Ai Cập: Lật xe buýt chở sinh viên khiến ít nhất 12 người tử vong
Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn thông báo của Bộ Y tế và Dân số Ai Cập ngày 14/10 cho biết, ít nhất 12 sinh viên đã tử vong và khoảng 33 người khác bị thương trong vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng xảy ra cùng ngày trên đường cao tốc Al-Galala ở tỉnh Suez.
Chiếc xe buýt chở các sinh viên đang trên đường trở về nhà từ đại học Galala đến Cairo thì bị lật trên đường cao tốc Al-Galala.
Bộ này cho biết thêm những người bị thương đã được đưa đến khu phức hợp Y tế Suez để được điều trị.
Video đang HOT
Trong một tuyên bố trên truyền hình, Thống đốc tỉnh Suez, ông Tarek El-Shazly nói rằng chiếc xe buýt đã đâm vào dải phân cách ở giữa đường và bị lật.
Cơ quan Cứu thương Ai Cập đã điều động 24 xe cứu thương được trang bị đầy đủ thiết bị cứu hộ đến hiện trường.
Chính quyền địa phương đang tiếp tục đánh giá tình hình, trong khi Cơ quan công tố đã bắt đầu mở cuộc điều tra để làm rõ nguyên nhân vụ tại nạn.
Mỗi năm, tai nạn giao thông đường bộ cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người ở Ai Cập, chủ yếu là do chạy quá tốc độ, không tuân thủ luật giao thông và bảo trì đường bộ kém. Trong những năm gần đây, Ai Cập đã nâng cấp mạng lưới đường bộ để cải thiện giao thông và hạn chế tai nạn.
Nguyễn Tùng (TTXVN)
Ai Cập: Nỗ lực ngăn chặn nạn buôn bán cổ vật
Phóng viên TTXVN tại Cairo đưa tin, trong một tuyên bố, Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết cảnh sát nước này ngày 14/10 đã thu giữ 1.945 đồng tiền bạc và đồng cổ có niên đại từ thời La Mã trong lịch sử Ai Cập, kéo dài từ năm 30 trước Công nguyên đến năm 395 sau Công nguyên.
Theo tuyên bố, cảnh sát đã bắt giữ hai nghi phạm và những người này thú nhận có ý định bán những đồng tiền cổ La Mã nói trên.
Cuộc điều tra tiết lộ rằng những cá nhân bị bắt giữ đã sở hữu những cổ vật này thông qua các cuộc khai quật mà họ thực hiện ở một vùng núi của Ai Cập.
Là cái nôi của một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới, Ai Cập từ lâu đã phải đối mặt với vấn đề buôn bán cổ vật bất hợp pháp.
Ngoài việc tăng cường truy quét các hoạt động buôn bán cổ vật ở trong nước, Ai Cập cũng tích cực vận động nhằm hồi hương các hiện vật khảo cổ có giá trị từ khắp nơi trên thế giới, thông qua các nỗ lực của các cơ quan đại diện ngoại giao của nước này ở nước ngoài.
Mới đây, Ai Cập cũng đã hồi hương thành công 3 hiện vật cổ từ Đức. Các hiện vật thu hồi bao gồm hộp sọ và bàn tay xác ướp mạ vàng đã được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật ở Hamburg trong hơn 30 năm. Hai hiện vật này có niên đại hơn 2.000 năm trước Công nguyên, thuộc về nền văn minh Ai Cập cổ đại. Tuy nhiên, hoàn cảnh xung quanh việc tại sao các hiện vật này có mặt ở Đức vẫn chưa được làm sáng tỏ. Ngoài ra, hiện vật thứ ba được hồi hương là một lá bùa hộ mệnh Ai Cập cổ đại với hình biểu tượng Ankh, có niên đại từ năm 600 trước Công nguyên, bị tịch thu tại sân bay Frankfurt sau khi được tuồn lậu từ Vương quốc Anh.
Bộ trưởng Du lịch và Cổ vật Ai Cập, Sherif Fathi đã ca ngợi sự hợp tác giữa Ai Cập và Đức trong việc chống lại nạn buôn bán trái phép các hiện vật văn hóa, nhấn mạnh rằng việc thu hồi này đánh dấu một cột mốc mới trong nỗ lực chung giữa hai nước nhằm ngăn chặn nạn buôn bán cổ vật.
Nga kêu gọi BRICS tìm giải pháp thay thế cho IMF Nga, nước chủ trì nhóm BRICS năm nay, đã kêu gọi các đối tác của mình tạo ra một giải pháp thay thế cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trước hội nghị thượng đỉnh BRICS vào cuối tháng này. BRICS, ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, đã mở rộng thêm với Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran...