Ai Cập “dâng” cảng chiến lược cho tàu chiến Nga?
Vì một số động thái khiến đồng minh Cairo nổi giận, Mỹ có thể sẽ mất thành phố cảng chiến lược Port Said của Ai Cập vào tay người Nga. Đây là nơi hoàn hảo cho các tàu chiến Nga.
Ngoại trưởng Nga (bên phải) và Ngoại trưởng Ai Cập
Từ đầu thế kỷ 19, thành phố cảng Port Said của Ai Cập đã được xem như là một thành phố toàn cầu nằm ở vị trí trung tâm thương mại của toàn bộ thế giới bởi nơi đây nằm sát với Kênh đào Suez.
Trên thực tế, nhà thơ nổi tiếng Rudyard Kipling từng nói về thành phố cảng Port Said như sau: “Nếu bạn thực sự mong muốn tìm thấy một người mà bạn quen biết và người này đang đi đâu đó, có hai điểm trên toàn cầu mà bạn chỉ cần ngồi đợi bởi sớm hay muộn người đó cũng đi qua, đó là: cảng ở London và ở Port Said”.
Nếu sử dụng Kênh đào Suez, quãng đường từ London đến Mumbai là 11.600km. Không sử dụng Kênh đào Suez, chuyến đi vòng quanh Nam Phi sẽ dài tới tận 19.800km. Trong cuộc sống bình thường, thời gian là tiền. Còn trong chiến tranh, thời gian là chiến thắng hoặc cái chết
Chỉ cách đây một thời gian ngắn, thành phố Port Said vẫn thường xuyên đón chào những chiếc tàu chiến của Mỹ và những con tàu này được phép đi qua con đường ưu tiên ở Kênh đào Suez Canal. Tuy nhiên, vào cuối tháng 10 mới đây, Tổng Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân sự Nga – ông Vacheslay Kondrasco đã có cuộc gặp tới 3 ngày với Tư lệnh Quân đội Ai Cập Sisi, có thể là bàn về những thỏa thuận vũ khí mới.
Như vậy, trong tương lai, tàu sân bay USS Eisenhower của Mỹ cùng với nhóm tàu tấn công của nó gồm 4 tàu nổi và 1 đến 2 tàu ngầm, có thể sẽ phải chờ đợi rất lâu để có thể đến hay đi từ Biển Địa Trung Hải đến Biển Đỏ. Mỹ có thể sẽ “mất trắng” thành phố Port Said của Ai Cập vào tay người Nga.
Video đang HOT
Hôm 2/11 vừa rồi, trong một phát biểu gây choáng váng mang tính chỉ trích nhằm vào việc chính quyền Tổng thống Barack Obama ngừng cung cấp vũ khí và cắt viện trợ cho Ai Cập, Ngoại trưởng Ai Cập – ông Nabil Fahmy đã cảnh báo Ai Cập sẽ tìm đến các nguồn quân sự mới ngoài Mỹ để đáp ứng nhu cầu an ninh của nước này và rằng Mỹ “bây giờ sẽ phải đối mặt cả với người dân Ả-rập chứ không chỉ dừng lại ở các chính phủ Ả-rập”.
Đề cập đến tình trạng “sóng gió” trong mối quan hệ của chính quyền Obama với Ai Cập – đồng minh vững chắc suốt 35 qua của Mỹ, Ngoại trưởng Fahmy thông qua bài trả lời phỏng vấn hiếm hoi với lời cảnh báo cũng hiếm hoi của mình để thông báo với Tổng thống Obama về việc Ai Cập đang phát triển “nhiều lựa chọn, nhiều con đường” để tiến lên phía trước, trong đó có những mối quan hệ quân sự.
Ngoại trưởng Fahmy cũng phát đi một lời đe dọa rất mạnh mẽ đối với việc xử lý tình hình Ai Cập thời hậu Morsi của ông Obama: “Nếu các bạn tiếp tục quan tâm đến khu vực Trung Đông, các bạn hoặc cần có quan hệ tốt đẹp với quốc gia là điểm tập trung của khu vực Trung Đông hoặc ít nhất là có được các mối quan hệ có thể kiểm soát tốt”.
