Ai bảo hoạt hình tĩnh vật đã lỗi thời? 10 bộ phim sau sẽ chứng minh điều ngược lại
Dòng phim tĩnh vật (stop-motion) dù không phổ biến như hoạt hình máy tính, nhưng lại mang một nét đẹp riêng và sự kỳ công đến khâm phục của người sản xuất. Ngoài “ Isle of Dogs” thì đây là những bộ phim hoạt hình tĩnh vật mà bạn nhất định phải xem.
Thành công của bộ phim Isle of Dogs (Đảo của những chú chó), ra mắt vào hồi đầu tháng 6 năm nay đã một lần nữa khiến người ta phải chú ý đến thể loại phim hoạt hình vô cùng độc đáo: stop-motion (hoạt hình tĩnh vật). Vậy bạn đã xem bao nhiêu bộ phim hoạt hình tĩnh vật rồi? Và bạn đã biết gì về thể loại hoạt hình vô cùng độc đáo này?
Stop-motion luôn khẳng định vị trí vững chắc của mình
Ít ai biết rằng, stop-motion là thể loại lâu đời nhất trong các thể loại hoạt hình với tác phẩm đầu tiên là The Humpty Dumpty Circus (1897). Thuật ngữ “stop-motion” dùng để chỉ những phim có nhân vật là con rối, đất sét, cắt giấy, mô hình đồ chơi,…
Trong dòng phim này, các cảnh được thực hiện bằng cách ghép hàng loạt những bức ảnh tĩnh chụp các chuyển động liên tiếp nhau. Độ xê dịch của các mẫu vật càng nhỏ thì chuyển động trên phim sẽ càng mượt. Những ai chưa quen có lẽ ban đầu sẽ thấy khó chịu với phương thức chuyển động ngắt giật trong phim. Tuy chuyển động không thể mượt mà như hoạt hình CGI (hoạt hình máy tính) hay hoạt hình vẽ tay, nhưng stop-motion là có hiệu ứng hình ảnh rất đẹp.
Do hoạt hình tĩnh vật dùng ảnh chụp vật thật, được dàn dựng dưới ánh sáng mô phỏng tự nhiên nên có thể tạo được hiệu ứng nổi 3D mà không cần sự can thiệp của các chương trình đồ họa cao cấp. Thậm chí có nhiều ý kiến tranh luận rằng những chất liệu (textures) được sử dụng trong hoạt hình CGI không chân thật bằng những hình ảnh trong stop motion, vốn là ảnh chụp những vật liệu thực tế.
Cận cảnh dàn “diễn viên” trong “Isle of Dogs”.
Tùy theo chất liệu sử dụng mà stop motion lại được phân chia thành các thể loại nhỏ như hoạt hình cắt giấy, hoạt hình con rối, hoạt hình đất sét,… Stop motion đòi hỏi sự tỉ mỉ và tính kiên trì vô cùng cao với rất nhiều công đoạn phức tạp khác, từ việc tạo mô hình, cho đến việc xây dựng các trường quay và chụp ảnh.
Chẳng hạn phim ParaNorman (2012) được thực hiện trong hai năm với đội ngũ hơn 320 nhà thiết kế, họa sĩ, kĩ thuật viên. Tác phẩm được quay tại 52 địa điểm khác nhau. Các vật liệu được sử dụng bao gồm: khoảng 3,77 tấn bột mực máy in, 308 lít hồ siêu dính, 66 432 thỏi nam châm, 729 tờ giấy nhám, 2430 bình xịt màu, 1900 tấn silicon,…Phim sử dụng 178 hình nộm cho 61 nhân vật, các tạo hình khuôn mặt của nhân vật được lưu giữ trong 1257 chiếc hộp. Có tất cả 1 770 601 bức ảnh đã được chụp. Những con số ấn tượng trên đã cho thấy sự kì công của các nhà sản xuất trong việc sản xuất một bộ phim hoạt hình con rối.
Quá trình tạo ra ParaNorman.
Khi hoạt hình vẽ tay dần lụi tàn và hoạt hình CGI vẫn đang thống trị thì stop motion vẫn khẳng định được vị trí chắc nịch của mình. Sự kì công của các nhà chế tác cùng những tiến bộ trong kĩ thuật dựng phim đã cho ra đời những bộ phim stop motion được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật. Nhiều phim đã được đề cử hoặc đoạt giải Oscar như Wallace & Gromit: The Curse of the Were-Rabbit (2005), Coraline (2009), Frankenweenie (2012), Kubo and the Two Strings (2016),…
1. Isle of Dogs (2018)
Isle of Dogs là bộ phim mới nhất của đạo diễn Wes Anderson – người được biết đến với những tác phẩm nổi tiếng trước đó như The Grand Budapest Hotel (2014), Moonrise Kingdom (2012). Phim được thực hiện bởi một đạo diễn người Mỹ nhưng lại gây ngạc nhiên vì mang đậm nét văn hóa Nhật Bản. Bộ phim lấy bối cảnh thành phố Megasaki, Nhật Bản. Một đợt dịch cúm bùng phát và lan rộng đã khiến Thị trưởng Kobayashi quyết định đưa tất cả chó ở thành phố đến Đảo Rác. Cậu bé Atari, cháu trai của ngài thị trưởng đã tự tìm cách đến Đảo Rác, tìm lại chú chó Spots bị mất tích của mình, với sự giúp đỡ của năm con chó khác trên đảo.
Video đang HOT
Phim là sự kết hợp hài hòa giữa hình ảnh đẹp và cách kể chuyện giàu tính ẩn dụ, mang tính biểu tượng cao. Đằng sau câu chuyện về những chú chó bị bỏ mặc là những ẩn dụ sâu cay về chính trị, xã hội. Trong Isle of Dogs, đạo diễn Wes Anderson đã đưa vào hầu hết những nét văn hóa rất đặc trưng của đất nước mặt trời mọc: nghệ thuật trình diễn trống taiko, anime, kịch kabuki, thơ haiku, hoa anh đào, và cả “cột khói hình nấm” gợi sự liên tưởng đến những quả bom nguyên tử đã trút xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki.
Isle of Dogs không những giúp đạo diễn Wes Anderson đoạt giải tại Liên hoan phim Berlin 2018 mà còn nhận được cơn mưa lời khen của giới phê bình bởi sự sáng tạo, đột phá trong hình ảnh. Trên IMDb, phim đạt 8/10 điểm và đạt 82 điểm trên trang phê bình uy tín Metacritic.
2. Kubo and the Two Strings (Kubo và sứ mệnh Samurai, 2016)
Nếu như Walt Disney nổi tiếng bởi những phim hoạt hình vẽ tay kinh điểm, Pixar mở ra kỷ nguyên hoạt hình máy tính thì Laika lại được biết đến với loạt phim stop motion đình đám. Cứ 2 – 3 năm Laika mới cho ra mắt một phim mới và hầu như phim nào cũng được giới phê bình đánh giá rất cao. Kubo and the Two Strings kể về cậu bé Kubo, một cậu bé mù một mắt có năng lực phép thuật.
Với sự trợ giúp của Khỉ và Bọ Cánh cứng, cậu phải tìm cách đánh bại hai chị em Karasu và Yukami, Nguyệt Đế Raiden và đội quân các linh hồn bóng tối của hắn. Bộ phim gây ấn tượng bởi hình ảnh sống động, nhạc phim hay và cốt truyện hấp dẫn. Phim nhận được nhiều lời khen từ giới chuyên môn và được đề của 2 giải Oscar cho Phim hoạt hình hay nhất và hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất.
3. Shaun the Sheep Movie (Cừu quê ra phố, 2015)
Những người hâm mộ loạt phim truyền hình Shaun the Sheep nổi tiếng của đài BBC sẽ có dịp được chiêm ngưỡng những chú cừu tinh nghịch trên màn ảnh rộng. Bộ phim kể về kế hoạch nghịch ngợm quá đà của cừu Shaun, vô tình khiến chiếc xe và cả ông chủ nông trại bị lăn vào thành phố. Để chuộc lỗi, Shaun đã cùng anh bạn chó Blitzer lên kế hoạch giải thoát cho ông chủ và đưa bầy cừu trở về.
Shaun the Sheep là một trong những thành công nhất của Aardman, một studio chuyên theo đuổi thể loại hoạt hình stop motion ở Anh. Phim được đề của giải Oscar cho phim hoạt hình xuất sắc nhất và nhận được những phản hồi tích cực từ giới phê bình cũng như khán giả.
