã tuyên bố sẽ siết chặt kiểm soát nông phẩm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Và cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của Nga cho biết nước này có những lo ngại về chất lượng và sự an toàn của quần áo, đồ trang trí nội thất và sản phẩm tẩy rửa có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Mối liên hệ năng lượng
Hai nước đã ký kết một loạt thỏa thuận năng lượng có tầm quan trọng chiến lược chỉ mới cách đây 1 năm. Đáng kể nhất trong số này là dự án Turkish Stream, nhằm xây dựng một đường ống khí đốt mới để vận chuyển khí đốt từ Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ rồi đến thị trường châu Âu. Dự án này sẽ thay thế dự án South Stream, được cho là sẽ băng qua lãnh thổ Ukraine nhưng đã bị hủy bỏ hồi năm ngoái. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nước nhập khẩu khí đốt thiên nhiên lớn thứ 2 của Nga sau Đức.
Nga cũng đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, tọa lạc tại Mersin trên bờ biển phía nam nước này. Việc xây dựng đã bắt đầu hồi tháng 4 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020. Theo thỏa thuận được ký vào năm 2010, Nga sẽ tài trợ dự án có chi phí 22 tỉ USD này và vận hành nhà máy.
Cả hai dự án có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt, theo Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexey Ulyukaev.
Khách du lịch
Du khách Nga có vai trò quan trọng đối với ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng 4,5 triệu người Nga đã tham quan nước này hồi năm ngoái, và dữ liệu của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy hơn 12% trong tổng số du khách là người Nga, khiến họ trở thành nhóm du khách lớn thứ hai sau Đức.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khuyến cáo công dân không đến Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ bắn máy bay, và Cơ quan Du lịch Liên bang Nga đã yêu cầu các hãng lữ hành ngừng bán tour sang nước này.
Với việc Ai Cập không còn là sự lựa chọn sau vụ một máy bay chở khách Nga phát nổ không lâu sau khi cất cánh khỏi sân bay của khu nghỉ mát Sharm-el-Sheikh trên bán đảo Sinai hồi tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã thu hút thêm nhiều du khách. Điều đó đã trở nên kém khả thi hơn trong hiện tại.
Cả hai cần mọi sự giúp đỡ mà họ có thể nhận được
Cả hai nước đang phải gánh chịu khó khăn kinh tế nghiêm trọng và rất cần một cú hích, chứ không phải một cú sốc khác. Nền kinh tế Nga đã bị "trừng phạt" bởi giá dầu lao dốc và các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng GDP của Nga giảm 3,8% trong năm nay, và giảm thêm 0,6% trong năm 2016.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng không ở tình thế tốt hơn. Nhiều tháng bế tắc chính trị sau một cuộc bầu cử không có kết quả rõ ràng hồi tháng 6 đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Tăng trưởng giảm trong những năm gần đây. IMF dự đoán nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ tăng trưởng 3,1% trong năm nay và 3,6% trong năm 2016, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 9% được ghi nhận vào các năm 2010 và 2011.
Đồng nội tệ lira đã mất 20% giá trị so với đồng USD trong năm 2015. Điều này khiến việc thanh toán 125 tỉ USD nợ nước ngoài ngắn hạn của Thổ Nhĩ Kỳ trở nên đắt đỏ hơn.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Ông Putin ký lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ Nga cấm nhập khẩu một số mặt hàng và buộc các công ty, công dân Thổ Nhĩ Kỳ tạm ngừng hoặc hạn chế hoạt động kinh doanh ở nước này. Máy bay Thổ Nhĩ Kỳ chở thi thể phi công Nga chuẩn bị trao trả - Ảnh: Reuters Đó là một trong những nội dung sắc lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào...