Ai Cập mở nhánh kênh đào Suez mới trị giá 8,5 tỷ USD
Giữa tuần qua, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã chính thức tuyên bố khánh thành và thông tàu dự án mở rộng kênh đào Suez, trị giá 8,5 tỷ USD, trong một động thái được tin giúp củng cố uy tín của chính quyền quân sự.
Máy bay nhào lộn trình diễn trong ngày khánh thành kênh đào Suez mở rộng (Ảnh: AFP)
Theo BBC, dự án này bao gồm việc nạo vét tuyến đường thủy chính của kênh đào Suez, đồng thời mở một tuyến kênh mới dài 35km, song song với tuyến kênh hiện hữu.
Tại lễ khánh thành, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi đã mời các nguyên thủ quốc gia khách mời lên một chiếc du thuyền lịch sử El-Mahrousa để đi dạo trên tuyến kênh mới, trong lúc các chiến đấu cơ bay trên đầu. Đây chính là du thuyền đầu tiên đi qua kênh đào Suez khi đoạn kênh này được xây dựng năm 1869.
Dự án nhằm tăng lượng tàu qua lại trên tuyến kênh này. Tới dự lễ khánh thành có Tổng thống Pháp Francois Hollande, thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, quốc vương Jordan cùng nhiều nguyên thủ khác.
Truyền thông Ai Cập khẳng định dự án mở rộng dòng kênh là một chiến thắng của đất nước, một bước ngoặt sau nhiều năm bất ổn.
“Người Ai Cập đã có những nỗ lực khổng lồ để trao cho thế giới món quà của sự phát triển, xây dựng và khai hóa”, ông Sisi khẳng định. Người Ai Cập đã “chứng tỏ khả năng làm nên lịch sử một cách hiệu quả và bật nhảy vào tương lai vì sự thịnh vượng của nhân loại”.
Theo tờ The Economist, dự án được hoàn thành “thần tốc”, trong thời gian chỉ 1 năm, bằng 1/3 so với dự kiến 3 năm của các kỹ sư trước đó.
Chính phủ Ai Cập khẳng định, dự án này hoàn toàn do các nhà đầu tư trong nước góp vốn, và sẽ giúp tăng gấp đôi doanh thu của kênh Suez lên mức 13,2 tỷ USD vào năm 2023
Thanh Tùng
Theo Dantri/BBC, Economist
Video đang HOT
Pháp khó bán chiến hạm Mistral sau vụ hủy hợp đồng với Nga
Sau khi quyết định hủy bán 2 chiến hạm Mistral cho Nga, Pháp có thể "đau đầu" với 2 tàu chiến khổng lồ này vì sẽ "đặc biệt khó khăn" trong việc tìm khách hàng mới, trong khi lại không đủ khả năng để giữ lại dùng, các chuyên gia nhận định.
Các tàu chiến Mistral hiện đang neo đậu tại miền nam nước Pháp (Ảnh: ouest-france)
Sau nhiều tranh cãi, ngày 5/8, Tổng thống Pháp Francois Hollande thông báo rằng ông đã đạt được một thỏa thuận với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để giữ lại các tàu chiến, đổi lại Paris thanh toán cho Mátxcơva toàn bộ số tiền đã trả.
Cùng ngày, Mátxcơva cho hay Pháp đã hoàn tiền và Nga coi vấn đề Mistral đã được khép lại.
Trong một thỏa thuận trị giá 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD) ký năm 2011, Pháp đã cam kết chuyển giao 2 tàu cho Nga, nhưng thỏa thuận đã bị "treo" do cuộc khủng hoảng ở đông Ukraine.
Vài nước đã "nhắm" chiến hạm trực thăng Mistral
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian không tiết lộ chính xác Pháp đã hoàn lại bao nhiêu cho Nga, nhưng cho hay Paris giờ đây có thể thúc đẩy các cuộc thảo luận với các khách hàng quan tâm.
"Chúng tôi không thể làm điều đó khi tranh cãi với Nga vẫn tiếp diễn... Nhưng giờ đây không còn tranh chấp nào nữa", ông Le Drian nói với đài phát thanh RTL ngày 6/8.
Ông Le Drian cho hay vài quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đối với việc mua các chiến hạm lớp Mistral, sau khi Paris hủy hợp đồng bàn giao nó cho Nga sau nhiều tháng giằng co giữa đôi bên.
"Một số quốc gia đã quan tâm tới các tàu này", Bộ trưởng Quốc phòng Pháp tiết lộ, nhưng không nói chi tiết. "Chúng tôi muốn bán chúng càng sớm càng tốt".
Hai tàu Mistral hiện đang neo đậu tại một xưởng đóng tàu ở thành phố Saint Nazaire, miền nam nước Pháp. Bất kể ai mua Mistral cũng cần phải sơn lại chúng để che đi những cái tên của hải quân Nga.
Khó khăn tìm khách hàng mới
Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng Pháp sẽ gặp khó khăn trong việc bán lại các chiến hạm Mistral.