4. ParaNorman (ParaNorman và giác quan thứ 6, 2012)
Đây là một trong những bộ phim nổi bật của hãng Laika. Lấy bối cảnh tại thị trấn Blithe Hollow, ParaNorman kể về cậu bé 11 tuổi Norman Babcock, có khả năng trò chuyện với người chết. Một ngày nọ, người chú kỳ quặc Prenderghast tìm đến Norman và cho cậu biết lời nguyền phù thủy yểm vào thị trấn cách đây 300 năm sắp linh nghiệm. Chỉ có Norman là người duy nhất ngăn chặn được hiểm họa từ lời nguyền này. Norman đã sử dụng đến giác quan thứ sáu để chạm tới những giới hạn của thế giới bên kia. ParaNorman đã được đề của giải Oscar cho phim hoạt hình xuất sắc nhất và được giới phê bình đánh giá cao.
5. Frankenweenie (Chó ma, 2012)
Không chỉ làm ra những bộ phim hoạt hình cổ tích đầy màu sắc, năm 2012 Walt Disney Pictures còn cho ra mắt phim hoạt hình stop motion đen trắng, có hơi hướng kỳ bí, rùng rợn với cái tên Frankenweenie. Bộ phim kể về tình bạn giữa cậu bé Victor với chú chó Sparky của mình.
Sau khi Sparky chết vì bị một chiếc xe hơi tông phải, Victor đã tìm mọi cách để “sửa chữa” Sparky, đưa chú chó của mình trở lại cuộc sống. Mặc dù trở lại với hình dạng hơi đáng sợ, nhưng Sparky vẫn là một người bạn tốt và trung thành. Tác phẩm mang phong cách đặc trưng của đạo diễn Tim Burton đã được đề của một giải Oscar phim hoạt hình xuất sắc nhất.
6. Fantastic Mr. Fox (Gia đình nhà cáo, 2009)
Trước khi cho ra mắt tuyệt phẩm Isle of Dogs, đạo diễn Wes Anderson đã cho ra mắt phim hoạt hình stop motion đầu tiên của mình, Fantastic Mr. Fox. Bộ phim nói về ngài Cáo (Mr. Fox) chuyên đi ăn cắp thức ăn mỗi đêm từ những người nông dân khá giả. Họ bực bội và muốn tìm cách giết Mr. Fox.
Tuy nhiên, mọi việc dường như chẳng hề dễ dàng, cả gia đình nhà cáo thừa sức đánh lừa những người nông dân và vẫn tận hưởng cuộc sống bình an vô sự trong lòng đất. Fantastic Mr. Fox có lối kể chuyện đầy trào lộng, mỉa mai, đã trở thành “thương hiệu” của Wes Anderson. Phim được đề của một giải Oscar Phim hoạt hình xuất sắc nhất.
7. Coraline (Cô bé Coraline, 2009)
Lại một siêu phẩm nữa đến từ hãng phim Laika. Bộ phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Neil Gaiman, kể về cô bé Coraline. Cô bé không nhận được sự quan tâm của bố mẹ ruột và đã khám phá ra một đường hầm bí mật dẫn đến một ngôi nhà khác với bố mẹ khác có đôi mắt khâu bằng cúc áo, họ ra sức chiều chuộng cô.
Coraline những tưởng mình sẽ được hưởng cuộc sống hạnh phúc nhưng mọi rắc rối bất ngờ xảy đến khi cô bé bị những người bố mẹ “hờ” muốn giữ lại vĩnh viễn ở thế giới của họ. Mặc dù để tuột mất giải Oscar Phim hoạt hình xuất sắc nhất vào tay Up (Vút bay, 2009) của Pixar nhưng Coraline vẫn được giới phê bình đánh giá rất cao.
8. Wallace & Gromit: The Curse of the Were-Rabbit (Wallace và Gromit: Lời nguyền của ma thỏ, 2005)
Trước khi Shaun The Sheep ra đời, hãng Aardman đã cho ra mắt loạt phim hoạt hình stop motion rất thành công về hai nhân vật Wallace và Gromit. Cho đến nay, hai nhân vật này vẫn được coi là biểu tượng của Aardman. Với sự nổi tiếng của hai nhân vật này, hãng Aardman kết hợp với DreamWorks đã cho ra mắt Wallace & Gromit: The Curse of the Were-Rabbit năm 2005 và đã trở thành phim hoạt hình stop motion đầu tiên đoạt giải Oscar Phim hoạt hình xuất sắc nhất. Phim kể về “cặp bài trùng” Wallace và Gromit trong kế hoạch đánh bại con thỏ quái vật khổng lồ chuyên ăn trộm rau củ của thị trấn.