Ai Cập mở rộng quan hệ hợp tác với Nga
Một minh chứng rõ nhất cho việc Nga và Ai Cập đang hướng tới mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa hai nước là Tổng thống Vladimir Putin được cho là sẽ thực hiện một chuyến thăm đến Ai Cập trong tháng này. Giới phân tích tin rằng, mục đích chuyến thăm của ông Putin rõ ràng là nhằm để thay thế vai trò của Mỹ với tư cách là một nhà cung cấp vũ khí cho Ai Cập trong bối cảnh quan hệ giữa quốc gia Trung Đông này với đồng minh Mỹ lâu năm đang xấu đi một cách trông thấy.
Tờ Washington Free Beacon đưa tin, ông chủ điện Kremlin sẽ đến thăm Ai Cập vào cuối tháng này. Giới chức Mỹ dự đoán, trong chuyến thăm đó, Tổng thống Putin sẽ thông báo về một thỏa thuận vũ khí lớn giữa hai nước. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Mỹ-Ai Cập đang yếu đi và cán cân ảnh hưởng trong khu vực Trung Đông đang thay đổi theo chiều hướng có lợi cho Nga.
Căng thẳng giữa Ai Cập và Mỹ leo thang sau khi Tổng thống Obama phong tỏa một phần viện trợ quân sự cho Ai Cập hồi tháng trước. Động thái này được đưa ra sau khi ông chủ Nhà Trắng được cho là thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống bị truất quyền của Ai Cập – ông Mohammed Morsi thuộc Đảng Anh em Hồi giáo.
Tờ Washington Free Beacon nhấn mạnh, Ai Cập đang rất quan tâm đến máy bay chiến đấu cũng như các tên lửa phòng không Tor của Nga. Ngoài ra, Cairo cũng muốn Nga nâng cấp cho họ những chiếc xe tăng thời Xô-viết.
Nếu chuyến thăm của ông Putin thành công, Nga sẽ khôi phục được quan hệ với Ai Cập – một mối quan hệ vốn đã từng rất mạnh mẽ cho đến năm 1977 khi Tổng thống Ai Cập thời đó là ông Anwar Sadat quyết định phá vỡ quan hệ với Nga để quay sang Mỹ.
Thông tin về chuyến thăm của Tổng thống Putin được đưa ra sau khi có những thông tin ban đầu về việc Ai Cập đang có ý định mua tới 15 tỉ USD vũ khí của Nga, trong đó có những chiếc chiến đấu cơ MiG-29 và nhiều thiết bị quân sự khác. Ai Cập đã thể hiện sự quan tâm rất lớn đến vũ khí của Nga sau khi một phái đoàn của quốc gia Trung Đông đến thăm thủ đô Moscow gần đây.
Trước đó, trong một nỗ lực nhằm hàn gắn lại quan hệ với đồng minh Ai Cập, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi tuần trước cũng đã có chuyến thăm đến Cairo nhưng chuyến thăm này được cho là đã không thành công.
Vân Linh – (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Thụy Sĩ tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam
Ủy viên Hội đồng Liên Bang Johann N. Schneider-Ammann, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Thụy Sĩ sẽ thăm chính thức Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 24 - 26 tháng 10 năm 2013 theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Schneider-Ammann
Chuyến thăm chính thức lần này sẽ tập trung vào quan hệ kinh tế song phương, hợp tác phát triển kinh tế cũng như thương mại và đầu tư. Đoàn tháp tùng Ủy viên Hội đồng Liên bang Schneider-Ammann bao gồm 16 doanh nghiệp, 3 tổ chức kinh doanh và Bộ trưởng phụ trách kinh tế của 2 bang tháp tùng. Các công ty có mặt trong đoàn đại diện cho các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của Thụy Sĩ là dược phẩm, ngân hàng, bảo hiểm, máy móc, năng lượng, công nghiệp đồng hồ, dịch vụ bay, vận tải đường sắt và các hãng tư vấn.