"Việc bán các tàu cho ai đó lúc này là đặc biệt khó khăn", AFP dẫn lời ông Ben Moores, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Công ty nghiên cứu quốc phòng IHS Jane's có trụ sở tại London.
"Họ sẽ phải giảm giá để biến chúng trở nên hấp dẫn với một nước khác. Việc bán thể mất vài năm", ông Moores nói thêm.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Francois Hollande lại không nghĩ như vậy.
"Sẽ không có khó khăn trong việc tìm bên mua", ông Hollande phát biểu trước báo giới ngày 6/8 trong chuyến thăm Ai Cập khi được hỏi về các chiến hạm Mistral.
Về mặt lý thuyết, ông Moores cho hay, các tàu Mistral rất dễ bán lại "vì vấn đề lớn duy nhất là Nga thay đổi là họ lắp đặt hệ thống liên lạc riêng trên tàu, vốn có thể được tháo ra dễ dàng".
Nhưng hầu hết các quốc gia có kinh phí và mong muốn mua các tàu cỡ đó đều có ngành công nghiệp đóng tàu của riêng mình.
"Vấn đề mà Pháp sẽ phải vượt qua là các ngành công nghiệp đóng tàu nội địa. Nếu một quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua các tàu này, điều đó đồng nghĩa với việc hàng nghìn người có thể bị sa thải khỏi một xưởng đóng tàu. Và cũng còn vấn đề tự hào quốc gia khi nói rằng "chúng tôi tự đóng các tàu".
Trong khi đó, Pháp đã có 3 tàu Mistral trong hạm đội, và không có đủ kinh phí để bổ sung 2 chiếc nữa.
"Việc giữ lại chúng không phải chỉ là thanh toán tiền, mà còn phải khiến chúng hoạt động - đào tạo các thủy thủ, neo đậu chúng, bảo dưỡng chúng", một quan chức cấp cao về mua sắm vũ khí trong quân đội Pháp cho biết. "Chúng tôi chắc chắn phải bán chúng".
Nhưng chỉ một số ít quốc gia có thể sử dụng chúng, Đô đốc Alain Coldefy, một cựu thanh tra của quân đội Pháp, nhận định.
"Chúng ta cần các quốc gia có nguồn lực để mua những con tàu hiện đại, tinh vi như vậy. Họ cũng cần có các thủy thủ được huấn luyện kỹ càng", ông Coldefy nói.
Theo ông Coldefy, lý tưởng nhất là Liên minh châu Âu mua chúng, nhưng các nỗ lực trong nhiều năm nhằm thúc đẩy phòng vệ tập thể của châu Âu đã không mấy tiến triển.
Và một vấn đề nữa cho Pháp là khi Nga tới tháo dỡ thiết bị liên lạc.
"Người Nga chắc chắn sẽ tận dụng thời gian để đánh cắp nhiều công nghệ nhất có thể. Họ nói họ có thể chế tạo các tàu tương tự, nhưng thực họ còn tụt hậu xa", ông Coldefy nói.
Những nước nào cần?
Theo ông Moores, trong vòng 10 năm tới, ước tính nhu cầu các tàu giống Mistral vào khoảng 26 chiếc tại các quốc gia mà Pháp có thể ký hợp đồng hợp pháp.
Các khách hàng tiềm năng này có thể từ các đồng minh NATO của Pháp như Thổ Nhĩ Kỳ và Canada tới Ấn Độ, Úc và Singapore.
"Một vấn đề với Pháp là nhiều trong số các quốc gia này không mong đợi việc chuyển giao sẽ xảy ra trước năm 2020. Vì vậy, họ sẽ không có tiền ngay trong ngân sách để trả cho các tàu này", ông Moores nói thêm.
Theo IHS Jane, 13 quốc gia nền một tàu chiến như vậy trong thập niên tới - và có thể mua một tàu từ Pháp - là Úc, Bỉ, Brazil, Canada, Chila, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Hà Lan, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela.
Trong số đó, chỉ có Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cần một tàu chiến như vậy trong 4 năm tới. Nhưng New Delhi gần đây cho biết nước này sẽ ngừng nhập khẩu các tàu chiến và cố gắng tự chế tạo, trong khi Ankara đặt mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu lớn các tàu hải quân.
"Những nước khác có thể nghĩ tới, đặc biệt trong bối cảnh các căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông", nơi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực đã gây ra những lo ngại đối với các láng giềng, ông Moore cho hay.
"Nhưng chỉ một số ít tàu chiến như vậy được bán mỗi năm, điều đó sẽ trở nên rất khó khăn", ông Moore nhấn mạnh.
An Bình
Theo Dantri
Ai Cập khánh thành kênh đào Suez mới Ngày 6/8, Ai Cập đã khánh thành kênh đào Suez mới sau 1 năm khởi công với kỳ vọng công trình này sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho đất nước. Người Ai Cập đổ xuống đường ăn mừng lễ khánh thành kênh đào mở rộng ở thủ đô Cairo (Ảnh: AP) Kênh đào Suez mới bao gồm hệ thống đường...