9. Corpse Bride (Cô dâu ma, 2005)
Đây lại là một siêu phẩm nữa đến từ xưởng phim Laika, dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Tim Burton. Cốt truyện của phim được lấy bối cảnh tại một ngôi làng hư cấu ở châu Âu những năm 1800 dưới thời Victoria. Victor Van Dort và Victoria Everglot đang chuẩn bị hôn lễ. Trong một lần vào rừng, Victor đã gặp gỡ Emily, một cô dâu xác chết đem lòng yêu anh, buộc anh phải lựa chọn giữa cô và người vợ sắp cưới.
Từ đây, những bí mật về cái chết của Emily dần dần được phơi bày. Từ cách tạo hình nhân vật đến màu sắc đen trắng và cả cốt truyện của Corpse Bride đều được phủ một màu sắc kỳ bí, rùng rợn. Phim gây ấn tượng mạnh mẽ, được giới phê bình đánh giá rất cao và được đề của một giải Oscar Phim hoạt hình xuất sắc nhất.
10. Chicken Run (Phi đội gà bay, 2000)
Nhắc đến hoạt hình tĩnh vật, không thể không nhắc đến đàn gà làm bằng chất dẻo Plasticine trong Chicken Run, một “tượng đài” của thể loại stop motion. Đây cũng là tác phẩm đánh dấu sự kết hợp của xưởng Aardman và DreamWorks. Bộ phim cảm động và hài hước có nội dung về đàn gà đang tìm cách trốn khỏi trang trại của vợ chồng người chủ độc ác, trước khi bị biến thành nhân bánh bao.
Phim gợi sự liên tưởng đến những bộ phim về cảnh nhà tù thời Thế chiến thứ hai như The Great Escape, Stalag 17, Escape of the Birdmen và cũng “bóng gió” nhắc đến những phim khác như Braveheart, Star Trek. Vào thời điểm bộ phim ra đời, Viện hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ chưa có hạng mục giải Oscar cho phim hoạt hình xuất sắc nhất. Chicken Run đã nhận được một đề của Quả cầu Vàng và được đánh giá cao.
Theo Trí Thức Trẻ
Vượt qua 'lời nguyền' phần 2, 'Incredibles 2' trở thành bộ phim hoạt hình đạt được mốc 1 tỷ USD nhanh nhất mọi thời đại
Một thành tích quá khủng cho 'nhà chuột' và Pixar đối với bộ phim "Incredibles 2 - Gia đình siêu nhân".
Mới đây, Incredibles 2 đã chính thức vượt mốc cột mốc 1 tỷ USD tại phòng vé toàn cầu và đồng thời cũng trở thành bộ phim hoạt hình vượt qua cột mốc tỷ đô sớm nhất mọi thời đại. Trở lại năm 2004 - thời điểm phần đầu tiên ra mắt, Incredibles đã ngay lập tức trở thành một trong những bộ phim được yêu thích nhất trong vũ trụ phim Pixar. Và sau 14 năm chờ đợi phần tiếp theo, đạo diễn Brad Bird cuối cùng cũng đã sản xuất ra được một phần tiếp theo cực kì xuất sắc và làm thỏa mãn khán giả từ trẻ em cho đến người lớn.
Theo Variety, Incredibles 2 đã vượt mốc 1 tỷ USD vào ngày 30/7 - sau 7 tuần kể từ thời điểm bộ phim chính thức ra mắt khán giả. Nhờ thành tích này, chỉ tính riêng trong năm 2018 thì hãng Disney đã có tới ba phim vượt qua cột mốc 1 tỷ USD lần lượt là Black Panther, Avengers: Infinity War và bây giờ là Incredibles 2.
Được biết trước đó, Incredibles 2 đã ghi được kỷ lục bộ phim hoạt hình có doanh thu tại nội địa Bắc Mỹ cao nhất với hơn 574 triệu USD - vượt qua kỷ lục trước đó thuộc về người anh cùng nhà Finding Dory vào năm 2016 với 486,2 triệu USD. Hy vọng nhờ những thành tích khủng này, Pixar sẽ sớm lên kế hoạch cho Incredibles 3 vào thời gian sắp tới
Theo Screenrant
'Gia đình Siêu nhân 2' chính thức cán mốc doanh thu 1 tỷ USD "The Incredibles 2" là bộ phim thứ tư trong năm nay đạt đến thành tích phòng vé đáng mơ ước sau "Black Panther", "Avengers: Infinity War" và "Jurassic World: Fallen Kingdom". Trailer bộ phim 'Gia đình siêu nhân 2' Phần tiếp theo của tác phẩm hoạt hình nổi tiếng "The Incredibles" (2004) ra mắt sau 14 năm dài. Hãng Disney thông báo The...