Ai Cập kêu gọi BRICS thúc đẩy cải cách tài chính toàn cầu
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 26/9, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty đã kêu gọi Nhóm các nền kinh tế mới nổi ( BRICS) đóng vai trò chủ chốt trong việc cải cách cơ cấu tài chính quốc tế và cung cấp đủ nguồn tài chính cho các quốc gia đang phát triển.
Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Ông Abdelatty đã đưa ra phát biểu trên trong cuộc họp các Ngoại trưởng BRICS diễn ra bên lề khóa họp thứ 79 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York.
Ngoại trưởng Ai Cập nhấn mạnh việc các tổ chức tài chính quốc tế và các ngân hàng phát triển phải có năng lực tài chính đầy đủ, công bằng và có khả năng đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập, ông Abdelatty cũng ủng hộ việc các quốc gia đang phát triển có đại diện lớn hơn trong quá trình ra quyết định liên quan đến kinh tế toàn cầu. Người đứng đầu ngành ngoại giao của Ai Cập kêu gọi BRICS ủng hộ cơ cấu nợ quốc tế bền vững hơn và cung cấp nguồn tài chính cần thiết để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) ở các quốc gia đang phát triển. Theo ông Abdelatty, điều này có thể đạt được thông qua các khoản tài trợ, tài trợ ưu đãi, chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực.
Ngoại trưởng Ai Cập đã nêu bật những thách thức hiện nay mà các quốc gia BRICS đang phải đối mặt, bao gồm căng thẳng địa chính trị, mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh, khủng hoảng kinh tế, mức nợ cao, biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở các khu vực Trung Đông và Arập. Ông lên án mạnh mẽ cuộc xung đột ở Dải Gaza, nhấn mạnh hành động quân sự của Israel đã khiến hàng nghìn người vô tội thiệt mạng, gây ra sự tàn phá trên diện rộng và bất ổn trong khu vực, đồng thời ảnh hưởng đến an ninh của các tuyến vận chuyển quốc tế. Ông Abdelatty tái khẳng định yêu cầu của Ai Cập về lệnh ngừng bắn ngay lập tức và việc Israel tuân thủ luật nhân đạo quốc tế.
Video đang HOT
Ngoại trưởng Ai Cập cũng nêu bật tầm quan trọng của BRICS trong việc dẫn đầu các cuộc đàm phán về khí hậu quốc tế trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Ông hối thúc việc tuân thủ các nguyên tắc chung của Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển, xác định những quyền và trách nhiệm của các quốc gia nhằm giúp thế giới phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc “trách nhiệm chung, nhưng có sự khác biệt” của các nước phát triển.
BRICS là tổ chức hợp tác kinh tế, thương mại đa quốc gia, được thành lập hồi năm 2006 bao gồm 4 nước sáng lập là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Trong năm 2011, Nam Phi chính thức tham gia nhóm này. Đầu năm nay, BRICS đã kết nạp thêm 5 nước thành viên gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).
Ai Cập kêu gọi khôi phục các quyền hợp pháp của người dân Palestine
Ai Cập nêu bật tầm quan trọng các nỗ lực thống nhất của cộng đồng quốc tế nhằm khôi phục các quyền hợp pháp của người dân Palestine, thúc đẩy giải pháp hai nhà nước.
Hiện trường đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 14/9/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 19/9, Ai Cập đã hoan nghênh việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Israel chấm dứt chiếm đóng các vùng lãnh thổ Palestine, trong đó có Đông Jerusalem, trong vòng 12 tháng.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập nêu rõ Cairo nhấn mạnh việc thông qua nghị quyết với đa số phiếu cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với việc chấm dứt sự chiếm đóng của Israel tại các vùng lãnh thổ của Palestine.
Ai Cập cũng nêu bật tầm quan trọng các nỗ lực thống nhất của cộng đồng quốc tế nhằm khôi phục các quyền hợp pháp của người dân Palestine, thúc đẩy giải pháp hai nhà nước, chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với các vùng lãnh thổ của Palestine và thành lập một nhà nước Palestine độc lập dựa trên đường biên giới được xác lập vào ngày 4/6/1967, với Đông Jerusalem là thủ đô.
Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc được thông qua ngày 18/9 với 124 quốc gia ủng hộ, 14 nước bỏ phiếu chống (trong đó có Israel và Mỹ), 43 nước bỏ phiếu trắng.
Nội dung chính bao gồm yêu cầu Israel rút quân, chấm dứt mở rộng khu định cư bất hợp pháp; di dời người định cư ra khỏi vùng đất bị chiếm đóng; phá dỡ một phần bức tường ngăn cách ở Bờ Tây.
Cùng ngày, trong các cuộc gặp với giới chức lãnh đạo Quốc hội Mỹ tại Washington, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty đã tái khẳng định lập trường phản đối mọi hành động cưỡng bức di dời người Palestine.
Ngoại trưởng Ai Cập yêu cầu Israel rút khỏi hành lang Philadelphi và cửa khẩu Rafah để cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza. Ông cũng hối thúc ngăn chặn sự mở rộng xung đột do chính sách của Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.
Trong diễn biến liên quan, Mỹ ngày 19/9 tuyên bố vẫn đang nỗ lực để thúc đẩy việc đạt được một thỏa thuận bình thường hóa mang tính bước ngoặt giữa Israel và Saudi Arabia.
Thỏa thuận này là kế hoạch có sự tham gia của Mỹ, trong đó Washington cam kết hợp tác với Riyadh về quốc phòng, an ninh và hạt nhân.
Để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ, các nước Arập và Washington cũng thúc đẩy Israel đồng ý với lộ trình về nhà nước Palestine, điều mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nhiều lần từ chối.
Trong bối cảnh nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden chỉ còn 4 tháng nữa, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman ngày 18/9 cho biết nước này sẽ nỗ lực thúc đẩy việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem, đồng thời khẳng định vương quốc này sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel nếu không có điều này.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller thừa nhận rằng Saudi Arabia từ lâu đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy thực hiện giải pháp hai nhà nước và đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.
Ông Miller khẳng định Mỹ tin rằng về lâu dài, việc bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel là vì lợi ích của cả hai nước và khu vực. Washington vẫn đang nỗ lực thúc đẩy việc đạt được những mục tiêu trên trong bối cảnh giao tranh ở Gaza vẫn đang tiếp diễn.
Hồi đầu tháng 9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông vẫn tin vào một thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Israel là khả thi trước khi Tổng thống Biden rời nhiệm sở vào tháng 1/2025./.
Ai Cập, LHQ kêu gọi nhanh chóng đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty và Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 13/9 đã điện đàm để thảo luận về những diễn biến mới nhất tại Dải Gaza và tình hình leo thang ở Bờ Tây. Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống khu vực Al-Mawasi, phía Tây Khan Younis, Dải Gaza, ngày 10/9/2024. Ảnh:...