Ai Cập là một trong những đối tác quan trọng nhất của Anh ở Trung Đông
Ngày 7/11, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã đánh giá Ai Cập là một trong những đối tác quốc tế quan trọng nhất của Vương quốc Anh ở Trung Đông.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu tại London ngày 4/11/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, nhận định của ông Sunak được đưa ra trong cuộc gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El Sisi bên lề Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ( COP27) đang diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh.
Tân Thủ tướng Anh Sunak ca ngợi vai trò trong khu vực của Ai Cập là trụ cột chính về an ninh và ổn định của khu vực, đồng thời bày tỏ hy vọng Ai Cập sẽ tổ chức thành công COP27. Thủ tướng Anh cũng đánh giá cao mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước trong những năm qua, đặc biệt là ở lĩnh vực kinh tế và thương mại. Hai bên cũng đề cập đến nỗ lực chung của hai nước nhằm hỗ trợ và thúc đẩy hành động vì khí hậu ở cấp độ khu vực và quốc tế.
Về phần mình, Tổng thống Ai Cập Sisi đã chúc mừng ông Sunak đảm nhận vai trò Thủ tướng mới của Anh và hoan nghênh chuyến thăm Ai Cập của ông Sunak. Đây cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Sunak trên cương vị Thủ tướng Anh. Ông Sisi nhấn mạnh Ai Cập mong muốn thúc đẩy mạnh hợp tác song phương với Vương quốc Anh trong giai đoạn tới và tăng cường phối hợp chính trị trong nhiều vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Hai nhà lãnh đạo đề cập đến các cách thức và triển vọng trong việc tăng cường hợp tác hai nước ở nhiều cấp độ khác nhau và tận dụng khả năng sẵn có của cả hai bên trong những lĩnh vực này. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục tăng cường đối thoại mang tính xây dựng giữa Ai Cập và Anh trong giai đoạn tới.
COP27: Hơn 25 nước tham gia nhóm đối tác mới nhằm duy trì cam kết bảo vệ rừng
Ngày 7/11, tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập, hơn 25 quốc gia đã nhất trí tham gia nhóm đối tác mới nhằm thể hiện trách nhiệm với cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, đồng thời công bố tài trợ hàng tỷ USD cho những nỗ lực này.
Một khoảng rừng Amazon bị thiêu rụi ở gần Porto Velho, bang Rondonia, Brazil. Ảnh tư liêu: AFP/TTXVN
Khuôn khổ mới được thành lập mang tên Quan hệ đối tác của các Lãnh đạo về Rừng và Khí hậu với sự tham gia của các nước Nhật Bản, Pakistan, Cộng hòa Congo, Anh và nhiều nước khác. Diện tích rừng của các nước tham gia nhóm chiếm 35% tổng diện tích rừng trên thế giới. Nhóm đặt mục tiêu họp 2 lần/năm để theo dõi tiến triển trong việc thực hiện cam kết chấm dứt nạn phá rừng.
Cuộc họp đầu tiên của nhóm do 2 nước Ghana và Mỹ chủ trì diễn ra ngay trong ngày 7/11, một năm sau hội nghị COP26 tại Anh, khi hơn 140 lãnh đạo cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào cuối thập kỷ này. Từ đó đến nay, mới chỉ có một số nước đưa ra các chính sách quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn nạn phá rừng và tài trợ cho các nỗ lực chấm dứt hành vi trái phép này.
Trong một tuyên bố, ông Alok Sharma, người giữ chức Chủ tịch COP26 năm ngoái, cho biết khuôn khổ quan hệ đối tác mới này là bước tiến quan trọng tiếp theo để cùng thực hiện cam kết nói trên và giúp duy trì mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Các báo cáo cho thấy khoảng 22% trong số 12 tỷ USD quỹ công mà chính phủ một số nước năm ngoái cam kết đóng góp trong giai đoạn 2021-2025 đã được giải ngân để hỗ trợ các nước đang phát triển bảo vệ rừng. Trong tuyên bố mới nhất, Đức cho biết sẽ tăng gấp đôi khoản tài trợ lên 2 tỷ euro (1,97 tỷ USD) đến năm 2025 cho công tác bảo vệ rừng.
COP27: LHQ cảnh báo thế giới kề cận 'thảm họa khí hậu' Trong khuôn khổ ngày làm việc thứ hai của Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh, Ai Cập, ngày 7/11, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã có những phát biểu cảnh báo mạnh mẽ về tình trạng khủng hoảng...