Chuyến thăm của Ủy viên Hội đồng Liên bang Schneider-Ammann nhấn mạnh cam kết của cả hai nước trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế vốn đã năng động giữa Thụy Sĩ và Việt Nam .
Trong thời gian ở Hà Nội vào ngày 24 tháng 10, Ủy viên Hội đồng Liên bang Schneider-Ammann và đoàn sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Mục đích của chuyến thăm lần này là tăng cường quan hệ kinh tế và cùng nhau vượt qua các vấn đề còn mở. Ngoài ra trao đổi trong các cuộc hội đàm chính thức cũng sẽ tập trung vào các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do EFTA-Việt Nam đang diễn ra và về hợp tác kĩ thuật giữa hai nước.
Mặc dù kinh tế thế giới suy thoái, Thụy Sĩ và Việt Nam vẫn duy trì trao đổi thương mại mạnh mẽ và đa dạng, đạt doanh thu 1 tỉ USD năm 2012. Năm 2013, kim ngạch thương mại song phương tăng 10% (đạt 734 triệu tính đến tháng 8). Thương mại giữa hai nước dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa sau khi kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EFTA mà Thụy Sĩ là thành viên. Đầu tư Thụy Sĩ lên tới 2 tỉ USD vào năm 2012, đưa Thụy Sĩ lên vị trí nhà đâu tư châu Âu lớn thứ 4 và nhà đầu tư nước ngoài thứ 19 tại Việt Nam.
Về hợp tác phát triển tại Việt Nam, Thụy Sĩ mới đây đã công bố chiến lược quốc gia mới giai đoạn 2013-2016 với các ưu tiên rõ ràng về hợp tác kinh tế và phát triển, và ngân sách dành cho Việt Nam tăng lên 132 triệu USD trong vòng 4 năm tới (tăng 50%). Từ năm 2009, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia duy nhất tại châu Á nhận được ưu tiên của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO). Lĩnh vực hoạt động của SECO bao gồm hỗ trợ khung điều kiện vững chắc cho quản lí kinh tế vĩ mô, hội nhập thương mại và cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ và khuyến khích chính sách thân thiện với môi trường và sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Sau chuyến thăm chính thức tại Hà Nội, ngày 25 tháng 10, Ủy viên Hội đồng Liên bang cùng đoàn sẽ làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh các cuộc họp với Lãnh đạo UBND Tp Hồ Chí Minh, Đoàn sẽ thăm Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam nơi công ty Thụy Sĩ Endress Hauser áp dụng công nghệ đảm bảo tiêu chuẩn cao nhất trong quá trình sản xuất bia. Ủy viên Hội đồng Liên bang Schneider-Ammann và đoàn doanh nghiệp cũng sẽ thăm các dự án Thụy Sĩ đồng tài trợ về duy trì cạnh tranh và trách nhiệm doanh nghiệp (SCORE) tại Công ty cổ phần Phú Tài, một trong những nhà máy sản xuất đồ nội thất được hỗ trợ ở tỉnh Đồng Nai. Dự án nhằm mục đích tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường điều kiện lao động, phát triển kĩ năng và hỗ trợ tăng trưởng toàn diện. Dự án do Tổ chức Lao động thế giới ILO và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI thực hiện.
Hải Yến
Theo_VnMedia
Bị Mỹ bỏ rơi, phe nổi dậy Syria bất mãn Các chiến binh của Quân đội Syria Tự do thừa nhận, họ sẽ không thể đánh chiếm được thủ đô Damascus nếu không có sự giúp đỡ của các lực lượng bên ngoài. Tuy nhiên, phe nổi dậy tuyên bố sẽ không trông chờ vào Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh nữa bởi tất cả những nước này đều là "những kẻ...